Trần Hoàn nịnh bác Hồ, và bị đảng... phạt - Dân Làm Báo

Trần Hoàn nịnh bác Hồ, và bị đảng... phạt

Người Yêu Nước (Danlambao) - Một người bác của tôi, vốn là một Nghệ sỹ Nhân dân rất tiếng tăm đã từng là lãnh đạo của một đơn vị Nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa. Bác tôi giờ đã nghỉ hưu lâu rồi, mới kể cho nghe một câu chuyện về vị cựu Bộ trưởng Văn hóa của bác, ông Trần Hoàn, người mà bác có mối quan hệ làm việc thân thiết hàng chục năm trời. 

Trước khi ra Hà Nội làm Bộ trưởng Thông tin, rồi Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, Trần Hoàn vốn là Giám đốc Sở Văn hóa Thừa Thiên Huế. Bài hát làm cho ông nổi tiếng khi đó là bài "Lời ru trên nương", phổ nhạc bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm, vị Phó Giám đốc Sở VH của ông. Sau khi lên đến Bộ trưởng VH, ông kéo Nguyễn Khoa Điềm ra làm Thứ trưởng cho ông.

Với các nhà văn nhà báo nhạc sỹ, họ hay nói đến chữ "viết lách", tức là "viết" xong thì phải tìm cách "luồn lách" thì bài báo mới được đăng, quyển truyện mới được in và bài hát mới được hát. Vì vậy ai cũng muốn sáng tác về bác Hồ, hầu như không cần phải "lách" mà tác phẩm vẫn dễ đến được với công chúng. 

Là nhạc sỹ Bộ trưởng Văn hóa, chẳng cần "lách" cũng có khối ca sỹ muốn được hát tác phẩm của mình, nhưng Trần Hoàn cũng thích nịnh bác, bằng việc sáng tác các bài hát như "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm". "Lời Bác dặn trước lúc đi xa"... Nhưng chính bài "Lời Bác dặn trước lúc đi xa" đã làm hại sự nghiệp chính trị của ông. 

Nội dung bài hát đó đơn giản thôi, tóm tắt ý "nịnh" của Trần Hoàn là: bác Hồ trước khi mất vẫn muốn nghe vài bài hát dân ca và căn dặn nhân dân phải coi trọng văn hóa dân gian, di sản của ông cha để lại. 

Khi bài hát mới ra đời, các ca sỹ tranh nhau thể hiện trên các sân khấu, đài báo TV liên tục phát bài hát này, nhưng không ngờ chỉ ít lâu sau đó, các đối thủ trong đảng của Trần Hoàn đã khai thác điểm yếu trong lời bài hát đó, để đánh ông. Họ cho rằng, qua bài hát này, Trần Hoàn đã để lộ ra câu chuyện "thâm cung bí sử" mà đảng vẫn giấu, (có rất ít người được biết), đó là việc phe cánh Lê Duẩn, Lê Đức Thọ đã cô lập bác Hồ trong những năm tháng cuối đời của bác, 1965-1969. 

Vài tài liệu sử học Liên Xô có cho biết, đã có những lúc trong năm 1965-1966, bởi vì bị Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất của đảng, coi thường bác là "già, lú lẫn. lẩm cẩm" và tự quyết những điều quan trọng không thông qua bác, nhất là trong việc Duẩn công khai cạnh tranh với tướng Giáp, bạn thân của Bác, nên bác Hồ đã "giỗi", bỏ sang Matxcova vài tháng "chữa bệnh", không thèm đoái hoài đến việc nước. Hồi đó bộ máy tuyên truyền của đảng suốt ngày đưa tin về các hoạt động của vị Lãnh tụ vĩ đại, Cha già kính yêu, nên khi bác vắng mặt khó giải thích cho Dân cũng là một vấn đề đau đầu cho lãnh đạo đảng, điều đó khiến cho Lê Duẩn - Lê Đức Thọ và đồng bọn lại phải xin lỗi bác, mời quay trở về nước. Tuy nhiên sau này, sự coi thường bác của Duẩn - Thọ càng ngày càng lên đến cao trào khi bác bị bệnh nặng năm 1968 - 1969, và rất nhiều khi, "vị lãnh tụ kính yêu, Cha già dân tộc" phải nằm một mình lạnh lẽo trong phòng cấp cứu của bệnh viện 108 những ngày trước khi chết. 

Khi bác mất, Lê Duẩn đọc điếu văn rất xúc động trên quảng trường Ba Đình, và trở thành Tổng Bí thư, quyền uy bao trùm toàn đảng. Nhưng sự đối xử bạc bẽo của Duẩn - Thọ với "lãnh tụ kính yêu" những năm tháng cuối đời đã trở thành một bí mật tuyệt đối, không một ai trong đảng được hé răng nửa lời. Thậm chí đến Di chúc của bác còn bị sửa, bị làm giả và ngày mất chính thức của bác cũng bị Duẩn - Thọ và đồng bọn lùi lại một ngày, từ 2/9 chuyển sang thành 3/9, vài chục năm sau, khi Duẩn - Thọ chết rồi thì đảng mới sửa lại, nhưng không có lời giải thích. 

Vậy mà Trần Hoàn đã sáng tác trong bài hát rằng: 

"Chuyện kể rằng trước lúc Người ra đi, Bác muốn nghe một câu hò xứ Huế. Nhưng không gian vẫn bốn bề lặng lẽ, Bác đành nằm im". 

Việc bác bị cô đơn lúc cuối đời, không chỉ là một lần, còn lần nữa đây: 

"Chuyện kể rằng Bác đòi nghe câu ví, nhớ làng Sen từ thuở ấu thơ, mà xung quanh vẫn lặng như tờ. Bác chờ mãi, chờ mãi không thôi".

Và lại lần nữa: 

"Lần thứ ba, Bác vẫy gọi xung quanh. Bác muốn nghe một đôi làn quan họ. Ôi may sao bỗng có em gái nhỏ, bước vào, gần Bác. Rồi căn phòng xao động trong nước mắt. Những lời ca nức nở, tái tê rằng: "Người ơi, người ở đừng về..." Bác nhìn em, rơm rớm hàng mi". 

Từ đấy, các đối thủ chính trị của Trần Hoàn đã đặt ra các câu hỏi: "Tại sao Hoàn lại làm lộ chuyện bác Hồ bị cô lập"? "Hoàn đã lấy thông tin từ đâu? từ ai?" hay là "Chuyến tối nghiêm trọng như vậy mà lộ ra thì Hoàn đã được ai bảo kê"? "Ý thức chính trị của đảng viên ở đâu khi Hoàn viết về chuyện đó"?... 

Chuyện bác tôi kể nghe thú vị quá, vì lần đầu tiên tôi biết được một bí mật tối mật của đảng, nhưng tôi vẫn thắc mắc: "Ông Trần Hoàn có bị xử lý kỷ luật gì đâu sau khi viết bài hát đó? bây giờ bài đó vẫn luôn được các ca sỹ hát mà?" 

Bác tôi tủm tỉm cười, đảng phạt ông Hoàn bằng cách hạ nhục ông. Năm 1996, Trần Hoàn thôi chức Bộ trưởng, chuyển sang làm Phó Ban tư tưởng Văn hóa của đảng, một chức danh vô vị so với làm một Bộ trưởng, và đau hơn nữa, đến năm 2002, vị Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa mới, cấp trên của ông, lại chính là cấp phó cũ của ông, Nguyễn Khoa Điềm. Cho nên ông uất ức mà ra đi năm 2003, khi bị đột quỵ tại một sự kiện Thể thao văn hóa gì đó. 

Không biết trước lúc đi xa, ông Hoàn có căn dặn lại gì không? 

*


Lời bài hát

Chuyện kể rằng trước lúc Người ra đi, Bác muốn nghe một câu hò xứ Huế. Nhưng không gian vẫn bốn bề lặng lẽ, Bác đành nằm im. Chuyện kể rằng Bác đòi nghe câu ví, nhớ làng Sen từ thuở ấu thơ, mà xung quanh vẫn lặng như tờ. Bác chờ mãi, chờ mãi không thôi.

Bác muốn nghe một câu hò Huế bởi nước non chia cắt vẫn chưa liền. Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ, bởi làng Sen day dứt trong tim. Bác muốn nghe một đôi khúc dân ca, trước lúc đi xa qua bên kia bầu trời. Người muốn đem tận vô cùng, bài ca đất nước theo Bác đến mênh mông.

Lần thứ ba, Bác vẫy gọi xung quanh. Bác muốn nghe một đôi làn quan họ. Ôi may sao bỗng có em gái nhỏ, bước vào, gần Bác. Rồi căn phòng xao động trong nước mắt. Những lời ca nức nở, tái tê rằng: "Người ơi, người ở đừng về..." Bác nhìn em, rơm rớm hàng mi. 


Bác muốn nghe một câu hò Huế hoặc muốn nghe câu hát dặm quê nhà. Bác muốn nghe một đôi làn quan họ bởi bài ca đất nước sao quên. Lúc chia ly, lời di chúc đơn sơ, Bác muốn non sông đinh ninh lời hẹn thề: "Rằng đã yêu tổ quốc mình, càng yêu tha thiết... những khúc hát dân ca".

Chuyện kể rằng trước lúc người đi xa. Chuyện kể rằng trước lúc người đi xa. 

*



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo