Thiện Giao (Người Việt) - Âm nhạc, và những tài liệu sót lại từ biến cố Mậu Thân 1968 sẽ là nguồn lưu giữ lâu dài nhất, chính xác nhất, những chứng tích liên quan đến vụ thảm sát Mậu Thân tại Huế.
Hát trên những xác người
Mậu Thân 1968, những gì xảy ra cho người đã chết, sẽ còn mãi trong lòng người đang sống. Biến cố ấy sẽ không trôi qua trong quên lãng. Mậu Thân 1968 để lại dấu vết trong âm nhạc, trong văn chương, trong hồi ký, và trên báo chí.
Mậu Thân được mô tả rất thực trong bản nhạc “Hát Trên Những Xác Người” ghi dấu địa danh Bãi Dâu.
Chiều đi lên Bãi Dâu
Hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy
Trên con đường
Người ta bồng bế nhau chạy trốn
Chiều đi lên Bãi Dâu
Hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy
Những hố hầm
Ðã chôn vùi thân xác anh em...
Mậu Thân được ghi lại trong “Cơn Mê Chiều” với cầu Trường Tiền, với Kim Long, Nam Dao, lên án “đàn con nay lớn khôn, mang gươm đao vào xóm làng.”
Chiều nay không có em
Mưa non cao về dưới ngàn
Ðàn con nay lớn khôn
Mang gươm đao vào xóm làng
Chiều nay không có em
Xác phơi trên mái lầu
Một mình nghe buốt đau
Xuôi Nam Giao
Tìm bóng mình
Ðường nội thành
Ðền xưa ai tàn phá
Cầu Tràng Tiền
Bạc màu loang dòng máu...
Mậu Thân cũng được ghi lại trong hồi ký nổi tiếng một thời, “Giải Khăn Sô Cho Huế”.
Mậu Thân ghi lại những hình ảnh qua âm nhạc, thực và rõ ràng hơn cả hàng trăm thước phim hay hàng loạt bài phóng sự.
Xác người nằm trôi sông
Trôi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố
Trên những đường quanh co
Xác người nằm bơ vơ
Dưới mái hiên chùa
Trong giáo đường thành phố
Trên thềm nhà hoang vu...
Xác người nằm quanh đây
Trong mưa lạnh này
Bên xác người già yếu
Có xác còn thơ ngây
Xác nào là em tôi
Dưới hố hầm này
Trong những vùng lửa cháy
Bên những vồng ngô khoai
Những cảnh tượng chết chóc Mậu Thân sẽ không trôi qua trong quên lãng, khi hàng ngàn người, vừa thanh niên, vừa trí thức, vừa sinh viên, học sinh, phải chết chỉ trong chưa đầy một tháng.
Hai bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, “Bài Ca Viết Cho Những Xác Người” và “Hát Trên Những Xác Người” được sáng tác năm 1968, sau khi Trịnh Công Sơn từ Huế trở về Sài Gòn. Những ngày diễn ra biến cố tại Huế, Trịnh Công Sơn có mặt tại cố đô.
Trong một bài viết cách đây vài năm, nhà văn Phạm Xuân Ðài, một người bạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khẳng định, hai nhạc phẩm viết nhân vụ Mậu Thân là sự ghi lại trong vai trò của một nhân chứng.
Ông viết: “Toàn là những xác người, gần giống như những thước phim tài liệu của Ðức Quốc Xã ghi hình ảnh thi hài chồng chất của người Do Thái. Bài hát này của Sơn là một phóng sự bằng nghệ thuật cho người đời biết thế nào là sự chết chóc khi ‘anh em ta về’ thành phố Huế dịp Mậu Thân. Chắc chắn, đó là dịp Sơn nhìn gần cái chết tập thể nhất, nhìn thấy sự man rợ, tuy vẫn thuộc phạm vi cuộc chiến nhưng không phải thuần túy do động lực chiến tranh. Cả hai bài hát có cùng một đề tài trong hầu cùng một biến cố.”
Một nhạc phẩm khác, ít được phổ biến bằng hai nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, nhưng chuyên chở một ý tưởng rất lạ, khi mở đầu bằng câu: “Ðàn con nay lớn khôn, mang gươm đao vào xóm làng.” Phải chăng, “Cơn Mê Chiều” tên của bản nhạc, muốn nói về một lớp trí thức, bỏ Huế ra đi, rồi nay quay lại Huế trong vai trò mới. Một thanh niên trí thức Huế, không muốn nêu tên, nhận định: “Trong vụ thảm sát Mậu Thân, ngoài nỗi đau đớn cho dân tộc trong một cuộc nồi da xáo thịt tàn độc, còn có một nỗi đau lớn hơn, là vai trò một số trí thức Việt Nam trong cuộc thảm sát này. Bài hát có câu: “Ðàn con nay lớn khôn, mang gươm đao vào xóm làng.”
Thanh niên này nói thêm: “Ðàn con nớ, có phải chăng là một số trí thức Huế đã đưa Việt Cộng vào làng, rồi sau đó theo ra bưng khi quân đội Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm Huế? Chẳng hạn trường hợp Hoàng Phủ Ngọc Phan, phát biểu trước đây rằng những người bị thủ tiêu chôn sống là thành phần ác ôn có nợ máu với nhân dân.”
“Tôi tự hỏi là, nếu trí thức là lương tâm và trí tuệ của quốc gia, dân tộc, thì với những phát biểu như rứa, khi nào Việt Nam mới thoát ra được tù hãm của tâm thức thời Trung Cổ? Tôi nghĩ 40 năm đã trôi qua, đây là lúc những người trí thức thiên Tả, trí thức cộng sản hãy tự thẳng thắn đánh giá, phê bình hành vi của mình trong biến cố Mậu Thân, lúc đó mới hy vọng có thể cứu chuộc được mình và cứu chuộc được dân tộc ni.” Vẫn lời người thanh niên gốc Huế.
Những hình ảnh không quên
Nhân chứng thời ấy nói rằng, các đám tang tập thể tại Huế vào các năm 1968, 1969 là hình ảnh không thể quên cho những ai từng một lần nhìn thấy.
Trong bài viết “Mass Murder, Mass Burial” của nhà báo Tito V. Carballo, đăng trên Vietnam Bulletin vào năm 1969, có đoạn mô tả một đám tang tập thể như sau:
“Dưới ánh mặt trời chói chang, những dãy quan tài được xếp thành từng hàng ngay ngắn. Bên trong mỗi quan đóng vội này là những gì còn sót lại của các thi hài được tìm thấy. Khoảng 15,000 người, trong áo tang trắng, đứng chịu trận dưới trời nắng chang chang. Một ai đó âm thầm khóc, một ai khác khóc to vật vã. Thỉnh thoảng, họ lại nhìn nhau như thể đang tìm một lời an ủi, rằng đây không phải là sự thật, đây chỉ là một giấc chiêm bao.”
Người dân xứ Huế thời ấy, đặc biệt là người Công Giáo, bàng hoàng trước cái chết của hai linh mục ngoại quốc, ba linh mục Việt Nam, hai sư huynh dòng La San cùng một số tu sĩ khác. Trong bài viết “Bút Tích Cuối Cùng của Linh Mục Bửu Ðồng,” ông Nguyễn Lý Tưởng kể lại, hai linh mục ngoại quốc thuộc dòng Benedicto Thiên An là Linh Mục Urbain và Linh Mục Guy. Ba người Việt Nam là Linh Mục Bửu Ðồng, Linh Mục Micae Hoàng Ngọc Bang và Linh Mục Giuse Lê Văn Hộ.
Sau đây là lời kể của ông Võ Văn Bằng, trưởng ban Truy Tìm và Cải Táng Nạn Nhân Cộng Sản Tết Mậu Thân liên quan đến cái chết của Linh Mục Bửu Ðồng.
“Tôi xúc động nhất là khi đào lên, chúng tôi gặp xác 4 vị linh mục. Tôi còn nhớ rõ Linh Mục Bửu Ðồng, Linh Mục Lê Văn Hộ và hai sư huynh dòng Lasan. Tôi thấy rõ cái thánh giá đeo ngang ngực. Linh Mục Bửu Ðồng còn để lại 3 bức thơ để trong một hộp thiếc, bên ngoài bọc bao nilon.”
Ba bức thư được ông Bằng nhắc đến được Linh Mục Bửu Ðồng viết, một bức gởi thầy mẹ, một bức gởi các em, và một bức gởi cho giáo hữu.
Bức thư viết gởi thầy mẹ có nội dung như sau:
“Thư gởi thầy mẹ,
Lạy Thầy Mẹ quý mến, Thầy Mẹ rất đau khổ khi mất đi đứa con trưởng nam không được phục vụ Thầy Mẹ trong tuổi già, nhưng Thầy Mẹ sẽ được an ủi và vui mầng khi được tin con đã can đảm vì mến Chúa, yêu người trong chức vụ Linh Mục và nhiệm vụ Tông đồ.
Xin Thầy Mẹ hãy tha mọi tội lỗi và những gì không làm vui lòng Thầy Mẹ trong 57 năm nay. Xin hẹn gặp nhau trên nước Chúa. Xin Thầy Mẹ ban phép lành cho con.”
Cuộc thảm sát Mậu Thân, đến hôm nay tròn 45 năm. Các chứng tích một thời, chẳng hạn nghĩa trang trên núi Ba Tầng, còn gọi là núi Bân, nơi an táng khoảng 400 thi hài tìm được nơi Khe Ðá Mài vùng Ðình Môn Kim Ngọc Tháng Chín, 1969, đã bị đập phá ngay năm 1975 khi quân đội miền Bắc tiến vào miền Nam.
Linh Mục Phan Văn Lợi kể lại: “Kể từ năm 1968, mỗi năm người ta vẫn đến để cúng vái, cầu nguyện nhân dịp Tết. Riêng bên Công Giáo, tại giáo xứ Phủ Cam, mỗi năm dành ngày Mồng Mười Tết để toàn thể giáo dân lên đó cầu nguyện. Nhưng đến năm 1975, sau khi chiếm được miền Nam, Cộng Sản đã phá ngay tấm bia dựng ở phía sau và phá hai bàn thờ nằm ở phía trước. Từ đó về sau, người ta có đến cũng chỉ đến trong âm thầm lặng lẽ hoặc cá nhân mà thôi, không dám công khai.”
Liệu, việc hủy hoại những chứng tích ấy có thể che giấu sự thật đã xảy ra tại Huế, khi người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ, đã hát hay đã đọc các chứng tích khác, được ghi lại qua âm nhạc, văn chương và báo chí?
Mậu Thân 1968, những gì xảy ra cho người đã khuất, sẽ còn mãi trong lòng người đang sống. Biến cố ấy sẽ không trôi qua trong quên lãng.
_______________________________
Ghi chú: Bài viết được tổng hợp, biên tập lại từ các bài viết cùng tác giả, đã được phát trên đài phát thanh Á Châu Tự Do, RFA, năm 2008.
_______________________________