Để cứu lấy rừng Cát Tiên tôi chấp nhận đánh đổi... - Dân Làm Báo

Để cứu lấy rừng Cát Tiên tôi chấp nhận đánh đổi...

SGTT.VN - Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, cán bộ lâm nghiệp, người được biết nhiều như một chuyên viên về bảo vệ đa dạng sinh học vườn quốc gia Cát Tiên, vừa gửi thư cho Chủ tịch nước về việc bảo vệ vườn quốc gia Cát Tiên không bị hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A xâm hại. Trước đó, ông cũng đã gửi thư cho Thủ tướng. Theo ông Thuật, vườn quốc gia Cát Tiên là tài sản quốc gia, tài sản chung, nếu ai cũng bỏ mặc thì tài nguyên Việt Nam sẽ nhanh chóng mất sạch, mà cuối cùng, chỉ có người dân gánh chịu hậu quả.

Có thông tin cho rằng vì gửi thư kêu cứu cho rừng quốc gia Cát Tiên mà ông bị yêu cầu tường trình, làm bản kiểm điểm? 

Trước đó, tôi từng bị ban lãnh đạo vườn quốc gia Cát Tiên kỷ luật ở mức khiển trách vào ngày 22.5.2012, vì gửi thư cho Thủ tướng Chính phủ về các tác động xấu của thuỷ điện đến vườn quốc gia Cát Tiên. Lần này cũng vậy, họ yêu cầu tôi kiểm điểm vì cho rằng tôi gửi thư cho Chủ tịch nước là vi phạm quy định, làm không đúng thẩm quyền của mình, không thuộc chức năng và nhiệm vụ cấp trên giao cho. 

Ông nhận thức thế nào về việc làm của mình? 

Họ giải thích cho tôi rằng, phát ngôn là việc của giám đốc vườn quốc gia. Giám đốc không cho gửi thư đến Chủ tịch nước mà tôi vẫn gửi, nghĩa là chống lệnh trên. 

Khi tôi thắc mắc là tôi gửi thư với tư cách một công dân Việt Nam, thì họ cho rằng, tôi là nhân viên vườn quốc gia Cát Tiên, làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến Cát Tiên, đến lãnh đạo bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tôi nhận thức tầm quan trọng đối với sự an nguy của hàng triệu người dọc lưu vực sông Đồng Nai và rất nhiều loài sinh vật trong vườn quốc gia Cát Tiên. Tôi là một công dân, đồng thời là một nhà khoa học, tôi không thể chạy theo tâm lý đám đông và ủng hộ những việc sai trái. Tôi sẽ nhận bất cứ hình thức kỷ luật nào trên giấy tờ, nhưng thâm tâm tôi không chấp nhận nó. Tôi ý thức việc mình làm theo lương tâm, trách nhiệm và sự tự do cao nhất của một công dân Việt Nam theo Hiến pháp nước nhà. 

Vì sao ông quyết tâm cứu lấy Cát Tiên trước hai dự án thuỷ điện? 

Rất nhiều lý do, trước hết vườn quốc gia Cát Tiên đang là nơi UNESCO nghiên cứu để công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, nếu có thuỷ điện thì điều này khó xảy ra. Nơi đây làm thuỷ điện khá nhạy cảm vì tập trung khá nhiều loài động vật đặc hữu, thậm chí rất quý hiếm. Nơi dự kiến làm thuỷ điện cũng là nơi mà không gian văn hoá, di sản Óc Eo mà chúng ta còn chưa khám phá hết. Yếu tố ảnh hưởng đời sống các dân tộc cư ngụ xung quanh khu vực này cũng chưa được tính đến. 

Tóm lại, khi anh thực hiện một dự án mà chưa đánh giá được hết hậu quả của nó là điều không thể chấp nhận được. Dưới góc độ một người làm nghiên cứu khoa học, tôi không thể nào im lặng được. Lấy ví dụ như núi Fuji tại Nhật Bản không được công nhận là di sản thế giới, vì quân đội nước này có dành một khoảng đất để tập trận và thường có tiếng súng, làm ảnh hưởng đến thiên nhiên là làm ảnh hưởng đến nhiều thứ, chứ không đơn thuần chỉ có những thiệt hại thấy được. 

Ông nghĩ gì về quyết định kỷ luật sắp tới, nếu có? Giả sử ông bị cho thôi việc? 

Thì tôi sẽ tiếp tục ủng hộ việc bảo vệ vườn quốc gia Cát Tiên bằng những cách khác, chứ không nhất thiết phải có sự ràng buộc. Khi viết thư cho Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước, tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho mình. Làm đúng lương tâm và trách nhiệm thì không có gì phải sợ hãi. Đó là lựa chọn, cũng là cách sống của tôi. 

Thu nhập của tôi tạm đủ nuôi gia đình. Nếu bị buộc thôi việc tôi sẽ làm tư vấn từ xa cho một số đơn vị và dịch thuật, vì tôi thành thạo tiếng Anh và tiếng Nhật. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo