Thân phụ Trần Huỳnh Duy Thức: Đơn kêu cứu lần 4 - Dân Làm Báo

Thân phụ Trần Huỳnh Duy Thức: Đơn kêu cứu lần 4

Trần Văn Huỳnh - Đã 4 năm trôi qua kể từ ngày Trần Huỳnh Duy Thức, con trai tôi bị bắt và giam cầm. Đó cũng là quãng thời gian gia đình tôi đã nỗ lực hết mình để tìm lại tự do cho Thức, sau khi đã tỏ tường và nguyện chung lòng cùng một lý tưởng và con đường con trai tôi đã chọn. Xét cho cùng, điều Thức mong mỏi là một Việt Nam phú cường, độc lập; người dân có quyền và có cơm ăn áo mặc; xã hội khai trí, giàu bản sắc dân tộc và ổn định – đó cũng là ước muốn tự nhiên của bất kỳ công dân có trách nhiệm nào.

Thời gian qua, trong quá trình vận động, gia đình tôi đã nhận được sự ủng hộ, động viên từ các chính phủ, các tổ chức nhân quyền quốc tế, cùng bạn bè trong lẫn ngoài nước. Đó là một niềm vinh hạnh, đồng thời cũng là nguồn tiếp thêm sức mạnh đáng kể cho gia đình tôi trên bước đường minh oan, đòi lại tự do cho Thức. Ở trong nước, năm 2011, tôi đã nhiều lần gửi các đơn kêu oan, đề nghị giám đốc thẩm và thỉnh nguyện thư đến các đại diện và người đứng đầu nhà nước, cụ thể:

- Ngày 5/4/2011 gởi đơn kêu oan đến Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết lần thứ 1.

- Ngày 4/5/2011 gởi đơn kêu oan đến Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết lần thứ 2.

- Ngày 1/6/2011 gởi đơn đề nghị giám đốc thẩm đến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội, Viện Trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.

- Ngày 20/6/2011 gởi đơn kêu oan đến Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết lần thứ 3.

- Ngày 27/7/2011 gởi thỉnh nguyện thư nhân dân đến Chủ tịch Quốc hội và tất cả các đại biểu quốc hội toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thấy hồi đáp hay động thái nào từ những người nhận. Ngược lại, trong vòng 10 tháng qua, Thức đã 2 lần bị đưa vào biệt giam với lần gần đây nhất trong những điều kiện đối xử khắc nghiệt, đi ngược lại với pháp luật trong nước lẫn các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Và thật đáng buồn khi các điều kiện đối xử như vậy lại diễn ra không chỉ riêng tại trại giam Xuân Lộc mà còn ở các trại giam khác trên cả nước, đặc biệt đối với những người tù bị kết án theo các điều luật 79 và 88 Bộ luật hình sự.

10 ngày biệt giam vừa qua của Thức như giọt nước làm tràn ly cho gia đình tôi. Ròng rã 4 năm trời, bản án oan sai vẫn còn đó, thứ đã giáng xuống con trai tôi – một công dân lương thiện và vô tội - 16 năm tù nghiệt ngã. Lời Thức nói ngày nào vào cuối phiên tòa mà người cha không được phép ở cạnh bên con mình trong phòng xét xử vẫn còn vang vọng từng chữ trong tâm trí tôi: “Tôi không lật đổ chính quyền gì cả. Tôi chỉ chống cường quyền và tôi sẽ còn chống nó đến khi nào còn thấy nó.” Tôi tin với bản tính của Thức, khó khăn trong tù không dễ làm Thức dao động. Tôi thấy ngọn lửa của niềm tin và lòng kiên định vào con đường đã chọn vẫn còn đó, chắc chắn và không lay chuyển trong cái ôm siết chặt và ánh mắt con trai tôi.

Mỗi buổi thăm gặp gia đình, Thức thường dành một phần thời gian hỏi thăm về tình hình kinh tế - thời sự đất nước. Những lần giữa cuộc trò chuyện, Thức đưa mắt nhìn xa xăm, hay ánh mắt thoảng nét muộn phiền, tôi biết lúc đó lòng con mình đang trĩu nặng. Đằng sau những câu đùa vui hay cái cười động viên, tôi nhìn thấy niềm khắc khoải của Thức khi phải phí hoài năm tháng trong chốn lao tù vào thời điểm mà đất nước đang thật sự cần một hướng đi đúng đắn. Là một người cha, tôi đau cùng niềm đau của con mình. Và không riêng tôi, đó cũng là nỗi đau chung của gia đình các tù nhân lương tâm đang phải chịu án oan sai trên khắp đất nước.

Ngày 23/11/2012, Nhóm Công tác chống Giam giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc (WGAD) đã kết luận chính thức việc kết án và giam giữ Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long là tùy tiện và vi phạm luật pháp quốc tế. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc nhất để con tôi được trao trả tự do. Ngoài ra, WGAD cũng đã có kết luận tương tự đối với một số công dân Việt Nam khác đang chịu án oan sai.

Vì vậy, tiếp nối những nỗ lực vận động trong thời gian qua, gia đình tôi đã gửi Đơn kêu oan lần 4 đến chủ tịch nước nhằm kêu gọi trao trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm đã có kết luận của WGAD. Có thể sẽ có ý kiến cho rằng sau những lần đệ trình không hồi đáp, lá đơn lần này sẽ không làm nên sự thay đổi. Còn với chúng tôi, kết quả của lá đơn ra sao không quan trọng. Giữa buông tay lặng im và tiếp tục bước tới, chúng tôi chọn cách thứ hai, bởi đó là cách để chúng tôi “giữ ánh lửa qua giông bão”. Và trên hết, sự trong sạch, tính chính nghĩa luôn trụ vững trước thời gian, tôi tin chắc một ngày con trai tôi cùng các anh chị em tù nhân lương tâm khác sẽ được minh oan và trở về.


______________________________


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 6 năm 2013

ĐƠN KÊU OAN

Kính gởi: Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang

V/v: Kêu oan cho Trần Huỳnh Duy Thức cùng các công dân Việt Nam đang chịu án oan sai khác đã có kết luận của Nhóm Công tác chống Giam giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc (UNWGAD)

Kính thưa Chủ tịch Nước,

Tôi là Trần Văn Huỳnh, là cha của Trần Huỳnh Duy Thức – người đã bị kết án oan sai 16 năm tù và 5 năm quản chế vì tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Với một niềm tin kiên định Trần Huỳnh Duy Thức không có tội như bản án đã tuyên, trong 3 năm qua gia đình tôi đã nhiều lần gởi đơn kêu oan và đơn yêu cầu giám đốc thẩm cho con tôi đến các đại diện nhà nước.

Qua các lá đơn và thỉnh nguyện thư, tôi đã nêu đầy đủ các vấn đề pháp lý để chứng minh cho sự oan sai con tôi đã chịu hơn 4 năm qua. Tôi cũng đưa ra những bằng chứng chứng minh quyển sách Con đường Việt Nam của Thức đang viết dở dang – một tài liệu mà cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án cho là một kế hoạch tổng thể nhằm lật đổ chính quyền nhân dân và kết tội con tôi – là một cuốn sách hoàn toàn cho mục đích xây dựng và phát triển đất nước thông qua những kiến nghị cải cách để chính quyền nhân dân trong sạch, vững mạnh, xã hội công bằng, thịnh vượng, ổn định.

Liên quan đến bản án dành cho con tôi cùng các anh Lê Công Định, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung, ngày 23/11/2012, trong một thông cáo của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Nhóm Công tác chống Giam giữ Tùy tiện (UNWGAD) đã kết luận: “việc tước đoạt tự do của Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, và Lê Thăng Long là tùy tiện và vi phạm điều 9, 19 và 21 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một thành viên ký kết”. Theo đó, Nhóm Công tác này yêu cầu Việt Nam trao trả tự do cho 4 công dân trên và bồi thường cho họ theo điều 9, đoạn 5 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.

Vậy mà cho đến nay, vụ án của con tôi vẫn chưa được xem xét lại. Không những thế, trong tù con tôi còn phải chịu những điều kiện giam giữ vô cùng khắc nghiệt, tàn nhẫn. Từ tháng 8/2012 đến tháng 4/2013, Thức đã bị giam giữ riêng biệt trong một phòng nhỏ đóng kín cửa liên tục, chỉ trừ thời gian trại giam phát bữa ăn. Gần đây, trong liên tiếp 10 ngày từ 24/5 đến 2/6/2013, con tôi bị đưa vào biệt giam trong một buồng rất nhỏ chỉ 4m2, không có ánh sáng, rất dơ bẩn và tiềm ẩn nhiều mầm bệnh do nhiều năm không được lau dọn vệ sinh, mỗi ngày chỉ được 2 chén cơm trắng không có thức ăn và chỉ được 1 lít nước cho mọi nhu cầu ăn uống, sinh hoạt. Gia đình chúng tôi cho rằng các điều kiện đối đãi như trên là bất công, không nhân đạo, hạ thấp phẩm giá con người và vi phạm điều 5 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, điều 7 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị cùng các quy định thuộc Quy chế Tổ chức trại giam (ban hành kèm Nghị định số 60-CP ngày 16-9-1993 của Chính phủ). Tuy nhiên, các điều kiện đối đãi như trên lại đang tồn tại phổ biến ở nhiều trại giam trên khắp cả nước. 

Kính thưa Chủ tịch,

Nay tôi viết đơn này nhằm khẩn thiết kính mong Chủ tịch cứu xét lại vụ án, giải oan cho con tôi cùng các công dân Việt Nam đang chịu án oan sai khác đã có kết luận của Nhóm Công tác chống Giam giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc (UNWGAD) để con tôi và những công dân có trách nhiệm với Tổ quốc khác sớm được đoàn tụ với gia đình và đóng góp sức mình cho sự phát triển bền vững và phồn vinh của đất nước. Nhằm tiện cho việc tham khảo, tôi xin đính kèm đơn này danh sách các công dân Việt Nam đang chịu án oan sai khác đã có kết luận của UNWGAD. 

Gần đây, Phong trào Con đường Việt Nam đã thu thập, biên tập các thông tin, tư liệu từ những bài viết của nhóm nghiên cứu Chấn và nội dung quyển sách Con đường Việt Nam mà con tôi đang viết dang dở để cho ra đời cuốn sách có tựa đề “Trần Huỳnh Duy Thức và Con đường nào cho Việt Nam”. Tôi xin được gởi đến Chủ tịch quyển sách này và kính mong Chủ tịch dành chút ít thời gian quý báu của mình xem xét. Qua cuốn sách, tôi mong rằng Chủ tịch sẽ hiểu được tấm lòng yêu nước của Thức, qua việc trăn trở trước hiện trạng xã hội – kinh tế – chính trị Việt Nam với những nguy cơ, thách thức, đòi hỏi phải có những cải cách toàn diện, thực chất và đề xuất về một con đường phát triển đất nước dựa trên nền tảng đề cao dân chủ và nhân quyền theo đúng quy luật tự nhiên và xu hướng tiến bộ của nhân loại.

Tôi tin rằng trả lại sự trong sáng cho con tôi và những công dân đang chịu án oan sai khác không những cũng cố được niềm tin của người dân mà còn mang lại những hy vọng mới tốt đẹp cho đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn.

Địa chỉ liên lạc của tôi: 439F8 Phan Văn Trị, Phường 5, Quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh. Điện thoại: 0903350117.

Kính đơn,
Trần Văn Huỳnh

Đính Kèm:

Danh sách các công dân Việt Nam đang chịu án oan sai đã có kết luận của Nhóm Công tác chống Giam giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc (UNWGAD)

1. Linh mục Nguyễn Văn Lý
2. Thiền sư Thích Quảng Độ
3. Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày)
4. Nguyễn Xuân Nghĩa
5. Trần Huỳnh Duy Thức
6. Nguyễn Tiến Trung
7. Đỗ Thị Minh Hạnh
8. Đoàn Huy Chương
9. Nguyễn Hoàng Quốc Hùng
10. Cù Huy Hà Vũ (người đang được UNWGAD xem xét)


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo