Nghệ thuật dối trá - Dân Làm Báo

Nghệ thuật dối trá

Trần Trường Sa (Danlambao) - Xin quý vị đừng lầm là tôi muốn nói đến cái nghệ thuật của sự dối trá. Ở đây tôi muốn nói đến một bộ môn nghệ thuật làm việc dối trá, chẳng có chút nghệ thuật nào cả. 

Số là hôm nay xem bài “Giải mã” Mậu Thân 1968 trên báo Thanh Niên, giới thiệu bộ phim tài liệu Mậu Thân 1968. Dĩ nhiên là tôi chả thèm xem bộ phim này, nhưng tôi tin báo Thanh Niên giới thiệu không sai. Trong bài có đoạn: Câu chuyện của những nhân chứng có thẩm quyền đã làm sáng rõ: cái gọi là cuộc thảm sát đẫm máu” chỉ là đòn tâm lý chiến mà Mỹ dựng lên, thực tế là Huế đã bị bom Mỹ phá hủy làm nhiều thường dân chết cùng với quân giải phóng và lính Mỹ. Và... Những dẫn chứng lịch sử cho thấy thông tin bị làm méo mó. Vào thời điểm đó, một số hãng thông tấn nước ngoài và các nhà báo độc lập đã tìm hiểu và xác định không tìm thấy hố chôn người tập thể như phía Việt Nam Cộng hòa đưa ra.
Ở đây tôi chỉ xin nêu một số bằng chứng tượng trưng. 

Ai đánh sập Cầu Trường Tiền? – 11 cô gái Sông Hương. 

Ai chôn người trong những mồ chôn tập thể tại Bãi Dâu, sau chùa Tăng Quang, trong trường Gia Hội, gần Chợ Thông, cạnh chùa Tường Vân? – Quân giải phóng. 

Ai bắn chết ông Trần Đình Thương, phó tỉnh trưởng dân sự tỉnh Thừa Thiên ngay sáng mồng 2 Tết? – Bộ đội. 

Ai giết người hàng loạt ở Phú Thứ, khe Đá Mài? – Việt Cộng. 

Ai chưa tin, hãy tìm nghe bản nhạc “Hát trên những xác người” của Trịnh Công Sơn thì rõ: 

Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người 
Tôi đã thấy, tôi đã thấy, 
Trên con đường, người cha già ôm con lạnh giá 
Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người 
Tôi đã thấy, tôi đã thấy, 
Những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em. 
Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh 
Chị vỗ tay hoan hô hòa bình 
Người vỗ tay cho thêm thù hận 
Người vỗ tay xa dần ăn năn. 

Còn đây là những lời nói ra từ miệng ông Hoàng Phủ Ngọc Tường khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Thụy Khê

TK: Nhìn từ phía những dữ kiện lịch sử mà anh nắm bắt được, diễn biến Mậu Thân đã xảy ra trong một trình tự như thế nào? 

HPNT: Huế Mậu Thân xảy ra cách đây gần 30 năm. Sách vở, tài liệu đã được công bố từ nhiều phía của cuộc chiến khá đầy đủ, có thể làm cơ sở cho những phân tích khoa học để giải phẫu một cuộc chiến mà thật ra, không thể đơn giản tách riêng ra trong biến cố Mậu Thân. Điều quan trọng còn lại tôi xin ngỏ bày ở đây, với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng. Nhưng tôi cũng tin rằng đây là một sai lầm có tánh cách cục bộ, từ phía những người lãnh đạo cuộc tấn công Mậu Thân ở Huế, chứ không phải là một chánh sách toàn cục của cách mạng. Bởi vì tình trạng giết chóc bừa bãi như vậy, đã không xảy ra ở những địa phương khác trong Mậu Thân, ngay cả trên một địa bàn rộng lớn với tình trạng xen kẽ giữa những lực lượng đối địch rất phức tạp như ở Sài Gòn thời ấy. 

TK: Vậy theo anh ai trách nhiệm về những thảm sát ở Huế? 

HPNT: Tôi không đủ thẩm quyền để phán xét bất cứ một cá nhân nào. Xin trích dẫn theo trí nhớ một ý tưởng trong hồi ký của chính ông Lê Minh, Tư lệnh chiến trường Huế Mậu Thân. ‘Dù bởi lý do nào đi nữa thì trách nhiệm vẫn thuộc về những người lãnh đạo mặt trận Mậu Thân, trước hết là trách nhiệm của tôi’. Qua bài hồi ký tâm huyết này, đã được công bố trên tạp chí Sông Hương, Huế và sau đó nếu tôi không nhớ lầm, đã được dịch và in toàn bộ trên báo Newsweek, tác giả Lê Minh, (lúc đó đã nghỉ hưu) còn nhắc nhở rằng điều quan trọng có thể làm, và phải làm bây giờ, là những người lãnh đạo kế nhiệm ở Huế, phải thi hành chánh sách minh oan cho những gia đình nạn nhân Mậu Thân, trả lại công bằng trong sáng và những quyền công dân chính đáng cho thân nhân của họ. 

Nếu muốn hỏi, hảy hỏi những người dân sống tại Phú Hậu, Phú Thọ, Phú Cát, Hương Long, Thủy Xuân trong giai đoạn 1968 – 1975 về việc khai quật những mồ chôn tập thể sau Mậu Thân; hãy hỏi những học sinh Gia Hội giai đoạn 1970-1975 (trong số này có ông Ngô Hòa hiện là Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã phải nghỉ học mấy ngày để chờ khai quật xong những hố chôn người tại trường Gia Hội. Trong số những thi thể tìm thấy đợt này có thi thể ông Lộ, chưởng môn Thất Sơn thần quyền tại Huế. 

Muốn làm phóng sự, hãy đến Huế tìm những gia đình có đám giỗ ngày mồng 1 Tết để phỏng vấn. Đó là đám giỗ những người bị xử ngay ngày mồng 2 Tết, khi Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng Hòa chưa có một động thái nào phản công. 

Muốn tìm hiểu về nguyên nhân cái chết của những người dân vô tội trong dịp Tết Mậu Thân thì xin nán lại để hỏi những gia đình có đám giỗ đến rằm tháng giêng. 

Không lẽ báo Thanh Niên muốn chơi chữ hay sao khi viết: Câu chuyện của những nhân chứng có thẩm quyền đã làm sáng rõ:... Và hai chữ “Giải mã” đặt trong ngoặc kép! 

Còn những nhân chứng nhân dân không có thẩm quyền thì sao? 

Không lẽ tác giả bộ phim Mậu Thân 1968 muốn đối chọi lại với tác phẩm Bên Thắng Cuộc của Huy Đức khi giới thiệu đã bỏ 10 năm tìm kiếm, gặp gỡ, phỏng vấn... để làm bộ phim này. Hay tác giả chỉ muốn có cơ sở để làm giá với VTV! 

Tôi nghĩ, người dân Huế đã quên đi quá khứ đau buồn của biến cố Mậu Thân. Dân Huế vốn sùng đạo Phật, có lẽ ít ai còn mang lòng căm thù về sự kiện đau buồn này, kể cả những người từng mang bốn chữ “cha chết Mậu Thân” trong lý lịch sau 1975. Những em này không thể thi vào đại học giai đoạn 1975-1985. Đem sự dối trá để khơi gợi lại lòng hận thù để làm gì? Hay đây là âm mưu chia rẽ dân tộc của ngoại bang? 

Dối trá trắng trợn, dối trá không có chút nghệ thuật nào chỉ tổ phơi bày bộ mặt xấu xa của kẻ phá hoại. 

Cuối cùng xin nhắc nhở tác giả bộ phim và những kẻ tiếp tay cho sự dối trá này là: Đất Thừa Thiên linh thiêng có thừa. Đừng đùa giỡn trên linh hồn của hàng ngàn người dân vô tội. Điều chỉ có thể làm là lập đàn chẩn tế, giải oan cho họ; cầu cho vong linh của họ siêu thoát, dân mới an được. Muốn biết, hãy đến gia đình con cái TTM mà hỏi (TTM là tên viết tắt vì tôi không muốn nhắc đến tên một kẻ đã gây nên tội ác dù hắn ta đã chết).








26/1/2013 


*

"Giải mã" Mậu Thân 1968

Minh Ngọ (Thanhnien) - Mậu thân 1968 là bộ phim tài liệu đầu tiên của Việt Nam đề cập trực diện và đi sâu vào sự kiện lịch sử vốn gây nhiều tranh cãi và từng bị cho là nhạy cảm.

Trong hành trình làm rõ sự thật lịch sử về cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968, đạo diễn Lê Phong Lan đã phỏng vấn và đối chất với hàng trăm nhân chứng, trò chuyện với những chuyên gia lịch sử, các nhà báo trong nước và quốc tế.

Hình ảnh trong bộ phim Mậu Thân 1968, ảnh do VTV cung cấp 

Những sự thật trong sự kiện Mậu Thân 1968 là lý do thôi thúc đạo diễn Lê Phong Lan thực hiện bộ phim, nhất là sau khi chị được trò chuyện với thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn trong thời gian làm phim về ông. "Suốt một thời gian dài, đã có những thông tin sai về sự kiện Mậu Thân 1968. Trong khi chúng ta lại không hề lên tiếng". Và bà đã bị thôi thúc đi tìm câu trả lời từ phía những người đã từng đứng phía bên kia chiến tuyến. Bà đã sang Mỹ nhiều lần, lặn lội khắp mọi nơi tìm nhân chứng, tư liệu. Rất nhiều người trong cuộc mà bà phỏng vấn nay đã ra đi, nhưng may mắn là sự thật lịch sử được ghi lại từ họ. Bộ phim Mậu Thân 1968 sẽ không tránh né những quan điểm thẳng thắn, những góc nhìn khác nhau của các nhà nghiên cứu lịch sử, những người trong cuộc về những điều được và mất của cách mạng Việt Nam trong sự kiện Mậu Thân 1968.

Nhiều câu chuyện lịch sử ít người biết được lật lại. Một trong số đó là sự kiện 26 ngày đêm tại Huế từng bị cho là "cuộc thảm sát đẫm máu” được mô tả trong cuốn sách Dải khăn sô cho Huế của nhà văn chế độ cũ - Nhã Ca. Những người làm phim đã phỏng vấn ông Lê Khả Phiêu - người chỉ huy một trung đội trong sự kiện Mậu Thân 1968 tại Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nhà báo Mỹ Stanley Karnow, cựu phóng viên tờ Washington Post Don Lux, GS sử học Larry Berman, và cả những người lính từ hai phía. Những dẫn chứng lịch sử cho thấy thông tin bị làm méo mó. Vào thời điểm đó, một số hãng thông tấn nước ngoài và các nhà báo độc lập đã tìm hiểu và xác định không tìm thấy hố chôn người tập thể như phía Việt Nam Cộng hòa đưa ra. Câu chuyện của những nhân chứng có thẩm quyền đã làm sáng rõ: cái gọi là "cuộc thảm sát đẫm máu” chỉ là đòn tâm lý chiến mà Mỹ dựng lên, thực tế Huế đã bị bom Mỹ phá hủy làm nhiều thường dân chết cùng với quân giải phóng và lính Mỹ.

Trước khi Ðài truyền hình Việt Nam mua bản quyền phát sóng, đạo diễn đã bỏ tiền túi để làm phim. Bà nói: "Tôi làm bộ phim một cách công bằng, khách quan trước hết vì danh dự nghề nghiệp của tôi, thứ hai là với góc nhìn của người Việt Nam và dân tộc Việt Nam”.

Bộ phim tài liệu Mậu Thân 1968 (dài 12 tập) do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Hãng phim truyền hình Bản sắc Việt sản xuất, phát sóng vào lúc 20 giờ trên kênh VTV1 bắt đầu từ ngày 25.1.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo