Giải Phóng nghĩa là gì? - Dân Làm Báo

Giải Phóng nghĩa là gì?

Dân Đà Nẵng (Danlambao) - Hồi 1975 đang tung tăng đi học, biết chi mô. Đùng một cái “giải phóng”. Đời sống bỗng dưng ngột ngạt. Nhiều lúc có cảm tưởng như là mình đang sống trong một cái lồng bao quanh bởi những thanh sắt lúc nào cũng đỏ rực, chỉ cần một thoáng bất cẩn cũng sém thịt tuột da. Nói tới đây tôi lại muốn nêu một câu hỏi với những ai đã từng và chưa chịu đoạn tuyệt với câu nói “giải phóng miền Nam” hoặc là “giải phóng dân tộc”, rằng “Giải Phóng nghĩa là gì?”

Ở đâu xa thì tôi không biết chứ vùng tôi ở thì giống như trời đang sáng bỗng tối sầm, sắp sập. Nhà nào nhà nấy như đang có đám ma. Ngoài đường thì thỉnh thoảng thấy một tốp nón cối, có khi thì một vái cái, đội nghiêng nghiêng lệch lệch vừa đi vừa nhìn qua nhìn lại bằng những cặp mắt gần như muốn nuốt sống ăn tươi, chằm chằm vào những nhà dân ở hai bên đường.

Xóm tôi thì dường như có đủ thành phần “ngụy”: Bộ Binh, Hải Quân, Không Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù, Biệt Kích, Biệt Kích Nhái, Quân Cảnh, Cảnh Sát, Cảnh Sát Dã Chiến..., nhà nào cũng có, gần như không thiếu binh chủng nào. Vì thế cho nên... cảnh quen mắt nhất với tôi là những người vợ “lính ngụy” lén lén lút lút ngồi lại với nhau để chuyền cho nhau những tin tức về chồng, cha, anh, em, con cháu v.v... họ đang ở đâu, đã chuyển đến trại nào, tình nào, vùng nào... từ nhiều cách và nhiều nguồn khác nhau mà họ có thể tìm hỏi và dò la được.

Cảnh sống xóm tôi một thời là thế, chẳng ai nói với ai, chẳng ai viết thành văn, và chắc cũng chẳng ai nghĩ đến mà ghi vào sử sách cho hậu thế biết “Nhà nhà lo thăm nuôi. Ngày ngày chạy thăm nuôi. Người người đi thăm nuôi”. Có một số người chỉ vài ngày sau cái ngày gọi là “giải phóng” đã bị mấy ông Việt Cộng bắt đem trói vào cột bắn. Tôi không nói đến chuyện nhầm hoặc oan ở đây vì lúc đó Việt Cộng muốn giết bao nhiêu người cũng được chứ chẳng có bị can hệ gì cả.

Đã thế vẫn chưa đủ. Bên cạnh cảnh sống bình thường lâu nay đã bị đảo ngược, trở nên hoang tàn tang tóc là cảnh mà những đám người được gọi là “cách mạng mùa” hoặc “cách mạng 30” hăng hái lập công, có khi thì ăn theo với “cán bộ”, đi đến từng nhà bắt phải cho con em, nhất là ở tuổi thiếu niên, cầm cờ kéo nhau đi quanh làng “biểu tình”, hô khẩu hiệu, hát những bài ca ngợi “bác Hồ”, “đả đảo đế quốc Mỹ” v.v... rối bà nhằng! Nhiều khi hình dung giống như những đám ruồi nhặng đột ngột vỡ tung ra từ một đám rác dơ bẩn nào đó khi bất thình lình bị động đến vậy.

Thành thật mà nói, dù là thời đó còn con nít nhưng thấy những cảnh tượng đó rất là xa lạ và quái dị. Mỗi lần nhìn thấy nó thì trong người hiện lên cái cảm nghĩ có gì đó rất là lạc hậu và man rợ chứ không thể tin và khó chấp nhận được là nó có thể hiện diện ở thời đại bấy giờ ngay tại miền Nam Việt Nam.

Rồi cũng tìm được một cách lý giải để mà có thể chấp nhận đặng thích nghi với cái lề thói đó, vì vô phương tránh khỏi rồi, là cái ý nghĩ thôi thì cũng chẳng trách cứ gì sau bao nhiêu năm ở trong rừng chui ra...

Và rồi thời gian qua đi và nó cũng qua đi.

Thời gian qua đi, nó qua đi, nhưng có cái đi mà cũng có cái vẫn ở lại một cách rất là lì lợm và hợm hĩnh.

Đó là “giải phóng” và “giải phóng dân tộc”. Hoặc là “giải phóng miền Nam”.

Đáng ra, những người mà miền Nam thời đó gọi là “Cộng Sản Bắc Việt” đã phải biết xấu hổ khi chứng kiến cảnh sống của người dân miền Nam sau bao nhiêu năm bị “kềm kẹp” ngay sau cái thời khắc mà họ cho là “giải phóng” đó! Những kẻ thuộc hàng lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đã xác định “ta đánh là đánh cho Nga, cho Tàu” không nói làm gì, còn những kẻ dưới trướng không biết ý đồ đó thì khi chứng kiến cảnh sống của miền Nam như vậy, và họ lại xuất xứ từ miền Bắc Tem Phiếu và Đấu Tố, sao họ vẫn không bừng tĩnh ra?

Và đến nay, đã 38 năm rồi - 38 năm khác với 38 ngày chứ nhỉ! - cụm từ “giải phóng miền Nam”, “giải phóng dân tộc” vẫn được sử dụng một cách lì lợm và trơ trẻn bới gần như đủ mọi thành phần, từ “cán bộ to xách xách đỏ, cán bộ nhỏ xách xách đen” cho đến “cán bộ lèn quèn xách bao cát” vẫn cứ gọi là “giải phóng miền Nam” hoặc “giải phóng dân tộc”.

Ba mươi năm ở trong rừng, ba mươi năm “làm theo lời Bác” nên không biết gì ngoài “Bác và Đảng” đã đành, nay đã thêm 38 năm được miền Nam “giải phóng” cho rồi mà chẳng lẽ những ai đó vẫn chưa học hoặc tự tìm hiểu để học cái nghĩa thật sự của từ “Giải Phóng” là gì hay sao?

Tôi có nghe nói đảng CSVN đã có chủ trương ra đường là gặp Tiến sĩ - có nghĩa rằng cái đảng CSVN nay đã có học rồi, văn minh lắm rồi chứ không còn như những năm tháng ở trong rừng “làm theo lời Bác” nữa, hễ khi nào có dịp và gặp những đảng viên đảng CSVN thì bà con ta thử hỏi xem để giúp cho nhau biết: Giải Phóng nghĩa là gì?




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo