Giật mình vì sự lạm quyền của Công an xã - Dân Làm Báo

Giật mình vì sự lạm quyền của Công an xã


Tuấn Anh - Phi Hùng (Phapluatvn) Liên tiếp từ giữa tháng 5/2012 đến cuối tháng 9/2012, cả nước ghi nhận gần 10 trường hợp công an xã (CAX) "ra tay" một cách “quá mức” đối với những người vi phạm hoặc nghi là vi phạm pháp luật. Dư luận đặt dấu hỏi: Phải chăng khâu tuyển chọn, giám sát hoạt động đối với lực lượng này còn nhiều "lỗ hổng"?.

Được "mời" lên rồi "đi" luôn 

Trong mấy tháng gần đây, trên địa bàn cả nước từ Yên Bái, Phú Yên, Vĩnh Long đến Cà Mau hay ngay giữa thủ đô Hà Nội, liên tiếp các vụ CAX lạm dụng quyền hành tự ý nổ súng hoặc dùng công cụ hỗ trợ hành hung người dân, với tần suất khá dồn dập, tính chất và mức độ ngày một nghiêm trọng. 

Cho tới giờ này, nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết của ông Nguyễn Mậu Thuận tại trụ sở CAX Kim Nỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội) sau khi ông được CAX này “mời” lên trụ sở làm việc hôm 30/8/2012 vì có liên quan đến một vụ xô xát, tranh chấp với người hàng xóm. Khi người nhà ông có mặt tại trụ sở, thì đã thấy ông Thuận nằm sóng sượt trên giường, tay chân lạnh ngắt, tim ngừng đập, trên người có nhiều vết sưng, bầm, các cổ tay, cổ chân còn hằn dấu còng sắt. 

Ngày 26/6/2012, anh Trương Ngọc Lợi bị Trưởng CAX Xuân Quang 3 (Phú Yên) 
trong tình trạng “ngà ngà” rượu đánh để lại 14 vết thương. 

Trước sự bức xúc của người dân, ngày 31/8, Công an huyện Đông Anh đã khởi tố vụ án cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người, đồng thời bắt giữ những người liên quan gồm Hoàng Ngọc Tuyên, Phó Trưởng CAX Kim Nỗ; Nguyễn Trọng Kiên, Đoàn Văn Tuyến, Hoàng Ngọc Thức… đều là Công an viên (CAV) của xã này để phục vụ công tác điều tra. 

“Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. 

Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay; không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công…”, trích Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. 

Trước đó - ngày 12/5/2012, tại Phú Yên, anh Ngô Thanh Kiều (ngụ xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) được CAX Hòa Đồng gửi giấy mời tới trụ sở vào sáng hôm sau, với lý do “cần hỏi một số việc”. 

Nhưng, rạng sáng 13/5, ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng CAX Hòa Đồng, cùng một số người bất ngờ ập vào tư gia còng tay, bắt anh Kiều đưa đi mà không đọc lệnh bắt giữ. Sau đó, anh Kiều được đưa về trụ sở Công an TP.Tuy Hòa làm việc do nghi dính líu tới một vụ trộm. 

Chiều cùng ngày, anh Kiều được đưa tới Bệnh xá Công an rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cấp cứu nhưng đã tử vong. Chiều 14/5, khi lực lượng Công an đưa quan tài anh Kiều về nhà, vợ anh và một số người thân liền ra chặn xe, không cho đưa xác anh đi chôn. 

Họ yêu cầu Công an phải làm rõ cái chết trước khi mai táng. Theo kết quả giám định của Pháp y tỉnh Phú Yên, anh Kiều chết do chấn thương sọ não, chấn thương phần mềm... Lãnh đạo Công an tỉnh Phú Yên cũng thừa nhận, việc Công an bắt, còng tay anh Ngô Thanh Kiều là sai. 

Nổ súng làm trọng thương phụ nữ, học sinh 

Pháp lệnh về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2011 mặc dù đã quy định cấm không được nổ súng vào đối tượng khi biết rõ đó là phụ nữ, người tàn tật, hay trẻ em, nhưng những sự việc xảy ra mới đây cho thấy CAX - lực lượng vũ trang bán chuyên trách ở một số địa phương đôi khi đã lạm dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ một cách quá mức cần thiết. 

Một phụ nữ bị CAX Mỹ Hòa (Vĩnh Long) bắn trọng thương hôm 20/9/2012. 

Cụ thể, tại Vĩnh Long, xuất phát từ bức xúc của người dân ấp Mỹ Thới 2 khi chính quyền địa phương thi công tuyến đường từ trung tâm xã về Rạch Chanh đã không bồi thường đất, không có quyết định thu hồi đất của bà con…, sáng 20/9/2012, cán bộ xã và CAX Mỹ Hòa đến khu đất của các hộ dân Trương Văn Oanh, Trương Văn Long, Nguyễn Văn Triệu và Trương Văn Dư để bảo vệ thi công công trình, thì bị các gia đình nói trên ngăn cản. 

Giữa người dân và lực lượng bảo vệ đã xảy ra ẩu đả và một CAX đã dùng súng bắn vào dân. Công an huyện Bình Minh (Vĩnh Long) xác nhận có 3 người bị trúng đạn, trong đó bà Nguyễn Thị Loan bị 1 viên đạn vào ngực, 1 viên vào chân; bà Nguyễn Thị Nhanh “dính” 1 viên vào chân. 

Câu chuyện tại Vĩnh Long chưa kịp lắng xuống thì mới đây - vào đêm 29/9/2012, tại Yên Bái một Trưởng CAX lại dùng súng truy đuổi và bắn vào học sinh. 

Em Hoàng Thị Tú (học lớp 11, ngụ thôn 7, xã Trúc Lâu, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) vẫn chưa hết hoảng sợ khi nhớ lại cái đêm mà em bị Trưởng CAX nã đạn vào chân: Đêm đó khi đang trên đường dự lễ sinh nhật trở về nhà, Tú cùng hai người nữa đi trên một xe máy, đầu không đội nón bảo hiểm thì bỗng có một xe chạy từ phía sau vượt lên dí súng vào đầu Thọ (người cầm lái) rồi quát tháo ầm ĩ. 

Ngỡ mình bị trấn cướp, Thọ vội rồ ga tháo chạy. Sau đó thì có hai tiếng súng nổ, Tú có cảm giác dưới chân mình ươn ướt, nhìn xuống thấy máu ra lênh láng. Sau khi gia đình đến, Tú mới hay mình bị trúng đạn của Trưởng CAX Trịnh Văn Hiếu... 

Tú được đưa đến Bệnh viện Hữu Nghị 103 để cứu chữa và được xác nhận vào chiều 30/9 là đã tiến hành mổ phần bị thương, rách gân cẳng chân đến cơ, phần mềm giập nát, ở trong có một viên đạn cao su... Trưởng Công an Hiếu sau đó đã phải tường trình với thượng cấp vì việc kiểm tra giao thông trên tuyến Quốc lộ 70 (đoạn qua Yên Bái) không thuộc thẩm quyền của CAX. 

Theo quy định thì tùy đặc điểm, tình hình của từng xã tại từng địa phương mà CAX được hoặc không được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ. Nhưng tại một số nơi nếu không được trang bị vũ khí thì các loại công cụ hỗ trợ đôi khi lại thành thứ “vũ khí” để một số CAX “diễu võ, dương oai” với người dân.


Thượng tá Nguyễn Đình Thế, Phó Trưởng Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội): 
Cấp ủy, chính quyền chưa sâu sát 

Có ý kiến cho rằng, một sỹ quan công an được đào tạo chính quy với rất nhiều kiến thức nghiệp vụ trong nhiều năm mà khi ra công tác còn gặp không ít vấn đề, trong khi CAX do không được đào tạo bài bản nên dẫn tới thực trạng như đã nêu.

Theo tôi đó cũng là một nguyên nhân, nhưng vấn đề căn bản nằm ở khâu quản lý, sử dụng lực lượng CAX, vì hiện nay từ huyện cho tới cấp ủy chính quyền cơ sở có nơi, có lúc vẫn còn buông lỏng vấn đề này. Do vậy, cần phải sát sao hơn nữa trong quản lý; đồng thời thường xuyên giám sát, phê bình, nhắc nhở công việc của họ...

Nếu sai phạm không được chỉ ra một cách nghiêm túc để họ thấy quyền hạn của mình được và không làm gì thì chắc chắn họ khó thực hiện đúng chức trách của một người làm công tác đảm bảo an ninh trật tự.
Thiếu tá Nguyễn Tiến Hoàng Anh, Phó Trưởng Công an huyện Quảng Ninh (Quảng Bình):

Nhiều mô hình hay có dấu ấn công an xã

Tiêu chí tuyển chọn, bổ nhiệm CAX ở địa bàn chúng tôi khá cao, cụ thể phải tốt nghiệp 12/12, đồng thời phải có phẩm chất chính trị, sức khỏe...

Chúng tôi đặc biệt ưu tiên những trường hợp Đảng viên, bộ đội xuất ngũ để tuyển lựa, bổ nhiệm vào các vị trí trong lực lượng CAX. Sau khi tuyển vào, họ được cử đi học một lớp nghiệp vụ kéo dài khoảng 2 năm.

Thực tế, ở huyện Quảng Ninh vẫn còn nhiều người muốn được vào công tác trong CAX, dù thu nhập không cao. Thế nhưng trên thực tế, họ vẫn làm việc khá trách nhiệm. Đáng nói, có không ít mô hình hay về bảo vệ an ninh trật tự được hình thành từ cấp cơ sở và trong đó đều có dấu ấn đậm nét của lực lượng CAX.

Tôi ví dụ mô hình “Tổ xung kích tự quản về an ninh trật tự” ở thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh là mô hình tiêu biểu đã được UBND huyện và Công an huyện Quảng Ninh cho phép nhân rộng tại 15 xã, thị trấn trong toàn huyện. Công an tỉnh Quảng Bình cũng đánh giá cao mô hình này.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo