Vì sao Nguyễn Tiến Trung bị bắt làm nhân chứng trong phiên xử anh Điếu Cày? - Dân Làm Báo

Vì sao Nguyễn Tiến Trung bị bắt làm nhân chứng trong phiên xử anh Điếu Cày?

Nhật Khuê (Danlambao) - Phiên xử ông Nguyễn Văn Hải và các thành viên Câu lạc bộ Nhà báo Tự do (CLBNBTD) hoãn đến 2 lần và lần này mới đưa ra xét xử. Một trong những nhân chứng bị triệu tập đến tòa kỳ này có Nguyễn Tiến Trung, không phải là thành viên của CLBNBTD. Đây là một thế bất lợi cho các bị cáo là thành viên của CLBNBTD. Bởi các lý do sau:

1. Tòa án muốn hướng dư luận đến chỗ kết tội CLBNBTD là "phản động" vì nhân chứng Nguyễn Tiến Trung kỳ này là một tù nhân đang thi hành án về tội danh "phản động". Chỉ có "phản động" mới liên kết với nhau. Và Nguyễn Tiến Trung đã "chịu nhận tội" trong phiên tòa trước thì lần này sẽ có khả năng khiến các bị cáo 'tâm phục khẩu phục' khả thi hơn, ít nhất là về mặt tuyên truyền.

2. Nhân dịp này phía nhà nước cộng sản sẽ có cơ hội tuyên truyền bôi xấu Nguyễn Tiến Trung thêm một lần nữa. Một công đôi việc. Không loại trừ khả năng phía an ninh hăm dọa Nguyễn Tiến Trung và có những hứa hẹn nào đấy với "nhân chứng đặc biệt" này.

3. Phía nhà nước cộng sản sẽ dùng chiến thuật "lấy dân chủ chống dân chủ". Đây là chiêu thức hiểm độc nhất của họ. Vấn đề không phải ở chỗ là trả thù các nhà dân chủ cách cá nhân nhưng là dùng sự có mặt của Nguyễn Tiến Trung để qua các bồi bút của tuyên giáo vẽ lên một hình ảnh xung đột giữa các người hoạt động dân chủ.

4. Nhằm củng cố thêm tính thuyết phục về khoản 2 điều 88 Bộ Luật Hình sự mà họ cố tình gán ghép. Khoản này đề cập đến vấn đề "tổ chức" . Tức là các thành viên CLBNBTD đã có 1 hệ thống tổ chức hẳn hoi chứ không phải là riêng lẽ các thành viên chỉ coi CLB là 1 diễn đàn.

5. Mọi cố gắng là họ dồn tội nặng nề cho ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) với vai trò là người chủ mưu, đứng đầu, lập kế hoạch. Bà Tạ Phong tần và ông Phan Thanh Hải bị đẩy xuống hàng đồng phạm không nguy hiểm bằng "người cầm đầu".

Nhận định về việc Nguyễn Tiến Trung bị trích xuất đi làm nhân chứng trong phiên tòa này thì giới am hiểu luật pháp trong nước cho biết là hiện tại đang có nhiều bất lợi cho 3 bị cáo trong phiên xử ngày 24.9 này. Tuy nhiên việc trích xuất Nguyễn Tiến Trung đi làm nhân chứng cũng là một hành động nguy hiểm cho nhà nước. Có thể Nguyễn Tiến Trung "phản đòn" thì vụ án sẽ đẩy theo 1 hướng khác. Phía an ninh điều họ sợ nhất là sự "đối chất" đây là 1 dịp để các bên đối chất với nhau và đối chất với các luật sư các bên. Ở đây quyền lợi của họ không mâu thuẫn nên các luật sư sẽ đứng về 1 phía. Họ sẽ chất vấn "nhân chứng" đến cùng nên việc trích xuất Nguyễn Tiến Trung chính là "ván cờ liều" của an ninh Việt Nam.

Đó là chưa kể phần ông Phan Thanh Hải (Blog Anh Ba Sài Gòn) sẽ có dịp trình bày những lý do về chuyện "ăn năn" và "xin khoan hồng". Mọi bất ngờ có thể xảy ra ở phía bị cáo có người thân hiện đang là thẩm phán của tòa án thành phố này.

Nhìn vào cáo trạng cũng như các bước chuẩn bị của tòa án thì thấy là vai trò của người luật sư bảo vệ cho ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) là nặng nề nhất. Vậy mà ông chỉ có 1 luật sư bào chữa trong khi 2 bị cáo còn lại ai cũng có 2 luật sư bào chữa. Đây là việc phân công của các luật sư chưa hợp lý và khoa học. Điều này có thể khắc phục trong phiên xử phúc thẩm sắp đến.

Với lý lẽ cho rằng "án bỏ túi" thì có trăm, ngàn luật sư gì cũng vô ích. Nhưng phiên tòa đặc biệt chú ý dư luận thì chắc chắn các bản "án bỏ túi" cũng phải bị cân nhắc nhiều lần. Phía ra bản án hay phía bị tuyên án và cả phía ngoài dư luận luôn tìm cách " soi" vào bản án kỳ quặc này. Cũng chưa trễ nếu bây giờ tiếp tục đấu tranh cho phiên xử phúc thẩm sắp đến.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo