"Đức trị" của cộng sản - Dân Làm Báo

"Đức trị" của cộng sản

Trần Hoàng Lan (Danlambao) - Cuối năm 1995, ông Hà Sĩ Phu bị bắt ở Hà Nội. Khám trong người ông, công an thu được "tài liệu bí mật" là bức thư của ông Võ Văn Kiệt gửi bộ chính trị. Thế là ông bị kết tội "cố ý tiết lộ bí mật nhà nước". Giống như nhiều vụ bắt giữ những người bất đồng chính kiến khác, hành vi "lưu hành bức thư" chỉ là cái cớ. Vì những "bí mật" của nhà nước bị ông "cố ý tiết lộ" lại nằm trong bài viết "Chia tay ý thức hệ" trước đó. Chúng gồm: "Triết học Mác - Lê: khủng hoảng phương pháp luận", "chính trị Mác - Lê: Phong kiến biến tướng", "Tầm văn hóa thấp của trào lưu cộng sản", "Đổi mới là tự vượt qua chính mình", "Triều đại phong kiến cuối cùng và chiếc bình phong" (1) và giống như phong kiến thời xưa chế độ cộng sản cũng chủ trương phương thức cai trị xã hội đức trị. Phát hiện này như một gáo nước lạnh tạt vào lòng kiêu ngạo cộng sản. Những kẻ vẫn thường vỗ ngực tự xưng là đỉnh cao trí tuệ, khoe khoang chế độ cộng sản là tốt đẹp nhất, chê bai chế độ phong kiến thối nát, lạc hậu. Như vậy thì dù có hay không có bức thư tác giả vẫn phải bị bắt, bị kết tội. Vì mục đích, khuôn khổ bài viết có hạn nên tác giả đã không đi sâu phân tích sự khác nhau của hai nền đức trị đó.

Phương thức cai trị xã hội đức trị hay cai trị bằng đạo đức gọi tắt đức trị là dùng các giá trị đạo đức coi là khuôn mẫu để điều chỉnh các hoạt động chính trị trong xã hội. Theo nhân sinh quan nho giáo thời phong kiến khuôn mẫu của đạo đức là người quân tử - một trong những khái niệm quan trọng của hệ tư tưởng nho giáo - là người phải có đủ 5 đức tính, 9 tiêu chuẩn và 8 bậc thang hành động để phân bậc từ người bình thường, tiểu nhân tới anh hùng hào kiệt, minh chủ. Một thực tế đã xảy ra. Tuy có cùng một phương thức cai trị nhưng chế độ phong kiến đã tồn tại tới hàng nghìn năm. Còn chế độ cộng sản thời cực thịnh chiếm tới non nửa nhân loại nhưng chưa đầy một thế kỷ đã sụp đổ hàng loạt chỉ còn sót lại vài mống thì hoặc "đổi màu" để tồn tại hoặc "thoi thóp" tính bằng năm. Lý do là "đức trị phong kiến" dù có những bế tắc nhất định nhưng một thời gian dài vẫn còn phù hợp được với văn minh nông nghiệp. Còn "đức trị cộng sản" vào thời "văn minh công nghiệp trở nên lỗi thời cản trở quá trình phát triển của xã hội. Thuyết phục hơn, như nguyên tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô Gorbachev đã từng thú nhận "cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá", nghĩa là các khuôn mẫu của "đức trị cộng sản" là sản phẩm của tuyên truyền lừa dối. Câu nói của ông đã được sáng tỏ ngay sau khi Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu sụp đổ vào những năm đầu 90 của thế kỷ trước. Nhiều trong số các lãnh tụ cộng sản đương thời được tôn vinh như thánh sống đã hiện nguyên hình là những đồ tể khát máu. Quốc hội Âu châu đã có hẳn nghị quyết 1481 để lên án tội ác của chủ nghĩa cộng sản. 

Việt Nam là một trong số vài mống còn sót lại của hệ thống các chế độ cộng sản. Các bí mật của chế độ tuy được che đậy rất kỹ nhưng trong thời đại internet vẫn dần dần bị phanh phui. Trong đó những bí mật về vận hành của "đức trị cộng sản" đã đủ để chắp nối thành cuốn phim nhan đề "sự tàn bạo và dối trá của cộng sản Việt Nam". 

Mác - Lê giáo 

Những năm trong nửa đầu của thế kỷ trước học thuyết Mác - Lê đã được truyền bá vào Việt Nam. Người có công không ai khác chính là lãnh tụ đầu tiên của chế độ cộng sản - chủ tịch nước kiêm chủ tịch đảng Hồ Chí Minh. Theo học thuyết này thì trong lịch sử loài người đã và sẽ tuần tự xuất hiện 5 hình thái kinh tế xã hội từ thấp đến cao: Cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản, cộng sản chủ nghĩa. Hình thái kinh tế xã hội cộng sản chủ nghĩa chia thành hai giai đoạn giai đoạn đầu là xã hội chủ nghĩa, giai đoạn sau là cộng sản chủ nghĩa. Giai đoạn cộng sản chủ nghĩa với đặc điểm của cải dồi dào, ý thức tự giác cao không còn nhà nước, con người làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Để tiến tới giai đoạn cộng sản chủ nghĩa đảng cộng sản phải lãnh đạo giai cấp vô sản tiến hành cách mạng vô sản đánh đổ giai cấp bóc lột là phong kiến tư bản giành chính quyền. Sau đó là thời kỳ quá độ xây dựng, cải tạo XHCN để tiến tới cộng sản chủ nghĩa. Khi du nhập vào Việt Nam mục tiêu của cách mạng vô sản được cải biến thành đánh đổ thực dân phong kiến giành độc lập đã hấp dẫn được người dân nhất là tầng lớp nghèo khổ đang sống trong chế độ thuộc địa nửa phong kiến đi theo giúp cộng sản giành được chính quyền. Với mục đích là xây dựng thế giới đại đồng của cải vật chất dồi dào, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu nó như một chiếc bánh vẽ dành cho tất cả mọi tầng lớp người Việt Nam. Một thời học thuyết Mác - Lê đã được coi là kim chỉ nam cho tư tưởng và hành động. Sau khi các chế độ cộng sản sụp đổ hàng loạt nhân loại, nó đã hiện rõ là học thuyết sai lầm, ảo tưởng. Cộng sản Việt Nam dù biết nhưng vì sợ mất địa vị lãnh đạo thay vì đoạn tuyệt lại cải biến chắp vá và vẫn lấy nó làm chiếc bình phong che đậy trước nhân dân hòng kéo dài thời gian sự tồn tại của chế độ. Việc làm này đã đẩy đất nước tới thực trạng: kinh tế lụn bại, tham nhũng tràn lan, nợ nần chồng chất, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, đạo đức xã hội băng hoại và ngày càng tụt hậu về mọi mặt so với ngay cả các nước trong khu vực. 

Thần thánh hóa lãnh tụ

Cách mạng tháng 8 đánh đổ chế độ phong kiến lập nên nước "Việt Nam dân chủ cộng hòa" là thành công đầu tiên của những người cộng sản trong quá trình truyền bá áp dụng học thuyết Mác - Lê tại Việt Nam. Trái với cái tên nước mỹ miều để che đậy bản chất cộng sản, lãnh tụ đầu tiên - "quân vương" của chế độ mới thay thế quân vương của Nam triều đã thoái vị - lại có danh xưng "cha già dân tộc". Mộc mạc, gần gũi nên khi được các sử nô, văn nô, thi nô, nhạc nô,... ra sức tô vẽ. Năm 21 tuổi đã ra đi tìm đường cứu nước. Kiên quyết không lập gia đình để dành thời gian làm việc cho dân cho nước. Suốt đời dùng chiếc áo đại cán và đôi dép cao su cũ. Khi thành danh vẫn chỉ ở trong ngôi nhà sàn giản dị cạnh phủ chủ tịch. Tình thương với nhân dân cả nước bao la như trời bể. Là nhà văn hóa kiệt xuất được liên hiệp quốc công nhận là danh nhân văn hóa thế giới. Trước lúc ra đi vẫn muốn được nghe câu hò, hát giặm xứ Nghệ... Là tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam noi theo... đã mau chóng trở thành thần tượng và phát huy "tác dụng". 

Nhiều nạn nhân bị giết oan trong cải cách ruộng đất trước khi chết vẫn hô "Hồ Chí Minh muôn năm".

Nhiều người Việt Nam như những đứa con nghe cái giọng "...không phải sấm trên cao ấm từng tiếng thấm vào lòng mong ước" (2) của "cha già" đã lao vào để "Giết, giết, giết bàn tay không kịp nghỉ" (3) đồng bào của mình. 

Và đến tận bây giờ vẫn còn rất nhiều người Việt Nam "học tập và noi gương Hồ Chí Minh".

Chuyên chính vô sản

Sau khi đánh đuổi thực dân Pháp giành quyền kiểm soát miền Bắc, nhận chỉ thị từ Stalin đảng cộng sản Việt Nam đã tiến hành cuộc Cải cách ruộng đất. Mục đích là cấp ruộng đất cho dân nghèo và trấn áp địa chủ, tư sản. Nhưng do sai lầm, chịu sự chỉ đạo và dập khuôn của Trung Quốc đã biến thành cuộc tàn sát, cướp đi sinh mạng của hàng vạn người vô tội, gây ra các nghịch cảnh con đấu tố cha, vợ đấu tố chồng, đảo lộn các giá trị đạo đức truyền thống. Và cũng chỉ vài năm sau, ruộng đất của nông dân lại bị đưa vào hợp tác một hình thức tước đoạt của nhà nước. 

Cùng với " phú, địa, hào" đã bị "đào tận gốc trốc tận rễ" các trí thức, văn nghệ sĩ phê phán sai lầm của cải cách ruộng đất, đòi tự do sáng tác cũng bị chụp mũ là "phản động" để nhận lấy những hình phạt từ bạc đãi, cấm sáng tác đến hành hạ trong lao tù trong vụ án "Nhân văn giai phẩm" vào những năm 1956-1958. 

Đất nước thống nhất, thấy tiềm lực kinh tế của giai cấp tư sản và tiểu tư sản ở miền Nam mới được giải phóng vẫn còn mạnh. Nhà nước cộng sản lại tiếp tục thực hiện "cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh". Thực chất là cướp không tài sản của những người kinh doanh buộc họ phải chuyển qua sản xuất nông nghiệp, rời khỏi thành phố. Những cửa hàng, nhà cửa bị tịch thu trở thành tài sản công và thường sẽ thành một cửa hàng quốc doanh hoặc thậm chí nhà ở cho cán bộ. Các gia đình có cửa hàng, nhà cửa bị tịch thu buộc phải nhận quyết định đi “xây dựng vùng kinh tế mới”. Cùng thời điểm đó 1 triệu quân cán của chế độ cũ cũng bị đưa vào tù dưới danh nghĩa học tập, cải tạo. Các chính sách trên đã làm miền Nam tiêu điều trực tiếp gây nên một cuộc chạy trốn chế độ bằng thuyền lớn nhất thế kỷ làm nửa triệu người bỏ xác giữa biển khơi. 

Vào thời đổi mới đội ngũ lãnh đạo của đảng đã có "của ăn của để" nên không còn là vô sản nữa. Nhà nước vô sản xưa kia vẫn khoác chiếc áo "nhân dân" nhưng giờ đã là của "tư bản đỏ" bạn của tư bản. Khái niệm "chuyên chính vô sản", "đấu tranh giai cấp" không còn phù hợp đã được bỏ đi trong hiến pháp. Nhưng "chuyên chính" thì vẫn còn để trấn áp "các lực lượng thù địch" bao gồm: bất đồng chính kiến, đấu tranh đòi dân chủ tự do nhân quyền, yêu nước chống Tàu, đấu tranh chống tham nhũng, khiếu kiện tập thể, chống lại lệnh cưỡng chế thu hồi đất đai, hoạt động tôn giáo không được nhà nước cho phép.

Tự phê bình, tự chỉnh đốn, học tập làm theo và trung với đảng

Ngày 8/7/ 2012, tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc - TP Bắc Ninh lễ mít tinh kỷ niệm ngày sinh cố tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ và tỉnh Bắc Ninh tổ chức rất long trọng với sự có mặt của đầy đủ các nhân vật lãnh đạo chóp bu như Nguyễn Phú Trọng tổng bí thư, Trương Tấn Sang chủ tịch nước, Nguyễn Tấn Dũng thủ tướng và Nguyễn Sinh Hùng chủ tịch quốc hội. Cùng thời gian trên các báo nhà nước đồng loạt "Đồng chí Nguyễn Văn Cừ- nhà lãnh đạo tài ba của đảng", "Đồng chí Nguyễn Văn Cừ- tài năng lãnh đạo kiệt xuất","tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ tuổi trẻ chí lớn"... để ca ngợi thân thế sự nghiệp của ông. Quả là "long trọng" và "rùm beng". Ngoài lý do đây là lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh một cố tổng bí thư còn một lý do nữa là sinh thời ông đã viết "tự chỉ trích" một tác phẩm "xuất sắc về xây dựng chỉnh đốn đảng" liên quan tới nội dung của "Nghị quyết hội nghị trung ương 4" vừa mới ban hành có tiêu đề "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay".

Xây dựng đảng gồm phát triển, chỉnh đốn là việc làm thường niên. Vì càng "chỉnh" thì càng "đốn"(đổ đốn) nên số lượng đổ đốn ngày một nhiều. Một hôm xấu trời, bỗng dưng các lãnh đạo đảng nhà ta nhìn thấy có "một bộ phận không nhỏ suy thoái" lù lù trước mặt. Thế là họ vội vàng hô lên "phải chỉnh đốn đảng gấp!". Đó là diễn biến dẫn tới nghị quyết 4 mà có người còn ngây thơ kỳ vọng vào tác dụng chống tham nhũng của nó. Nhưng sau gần một năm chứng kiến "sâu chúa" không những không bị diệt mà còn lên giọng rao giảng đạo đức và vị tổng bí thư - chủ biên nhóm tác giả của nghị quyết 4 - thành thực thú nhận "kỷ luật gây mất đoàn kết, sinh thù oán" thì họ hiểu ra: chỉnh đốn đảng không có hiệu quả. Nghị quyết 4 thất bại và chỉ là một khẩu hiệu để tự trấn an, xoa dịu nỗi bất bình của nhân dân không hơn không kém. Nó thất bại bởi một đảng độc tài, coi thường, đứng trên cả pháp luật, thâu tóm cả ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ thì "càng chỉnh lại càng đốn" là lẽ dĩ nhiên.

Việt Nam trước năm 90 của thế kỷ trước học thuyết Mác - Lê được ví như "ngọn đuốc soi đường""kim chỉ nam cho tư tưởng và hành động". "Lý tưởng cộng sản" là lý tưởng cao đẹp nhất. Sách về những tấm gương của người cộng sản luôn là sách gối đầu giường của thanh niên Việt Nam. Sau khi Liên Xô và các nước cộng sản đông Âu sụp đổ, nhà nước cộng sản Việt Nam theo đuôi Trung Quốc đã xóa bỏ chế độ quan liêu bao cấp để quay về nền kinh tế thị trường và tự nhận là "đổi mới". Nhưng không phải là nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa mà là một mô hình kinh tế quái gở "kinh tế thị trường định hướng XHCN". Học thuyết Mác - Lê đã hết "thiêng". "Lý tưởng cộng sản chủ nghĩa" được thay bằng "học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Nhưng phần thì "tấm gương" theo thời gian đã "cũ mờ", phần thì những kẻ phát động nói một đàng làm một nẻo nên ngoài các đối tượng "theo tấm hình Bác trên tờ tiền mệnh giá 500.000đ", "nhờ "Bác chỉ lối đưa đường" để "bôi trơn" các thủ tục, những người "học tập làm theo" đúng nghĩa vẫn chỉ là con số không tròn trĩnh.

"Chỉnh đốn", "học tập làm theo" thất bại, bài học từ sự sụp đổ của các chế độ độc tài ở Liên Xô, Đông Âu thế kỷ trước và Bắc Phi Trung Đông vào những năm 10, 11 của thế kỷ này không những không làm cộng sản Việt Nam tỉnh ngộ mà ngược lại càng "sắt máu" hơn quyết tâm giữ chế độ độc tài qua các hành động. Tăng cường đàn áp những biểu hiện đối lập kết hợp với tuyên truyền lừa dối, hù dọa, ru ngủ nhân dân. Hạn chế cấm đoán quyền tự do dân chủ, tự do tôn giáo bằng cách sửa luật, sửa hiến pháp. Bật đèn xanh cho quân đội làm kinh tế, phong nhiều tướng tá là hình thức ban phát chức tước bổng lộc, đề ra các chính sách ưu đãi để mua chuộc lòng trung thành của các lực lượng vũ trang đã được xác định là "thanh kiếm, lá chắn" bảo vệ chế độ. Đặc biệt "quân đội phải tuyệt đối trung thành với đảng" đã được đưa vào "dự thảo sửa đổi hiến pháp" nhằm hợp pháp hóa sự đàn áp của quân đội với nhân dân.

Oan cho phong kiến

Nếu thấy cả hai cùng có lối cai trị bằng đạo đức để kết luận "chế độ cộng sản là chế độ phong kiến biến tướng" thì quả là oan cho phong kiến. Trong tiếng Việt nếu nói B là biến tướng của A thì có nghĩa là A xấu hơn B. "Đức trị phong kiến" tồn tại theo thời gian cùng chế độ phong kiến khi nhân loại chưa phát hiện ra "dân chủ pháp trị" tiến bộ hơn. Tựa như khi chưa phát minh ra điện, loài người vẫn coi trong số các ánh sáng nhân tạo thì nến là sáng nhất. "Đức trị cộng sản" thực hành khi loài người đã văn minh, "dân chủ pháp trị" đã khá phổ biến. Đặc biệt nó lại đậm tính tàn bạo và xảo trá. 

Nhưng nếu có nói ngược lại thì cũng vẫn oan cho phong kiến. Bởi tra toét mắt trên Google cũng chẳng thể tìm được danh ngôn nào nói phong kiến xấu xa cả nhưng về cộng sản thì đầy dẫy. Thay cho lời kết là một số danh ngôn về chủ nghĩa cộng sản.
Các danh ngôn về chủ nghĩa cộng sản

Nhà văn Nga Alexandre Soljenitsym nói: "Khi thấy thằng CS nói láo, ta phải đứng lên nói nó nói láo. Nếu ta không có can đảm nói nó nói láo, ta phải đứng lên ra đi, không ở lại nghe nó nói láo. Nếu ta không can đảm bỏ đi, mà phải ngồi lại nghe, ta sẽ không nói lại, những lời nó đã nói láo với người khác."

Đức Dalai Lama lãnh tụ tinh thần Phật giáo Tây Tạng nói: "Cộng Sản là loài cỏ dại, mọc trên hoang tàn của chiến tranh, là loài trùng độc, sinh sôi, nẩy nở, trên rác rưởi của cuộc đời."

Bà Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: "Cộng Sản đã làm cho người dân trở thành gian dối."

Bí thư đảng CS Nam Tư Milovan Djilas nói: "20 tuổi mà không theo Cộng Sản, là không có trái tim, 40 tuổi mà không từ bỏ Cộng Sản, là không có cái đầu."

Cố Tổng thống Nga Boris Yeltsin nói: "CS không thể nào sửa chữa, mà cần phải đào thải nó."

Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Liên xô Mikhail Gorbachev nói: "Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng Cộng Sản. Ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng: Đảng Cộng Sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá."

Cựu Tổng thống Nga Putin nói: "Kẻ nào tin những gì CS nói là không có cái đầu. Kẻ nào làm theo lời của CS, là không có trái tim."

Cố Tổng thống VNCH Nguyễn văn Thiệu nói: "Đừng nghe những gì CS nói, mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm."


10/2013 


____________________________________

Chú thích:

(1) Các tiêu đề bài viết trong bài viết "Chia tay ý thức hệ"
(2), (3) thơ Tố Hữu.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo