Đức Châu (NLĐ) - Lồng đèn với hình ảnh và chữ Trung Quốc được chính quyền địa phương cho trang trí sáng rực cả con đường lớn và đẹp nhất huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đường Lê Hồng Phong (thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là con đường rộng lớn và đẹp bậc nhất của huyện. Trong những ngày giáp Tết, chính quyền địa phương huyện Châu Đức đã tổ chức trang trí đèn hoa rực rỡ nhằm phục vụ cho nhân dân trong và ngoài huyện du Xuân thưởng ngoạn. Tuy nhiên, khi đến khu phố này, nhiều người dân đã rất bất ngờ bởi cách trang trí đèn lồng và hình ảnh không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Cụ thể, cả con đường này toàn treo đèn lồng Trung Quốc (có hình thiếu nhi mặc trang phục và chữ viết Trung Quốc).
Lồng đèn Trung Quốc được giăng đầy con đường lớn nhất huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Ông Hoàng Văn Công, một cựu chiến binh ngụ ở đường Lê Hồng Phong, bày tỏ: “Việc trang hoàng đường phố vào dịp Tết cổ truyền là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, trang hoàng như thế nào cho phù hợp với văn hóa của dân tộc mình để người dân cảm nhận được màu sắc, phong vị chứ trang trí theo cách của một nền văn hóa khác tại khu vực dân cư Việt sinh sống trong dịp Tết cổ truyền thì thật khó coi”.
Theo ông Công, nếu chỉ là một cụm dân cư hoặc cộng đồng dân tộc khác thì họ có thể tự trang trí theo văn hóa của mình. Tuy nhiên, chính quyền địa phương mà làm như thế là trái với phong tục Việt Nam.
Anh Nguyễn Chí Cường, một sinh viên đang học ở TPHCM vừa trở về quê ở huyện Châu Đức, bức xúc: “Cả năm mới trở về quê ăn Tết, tôi thấy chính quyền địa phương quan tâm đời sống tinh thần của người dân là điều đáng mừng. Tuy nhiên, trên một trục lộ chính của huyện lại treo nhiều đèn lồng đặc trưng văn hóa của người Trung Quốc là điều không nên. Những ngày này, bạn trẻ từ khắp nơi trở về quê mà thấy thiếu đi những hình ảnh đặc trưng của văn hóa Việt thì quả là điều đáng tiếc”.
Đề cập vấn đề này với chính quyền địa phương vào chiều 6-2, ông Trần Văn Thu, Phó Bí thư Huyện ủy Châu Đức, cho biết: Việc trang trí các tuyến đường trung tâm huyện đã được chuẩn bị cách đây gần 1 tháng. “Chúng tôi đã thuê một đơn vị ở TPHCM thiết kế tổng thể. Trên tinh thần tiết kiệm, một số hạng mục đã được kế thừa từ năm ngoái. Bản thân tôi chịu trách nhiệm chung nên những chi tiết nhỏ không nắm bắt kịp thời. Trên tinh thần phản ánh của báo chí, chúng tôi xin ghi nhận và ngay trong tối 6-2 sẽ kiểm tra để có hướng xử lý thích hợp” - ông Thu khẳng định.
Trước đây, ở một số nơi, có thời gian đèn lồng Trung Quốc cũng đua nhau xuống phố. Sau khi bị người dân phản ứng, chính quyền địa phương đã không còn sử dụng loại đèn này. Người dân Châu Đức cho rằng chính quyền địa phương nên thay thế ngay những chiếc đèn lồng Trung Quốc bằng các loại đèn khác phù hợp với văn hóa Việt Nam để người dân không cảm thấy một không khí Tết xa lạ ngay trên quê hương mình.
Không để văn hóa bị lai tạp
Một độc giả của Báo Người Lao Động cho rằng chúng ta
là người Việt Nam, sống trên đất Việt Nam có hơn 4.000 năm văn hiến. Tổ
tiên chúng ta, bằng bàn tay và khối óc của mình, đã tạo lập một nền văn
hóa Việt Nam với những sắc thái riêng biệt không lẫn với một dân tộc nào
khác. Không có lý do gì chúng ta để văn hóa của mình bị lai tạp, bị văn
hóa của những dân tộc khác lấn át ngay trên quê hương mình trong dịp
Tết trang trọng này.
|
http://nld.com.vn/20130206111521956p0c1042/vung-tau-co-pho-tau.htm