Tản mạn: Vợ chồng tôi đi hội lớp - Dân Làm Báo

Tản mạn: Vợ chồng tôi đi hội lớp

Thỏa thuận tay đôi

Đang ngồi dưới bóng mát ở cổng nhà, tính làm gì đó trong vườn thì tôi thấy vợ le te dắt xe ra: “Anh! Em đi ra bến xe đón con bạn về chơi đây!”. Tôi ngoan ngoãn: “Ừ, em đi đi, anh gác cổng đợi”. Nhưng vợ tôi vẫn chưa đi, cứ đứng nhìn xéo tôi rồi hỏi xéo: “Cởi trần à? Định khoe à?!” Tôi phì cười: “Sao em không ra lệnh ‘Vào mặc áo đã!’, mà hỏi vòng vo thế? Anh khép cổng rồi đi mặc áo đây…” Bụng thì nghĩ: Có uống mấy tấn thuốc liều tôi cũng không dám “khiêu khích” mấy bà! Bạn học của vợ tôi đều đang ở cái tuổi mới năm chục “nhú”, có khả năng bẻ gẫy mọi loại sừng voi, nhan sắc thì là “hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu”… tôi sợ lắm, sợ chân thành! Chả là vợ tôi và các bạn đang chuẩn bị hội lớp phổ thông, mà theo “thỏa thuận tay đôi”, tôi sẽ “được” đi dự các buổi họp hội lớp ấy của nàng, và đổi lại, nàng sẽ “phải” đi dự các buổi họp/hội lớp của tôi. Và đó là cả một “tấn” bi hài kịch nho nhỏ của chúng tôi.

Những buổi hội lớp mà tôi “bị phải” dự

Tôi là 5x, nàng là 6x, “được” đi dự các buổi họp lớp của nàng tôi thấy như lạc vào thế giới khác hẳn, chả quen biết ai, kể cả nàng cũng biến thành người khác mà tôi không quen biết lắm. Và tôi tò mò quan sát cái thế giới lạ lẫm ấy, còn nàng cũng cố gắng dẫn dắt tôi vào để tôi hiểu nó, hiểu nàng. Nhưng thật là khó khăn, khó hơn cả trong những đám cưới “bị mời và không thể từ chối” mà bạn vẫn có thể tìm ra vài kẻ quen biết để ngồi cùng ăn cùng uống và cười gượng cùng, ở đây bạn không có bạn bè, người quen mà chỉ có “đối thủ” và “đối tượng” mà bạn đều không coi là đối thủ và đối tượng.

Loại đối thủ thứ nhất là các bạn trai cùng học cũ của vợ tôi, nhất là mấy cậu trai ngày xưa vo ve xung quanh nàng, bây giờ đã là những gã đàn ông cứng cựa, đôi khi rất thành đạt (quan to), giàu có. Sau vài chai bia hay ly rượu, họ xông vào tán tỉnh và tỏ tình lại với “người yêu xưa” nhuần nhuyễn khỏi chê, không ngượng, rất trơ, chỉ tiếc là hơi muộn. Nếu mấy chục năm trước họ nói và làm được như vậy thì hôm nay đã chả có “anh mày” ngồi đây chứng kiến những màn thể hiện đàn ông của “chúng mày” rồi. Loại đối thủ này làm vợ tôi khoái chí lắm, nàng trông trẻ ra hàng chục tuổi, thỉnh thoảng liếc chéo sang tôi, không phải để cảnh tỉnh các “đối thủ” của tôi mà là để nhắc khéo tôi: “Anh thấy không, em còn có giá lắm!” Và tôi đáp lại bằng ánh mắt hay thì thầm: “Em vẫn còn vô giá lắm, với mấy thằng nhỏ đó, chúng nó thật đáng thương! Em hãy thương chúng một chút đi…” Và nàng lại đẩy tôi ra, bỏ đi kiếm “đối tượng” mới. Đó thường là phần nửa đầu của những buổi hội lớp của nàng.

Loại đối tượng thứ hai là các cô bạn cũ của vợ tôi, và những người phụ nữ đến dự họp lớp theo “thỏa thuận tay đôi” như tôi. Thường thì vào nửa sau buổi hội họp, sau khi đã rượu bia các loại pha trong dạ dày và bốc lên đầu (và sau khi thu thập thông tin), một số nàng thường “bẻ gẫy sừng voi” xông vào tôi không cần làm quen mà tuôn ra khoe những thứ họ biết họ nghĩ về vợ tôi và tôi và người khác. Tôi phải rất cảnh giác với các “đối tượng” này, và vợ tôi thì còn cảnh giác hơn, nàng luôn xuất hiện đúng lúc để giới thiệu bạn mình - đối tượng đó, cho tôi, vô cùng thân ái… cho đến khi đối tượng phải “say goodbye” tôi và hẹn dịp khác…

“Hệ lụy” của những buổi Hội lớp

Phần “hay ho” nhất về các hội lớp của vợ tôi (hay của tôi) thường xảy ra cuối hay sau những buổi hội lớp của chúng tôi. Đó là những cuộc hẹn hò chéo bí mật và những trận cãi lộn, giận nhau hay thậm chí đánh ghen, bắt nguồn từ các buổi hội lớp, nhất là các buổi hội lớp phổ thông (không phải đại học).

Vợ tôi thỉnh thoảng kể về những chuyện đó từ các hội lớp phổ thông của nàng cho tôi để “cảnh báo trước”. Tôi cũng quan sát bản thân và các bạn mình vì cũng có nhiều câu hỏi “tại sao?” về lĩnh vực tâm lý xã hội mới (hậu 50) này, và nhìn nó dưới một góc độ khác.

Tôi thương họ, thương mình, thương các thế hệ 5x, 6x của mình (cả các thế hệ 3x, 4x của cha chú tôi nữa) đã không được sống thật là mình hoàn toàn. Để rồi, hình như đến tuổi xấp xỉ năm chục trở lên con người ta bỗng nhiên có thể và cần phải hạ thấp, điều chỉnh hay vượt qua một số rào cản luân lý, đạo đức xã hội để trở lại với các giấc mơ tuổi thơ hay làm lại một vài điều gì đó như là để sửa chữa tuổi niên thiếu, như là để bù đắp cho chính mình, cho người mình từng yêu quí, để là chính mình… dù chỉ trong giây lát, hay một vài ngày, vài tuần, vài tháng, rồi đâu lại về đó “như cũ”, nhưng tốt đẹp hơn.

Tôi đã quan sát và thầm lặng ủng hộ một vài cặp bạn thân của tôi mà tôi biết hồi niên thiêu họ rất gắn bó nhau một cách vô cùng trong sáng, họ như sinh ra để dành cho nhau, nhưng cuộc sống và chính họ xô đẩy nhau ra xa, để rồi hôm nay khi cả hai đều thành đạt và hạnh phúc ở hai phương trời khác nhau trở về hội lớp, gặp lại nhau, họ lại như hai cô cậu bé ngày xưa tôi biết… Và sau mấy ngày trở về tuổi thơ, họ lại sẵn sàng vĩnh viễn xã nhau, nhưng hạnh phúc của họ ở hai phương trời đều trọn vẹn hơn nhiều. Tôi đã từng hỏi vợ: “Anh có làm gì sai không khi giúp hai đứa chúng nó”? Nàng trả lời: “Anh đã làm anh chị ấy hạnh phúc. Em đã nhìn thấy thế.”

Đó phải chăng cũng như là một cách đối diện, chia tay và khép lại quá khứ, một con tàu thời gian đi và quá chiêm ngưỡng khứ, để rồi tập trung vào hiện tại và hướng đến tương lai, 100%...?

Chấm dứt “thỏa thuận tay đôi”

Tương tự, tôi khá ngại ngần khi dẫn vợ đến các buổi hội/họp lớp của mình, không phải vì tôi có điều gì muốn giấu diếm nàng hay mong muốn mờ ám muốn thực thi. Nàng có vẻ rất năng động ở hội lớp của tôi, hơn nhiều khi tôi ở các buổi hội lớp của nàng (thường lờ đờ, mờ nhạt đâu đó).

Tôi tin nàng coi các bạn học nữ cũ của tôi vẫn là các “đối thủ” thực sự của nàng hôm nay, mặc dù tôi là người sống rất nghiêm chỉnh. Nàng nói: “Vì anh rất nghiêm chỉnh như thế nên em càng phải cảnh giác hơn, bởi vì phụ nữ chúng em rất thích và rất ghét những kẻ nghiêm chỉnh!”, “Em thích hay là ghét?” – Tôi hỏi lại. Nàng lờ đi không bao giờ trả lời câu đó. Tôi nghĩ: Không lẽ cả hai?

Lần thứ hai dự hội lớp của tôi, nàng chọn chiến thuật “quan sát từ xa”. Nàng đặt bàn ăn cùng con trai tôi trong cùng nhà hàng và thời điểm mà chúng tôi đặt tiệc hội lớp, nhưng ở góc xa khác. Nàng dặn con mang theo máy ảnh xịn với đủ thẻ nhớ để chụp “tài liệu hiện trường”. Trong bữa tiệc lớp, tôi đã dẫn một số bạn thân đến thăm “chòi quan sát” của nàng… Sau đó nàng thú nhận rằng, “quan sát từ chòi” như thế chả thú vị gì, vì nàng đã cho tôi biết trước, ý đồ đã bị lộ! Tôi đồng ý: “Vậy thì em phải lập bộ phận tình báo riêng rồi, hay thuê thám tử tư!” Nhưng nàng bất ngờ tuyên bố: “Từ nay, em để cho anh tự do, em sẽ không đi dự các hội lớp của anh nữa!”

Tôi cảm thấy thực sự như mình được “giải phóng”, bởi vì tôi biết điều đó cũng có nghĩa là, từ nay, tôi không “bị phải” đi dự các buổi hội lớp của nàng nữa! Tự do muôn năm!


_________________________________

P/s: Viết ngay sau khi “tự nguyện” vào nhà mặc áo đợi đón khách quí. Nếu các bạn thấy đọc phần trên không nhàm chán, tôi sẽ viết tiếp Phần 2: Những buổi hội lớp hội trường ở VN hôm nay – thực chất đó là văn hóa gì?, và có thể cả Phần 3?


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo