Bắc Kinh ô nhiễm và Đập Sông Tranh 2 - Dân Làm Báo

Bắc Kinh ô nhiễm và Đập Sông Tranh 2

Đi Tới (Danlambao) - Hôm Chủ Nhật 13-1-2013, các cao ốc tại Bắc Kinh gần như chìm trong màn sương khói, bụi mù dầy đặc. Dân chúng đã không dám mạo hiểm ra đường vì không khí vượt quá xa chỉ số ô nhiễm. Một số chuyến bay bị hủy bỏ, bệnh viện tăng 20% bệnh nhân, trẻ em và người già được khuyến cáo nên ở trong nhà, những người khác nên tránh các hoạt động ngoài trời, người đi ngoài đường phải đeo mặt nạ (khẩu trang). Nếu không có gió thổi đi, màn sương mù ô nhiễm này có thể kéo dài đến Thứ Tư.

Trung tâm Giám sát môi trường thành phố Bắc Kinh cho biết mật độ hạt bụi PM2.5 đã vượt qua 700 microgram trên một mét khối ở nhiều nơi trong thành phố. Đại sứ quán Mỹ cũng công bố dữ liệu PM2.5 trên Twitter là 886 microgram trên một mét khối. So sánh với tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới là 25 microgram trên một mét khối, người ta mới thấy Bắc Kinh bị ô nhiễm kinh khủng như thế nào. 

PM2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet, khoảng 1/30 chiều rộng trung bình của một sợi tóc con người. Bụi này có thể xâm nhập sâu vào phổi. Đo mật độ các hạt bụi này được coi là chính xác hơn các phương pháp đo lường ô nhiễm không khí khác. Bụi PM2.5 có thể là do hậu quả đốt nhiên liệu xe hơi và nhà máy điện chạy than đá đang "bùng nổ" tại Trung Quốc. Vào mùa đông, mức ô nhiễm cao hơn vì có nhu cầu đốt nhiên liệu để sưởi ấm, không khí ẩm thấp và ít gió thổi bụi đi nơi khác, mật độ PM2.5 tích tụ trong không khí sẽ dầy đặc và độc hại hơn. 

Các nhà bình luận đã cảnh báo rằng Trung Quốc phát triển bất chấp môi trường, họ sẽ phải trả giá đắt sau này. Có lẽ đây là một trong những lần trả giá đắt. Theo đài BBC, "Tình trạng ô nhiễm bao trùm Bắc Kinh và khoảng 30 thành phố của Trung Quốc, khiến nhiều người lên mạng đòi chính phủ hành động." Nghĩa là chính phủ phải xét duyệt lại đường lối phát triển và kiểm soát môi trường. Trước viễn cảnh mà cả thành phố có thể bị ngất xỉu khi ra đường, những đòi hỏi trên của người dân là chính đáng. 

Dưới chế độ CS, làm ẩu thì dễ nhưng khắc phục vấn đề thì không dễ vì nó va chạm quyền lợi chồng chéo của các ban, ngành, địa phương, trung ương và các nhóm lợi ích. Cứ nhìn đập thủy điện Sông Tranh 2 của VN thì rõ. Bất chấp các cuộc động đất mạnh làm nứt đập rò rỉ nước, nứt tường nhà dân; bất chấp các kiến nghị của dân, của chính quyền địa phương, của dân biểu quốc hội, đập Sông Tranh vẫn đứng "run rẩy" trong các trận động đất liên tục và mấy chục ngàn dân ở hạ lưu đập vẫn phải tiếp tục làm quen với động đất chờ ngày tán gia bại sản kể cả mất mạng. Người dân Việt Nam, rồi đây, cũng sẽ phải đứng lên đòi hỏi nhiều quyền lợi chính đáng của mình nếu không muốn để nhà nước CS ca bài "lơ huyền". 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo