Lãnh đạo và phong trào trong điều kiện đấu tranh hôm nay tại Việt Nam - Dân Làm Báo

Lãnh đạo và phong trào trong điều kiện đấu tranh hôm nay tại Việt Nam

Lê Dủ Chân (DanLamBao) - Thưa các bạn, trong quá khứ phong trào đấu tranh cho một nước Việt Nam Tự Do - Dân Chủ - Nhân Quyền đã chịu mất mát quá nhiều những người con yêu của tổ quốc, có người đã hy sinh, có người hiện nay đang bị đày đọa trong lao tù, có người đang bị bao vây trấn áp, cô lập tại gia, triệt đường sinh sống... Bổn phận của chúng ta là không để sự mất mát này tiếp diễn. Bài viết này gởi đến các bạn không ngoài mục đích: Chúng ta hãy cùng nhau thảo luận để tìm ra một phương pháp đấu tranh khả dĩ an toàn và thuận lợi nhất trong bối cảnh nước ta hôm nay.


A- lãnh đạo và phong trào.


“Yêu cầu” có một “lãnh đạo” cho phong trào đấu tranh Dân Chủ cho Việt Nam là đúng đắn và cần thiết, tuy nhiên trong tình thế hôm nay đặt ra yêu cầu đó là thiếu thực tế và nguy hiểm. Thiếu thực tế vì sự chênh lệch vô cùng lớn giữa hai thế lực đấu tranh và phản đấu tranh. Lực lượng đấu tranh không hoặc chưa có đủ khả năng để bảo vệ cho “lãnh đạo” của mình khi bị đối phương trấn áp và nguy hiểm ở chổ “lãnh đạo” như cá nằm trên thớt, có thể bị bắt giữ bất cứ lúc nào đối phương muốn và sau đó sự tan rã của phong trào là điều khó tránh khỏi.

Trong khi đó, để phá tan một tổ chức chống đối, dập tắt một phong trào phản kháng, tiêu diệt một lực lượng thù địch, mục tiêu đầu tiên của nhà cầm quyền là tìm diệt những người lãnh đạo. Nhà cầm quyền khó có thể bắt nhốt hết cả trăm hoặc cả ngàn người trong một tổ chức nhưng họ rất dễ dàng ra tay với một người hay một thiểu số đầu não của tổ chức đó. Người lãnh đạo là linh hồn của tổ chức, mất đi người lãnh đạo tổ chức phải bị tan rã hay ít nhất cũng phải bị suy yếu, co cụm, gián đoạn hoạt động một thời gian, đó thời cơ vàng để nhà cầm quyền rảnh tay lên kế hoạch cho những bước kế tiếp nhằm tiêu diệt toàn bộ lực lượng phản kháng. Đó là lý do tại sao những tổ chức đấu tranh như phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, cuộc nổi dậy Quỳnh Lưu, Cao Trào Nhân Bản, Khối 8406, đảng Thăng Tiến Việt Nam, nhóm Nghiên Cứu Chấn, Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do... bị thất bại sau khi những vị lãnh đạo của phong trào lần lượt bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tìm mọi thủ đoạn bách hại. Ngay đến cả những vị chức sắc của các tôn giáo như Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo dù được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo giáo dân, tín đồ vẫn không thoát khỏi trường hợp này. Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, Linh Mục Chân Tín, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, cụ Lê Quang Liêm... là những thực tế điển hình. 

Kinh Dịch có câu “cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” để nói lên quy luật của sự vật khi phát triển đến cùng cực thì sẽ biến hóa, khi đã biến hóa thì sẽ thông suốt, khi đã thông suốt thì sẽ lâu bền. Triết lý này có thể giải thích được diễn tiến của phong trào đấu tranh Dân Chủ tại Việt Nam trong mười năm trở lại đây, sau gần bảy thập niên bị đàn áp khốc liệt tưởng chừng như tuyệt vọng, với sự xuất hiện những tập thể đấu tranh mới dưới hình thức quần chúng tự phát. Tuy cũng là một phong trào đấu tranh nhưng điểm đặc thù của hình thức này là tập thể đấu tranh không đi vào tổ chức do đó không có người lãnh đạo. Chính vì không có người lãnh đạo, không có mục tiêu cụ thể để nhà cầm quyền đánh vào nên những tập thể này đã vô hiệu hóa được sự trấn áp trực tiếp của nhà cầm quyền để tồn tại và tiếp tục đấu tranh, điển hình như tập thể biểu tình chống bành trướng Bắc Kinh, tập thể dân oan, tập thể nông dân chống cưỡng chế, tập thể công nhân đình công trong các hãng xưởng, đội bóng NO-U, nhóm Bloggers Việt Nam, các trang mạng lề dân... Nhà nước đánh vào những tập thể này như đánh vào chổ không người, bắt hết tất cả bọn họ ư? bất khả thi, bởi vì chính nghĩa và xu thế của thời đại sẽ bảo vệ cho họ, nhà nước sẽ ăn nói làm sao trước nhân dân Việt Nam và cộng đồng thế giới về hành động phi nghĩa, phi pháp của mình trong thế kỷ hội nhập này. Bắt cảnh cáo một vài cá nhân ư? Nhà nước có thể làm nhưng vô hiệu quả, mất mát một vài cá nhân hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức chiến đấu của phong trào, ngược lại nó sẽ làm cho phong trào nổi tiếng hơn, có quyết tâm và đoàn kết chặt chẽ hơn trong những đợt đấu tranh kế tiếp. Tập thể đấu tranh chống bành trướng Bắc Kinh và cá nhân những người bị trấn áp, làm khó dể như hai chị Bùi Hằng và Phương Bích là thí dụ điển hình.

Thoạt nhìn qua ai cũng cho rằng hình thức này khó có thể tồn tại vì không bài bản và thiếu chuyên nghiệp, tuy nhiên với tình thế hôm nay, chúng ta chưa có đủ điều kiện để có một lãnh đạo công khai đứng ra thành lập một tổ chức đấu tranh trực diện với đảng cộng sản và nhà nước của nó, thì con đường tốt nhất và an toàn nhất vẫn là tiếp tục duy trì và phát triển sâu rộng hình thức đấu tranh quần chúng tự phát cho đến khi nào chúng ta tập hợp đủ lực lượng khả dĩ có thể đối trọng với nhà cầm quyền, thì đường lối đấu tranh sẽ chuyển qua một chiều hướng khác, thích hợp hơn, bài bản hơn để đi đến kết quả cuối cùng là giải thể chế độ độc tài cộng sản, xây đựng một chế độ tự do dân chủ cho nhân dân và tổ quốc Việt Nam.

B- Quần chúng tự phát


Phong trào đấu tranh dưới hình thức quần chúng tự phát là phong trào đấu tranh của toàn dân không dành riêng cho một giới nào trong xã hội, một địa phương nào trên đất nước, không ấn định một hình thức tổ chức đặc thù nào và đặc biệt là không có lãnh đạo. Phong trào được cấu thành bởi những cá nhân có cùng chung một lý tưởng, một mục đích, một hoàn cảnh, họ tự nguyện tìm đến nhau để có người đồng hành trên bước đường đấu tranh của mình. Để xây dựng lực lượng cho phong trào đấu tranh quần chúng tự phát, những yếu tố sau đây cần phải được minh định rõ ràng:

1- Mục đích của phong trào: để cho những cá nhân rải rác trong xã hội có “địa chỉ” để tìm đến tham gia. Cụ thể: DLB là địa chỉ của những ai muốn vận động Dân Chủ cho Việt Nam, Tuyên Bố 258 là địa chỉ cho những Bloggers muốn được tự do Internet, Đội Bóng NO-U là địa chỉ cho những ai chống bành trướng Tàu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, Tập Thể Dân Oan là địa chỉ cho những công dân mất nhà mất đất...

2- Phương châm: “cá nhân lãnh đạo tập thể trách nhiệm”: Cá nhân tự lãnh đạo lấy bản thân mình, tự nguyện hòa nhập vào tập thể nhằm thực hiện một mục đích chung, cá nhân không có trách nhiệm với tập thể và ngược lại tập thể cũng không chịu trách nhiệm cho cá nhân, thành công hay thất bại điều quy về cho tập thể. Nếu để ý bạn sẽ thấy phương châm “cá nhân lãnh đạo, tập thể trách nhiệm” là sách lược của đảng cộng sản dùng trong 70 năm nay để bảo vệ cho đảng viên của họ một khi có sai lầm xảy ra, Cải Cách Ruộng Đất (1953-1956), công hàm bán nước (1958) và Vinashin năm (2006)... Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Tấn Dũng trở thành vô tội, mọi sai lầm được quy về tập thể và kết quả là gì? Là huề cả làng!

3- Liên kết: Cá nhân liên kết với cá nhân thành tập thể, tập thể liên kết với tập thể thành phong trào, phong trào liên kết với phong trào thành cộng đồng...và một khi chúng ta có một cộng đồng lớn mạnh có đủ lực lượng để đối trọng với nhà cầm quyền thì việc ra đời một “lãnh đạo” để dẫn dắt cho công cuộc đấu tranh dành thắng lợi là tất yếu.

C- Lời kết


Một con chim với đôi cánh của mình dù là đại bàng đi nữa muốn che đi mặt trời là chuyện hoang tưởng, nhưng với một một đàn chim thì chắc chắn mặt trời sẽ bị che khuất. Một cánh én không làm nên mùa xuân, nhưng hàng ngàn hàng vạn cánh én chắc chắn sẽ đem mùa xuân cho chúng ta. Hãy tâm nguyện rằng chúng ta là một con chim, một cánh én trong đàn chim, đàn én đó.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo