Nhà báo Phạm Trần: Về bản án oan sai, vô đạo đức đối với gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn của TAND Tp. Hải Phòng - Dân Làm Báo

Nhà báo Phạm Trần: Về bản án oan sai, vô đạo đức đối với gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn của TAND Tp. Hải Phòng

Phạm Trần (Danlambao) - Vì đây là vụ án tranh chấp đất đai lịch sử giữa một Gia đình Nông dân hiền lành, chất phác và cần cù lao động chống cường quyền đàn áp cướp đi công lao mồ hôi và nước mắt của người dân nên từ Hoa Kỳ. Tôi đã theo dõi phiên tòa từ đấu đến cuối qua tường thuật và bình luận của hầu hết các cơ quan ngôn luận của Nhà nước Việt Nam và của nước ngoài cũng như các bài viết của các Nhà Truyền thông Xã hội ở Việt Nam.

Sau đây là quan điểm của tôi sau 4 ngày xét xử (02-05/04/2013)

Với tư cách một Nhà báo chuyên theo dõi và bình luận về các vấn đề Việt Nam từ 38 năm qua cho các Cơ quan Truyền Thông của người Việt Nam ở nước ngoài:

Tôi thấy rằng: 

Thứ nhất, Bản án 15 năm 6 tháng tù dành cho 4 người trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn và các ông: Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn Vệ, cũng như 33 tháng “tù treo” và 66 tháng “thử thách (theo dõi)” áp đặt cho hai bà Phạm Thị Báu (tự Hiền vợ ông Quý) và bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) là “hoàn toàn phi pháp, vi phạm nghiêm trọng quyền con người, phản bội đạo đức và luân lý truyền thống của Dân tộc Việt Nam, chà đạp lên điều được gọi là “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền”, bất chấp đa số dư luận nhân dân đã đứng về phía gia đình ông Đoàn Văn Vươn và hoàn toàn chống lại Kết luận (số 43/TB-VPCP) ngày 10/02/2012 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “Về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng”.

Thứ nhì, quyết định của Chủ tọa phiên tòa Phạm Đức Tuyên trong vụ án Đoàn Văn Vươn đã để lại một vết nhơ cho lịch sử ngành ngành Tư pháp của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vì ông đã hành sử quyền hạn của mình thấp kém, thiếu vô tư, không công chính như Chánh án De Rozario, đã biết bảo vệ Công lý và danh dự cho Chính quyền thuộc địa Pháp trong phiên Tòa Đại hình Cần Thơ xét xử vụ án tranh chấp đất đai Nọc Nạn (Bạc Liêu) ngày 17 tháng 8 năm 1928.

Thứ ba, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận: “Do quyết định thu hồi đất không đúng với quy định của pháp luật đất đai nên Quyết định cưỡng chế thu hồi đất cũng không đúng pháp luật” của Chính quyền Huyện Tiên Lãng với sự đồng tình và yểm trợ của Chính quyền Thành phố Hải Phòng thì vụ án gia đình Đoàn Văn Vươn, đúng lý ra, không thể giải quyết tùy tiện theo ý đồ bao che tội phạm cho Lực lượng cưỡng chế đã gây ra cho gia đình Nông dân Đoàn Văn Vươn, người đã một thời được Báo chí vinh danh là “anh hung lấp biển”.

Thứ Tư, chủ trương truy tố ông Đoàn Văn Vươn là gia đình về các “Tội giết người” “Chống người thi hành công vụ” hoàn toàn sai với hoàn cảnh thực tế, trái pháp luật, không hội đủ các yếu tố cấu thành tội phạm trong hoàn cảnh người dân bị ức hiếp bất công đến tận cùng, không còn đường thoát nên đã quyết tâm phải bảo vệ tài sản và công lao bằng mọi giá. Gia đình ông Đoàn Văn Vươn không hề có vũ khí giết người, không chủ tâm “giết người” như cáo buộc được nói công khai trước tòa của một số bị cáo là bị “ép cung, mớm cung và ký tên vào giấy trắng để sau đó nhân viên điều tra tự ý quy kết tội phạm giết người” như trường hợp ông Đoàn Văn Vệ. Ông Vệ còn tố cáo tại tòa việc vợ ông phải nạp 30 triệu đồng cho một nhân viên điều tra, nhưng người này không hề can thiệp cho ông được nhẹ án như đã hứa. 

Tòa cũng không hề gọi viên chức này ra đối chất để chứng minh “đúng, sai”.

Thứ năm, các Chính quyền Xã Vinh Quang, Huyện Tiên Lãng và Thanh phố Hải Phòng đã bất chấp hoàn cảnh của gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn, không đặt mình vào vị trí của những người dân bị oan khiên, bức hiếp để có quyết định công minh. Ngược lại, cả 3 Chính quyền này đã toa rập, đồng lõa để cướp đi công lao, mồ hôi, nước mắt và máu (hy sinh chết đuối của con gái ông Đoàn Văn Vươn tại nông trại) với toan tính biến khu đất mầu mỡ này thành một Dự án sân bay đem lại bổng lộc kếch sù cho những viên chức có chức, có quyền.

Thứ sáu, chính quyền Thành phố Hải Phòng đã không thi hành đúng Kết Luận của Thủ tướng Chinh phủ đề “xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật”. Bởi vì chính quyền này đã ngăn chặn người thân và người dân không được vào tham dự phiên tòa. Lực lượng Công an còn đàn áp, đánh đập, đe dọa, khủng bố và bắt giam trái phép nhiều Nhá báo Truyền Thông xã hội và cảm tình viên với gia đình Đoàn Văn Vươn khi họ đến khu vực tòa án ngày 02/04/2013.

Với kết luận trong bản án ngày 05/04/2013 của Chủ tọa phiên tòa Phạm Đức Tuyên, rõ ràng ông đã không “bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật” như yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vì vậy ông Tuyên đã vi phạm luật pháp khi không bảo vệ được tính “độc lập của Tư pháp”.

Vì vậy tôi kết luận rằng: Bản ánh dành cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn hoàn toàn chà đạp lên công lý vì nó đã chứng minh Nhà nước Cộng hòa Xã hội Việt Nam không phải là “nhà nước pháp quyền” của dân, do dân và vì dân mà là của những người có chức, có quyền muốn sử dụng luật pháp để phục vụ quyền lợi cho một thiều số cầm quyền độc tài và không có đạo đức như những người Việt Nam và người Pháp văn minh sống trong thời đại của vụ án Nọc Nạn 75 năm về trước.

Hậu quả của vụ án Đoàn Văn Vươn đã để lại cho xã hội và nông dân Việt Nam ở Thế kỷ 21 một bài học rất cay đắng và nghiệt ngã không kém gì vết nhơ của đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi trong vụ án Cải Cách Ruộng Đất từ 1953 đến 1960 ở miền Bắc.

*

(05/04/2013, ngày có bản án gia đình ông Đoàn Văn Vươn như ghi dưới đây:

- Đoàn Văn Vươn: 5 năm tù giam về tội giết người.
- Đoàn Văn Quý: 5 năm tù giam về tội giết người.
- Đoàn Văn Sịnh: 3 năm 6 tháng tù về tội giết người.
- Đoàn Văn Vệ: 2 năm tù về tội giết người.
- Phạm Thị Báu (Vợ ông Quý): 18 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 36 tháng về tội chống người thi hành công vụ.
- Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn): 15 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 30 tháng về tội chống người thi hành công vụ.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo