Minh Dân (Danlambao) - Hãy chăm chú ngắm cái nhịp điệu mưu sinh đang diễn ra trên khắp giải đất hình chữ S, dân mình thật lương thiện hiền hòa và cam chịu. Họ không cần biết Đấng cai trị mình là ai, ảnh hưởng như thế nào, chỉ biết là nghĩ ra cái cách gì đấy để kiếm cơm là làm, rất nhiều kiểu kiếm cơm chưa có trong danh mục nghề nghiệp quốc gia.
Cái nghề đơn giản nhất là bán vé số dạo, chỉ cần đi và bán, mời chào tận tình chút là được, kể cũng hay, một người nghèo lại đem bán cái hy vọng giàu sang đổi đời cho cả thiên hạ.
Một chị bày bán la liệt các đồ chơi trẻ con ngộ nghĩnh trên vỉa hè ngay đoạn đèn xanh đèn đỏ, có anh đi xe máy chở bán bao nhiêu là băng đĩa nhạc, đỉa hình, mùa nào thức nấy người ta bán trái cây bằng tất cả các kiểu chuyên chở, bưng gánh.
Bạn thấy được thật nhiều nếu để tâm quan sát: anh bán hàng rong từ cái kim đến cái kính, cái nịt, con dao cạo... các cô bà mua nhôm nhựa đồng nát khắp đường phố, nhiều chị rao hành nghề bấm lỗ tai. Các anh xe ôm tụ tập góc đường chờ khách, rồi nhiều các kiểu người tiếp thị, trẻ em lượm ve chai, người tật nguyền bán gói tăm, nhạc công khiếm thị hát xin tiền, đạo tràng xách giỏ bán nhang thơm, cô gái đẹp phơi sương mời chào bán cái của cha sinh mẹ đẻ…
Trên các điểm dừng xe bus xe khách, anh em xe ôm chờ chực và bắt khách xuống, tranh giành và hiếu động. Có thể bạn thấy và lắc đầu, nhưng tôi thấy họ lương thiện hơn rất nhiều người cổ cồn, kính trắng.
Ăn xin là một nghề có từ ngàn xưa, có ông quan thời XHCN xứ Quảng đã khai tử nó, dành chỗ cho một giai cấp mạo danh xin đểu của dân công khai và hoàn toàn hợp pháp vì không ai bị xử.
Có thể tất cả những cảnh kiếm cơm trên đây được kéo dài phương thức ấy cho đến cuối đời kiếp người vì họ không có quyền làm người thất nghiệp.
Cũng có rất nhiều cảnh kiếm cơm mà con người ăn mặc chỉnh tề, đồng phục, phương tiện, súng gậy hẳn hoi. Gọi là lực lượng vũ trang cũng được, cảnh sát, công an cũng được, họ quên tất cả các quy định ngụy tạo của nhà rao luật như là phải có thẻ xanh trên ngực, địa điểm quy định khi hành sự... nhưng họ vẫn cứ lột tiền của người điều khiển phương tiện như một bản năng dây chuyền. Tôi thấy họ chào người bị kiểm soát theo kiểu nhà binh rất lịch sự và... lấy tiền cũng rất chuyên nghiệp, họ ngồi cả trong xe công vụ dơ gậy ra bắt phương tiện dừng lại, họ kiếm cơm tranh thủ cả lúc chở xếp đi việc công tư lẫn lộn để ra ngoài dơ vài gậy kiếm ít tiền theo kiểu văn hóa rất giao thông.
Quan chức có nhiều nhà lầu xe hơi dư ăn dư để cũng kiếm cơm theo kiểu bầy đàn, bạn đã quan sát bầy gà vườn ăn bữa? Các con lớn khỏe giành chiếm tất cả các máng ăn, các con gà nhỏ yếu chầu chực chung quanh không dám tham dự. Bọn lớn ăn no nê kềnh bụng diều nhưng vẫn đứng canh không cho bọn bé vào kiếm tý thóc thừa.
Kiếm cơm theo phong cách quan chức phong bì thì cũng rất lịch sự, họ là bậc thầy của các kịch bản đưa nhận, bên đưa cũng vui vẻ mà người nhận thì cũng xởi lởi bề trên. Ngành bưu chính èo uột chuẩn bị khai tử thì bỗng hồi sinh nhờ mặt hàng bì thư bán chạy như tôm tươi này. Cần phải có cuốn sách ngàn trang để nói chân tơ kẽ tóc về nền cái văn hóa di sản biết đi này.
Tôi là người rất hay quan sát, tôi thấy các ông có danh phận khủng dạng “tứ trụ triều đình” vang bóng tàn phá một thời, giờ mang chữ “nguyên” ở trước mỗi chức danh, chức vụ. Có nghĩa là họ chỉ còn có cái việc là đi nhận lương hưu “khủng” mỗi tháng, mãn nguyện an hưởng tuổi già, chải tóc tuổi đảng và ngồi lại suy gẫm những hành vi trị quốc của mình. Các buổi lễ khởi công sao mà vẫn có đủ mặt các ông, là các buổi thiết triều, yến tiệc, là các buổi chễm chệ ghế hàng đầu quốc hội nghị sự… Tôi hay chạnh lòng, 500 vị dại biểu QH chưa đủ cho một khoản núi tiền hội họp triền miên tháng này sang tháng khác hay sao? Thần dân chưa bao giờ thấy các ông “nguyên” tỏa sáng ở vùng thiên tai địch họa, cưỡng chế, bạo hành dân oan.
Tôi cạn nghĩ có nên dùng hai chữ kiếm cơm ở đây cho các người.
Một ngàn cảnh kiếm cơm nhưng chỉ có hai thái cực rất rõ ràng, tôi muốn nói về con dân và sự kiếm cơm thánh thiện nhưng nhọc nhằn hầu như cho đến cuối đời mà tài sản vẫn là không số. Tôi cũng muốn nói về một đẳng cấp côn đồ kiếm cơm rất nhàn hạ no đủ cho đến ba đời sau.
Một phép toán so sánh mức sống mà kết quả sẽ khó tin giữa hai thái cực kiếm cơm này, một bên dư dật của chìm của nổi, quyền thế nối truyền, bổng lộc hưu quan cho đến khi xuống lỗ, một bên là làm bữa nào biết bữa ấy no đói chẳng ai hay. Được mùa là ơn đảng, mất mùa do thiên tai.
Chênh lệch 100 lần? Ngàn lần? Cũng có thể một ngàn tỷ lần? Trong khi họ đang sơn son thiếp vàng vào cái tinh thần đại đoàn kết dân tộc, nông thôn mới, rùm beng xóa đói giảm nghèo…
Tôi chỉ muốn tiếp tục giải mã hai chữ “vì dân” rất đau đầu của đất nước CHXNCNVN.