Vũ Văn Thái (Danlambao) - Chính chủ tức là người chủ chính thức rõ ràng hợp lý của một sản phẩm, môt sự kiện cụ thể nào đó và vì vậy thân chủ của nó được toàn quyền sử dụng và chịu trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm lương tâm của những thứ do mình sở hữu hoặc do mình tạo ra.
Cái điều xưa như trái đất ấy tưởng ai cũng hiểu. Ai dè ở xứ ta, cái xứ kỷ lục của những chuyện cười ra nước mắt ấy thiên hạ cãi nhau loạn xạ, càng cãi càng hăng đến phùng mồm trợn mắt, đầu tiên là dân cãi lại quan, quan cãi với dân bất phân thắng bại, thấy gay cấn quá và xem chừng cũng nhiều mầu mỡ nữa nên quan cũng nhảy đại vào cãi lộn với nhau khiến bàn dân thiên hạ được một trận cười vỡ bụng và rồi mọi thứ lại càng rối tung lên chẳng biết đâu mà lần và để hạ nhiệt thượng sách là tạm dẹp.
Nguyện vọng được làm chủ những thứ do mồ hôi nước mắt của mình tạo ra hay do ông cha để lại là hoàn toàn đúng đắn xa hơn nữa là được quyền làm chủ quyền làm người mà Thượng Đế đã ban tặng. Thế nhưng ở mình để thực hiện những nguyện vọng chính đáng rất nhân bản ấy đôi khi khó hơn cả lên "Trời" bởi một rừng luật rối rắm và tệ nhất là những người được giao trọng trách làm luật hay thực thi pháp luật lại hành xử một cách rất vô pháp luật khiến xã hội ngày càng loạn và con người ngày càng tha hoá biến chất.
Những chuyện tranh cướp giành giật nhau những thứ mà mình không phải chính chủ như tranh cướp những lon bia những con lợn trên những chuyến xe không may bị lật, nhẫn tâm hơn có kẻ còn đang tâm trấn lột cả những tài sản của những nạn nhân đang hấp hối thay vì cứu giúp, những vụ cướp đất cướp nhà trắng trợn, những vụ đâm chém nhau cướp vợ giành chồng, những vụ đạo văn đạo nhạc đình đám, những vụ chủ thật bằng đểu, bằng thật chủ đểu diễn ra khá phổ biến và được xem là chuyện thường ngày ở huyện. Ngược lại có những thứ mười mươi của mình bị bắt tận tay day tận trán mà vẫn chối đây đẩy nhỏ thì như chuyện làm phĩnh bụng con người ta rồi chạy làng, lớn hơn chút là chuyện ăn tàn phá hại biết bao tiền của của dân của nước mà vẫn lu loa bao biện, khi bị dồn cùng đường thì lại đổ thừa cho cô văn thư cho cậu đánh máy nhầm lẫn. Bí nữa thì đổ đại cho cơ chế, cho dân mình dân trí chưa cao v.v... v.v...
Trên cái nền xã hội như vậy để đưa ra một chính sách đúng đắn hợp lý thoả mãn cho tất cả mọi người và để thực thi nó quả là điều không đơn giản. Nhưng nếu các quan có trách nhiệm nhà ta cứ buông trôi bỏ mặc ngại va chạm ngại điều tiếng để mình được tròn vo, uy tín bình bình. Còn dân thì mặc sức lợi dụng sống chết mặc bay miễn mình được lợi. Cạnh đó lại còn có kẻ đục nước béo cò thỉnh thoảng nhảy ra chọc nguáy mua điểm thì xã hội đã loạn sẽ càng loạn hơn.
Để giải được vấn nạn trên kẻ tiện nhân này mạnh dạn đưa ra vài mọn ý nếu chẳng may chó ngáp phải ruồi có cải thiện được đôi chút thì chỉ xin nhận một phần triệu giải Nobel để mẹ đĩ đi chợ (chứ không dám đòi một nửa giải đâu). Những mọn ý đó là:
- Trước tiên phải yêu cầu các quan được giao trọng trách làm luật và thực thi luật pháp phải thật sự công tâm gương mẫu thượng tôn pháp luật, chấm dứt ngay cách làm: trên 10.000 tỷ đồng sai phạm thì cho qua trong khi xe chưa kịp sang tên đổi chủ thì đè ngửa ra phạt.
- Cần đẩy mạnh tuyên truyền để cả quan lẫn dân thông hiểu pháp luật bởi thực sự quan trí, dân trí của mình đang có lỗ hổng rất lớn về những kiến thức sơ đẳng nhất. Thế mới có chuyện ông cục trưởng cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (bộ Tư pháp) rất hồn nhiên trả lời thế này:
"...Theo tôi, khi người dân tham gia giao thông chỉ cần có giấy phép lái xe, có giấy chứng nhận kiểm định đúng luật là được rồi. Bắt họ mang cả giấy đăng ký xe là không phù hợp. Vì đăng ký xe là quản lý theo chiều sâu liên quan đến sở hữu, người dân mang theo giấy đăng ký xe là không cần thiết, dễ xảy ra mất mát, bất tiện. Hơn nữa, trường hợp cho mượn xe, nếu chấp hành quy định này thì người mượn có thể cầm cố hay bán xe, gây hậu quả nghiêm trọng cho chủ sở hữu".
Thật tuyệt cú mèo ông cục trưởng ạ! Ngân sách sẽ kiếm được cả đống tiền bởi hàng trăm triệu biển đăng ký xe sẽ được tháo bỏ để bán đồng nát (vì đeo vào có tích sự gì đâu, không có giấy đăng ký thì bố ai biết được biển thật hay biển đểu). Rồi ngành thép đang hấp hối bỗng được hồi sinh, nạn trộm cắp xe cộ mặc sức tung hoành, bộ công an sẽ phải tuyển thêm người, nhà tù phải xây thêm mới đủ và GDP biết đâu lại chẳng được phình thêm vài phết phẩy. Thừa thắng mình xông lên ông ạ, ta đề nghị bỏ qoách cả việc mang giấy tuỳ thân (giấy chứng minh hoặc hộ chiếu) theo người cho đỡ rách việc để người và phương tiện được cùng bình đẳng.
Té ra chuyện ngồi nhầm chỗ ở xứ mình đâu phải là chỉ ở các cháu cấp 1, cấp 2. Vừa có một ông tài cao học rộng, trên thông thiên văn dưới tường địa lý kinh sách làu làu mới mấy bữa trứơc còn nói như đinh đóng cột mình trăm phần trăm đúng thế mà khi đấu lý với mấy bà nông dân chân đất mắt toét mới té ngửa ra rằng bấy lâu nay ta làm sai bét. Bởi chỉ mãi chạy theo "lệ" theo "màu" chứ có mấy khi mang luật ra soi vì thế tính sơ sơ mới có mấy năm mà đã trên 3000 sai phạm. Thật tuyệt trong cái rủi lại có cái may, bởi chính ông và bộ của ông cầm chắc rằng mình đúng thì đám dân đen chúng tôi mới có cơ được hầu tiếp nếu không thì đợi đấy đến mùa quýt nhé! Đúng là cháy nhà mới ra mặt chuột. Nếu không thì trăm tội cứ đổ đầu cho đám dân đen vẫn được coi là ít học ngang bướng càn rỡ.
Sự kém cỏi của cán bộ còn gây ra biết bao vấn nạn cho xã hội,gây ra biết bao bức xúc vô lý.
Tỷ như việc xin thành lập quỹ từ thiện "Cơm có thịt". Một việc làm trong sáng như thế nhân văn như thế mà bị hành lên hành xuống đến khốn khổ, hết bổ xung cái này lại đính chính cái khác. Ngay cả cái tên: "Cơm có thịt". Tiếng Việt là "chính chủ"100%. Đảm bảo 100% sự trong sáng của tiếng Việt chứ chẳng có chút Tây, chút Tàu nào cả mà vẫn bị nghi ngờ có thế lực "thù địch" nào cuộn tròn trong đó. Thế rồi bị ngâm đến năm sáu tháng không thèm hồi âm. Để những đứa trẻ đói khát vùng cao phải lép bụng dài cổ đợi hoài (Nghị định 30/2012/NĐ-CP ngày 12-4-2012 ghi rõ thời gian tối đa để trả lời chấp nhận hay không chấp nhận hồ sơ xin phép lập quỹ xã hội - từ thiện là 45 ngày).
Căn nguyên của tình trạng này là gì? Nếu không phải là do chính những người có trách nhiệm giải quyết việc này năng lực rất yếu không biết phân biệt đúng sai, cái gì cũng sợ và sợ nhất là cái ghế của mình nên chẳng dám quyết cũng chẳng dám trả lời, thượng sách là để lâu cứt trâu hoá bùn cho êm chuyện chứ chẳng có điều luật nào hay ông to bà lớn nào răn đe nhắn nhủ không được quyết. Tương tự như vậy chắc cũng chẳng ông to bà lớn nào dám trắng trợn răn đe (có chăng chỉ là đôi lời bóng gió hoặc thần hồn nát thần tính) mà đến nỗi mấy trăm tờ báo viết, báo hình báo tiếng thường không dám tuyên truyền cho cái hay cái đúng, không dám vạch trần những điều xấu xa dối trá để xã hội lên án đào thải mà chỉ thấy mải mê chạy theo những pha hở ngực hở mông để đáp ứng những thị hiếu tầm thường và có dịp là ùa theo đám đông ném đá chứ chẳng được tích sự gì. Vì thế xã hội ngày càng phân hoá, con người bị phân tâm. Như thế thì làm sao mà có đồng thuận cho được.
Trở lại câu chuyện xe chính chủ gần đây. Chắc chắn mọi người đều đồng ý xe đương nhiên là phải có chủ và quy định khi trao đổi mua bán cho tặng đã hoàn thành thì bắt buộc phải sang tên đổi chủ là hoàn toàn đúng đắn và những chế tài kèm theo để thực thi quy định là cần thiết. Tuy nhiên do chúng ta buông lỏng quản lý một thời gian khá dài, lệ phí trước bạ sang tên đổi chủ có thể chưa hợp lý, thủ tục lại quá rườm rà và không ít tiêu cực do vậy một số lượng không nhỏ xe cộ trong dân cư chưa được đứng tên chính chủ gây rất nhiều trở ngại cho chính người sở hữu cũng như các cơ quan thực thi pháp luật. Để tháo gỡ vướng mắc này cần thiết phải có một lộ trình hợp lý với nhiều giải pháp đồng bộ của các cấp các ngành với thiện chí của cả hai phía thì công việc mới có kết quả.
Việc trước tiên phải làm là tuyên truyền rộng rãi để mọi người thấy được đây là một chủ trương đúng đắn và bắt buộc phải làm. Chứ không thế theo kiểu tát nước theo mưa chạy theo ý kiến của đám đông bởi không phải đám đông lúc nào cũng đúng. Thật lạ lùng khi ông tiến sỹ Lê Thẩm Dương trưởng khoa quản trị kinh doanh, ĐHNH TP Hồ Chí Minh lý sự rằng bỏ đi chiếc xe trị giá chỉ còn từ 100.000 đến 200.000 VNĐ là sự lãng phí cực lớn: “Khi áp dụng bất kì một quy định, chính sách nào cũng phải tính đến việc cân bằng các lợi ích chung. Xử phạt xe không sang tên trên thực tế chỉ nhà nước lợi, người dân chịu thiệt. Ngoài ra đó là sự lãng phí khủng khiếp”, TS Lê Thẩm Dương khẳng định.
Ngoài ra, TS Dương cho rằng mức xử phạt xe không đăng ký sang tên cũng “quá nặng” so với khả năng tài chính của người dân trong thực tế:
“Có nhiều chiếc xe có giá trị không lớn, ví dụ như các xe máy mà nhiều người vẫn dùng để chạy chợ, chở nước đá, chở bình ga, chở nước,… chẳng hạn, giá trị chẳng đáng bao nhiêu. Đó hầu hết là xe cũ mua lại, người dân đang tận dụng giá trị sử dụng của nó. Đó là một cách tiết kiệm.
Những chiếc xe này có đem bán cũng chẳng được bao nhiêu, tôi biết có chiếc khi bán cho đồng nát chỉ có 200 ngàn đồng, vậy bây giờ phạt người vi phạm những 1 triệu đồng thì họ sẽ phản ứng ra sao? Chắc chắn là họ sẽ “cho” luôn CSGT chiếc xe đó mà chẳng cần phải tính toán nhiều”.
Thử hỏi ông những chiếc xe như vậy thì hệ thống phanh, hệ thống truyền động, lốp, bánh và các chi tiết khác có còn đảm bảo các tiêu chuẩn tối thiểu về an toàn không? Nếu để nó lưu hành chẳng may gây tai nạn chết nguòi thì thiệt hại biết bao nhiêu? Và lúc đó bài toán tiết kiệm của ông có bao nhiêu nghiệm hỡi ngài tiến sỹ?
Tư duy kiểu này có khác gì kiểu lý sự: "Dân ta còn nghèo, Dân trí chưa cao nên họ mới trộm cắp. Bắt bớ bỏ tù hay xử phạt e chừng hơi quá sợ dư luận phản ứng chi bằng cứ từ từ rồi tính. Trứơc mắt cứ để nguyên hiện trạng này đã. Lỗi của phong kiến đế quốc để lại cơ mà có chết ai đâu mà cứ phải quýnh cả lên"
Thế mới rõ mọi tắc tị đều gây ra bởi những cái đầu. Từ những cái đầu "mênh mông kiến thức" đến những cái đầu luôn bị câu thúc cồn cào bởi đói khát. Và vì thế tất cả đều cần được giải độc bằng những chế tài hợp lý cụ thể là những quy định rõ ràng về trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu.
Ở nước ngoài khi bán xe hoặc cho tặng bao giờ người chủ phương tiện cũng tháo lại biển và lập tức thông báo cắt đăng ký, cắt bảo hiểm với cơ quan quản lý. Người chủ mới muốn lưu hành xe bắt buộc phải thuê biển đỏ (biển chạy tạm có thời hạn) hoặc phải đi đăng ký). Bởi mọi vị phạm như chạy quá tốc độ vượt đèn đỏ dừng đỗ trái phép, chở hàng lậu v.v... người đứng tên đăng ký phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Chứ không thể có truyện bỏ của chạy lấy người như ông Thẩm Dương gợi ý. Đã có không ít người vứt những chiếc xe không còn nhiều giá trị ở những nơi rất khuất thay vì mang tới các bãi vứt xe thải theo quy định (xe vứt vào đây sẽ phải trả một khoản tiền nhất định) mặc dù xe không còn biển số nhưng cảnh sát vẫn tìm ra được chủ nhân của nó và số tiền phạt phải nộp thường là cao hơn giá trị của chiếc xe. Ngay cả việc cho mượn cho thuê xe cũng có những quy định rất chặt chẽ. Nếu ai cho người không có bằng lái xe mượn hoặc thuê xe của mình thì sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí có thể bị truy tố vì thế điều kiện tiên quyết khi muốn mượn hoắc muốn thuê xe là phải xuất trình bằng lái. Người chủ sở hữu luôn phải chịu trách nhiệm về sự an toàn và tính pháp lý đối với chiếc xe của mình. Thí dụ khi xe lưu hành trên đường nếu lốp mòn quá quy định thì cả Chủ xe và người lái xe đều bị xử phạt và trừ điểm trong bằng và người chủ lại thường bị phạt nặng hơn người lái bất luận lúc đó anh có mặt hay không.
Luật lệ nghiêm cẩn vậy nên ở họ tai nạn giao thông không thể sánh với ta. Mặc dù số lượng xe hay mật độ giao thông ở mình chưa là cái đinh gì nếu so với họ.
Những điều giản dị và hợp lý như thế sao ta không học không bàn mà lại toàn đi tính những chuyện đâu đâu trên trời dưới biển.
Rõ ràng những điều như thế mình có thể làm ngay lập tức khỏi cần lấn cấn khả thi hay không. Cái khó nhất có lẽ là ở chỗ luật lệ rõ ràng minh bạch như vậy thì còn gì để lách để ăn và vì thế một số người kể cả quan lẫn dân mới cố tình tránh nó.