Nhận định tình hình chính trị - xã hội ba quý còn lại của năm 2013 - Dân Làm Báo

Nhận định tình hình chính trị - xã hội ba quý còn lại của năm 2013

Trần Nam Chấn (Danlambao) - Quý đầu của năm 2013 đã trôi qua gần hết. Mặc dù những tháng tới sẽ là giai đoạn biến động với những diễn biến khó lường, nhưng đến nay, đã có thể phần nào nhận ra được cục diện chính trị - xã hội của cả năm. 

Trước hết là vấn đề nội tình của tập đoàn cầm quyền. Đến nay, đảng CSVN chỉ còn là một sự liên kết hờ giữa những phần tử cơ hội ở các mức độ khác nhau. Họ vào đảng vì quyền lợi cá nhân. (Chính các đảng viên cũng cười thầm hoặc thậm chí công khai mỗi khi nói hoặc nghe nói về cái gọi là ‘lý tưởng cộng sản cao đẹp’.) Và cũng vì quyền lợi nên trong đảng đã hình thành những bè phái mà người ta hay gọi là các ‘nhóm lợi ích’ đấu đá với nhau. Đa số đảng viên đến nay vẫn chưa trút bỏ danh hiệu đảng viên chỉ vì vẫn còn hy vọng rằng chừng nào nó còn tồn tại thì họ còn kiếm chác được ít nhiều, vì sợ nếu bỏ đảng ở thời điểm này thì chưa thật an toàn, và vì sức ì vốn có trong suy nghĩ và hành động.

Cuộc đấu đá, lúc đầu chỉ đơn thuần là tranh giành quyền lợi, đến nay đã lên đến đỉnh điểm, và ngày càng lộ rõ là thanh trừng nội bộ một mất một còn. Phe chống Nguyễn Tấn Dũng đang từng bước chặt đứt những cánh tay của ông ta: xử tù Phạm Thanh Bình của Vinashin, bắt Bầu Kiên bạn làm ăn của Nguyễn Thanh Phượng, bắt Dương Chí Dũng của Vinalines, và gần đây là ép được Nguyễn Tấn Dũng phải ‘đuổi cổ’ ông ‘cố vấn’ Nguyễn Văn Hưởng về vườn hẳn. Những sự việc đó không hẳn minh chứng cho cái thế của chức vụ cao hơn trong đảng của những người chống lại ông ta, mà đúng hơn là do phe kia còn nắm được một vài ‘lực lượng mạnh’ như tổng cục 2 bộ quốc phòng và đương kim bộ trưởng công an (tuy không phải là nắm được toàn bộ lực lượng mạnh của bộ này). 

Tất nhiên Nguyễn Tấn Dũng chưa chịu thua, và thực lực của ông ta cũng còn rất mạnh. Ông ta vẫn đang là người có quyền chi những khoản tiền khổng lồ vào những dự án có nhiều ngành, nhiều địa phương tham gia, và do đó các ngành và các địa phương thực chất đều phải hành động trong hệ thống do ông ta chỉ đạo. Kết quả bỏ phiếu có lợi cho ông ta ở hội nghị trung ương 6 ĐCSVN cho thấy rõ điều đó. Cánh Trương Tấn Sang chủ yếu chỉ nắm được ‘phần ngọn’, còn ‘chân rết’ bên dưới hầu hết là của Nguyễn Tấn Dũng. (Cố nhiên, do thấy thế của chủ có phần suy giảm nên hệ thống chân rết này cũng ít nhiều co lại; họ hành động thận trọng hơn và cố không để lộ sự trung thành với cá nhân thủ tướng, mà ra vẻ trung thành với ‘lý tưởng’.) Ông ta cũng nắm chắc được hệ thống quan chức ngân hàng nên vẫn đang thao túng được nền kinh tế. Về quan hệ đối ngoại, hiện Nguyễn Tấn Dũng cũng đang có thế mạnh, được chính quyền một số nước có ảnh hưởng mạnh đối với Việt Nam ủng hộ. Và những động thái gần đây chứng tỏ tham vọng chính trị của ông ta vẫn đang sôi sục: thành lập ban chống tội phạm (sau khi mất chức trưởng ban chống tham nhũng), cho công bố ‘kết quả thanh tra sai phạm đất đai’ của Đà Nẵng và không cho chính quyền địa phương này giải trình (để đe Nguyễn Bá Thanh), buộc Vương Đình Huệ phải bàn giao công việc ở bộ tài chính (mặc dù quốc hội chưa miễn nhiệm ông này), đi ‘thăm và làm việc’ tại một loạt tỉnh và các đơn vị tinh nhuệ của quân đội. 

Trước đây, khi nói đến đấu đá nội bộ trong đảng CSVN, người ta chỉ được nghe tin đồn. Giờ thì mọi việc đã quá hiển nhiên: những sự kiện được nêu ở trên đều được hệ thống truyền thông của nhà nước CSVN công bố. Và chính ngài đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng cũng từng nói rõ lý do ‘không kỷ luật’ là vì sợ thù oán. Còn có tin: lâu nay Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang rất ít khi về nhà, mà thường ăn ở tại trụ sở tổng cục 2 bộ quốc phòng (?). Nếu đúng như vậy thì việc mưu sát trong nội bộ là chuyện có thật. 

Một hiện tượng đáng chú ý khác trong đời sống chính trị - xã hội là sự lớn mạnh của phong trào dân chủ. Thật đáng phấn khởi là đến nay đã có hàng ngàn người lên tiếng công khai đòi bỏ điều 4 trong hiến pháp hiện hành, đòi dân chủ đa đảng, tam quyền phân lập, đòi tư hữu hóa đất đai, và hệ thống truyền thông quốc doanh đã không còn có thể che giấu được những chuyện này. Ngay cả trong số quan chức cộng sản cũng có nhiều người lên tiếng gay gắt, tuy không đòi bỏ điều 4 hay bỏ chế độ ‘sở hữu toàn dân’ về đất đai, nhưng cũng vạch ra nguồn gốc của những bất công trong xã hội. Phải nói rằng chỉ cần tìm cách đáp ứng những yêu cầu của những quan chức đó thôi thì mấy ông ‘vua tập thể’ cũng đã thấy đau đầu, thậm chí hoảng loạn rồi. 

Trong bối cảnh: một mặt thì phong trào đấu tranh đòi công lý và dân chủ đang dâng cao, và mặt khác thì nội tình rối ren, phe nọ nhè miếng phe kia, các nhóm cầm quyền CSVN hiện nay khó có thể thống nhất với nhau để tìm các phương án đàn áp phong trào dân chủ một cách dã man! Nếu như trước đây một người lên tiếng phản bác đường lối của đảng CSVN có thể nhanh chóng bị ‘thanh toán’ thì ngày nay không còn có kẻ nào trong bộ chính trị CSVN còn dám nêu ra ý kiến như vậy nữa, bởi ý kiến đó có thể bị đối phương lợi dụng để ‘hạ bệ’ kẻ nêu ra. Tất nhiên, chúng ta không được phép chủ quan, bởi giới cầm quyền vẫn là kẻ thù của dân chủ; họ vẫn có thể làm những động thái điên cuồng chống lại phong trào khi thấy quyền lợi và địa vị của họ bị đe dọa, nhưng cần hiểu rằng những người đấu tranh không còn đơn độc nữa, và phong trào đang ngày càng lan rộng! Và một trong những dấu mốc quan trọng là ngày 25 tháng 2 năm 2013, gắn với tên tuổi của nhà báo trẻ Nguyễn Đắc Kiên, với “Vài lời với TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng”, một bài viết đanh thép và đàng hoàng, ở tư thế đại diện cho lương tri, cao hơn hẳn kẻ ở trên nấc thang quyền lực cao nhất nhưng đại diện cho sự trì trệ, u tối và hắc ám! Cùng với sự kiện đó và sự dâng trào của làn sóng phản kháng, chúng ta thật nức lòng khi những đại biểu ưu tú của phong trào hiện nay được các tổ chức quốc tế tôn vinh: chỉ trong vòng một tuần, ba cái tên được xướng lên trong các buổi lễ trao giải của các tổ chức quốc tế: Tạ Phong Tần được giải Phụ nữ can đảm của Thế giới của bộ ngoại giao Hoa Kỳ, Huỳnh Ngọc Chênh được giải Netizen của tổ chức Phóng viên không biên giới và Nguyễn Hoàng Vy được giải phụ nữ tiêu biểu của Tổ chức quốc tế về tự do trao đổi ý kiến (IFEX). 

Để có được phong trào như hiện nay, chúng ta không thể quên ơn những người đi đầu, cách đây nhiều năm đã dám lên tiếng đòi dân chủ đa đảng gần như trong đơn độc: GS Phan Đình Diệu, TS Nguyễn Thanh Giang, BS Nguyễn Đan Quế, TS Hà Sỹ Phu, HT Thích Quảng Độ, LM Nguyễn Văn Lý, KS Đỗ Nam Hải, LS Nguyễn Văn Đài, LS Lê Thị Công Nhân,… Đa số họ đã từng phải chịu tù đày trong nhà tù cộng sản. Không có những người đi đầu đầy lương tâm và lòng quả cảm đó, không thể có một phong trào như hiện nay. 

Một điều chắc chắn là từ nay đến cuối năm sẽ xảy ra những xáo trộn về sắp xếp nhân lực trong bộ máy cầm quyền và những thay đổi đáng kể trong sự phân chia quyền lực. Hơn thế, có thể dự đoán sẽ xảy ra những vụ loại trừ lẫn nhau trong giới quyền lực chóp bu: một vài nhân vật trong bộ chính trị CSVN, thậm chí trong bộ ‘tứ trụ’ sẽ phải ra đi! Những cuộc thanh trừng đó sẽ là nguyên nhân đẩy đất nước vào cảnh rối ren, làm cho đời sống của người dân càng thêm bấp bênh và cơ cực; nhưng mặt khác, chúng cũng đẩy tới sự rã đám của ĐCSVN, tạo ra những điều kiện thuận lợi để phong trào dân chủ lan rộng, nhanh chóng đi đến thắng lợi cuối cùng. 

Vì vậy, tất cả chúng ta, những người đang phấn đấu vì một nước Việt Nam dân chủ thực sự, cần tận dụng mọi điều kiện để gây dựng lực lượng, phát triển phong trào, kết hợp cả đấu tranh bí mật và công khai. Đồng thời, chúng ta tiếp tục tuyên truyền, lột mặt nạ của giới cầm quyền phản động đang đi ngược lại tiến trình lịch sử – đó cũng là những đòn chí mạng giáng vào cái hệ thống đã mục ruỗng của nhà nước CSVN! 

Năm 2013 sẽ là năm với những thắng lợi vang dội của tư tưởng tự do – dân chủ ở Việt Nam! 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo