Phạm Trần (Danlambao) - Việt Nam trước thềm Hội nghị Trung ương 7 họp vào đầu tháng 5 đã có nhiều quả bóng xì hơi được tung ra từ phía Chính phủ và Quốc hội nhằm làm xẹp bức xúc của dư luận đang lên chống Dự thảo Hiến pháp 2013, hay còn được gọi là Hiến pháp sửa đổi 1992.
Quả bóng thứ nhất được tung ra bởi Chính phủ, cơ quan hành pháp cho rằng: “Cần xác định quyền lập hiến là thể hiện cao nhất chủ quyền nhân dân, gồm quyền sáng kiến lập hiến, quyền tham gia góp ý trong quá trình dự thảo Hiến Pháp và cuối cùng là quyền biểu quyết thông qua trưng cầu dân ý.”
Đây là ý kiến mới, không đồng tình với Dự thảo Hiến pháp sửa đổi 1992, theo đó không dành quyền phán quyết sau cùng về Hiến pháp cho dân, giống như đã quy định trong tất cả 3 Hiến pháp 1958, 1980 và 1992.
Điều 147 của Hiến pháp 1992, lập lại nguyên văn của 2 Hiến pháp 1980 và 1959, theo đó: “Chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi Hiến pháp phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.”
Khi đề nghị sửa đổi, Điều 124 mới (thay cho Điều 147) đã bỏ nhóm chữ “Chỉ Quốc hội mới có quyền” và được viết mới trong Khoản 4: “Dự thảo Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định.”
Viết như thế là vẫn “dành độc quyền cho Quốc hội” muốn có “trưng cầu ý dân hay không” và người dân, tất nhiên không có quyền khiếu nại!
Cái mới của Điều 124 là “không chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp” mà, ngoài Đại biểu Quốc hội và Ban Thường vụ Quốc hội, còn có thêm 2 chức năng trong Hành pháp là Chủ tịch Nước và Chính phủ cũng có quyền “đề nghị “làm” và “sửa” Hiến pháp.
Vì vậy, Khoản 1 của Điều 124 (mới) đã viết: “Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.”
Tuy nhiên, dù có thêm hay bớt người được “làm” và “sửa” Hiến pháp thì Hiến pháp sửa đổi vẫn gạt dân, chủ nhân của đất nước, ra khỏi vai trò quyết định bộ Luật cao nhất của Quốc gia.
Như thế là Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp sửa đổi, đứng đầu bởi Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Sinh Hùng đã không tôn trọng quyền của dân và rõ ràng là đã coi thường dân.
Do đó, khi biết Chính phủ mà ngoài người đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Quốc Phòng, Đại tướng Phùng Quanh Thanh đều là Ủy viên Bộ Chính trị 14 người thì có nghi vấn đặt ra là liệu “kiến nghị” của Chính phủ về “trưng cầu ý dân” về Hiến pháp có phản ảnh tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” trong nội bộ lãnh đạo cao nhất trong vấn đề “phải tôn trọng quyền lập hiến của dân” hay không?
Chính phủ đã đề nghị quyền biểu quyết của dân ghi trong Điều 30 sửa đổi, theo đó “công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”, cần được sửa lại, cụ thể hơn là: “Công dân có quyền biểu quyết về Hiến Pháp và các việc trọng đại của quốc gia. Trình tự, thủ tục, giá trị hiệu lực của trưng cầu ý dân do luật định”.
Đề nghị này, sau khi được Báo Pháp Luật TpHCM phổ biến ngày 11/4 (2013) đã lập tức được “một bộ phận người dân” dè dặt hoan nghênh, vì chưa biết đến bao giờ “giấc mơ” này mới thành sự thật!
Nhưng ít ra là yêu cầu ghi vào Hiến pháp sửa đổi kỳ này, nếu được Quốc hội biểu quyết thông qua cuối năm 2013, thì cũng là một tiến bộ cho quyền của dân được nhà nước trả lại, sau khi đã bị tước bỏ từ lần Hiến pháp sửa đổi năm 1958!
Bởi vì quyền được trưng cầu ý dân về Hiến pháp và “những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia” đã được ghi rõ ràng trong Hiến pháp đầu tiên 1946, nhưng chưa bao giờ áp dụng, với lý do tùy tiện vì “chiến tranh”.
Hãy đọc lại những “điều Dân chủ” này ghi trong Hiến pháp 1946:
Điều thứ 21: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, theo Điều thứ 32 và 70.”
Điều thứ 32: “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý. Cách thức phúc quyết sẽ do luật định.
Điều thứ 70: “Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây:
a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu.
b) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi.
c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.”
Nhưng tại sao đến lần sửa Hiến pháp đầu tiên năm 1958 thì “quyền cơ bản và cốt lõi” dân chủ này của dân lại bị tước bỏ bởi chính ông Hồ Chí Minh, người được coi có “nhiều công” trong việc hình thành Hiến pháp dân chủ 1946, vì ở miền Bắc sau 1954 đã hết chiến tranh rồi?
Có người viện ra lý do vì “đất nước bị chia đôi” nên Hiến pháp 1946 không thể thi hành được, nhưng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau Hiệp định Geneve 1954, giống như Nhà nước Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam, là hai thực thể chính trị độc lập không bị ràng buộc hay ngăn cản bởi bất kỳ thỏa hiệp nào.
Do đó, cái lý do được người Cộng sản viện ra để cướp đi quyền quyết định sau cùng của dân về Hiếp pháp, bộ luật cao nhất của Quốc gia, trong 3 Hiến pháp 1958,1980 và 1992 là hoàn toàn ngụy biện để độc tài, phản dân chủ, đi ngược lại quyền lợi của nhân dân và của quốc gia.
Vì vậy mà Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nói, theo tường thuật của Báo Pháp Luật TpHCM: “Các điều khoản khác quy định về quyền lập hiến, lập pháp cần sửa lại theo hướng Quốc Hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp (quyết định thông qua luật), còn nhân dân mới là chủ thể của quyền lập hiến. Trong lập hiến, Quốc Hội có vai trò quan trọng khi đề xuất sửa đổi, bổ sung HP, trong soạn thảo và cũng là cơ quan thông qua Hiến Pháp trước khi đưa ra nhân dân biểu quyết. Nhưng Quốc Hội không phải là cơ quan lập hiến theo nghĩa quyết định cuối cùng về thông qua Hiến Pháp. Quyền ấy phải ở nơi dân.”
Quyền Con Người
Ngoài ra, vẫn theo báo Pháp Luật TpHCM thì Chính phủ cũng “sửa lưng” Ban dự thảo về Quyền Con ghi ở khoản 2, Điều 15.
Nguyên văn Điều 15 (sửa đổi, bổ sung Điều 50) biết như thế này:
“1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng.”
Báo Pháp Luật TpHCM viết: “Chính phủ cho rằng cần ghi nhận nguyên tắc các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được bảo đảm thực hiện bằng luật và cũng chỉ có thể bị hạn chế bằng luật.
Trên tinh thần đó, khoản 2 Điều 15 Dự thảo sửa đổi HP cần giới hạn hẹp hơn nữa căn cứ giới hạn quyền, thành: “Quyền con người, quyền cơ bản của công dân chỉ có thể bị giới hạn bằng luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia và sức khỏe của cộng đồng”.
Như vậy, Chính phủ đã bỏ đi hai trường hợp bị hạn chế rất mơ hồ vì lý do “trật tự, an toàn xã hội” và “đạo đức”, đồng thời nhấn mạnh đến khía cạnh “làm gì cũng phải có luật chứ không thể làm bừa với luật tự chế không văn bản”!
Tương tự, tờ báo viết tiếp, “Chính phủ đề nghị thay thế cụm từ “theo quy định của pháp luật” thành “theo quy định của luật” ở nhiều quyền cơ bản quan trọng. Bao gồm: Quyền bí mật thư tín (Điều 23); quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước (Điều 24); quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình (Điều 26); quyền bảo hộ về sở hữu tư nhân, quyền thừa kế (Điều 33)”
Theo dõi tiến trình thảo luận ở trong và ngoài nước dành cho Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bắt đầu từ ngày 2/1 (2013) ai cũng thấy những đề nghị của Chính phủ có tiến bộ và sát với yêu cầu của nhiều ý kiến nhân dân.
Tuy nhiên điều cốt lõi đã bị mổ xẻ, chỉ trích nhiều nhất vì tính phản dân chủ và bộc lộ tính độc tôn không thể chấp nhận được và đòi hủy bỏ là Điều 4 tiếp tục cho phép đảng Cộng sản được quyền lãnh đạo “Nhà nước và xã hội” thì Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lại không dám “bén mảng” đến!
Điều này cũng dễ hiểu vì nhân viên nội các cũng là đảng viên nên việc họ “không dám phản bội đảng” không làm ai ngạc nhiên.
Vội vàng làm chi?
Tuy nhiên, trước “chiến thuật” xì hơi ấm ức trong dân của Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, ít nhiều người trong dư luận ở Việt Nam cũng đã có ý kiến thấy “sáng kiến chính trị” của ông Dũng và các Bộ trưởng có thể là “lá cờ cao” đi trước Hội nghị Trung ương 7 mà không chừng lại có ảnh hưởng đến tương lai chính trị của một số lãnh đạo đang mất lòng dân vì bản Hiến pháp “chấp vá không xài được”.
Vì vậy, mỗi “động thái chính trị” của ông Dũng hay “phe ông Dũng” làm gì, ở đâu và tại sao cũng đều được người dân theo dõi sát sao.
Nhưng không ai ảo tưởng trong một xã hội nói dối, nói gian nhiều hơn nói thật đang mỗi ngày một lên cao trong đảng nên sau khi nghe xong chuyện kiến nghị “quyền lập hiến thuộc về nhân dân” của Chính phủ thì mọi người lại nín thở khi nghe tranh cãi trong Quốc hội về dự kiến khi nào thì sẽ có Luật Trưng cầu ý dân và Luật biểu tình (cũng đã được ông Thủ tướng Dũng khởi xướng từ năm 2011).
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam thì Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị Chính phủ chuẩn bị dự án luật Biểu tình và luật Trưng cầu ý dân sau khi thông qua Hiến pháp sửa đổi.
Báo VietnamNet cho biết: “Ông Phan Trung Lý phát biểu khi thẩm tra tờ trình của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp luật 2014 tại phiên họp của UBTVQH chiều 15/4.”
“Ông Lý cho hay, hai dự án luật này đã thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH khóa XIII. Đây là các dự án luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cần được ban hành để thể chế hóa nội dung được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp.”
Tuy nhiên, vẫn theo VNNET thì Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lại e dè.
Bà nói: “Bản thân dự án luật cũng đã có trong chương trình làm việc của toàn khóa (QH khóa XIII). Nhưng do đây là vấn đề nhạy cảm, nên để sau khi thông qua Hiến pháp thì "chèn" vào chương trình sau khi có điều kiện thích hợp.”
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thì nói: “2014 là năm bản lề cần thiết chuẩn bị những luật hệ trọng sau khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua vào cuối năm 2013.
Dù là luật "đi theo Hiến pháp", nhưng ông băn khoăn tính khả thi về công tác chuẩn bị dự luật Biểu tình và Trưng cầu dân ý để xem xét cho ý kiến ngay trong năm 2014. Bởi lẽ, các cơ quan ban ngành chưa có bước chuẩn bị chính thức.”
Ông Hùng “đề nghị, các dự án luật nêu trên cần "chuẩn bị tốt" rồi mới đưa vào chương trình làm việc chính thức.”
Nên biết từ cuối năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng từng đề nghị QH xây dựng luật Biểu tình nhằm thể chế hóa điều 69 của Hiến pháp năm 1992, tạo công cụ pháp lý để công dân thực hiện quyền của mình và Nhà nước quản lý, kiểm soát hoạt động biểu tình theo đúng pháp luật.
Hồi đó, ông Dũng được báo chí trích dẫn nói rằng: “Khi chưa có luật để quản lý, điều chỉnh hoạt động này thì "khó cho người dân khi thực hiện quyền được Hiến pháp quy định và khó cho chính quyền quản lý. Dễ nảy sinh lúng túng trong quản lý. Từ đó nảy sinh việc mất an ninh trật tự, xuất hiện việc lợi dụng để kích động, xuyên tạc, gây phương hại cho xã hội".
Ông Dũng cũng đã được điểm trong dự luận đòi quyền biểu tình vào thời gian đang diễn ra nhiều cuộc biểu tình chống Trung Cộng gia tăng hành động xâm chiếm biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông, chưng chính lực lượng Công an đã được lệnh chính phủ đàn áp dã man người biểu tình từ Sài Gòn ra Hà Nội.
Nhưng tại sao bà Tòng Thị Phóng lại coi hai Luật Trưng cầu ý dân và Biểu tình là “nhạy cảm”? Hai luật này “sẽ đụng chạm đến ai” hay “gây khó khăn cho ai” mà nhạy cảm. Hay bà lại sợ có chuyện “nhạy cảm” va chạm đến Trung Cộng khi dân xuống đường biểu tình chống Bắc Kinh sau khi có Luật? Hoặc là bà sợ dân sẽ chống Nhà nước thả giàn không ngăn chặn được?
Ngay cả ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng có vẻ như “lo xa thái quá” việc các cơ quan “chưa chuẩn bị tốt” nên chưa nên nóng vội có sớm hai bộ luật dân rất muốn có trong giai đoạn hiện nay?
Chả nhẽ Nhà nước và Quốc hội có cả khối “chuyên viên làm luật” đang ăn tiền tỷ lương của dân mà không có đủ trí tuệ viết ra 2 Dự luật hay sao?
Dẫu sao thì “quả bóng” thăm dò dư luận của Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, sau một phút hưng phấn xôn xao cũng đã đâu lại hoàn đó, sau khi “phe Quốc hội” tìm đủ cách để trì hoãn làm Luật!
Đổi tên nước có nghĩa gì?
Quả bóng thứ hai được chính Ủy ban Dự thảo Hiến pháp sửa đổi tung ra trong báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/4 (2013), theo đó trong nhân dân đã có nhiều ý kiến muốn đổi tên Nước.
Báo chí đưa tin: “Về chế độ chính trị, ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho hay, rất nhiều ý kiến người dân đóng góp cho tên nước.
Theo đó, trong quá trình góp ý, người dân đề xuất lấy lại tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bởi cho rằng tên gọi này gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở nước ta, là thành quả của cuộc cách mạng tháng Tám đầy gian khổ, quyết liệt.”
Ủy ban nói rằng: “Đây là tên gọi có khả năng lôi cuốn, tập hợp đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận chung trong xã hội, đồng thời lại thuận lợi hơn cho ta trong quan hệ hợp tác với các nước khác trên thế giới, góp phần phát huy và tranh thủ được các nguồn lực trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước.
"Việc lựa chọn tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không làm ảnh hưởng đến việc tiếp tục phát triển đất nước theo định hướng XHCN bởi chủ trương, đường lối, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của Hiến pháp vẫn đang khẳng định mục tiêu này”.
Theo báo VietnamNet thì Ủy ban dự thảo thấy “chỉ một vấn đề "lấn cấn", đó là nếu đổi tên nước sẽ gây tốn kém, phức tạp trong quá trình thay đổi tên gọi, đồng thời có thể còn bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội.”
Chính vì vậy, ban dự thảo đề xuất hai phương án. Theo đó, phương án một thể hiện là: "Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN là một nước độc lập, dân chủ, có chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời".
Phương án hai được viết như sau: "Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Tên nước là Việt Nam dân chủ cộng hòa".
Câu hỏi đặt ra là tại sao lại mất thời giờ thảo luận cái chuyện không quan trọng này bằng can đảm lôi Điều 4 phản dân chủ ra mà “hạch hỏi” ai đã cho đảng quyền lãnh đạo không qua bầu cử, và tại sao đảng lại sợ bầu cử hay trưng cầu dân ý đến thế?
Nếu đảng mạnh, được nhân dân đồng tình ủng hộ, là “gắn bó máu thịt với nhân dân”, được nhân dân yêu mến và hãnh diện gọi là “đảng ta”, như đảng vẫn ra rả tuyên truyền thì sợ gì mà không dám cho dân lập đảng, ra báo tư nhân?
Chỉ có những người thấy mình sẽ thua trước mắt nên sợ mất danh dự mà quyết chí độc tài để cai trị bằng súng đạn và còng tay cho chắn ăn chăng?
Để có thêm dữ liệu, mọi người hãy nghe ông Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương lý luận quanh co, bảo thủ: “Nếu Đảng thực sự vững mạnh, trong sạch thì tự thân việc củng cố sức mạnh không cần phải bàn. Song, trong bối cảnh hiện nay, khi Đảng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức thì lại mở ra cơ hội cho những luồng tư tưởng xấu phủ nhận vai trò và hạ uy tín của Đảng.
“Tuy nhiên, Đảng với nhân dân là thống nhất, với nhà nước là thống nhất. Phủ nhận vai trò của Đảng tức là phủ nhận vai trò của nhân dân, phủ nhận ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phương hại đến nền độc lập tự do của Tổ quốc. Phương hại đến quyền sống, quyền tự do hạnh phúc của nhân dân. Vì bảo vệ dân mà phải bảo vệ Đảng. Vì bảo vệ dân mà phải hiến định nó”.
Nhưng ông Bảo lại không dám nói tại sao đảng của ông lại phải “đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức”, hay vì ông không biết đảng CSVN đã có “một số không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là những kẻ có chức có quyền, cả một số đang ở vị trí lãnh đạo cấp cao đã suy thoái tư tưởng, sa sút đạo đức, đã tham nhũng thối nát ngập đầu năm sau cao hơn năm trước” như ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (31/12/2011) nên vô số đảng viên và nhân dân không còn tin vào khả năng lãnh đạo của đảng nữa?
Nếu ông Bảo không tin thì hãy can đảm xin nói chuyện với cụ Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh và nguyên Đại sứ Nguyễn Trung để biết rõ hơn về viễn ảnh “sáng lạn niềm tin trong dân” với đảng còn được mấy phần trăm trong 90 triệu dân?
Ấy thế mà ông Hoàng Chí Bảo còn cho rằng: “Việc tiếp tục hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng chính là nhằm khẳng định tính chính đáng của Đảng về mặt địa vị pháp lý, cũng là gắn trách nhiệm pháp lý chính trị của Đảng với nhân dân và xã hội.
Không những thế, Đảng còn có đầy đủ phẩm chất đạo đức xứng đáng cho lực lượng cầm quyền thông qua đánh giá của nhân dân và lịch sử. “Sự tồn tại của Đảng là sự tồn tại hợp hiến, hợp pháp...
Điều 4 lần này đã hiến định địa vị pháp lý của Đảng một cách rõ ràng, thuận lòng dân và phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội hiện đại.”
Tuy nhiên, cũng tại cuộc thảo luận góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với trọng tâm là bàn về điều 4 tại báo Quân đội Nhân dân ngày 7/3 (2013) Trung tướng, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Bình, nguyên Chính ủy Học viện Quốc phòng đã biết thẳng thắn nhìn ra sự thật rằng: “Nguyên nhân của việc xuất hiện các luồng tư tưởng kích động, chống đối cũng một phần do những yếu kém và sai lầm của bộ máy cầm quyền. Đó là tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, bộ máy lãnh đạo đang để nhóm lợi ích chi phối... Tất cả gây rạn vỡ niềm tin trong dân với đảng cầm quyền.” (VNNET 8-3-013)
Đấy là lý do tại sao nhân dân đã chán đảng đến tận mang tai và thấy rằng đảng cứ mãi quanh co kiếm cớ ngồi lại níu lấy quá khứ đã tan rã mà không biết đảng là lực cản đi lên của nhân dân cần tiến bộ, cần thay đổi cả cuộc sống cá nhân và cho cả dân tộc?
Trong khi ấy thì các “nhà lý luận”, “tư tưởng” hàng đầu của đảng và quân đội cứ mãi “vừa đá bóng vừa thổi còi” tranh nhau xem ai giữ được “Quả Bóng Số 4” trong Bản Hiến pháp cho đảng mà không biết chính họ cũng cần phải mau chóng ráp lại cái đầu của mình, thay vì sửa bản Hiến pháp.
(04/013)