Mâm mồi các cụ (tập 3) - Dân Làm Báo

Mâm mồi các cụ (tập 3)

Thất Sỹ (Danlambao) - Dạo này thời buổi khó khan, chả có cỗ bàn đình đám, các ông rủ nhau ra quán rượu rìa làng để giải khuây. 

Đường làng ngõ xóm đã được bê tông hóa thay cho con đường gạch cổ, nhưng bằng thứ bê tông đặc biệt của nhà thầu xã, nên chẳng được mấy ngày đã lở loét, lại được trang điểm bằng những bãi phân bò, phân chó. Các ông phải bước tránh, bước né mới đến được nơi hò hẹn. 

Chỗ hẹn là quán “dê xồm” nhưng thực ra ở đây chẳng mấy khi có dê, mà chủ quán cũng chẳng xồm, khách gọi gì thì họ chạy ù ra chợ mua về nấu nướng. Họ lấy tên như thế chỉ để câu khách. 

Thế là cả tám ông: Hội, Đồng, Nhân, Dân, Cấp, Phò, Phiếm, Luận cũng đến dự đông đủ. 

Chân đất, quần xắn móng lợn, bước thấp bước cao, vừa bước vào quán, ông Luận đã than:

- Đường với chả lối, thà nó đừng làm bố còn dễ đi hơn!

Ông Phò là chúa hay có giọng ỡm ờ:

- Con đường chủ nghĩa xã hội đấy!

Nói thế là trúng mạch lý luận của ông Cấp. Chưa kịp ngồi ông vẫn phải tuôn trào:

- Chủ nghĩa xã hội vừa có tính khoa học vừa có tính thực tiễn, nó tổ chức lại sản xuất trên một nền kinh tế lạc hậu để vượt qua chủ nghĩa tư bản giẫy chết. Chủ nghĩa xã hội là con đường đi lên tất yếu của nhân loại tiến bộ. Nhưng sao càng ngày càng có ít người chịu bước lên con đường tất yếu tiến bộ thế? Trên quan điểm tư tưởng lập trường của chủ nghĩa Mác- Lênin vô địch bách chiến bách thắng cho phép ta khẳng định rằng: nhân loại ngày nay không chịu tiến bộ. 

Ông Phò vẫn ỡm ờ:

- Bác nói Mác- Xít như cái đít!

Ông Cấp trừng mắt:

- Cẩn thận, không khéo chú là thế lực thù địch đấy!

- Không, em chỉ nói theo vần thôi, như là “ngu đòi làm lãnh tụ” này, “học dốt đòi xếp thứ nhất” thế thôi.

Rượu được rót ra, gió đồng thổi vào hiu hắt nhưng không mang theo mùi thơm lúa non. Ông Đồng hay nói đến những vấn đề thời sự nóng hổi:

- Cái vụ Dương chí Dũng tố đồng chí thượng tướng công an Phạm quý Ngọ – tôi thấy hay là có thế lực thù địch nào đứng sau Dương chí Dũng để bôi bẩn, ám hại một đồng chí thứ trưởng CA trong sáng, dũng cảm trên mặt trận chống tội phạm kinh tế vừa mới được thăng hàm, đúng là chết chưa hết chuyện, đáng lẽ đồng chí không nên từ trần vào lúc nhạy cảm này. 

Ông Hội nối tiếp dòng thời sự:

- Phật dạy ta nên tránh những điều: tham, sân, si - quả không sai. Thế cũng nghĩa là: kẻ nào vừa tham, vừa ham, vừa ngu thì dễ chết. 

Ông Dân góp thêm:

- Vừa rồi có vụ ông chánh thanh tra chính phủ về hưu xây biệt thự khủng, em thấy đồng chí này đã làm đúng lời Bác Hồ dạy ngành thanh tra là “thanh tra phải trong sáng” thì đ/c này trong sáng ở chỗ có của thì đem phô ra. Thế chả hơn chán vạn đ/c có bao nhiêu đem giấu nhẹm đi à?

Ông Cấp bao giờ cũng nói chuẩn hội nghị:

- Tham nhũng bây giờ không phải là một con sâu nữa mà là một bầy sâu!

Ông Phò có dịp để thả cho ước mơ bay bổng:

- Chao ôi! Em muốn làm con sâu ấy quá, vì con sâu ấy toàn uống rượu tây với xơi đặc sản. 

- Tham nhũng như ngứa ghẻ, rất khó chịu!

- Ôi, em lại muốn làm con ghẻ, vì con ghẻ ấy sẽ có nhiều tỷ để xây cái hang của mình. 

Ông Nhân chuyển đề tài:

- Các tỷ phú nước ngoài thì tên tuổi của người ta gắn liền với các sản phẩm văn minh phục vụ nhân loại, còn các đại gia ở ta thường xuất thân từ lò vôi, lò gạch, buôn sắt vụn, buôn lậu …thì thử hỏi các đại gia ở ta phục vụ được gì cho đất nước?

Ông Hội lại phải giải thích theo cách của mình:

- Các tỷ phú nước ngoài chỉ đóng góp vào cái văn minh vật chất, còn các đại gia ở ta đóng góp vào cái văn minh xa vời hơn – đấy là văn minh tinh thần. Đấy! các chùa chiền, đền miếu hoành tráng vĩ đại mới xây thường là do các đại gia tài trợ đấy thôi!

Chả biết ông Đồng đâm ra yêu thơ tự khi nào mà ông lại đột ngột cắt ngang:

- Thôi, nói chuyện tham nhũng nó phức tạp và nhạy cảm lắm, ta nói chuyện thơ cho nó nhẹ nhàng, thư giãn. Tôi biết một nhà thơ rất yêu thơ Tố Hữu, đến con vẹt trong nhà ông ấy cũng dạy cho nó thuộc một câu thơ Tố Hữu. Khách đến chơi nhà chỉ cần hô: đọc thơ đi, là nó đọc rất rành rọt: 

“Ba mươi năm đời ta có đảng, 
Hôm nay ôn lại quãng đường dài”

Ông bạn là nhà thơ Thanh Hóa thích quá mượn bằng được con vẹt đem về quê để khoe với bạn, ít ngày sau đem trả, mấy vị khách đang ngồi chơi thấy con vẹt lại hô: “đọc thơ đi”, con vẹt lại đọc rất rõ ràng:

“Ba mươi năm đời ta có ĐÃNG, 
Hôm nay ôn lại QUẢNG đường dài”

Ông Phò hưởng ứng ngay: Em cũng yêu thơ lắm, thơ của Bác Hồ là em thích nhất, nhất là bài này:

“Hòn đá to
Hòn đá nặng
Một người vác
Vác không đặng. 
Hòn đá to
hòn đá nặng
Nhiều người vác
Vác phải đặng”. 

Bài thơ này câu chữ giản dị nhưng ý tứ sâu xa là nếu làm những việc lớn mà không có sự đoàn kết nhất trí thì không thể thành công. Em cũng làm thơ nhưng mình là dân đen nên không dám dùng những từ như “to, nặng”. Bài thơ của em thế này:

“Hòn đá nhỏ
Hòn đá nhẹ
Một người vác
Dễ như ‘ghẹ’”

Chữ “ghẹ” ở đây em dùng rất đắt – Các bác cũng biết lúc con gà trống nó “ấy” con gà mái thì người ta gọi là gì rồi đấy!

Ông Hội bình:

- Nếu chú là vĩ nhân thì thể nào cũng có người tìm ra “lời bay ý bướm” trong thơ của chú. Nhưng tôi hỏi khí không phải: bài thơ của chú đã được “gì” chưa?

- Gí là gí thế nào!

- À là tôi nghe chuyện có ông nhà thơ phàn nàn với các bạn thơ rằng:

“Vợ tôi dở dại dở khôn, 

Hôm qua nó bảo gí ‘ấy’ vào thơ”

Ha! Ha!Ha

Hơ! Hơ! Hơ

Thế là các ông giải tán mỗi người một ngả, tiếng cười vẫn râm ran. 


_________________________________

Đã đăng: 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo