Cơn sốt giữa nhiệm kỳ của đảng CSVN - Dân Làm Báo

Cơn sốt giữa nhiệm kỳ của đảng CSVN

Phạm Trần (Danlambao) - Chỉ còn vài tháng nữa đến nửa nhiệm kỳ thứ hai của Khóa đảng XI CSVN (2011-2016) nhưng xem ra Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa thoát khỏi vòng vây thất bại của Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Bằng chứng của việc này diễn ra qua “chiến dịch” làm việc của các Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị đi về địa phương và cơ sở đảng bắt đầu từ tháng 08/2013.

Ngoài việc kiểm điểm những việc làm được và chưa được đối với công tác xây dựng chỉnh đốn đảng, các Đoàn còn thảo luận việc thi hành Chỉ thị 03 ngày 14/05/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Chống tham nhũng hay chống nhau?

Sau 15 ngày họp của Hội nghị Trung ương 6 kết thúc ngày 15/10/2012, kết quả của chiến dịch “tự phê bình và phê bình” làm theo Nghị quyết Trung ương 4 từ Trung ương xuống cơ sở đã hoàn toàn tay trắng.

Không có bất cứ cấp Lãnh đạo nào bị xử lý, dù đã bị Bộ Chính trị đề nghị kỷ luật đích danh như trường hợp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đa số trong 175 Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương đảng được quyền bỏ phiếu đã không muốn kỷ luật ông Dũng, người bị chỉ trích có nhiều khuyết điểm khi thi hành nhiệm vụ và đã để cho 2 Tổng Công ty Vinashin và Vinalines thua lỗ làm thiệt hại ngân sách nhà nước hàng trăm ngàn tỷ đồng.

Các Ủy viên này, theo nguyên văn Thông báo của Hội nghị, chỉ muốn Bộ Chính trị “có biện pháp tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm; không để các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá”!

Thế là xong chuyện. Đảng viên chán nản, dân tình bất bình và mệnh lệnh hàng đầu của ông Trọng gọi là “kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” bị bỏ vào một xó. 

Hai nhiệm vụ còn lại cũng bị “chìm xuồng” theo gồm: 

(1) “Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” và 

(2) “Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu của cấp ủy, chính quyền các cấp và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một trong những khâu quan trọng nhất.”

Sau Hội nghị 6, ông Trọng thất bại luôn ở Hội nghị Trung ương 7 sau 10 ngày họp (11/05/2013) vì không đưa được hai ứng viên của mình vào Bộ Chính trị là các ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương và ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội Chính Trung ương.

Hai ông Huệ và Thanh từng được ông Trọng hy vọng sẽ giúp ông giải quyết được tình trạng tham nhũng cấu kết với nhau giữa các “Nhóm Lợi Ích” trong các khối Doanh nghiệp Nhà nước, Ngân Hàng và Địa Ốc để phục hồi kinh tế và lấy lại niềm tin trong nhân dân và các nhà đầu tư nước ngoài.

Thay vào đó, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, một người được cảm tình của Trung Cộng và Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, được xem như thân với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào Bộ Chính trị khiến ông Trọng ngỡ ngàng đành quyết định không bầu tiếp cho đủ số 17 Ủy viên trong Bộ Chính trị như kế họach ban đầu.

Từ đó uy tín lãnh đạo của ông Trọng xuống thấp nhất trong vòng chưa đầy 2 năm. Và đã có lời xì xèo trong nội bộ cấp cao rằng ông khó mà được tái đắc cử nhiệm kỳ 2 vào năm 2016.

Vì vậy, nhằm lấy lại uy tín cho mình trước Hội nghị Trung ương 8 sắp diễn ra, ông Trọng, với tư cách Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã ký Quyết định số 17-QĐ/BCĐTW thành lập 7 đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. 

Quyết định ngày 6-8 (2013) của ông Nguyễn Phú Trọng đã chỉ định công tác Đoàn công tác số 3 cho ông Nguyễn Bá Thanh (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng ban Nội chính Trung ương) làm trưởng đoàn, làm việc tại Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao.

Cả 3 nơi này đều có tham nhũng, buông thả các viên chức tham nhũng và không xét xử công bình các vụ án tham nhũng.

Ủy viên Bộ Chính trị Ngô Văn Dụ, (Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng) làm trưởng đoàn công tác số 1 làm việc tại Thanh tra Chính phủ và TPHCM. Trong khi Đoàn 2 do Ủy viên Bộ Chính trị Trần Đại Quang (Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng) làm trưởng đoàn sẽ làm việc tại thành phố Hà Nội và thành phố Hải Phòng. 

Bốn Đoàn còn lại (Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Nguyễn Văn Hiện, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng) làm việc tại các Tỉnh Cần Thơ, Đồng Nai, Hải Dương, Hưng Yên, Đắk Lắc, Bình Thuận, Cà Mau và An Giang. 

Có bao nhiêu vụ tồn đọng?

Theo tin của Thông tấn Xã Việt Nam (TTXVN), trước đó, ngày 5-8-2013, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã ban hành Kế hoạch số 16-KH/BCĐTW về “kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện hạn chế, yếu kém trong hoạt động thanh tra vụ việc, phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án của các cơ quan chức năng; những khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo giải quyết nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, trước mắt tập trung những vụ án và một số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm; qua đó kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém trong công tác đấu tranh chống tham nhũng hiện nay, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.”

Nhưng cả nước có bao nhiều vụ Tham nhũng được gọi là “nghiêm trọng và phức tạp” đang tồn tại và tại sao chưa bị đem ra xét xử trong nhiều năm, từ thời ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống Tham nhũng từ năm 2007?

Thắc mắc này đã được Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời tại hội nghị tổng kết công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài tổ chức tại Vũng Tàu ngày 15/08 (2013).

Theo ông Tranh trên phạm vi cả nước có 528 vụ tồn đọng, phức tạp, kéo dài, còn phía Nam có 295 vụ (theo số liệu thống kê cuối năm 2011) là (do): Cơ chế chính sách còn bất cập, lịch sử nhà đất nhiều phức tạp, việc giải quyết của nhiều cơ quan chức năng chưa triệt để, nhận thức pháp luật của người khiếu kiện chưa đầy đủ, bị kẻ xấu lợi dụng, kích động. (Báo Thanh Tra)

Trước đó vào ngày 18/7 (32013) trà lời trước Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tại phiên giải trình “Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng thuộc trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước”, ông Huỳnh Phong Tranh khẳng định: “Công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực. Tham nhũng trên một số lĩnh vực từng bước được kiềm chế. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn phức tạp với những biểu hiện tinh vi, diễn ra ở nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước như: Lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp…

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng, chủ yếu ở cấp cơ sở.

Số vụ việc tham nhũng bị phát hiện, xử lý qua kiểm tra, thanh tra còn ít. Quy mô các vụ tham nhũng ngày càng lớn, thể hiện ở số đối tượng có liên quan, lượng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Tính chất các vụ việc tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp. (Theo VOV.VN (Đài Tiếng nói Việt Nam), Thứ bảy 20/07/2013)

Như vậy xem ra Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ít ra cũng đã có một số hành động chống Tham nhũng “trên giấy tờ” có phân công phân nhiệm cho 7 đoàn đi làm công tác điều tra các vụ tham nhũng còn tồn đọng trong nhiều năm đang gây bức xúc cho dân.

Nhưng chỉ thị của ông Trọng không “quy định thời gian” cho 7 Đoàn phải hoàn tất công tác nên không biết đến bao giờ các đoàn này mới có kết luận.

Một lần nữ ông Trọng nói tại “Hội nghị điển hình tiên tiến toàn quân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, sáng 24/8 (2013) rằng: 

“Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Các thế lực thù địch đẩy mạnh "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ, thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang; chống phá Đảng và Nhà nước ta quyết liệt.” 

Lời cảnh báo của ông Trọng trước các nguy cơ làm tan rã đảng và chế độ không mới vì đã được chính ông và các Tổng Bí thư tiền nhiệm nói nhiều lần, nhưng điều này cho thấy ông đã thừa nhận đảng viên vẫn chưa “học và làm theo lời Bác” theo Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. 

Chỉ thị này nhằm tiếp tục Công tác mà toàn đảng chưa làm được từ “Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW, ngày 07-11-2006 về “Tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm giương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Với Chỉ thị 03, các đảng viên phải: “Tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực…

Ngoài ra đảng còn phải làm một số việc quan trọng như:

-Đề cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người, nhất là vai trò gương mẫu của cán bộ chủ chốt các cấp, của người đứng đầu, của cấp trên... 

-Tiếp tục tổ chức học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bao gồm cả việc học tập và làm theo tác phong, phong cách của Bác, thể hiện cụ thể trong công việc thường ngày, trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp... Đặc biệt nhấn mạnh việc làm theo qua những hành vi thiết thực, cụ thể. 

- Tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện những chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phù hợp với đặc điểm hoạt động của từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị trong giai đoạn hiện nay. 

-Quy định rõ trách nhiệm tự giác đi đầu, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp, của cán bộ, đảng viên. Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. 

- Định kỳ tổ chức kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, phát hiện và biểu dương các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phê bình, uốn nắn các nhận thức lệch lạc, các việc làm thiếu gương mẫu, nói không đi đôi với làm. Đấu tranh với các quan điểm sai trái, các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí...” 

Văn hóa cũng xuống cấp

Nhưng nay thì “tham nhũng, lãng phí” vẫn còn nghiêm trọng và càng ngày càng “diễn biến phức tạp” và có “nhiều vụ tham nhũng lớn” rất khó khám phá như lời cảnh báo của ông Huỳnh Phong Tranh, Trưởng ban Thanh tra Chính phủ là bằng chứng hiển nhiên cho sự “hết linh thiêng” của lời ông Hồ Chí Minh dạy cán bộ phải “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”. 

Vì vậy mà không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy xuất hiện trên báo Đại Đoàn Kết ngày 17/08 (2013) bài viết nói về “Đạo đức và pháp luật” của Tác giả Kiên Long, trong đó có những đoạn nói về tình trạng xuống cấp của đạo đức trong xã hội ngày nay như thế này: 

“Dư luận xã hội vừa qua đã rất bất bình khi hai phương tiện đường thủy phát hiện vụ tai nạn chìm ca nô ở Cần Giờ không quay lại cứu người. Đây không chỉ là vụ việc hy hữu, ở trên đường thủy, mà ngay trên đường bộ, hàng ngày, nhiều khi thấy tai nạn, thấy người bị cướp giật, không ít người làm ngơ, tìm cách lảng. Những chuyện vô cảm, thiếu tình người, biểu hiện đạo đức xuống cấp như vậy gần đây có xu hướng gia tăng, mang tính báo động. 

... Cũng như vấn đề tham nhũng cứ mãi nan giải, phức tạp đâu phải vì do không có, không đủ luật, cơ quan bảo vệ pháp luật không đủ sức mạnh? Khi mỗi cán bộ thực sự có liêm, chính, chí công vô tư thì lấy đâu ra tham nhũng?”

Trong khi đó báo Dân Trí cũng cho thấy sự xuống cấp văn hóa, đạo đức không những trong nhân dân, thanh niên mà cả trong hàng ngũ không nhỏ cán bộ, đảng viên. 

Dân Trí viết: “Hôm qua ngày 8/8 (2013) tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 15 năm (1998-2013) thực hiện Nghị quyết TƯ 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Đinh Thế Huynh, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tới dự Hội nghị….

...Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn nêu: “Con người Việt Nam những năm qua về tư tưởng, đạo đức, lối sống có nhiều thay đổi...

...Gia đình và văn hóa gia đình chưa được chú trọng, chưa thực sự trở thành cái nôi hình thành nhân cách con người; cách ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng; hệ giá trị có biểu hiện chuyển đổi theo hướng không tích cực”

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Nghị quyết của Đảng mong muốn xây dựng con người Việt Nam “có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc”. Nhưng “yêu nước” bây giờ được hiểu theo những nghĩa rất khác nhau. Hiện tượng một số thanh niên phổ biến trên mạng cho nhau các chiêu trò để trốn nghĩa vụ quân sự nói lên điều gì? Nó thể hiện sự phai nhạt tình cảm yêu nước, ý thức trách nhiệm với giang sơn? Hay đó là một phản ứng xã hội?...

“Chúng ta nói tới tinh thần tự cường. Nhưng tinh thần tự cường dân tộc để đâu khi mà người Việt phần đông chỉ sính hàng nước ngoài, từ báo chí, biển hiệu, quảng cáo đến các chương trình giáo dục cũng thả cửa dùng tiếng nước ngoài; còn doanh nghiệp phần đông chỉ xài công nghệ, trang thiết bị nước ngoài, dù đó là công nghệ lạc hậu và trang thiết bị ở nước ngoài người ta chỉ có thể cho vào bãi rác?.”

Tổng kết tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cũng nhấn mạnh rằng: “Hạn chế lớn và là vấn đề gây bức xúc nhất trong đời sống xã hội hiện nay là sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên….”

Theo Dân Trí Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng cũng báo động: “Sự tha hóa, lối sống xa hoa giả dối vô cảm có xu hướng phát triển. Bệnh thành tích và hình thức trong các hoạt động văn hóa ngày càng lan rộng. Những yếu kém nêu trên không chỉ hạn chế sự phát triển kinh tế xã hội mà còn làm xấu hình ảnh đất nước con người văn hóa Việt Nam. Theo tôi đây là một nguy cơ thậm chí còn là nguy cơ của mọi nguy cơ trong bối cảnh chúng ta phải xây dựng và phát triển đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng...”

Như vậy nếu con người Việt Nam suy thoái cả văn hóa cơ bản nhất của dân tộc không còn biết thương yêu nòi giống và hy sinh cho giống nòi để bảo vệ Tổ quốc thì hiểm họa bị ngoại bang đô hộ có còn bao xa, nói chi đến sự tồn tại của đảng CSVN?

Không biết ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thấy thế không, hay ông chỉ lo mất chỗ ngồi?

(08/013)




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo