VRNs sẽ cùng với quý độc giả đọc lại từng tài liệu liên quan đến vụ án này, để một lần nữa thấy bản chất của pháp chế xã hội chủ nghĩa là như thế nào, để từ đó, tự mỗi người có chọn lựa thích hợp để ứng xứ với những vấn đề liên quan đến luật pháp tại Việt Nam trong trường hợp của quý vị trong tương lai.
Trước tiên, chúng ta đọc lại Đơn kháng cáo do chính tay cô Tạ Phong Tần viết, ngày 26.09.2012, từ nhà giam Chí Hòa (trại giam B34 Bộ công an), quận 10, Sài Gòn.
Sau khi giới thiệu vắn gọn về thân thế và những gì liên quan đến vụ án, cô Tạ Phong Tần tố cáo phiên tòa sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng luật về Tố tụng hình sự:
“1. Nhiều người làm chứng vắng mặt, trong khi lời khai những người này được dùng làm chứng cứ buộc tội mà không có sự đối chất giữa người làm chứng và bị cáo (Tạ Phong Tần).
2. Vài người làm chứng có mặt, lời khai mâu thuẫn cũng không được đối chất với bị cáo (Tạ Phong Tần).
3. Lời khai của bị cáo Phan Thanh Hải mâu thuẫn và suy diễn bắt tội cho tôi nhưng cũng không được đối chất.
4. Giám định viên là ông Nghiệp (cá nhân) giám định toàn bộ 101 bài viết của tôi (mà không phải là hội đồng), không giám định riêng rẽ từng bài. Cá nhân ông Nghiệp cũng không đủ tư cách là giám định viên chiếu theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.
5. Các tài liệu dùng làm chứng cứ buộc tội tôi không được đưa ra thẩm tra công khai tại phiên tòa. Cáo trạng cáo buộc tôi 101 bài viết, nhưng [chỉ] đưa ra được cái tên (tít) vài bài, còn lại không biết những bài viết nào, vì tôi viết hơn 1.000 bài đủ các thể loại. Không dẫn chứng được tôi đã viết sai câu gì, ở đâu. Tôi khẳng định với quý tòa tối cao là tôi không bao giờ có viết câu chữ nào sai, vi phạm pháp luật.
6. Chủ tọa phiên tòa giới hạn thời gian tranh luận, không cho luật sư của tôi và tôi trình bày nội dung bào chữa dù nội dung không lạc đề, không trùng lấp, chỉ phản biện những cáo buộc trong cáo trạng.
7. Tôi đề nghị kiểm sát viên giữ quyền công tố tranh luận với tôi, nhưng cũng bị chủ tọa cắt ngang không cho nói.
8. Không chứng minh được tôi có mục đích chống nhà nước là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng vẫn buộc tội.
9. Nội dung kết quả giám định (dùng buộc tội) đều là những lời lẽ suy diễn vu vơ, hàm hồ, rồi chửi mắng, nhục mạ danh dự, nhân phẩm tôi, xúc phạm tôn giáo của tôi, cắt xén câu chữ trong bài viết của tôi, để xuyên tạc theo hướng xấu, bất lợi cho tôi, vu cáo tôi bôi nhọ nhà nước.
10. Không chứng minh được tài sản, đồ vật của tôi là phương tiện phạm tội, nhưng vẫn tuyên tịch thu”.
Những điểm trong Bản kháng cáo của cô Tạ Phong Tần rất rõ ràng, ấy vậy, mà phiên tòa phúc thẩm hôm 28.12.2012, vẫn không được xem xét nghiêm túc. Ông Vũ Quốc Tú, một nhân chứng có giấy triệu tập của tòa, nhưng đã bị công an cản đường, không cho đến tòa. Thời gian phiên tòa phúc thẩm có vẻ dài hơn sơ thẩm, nhưng thực ra cũng chỉ bấy nhiêu. Cụ thể, luật sư Nguyễn Thanh Lương xin đọc bài bào chữa gồm 4 phần trong 40 phút thì đã bị cắt, chỉ cho đọc 2 phần cuối, ngắn hơn hai phần không cho đọc. Tòa tỏ ra lắng nghe luật sư bằng cách yêu cầu các luật sư nộp văn bản các bài bào chữa đã chuẩn bị, để xem xét, nhưng giờ đâu để tòa xem xét? Đây chỉ là một trò lừa luật sư và công chúng mà thôi.
Bản án đã được tuyên ở phiên phúc thẩm: “y án” là một khẳng định pháp chế xã hội chủ nghĩa “y thế”.