Tiệc - Tiệp và Tâm Sinh Nghĩa (phần 1) - Dân Làm Báo

Tiệc - Tiệp và Tâm Sinh Nghĩa (phần 1)

Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Trả lời báo Công An Nhân Dân "về bài báo “Dương Chí Dũng và những triệu đô la” trên BBC tiếng Việt" [1], Hoàng Kông Tư - Trung tướng công an - Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an "...khẳng định thông tin này là hoàn toàn bịa đặt, vì trong quá trình điều tra, Dương Chí Dũng có khai người đưa tiền của bà Lan cho ông tên là Tiệc. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã xác minh, làm rõ và xác định người tên Tiệc như Dương Chí Dũng khai là ông Ngô Xuân Tiệc, sinh năm 1961, thường trú tại 277 Phạm Văn Hải, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, là Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã làm việc với ông Ngô Xuân Tiệc và ông Ngô Xuân Tiệc đã viết bản tường trình cam đoan, khẳng định hoàn toàn không có sự việc như Dương Chí Dũng khai".

Ngoài ra, Hoàng Kông Tư cho biết: "...Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự về tội Vu khống theo Điều 122 Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" vào ngày 25/4/2014" và nói rõ rằng: "...nếu xác định phóng viên Nguyễn Hùng đang làm việc ở Ban Việt ngữ đài BBC ở Vương quốc Anh là tác giả bài báo thì Cơ quan An ninh điều tra sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết yêu cầu cơ quan tư pháp Vương quốc Anh hỗ trợ triệu tập phóng viên Nguyễn Hùng về Việt Nam để điều tra làm rõ những vấn đề liên quan đến vụ án Vu khống và xử lý theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Lỗi cậu đánh máy?

Ngoài cuốn sách xưa lắc xưa lơ có tên "Đường Kách Mệnh" của Hồ Chí Minh cách đây gần trăm năm, cho đến nay, lần đầu tiên (có lẽ không chỉ) riêng tôi thấy một người mang họ tên Hoàng Kông Tư - chữ cái "k" trong tên lót trở thành "đặc thù" rất lạ trong tiếng Việt (!). Nó lạ không chỉ vì chữ "k" trong tiếng Việt được ghép như trong "tác phẩm" kể trên, còn vì nhắc đến tên Hoàng Kông Tư, người Việt trong và ngoài nước không thể nào quên vụ án "Hai bao cao su đã qua sử dụng" mà TS. Cù Huy Hà Vũ đã bị vu khống một cách bỉ ổi, xảy ra vào ngày 05/11/2010.


Ông Ngô Xuân Tiệc?

Tất nhiên, đã là tên cá nhân, bất kỳ ai cũng nên tôn trọng. Vì vậy, trong bài báo của CAND, có lẽ tác giả Công Gôn nên biết rằng, tại quận Tân Bình thuộc Tp.HCM, không có bất kỳ đường phố nào được đặt tên là Phạm Văn Hải (có dấu hỏi), chỉ có đường Phạm Văn Hai (không có dấu hỏi) mà thôi. Phạm Văn Hai là ai? Một người được phong liệt sĩ [3]. Viết sai tên của một liệt sĩ, một "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam" mà người này đã được "nhà nước" CHXHCNVN vinh danh từ lâu là một phỉ báng không thể chấp nhận. Phóng viên Công Gôn và trang báo CAND nên rút kinh nghiệm sâu sắc.

Người viết bài không có ý định "nâng quan điểm" bởi hoàn toàn đồng ý: tên cá nhân phải được tôn trọng, không được phép méo mó. Thử hỏi, trên bàn phím ai không biết chữ "i" và chữ "o" đứng sát bên nhau, rủi như một lúc nào đó vì "lỗi cậu đánh máy", tên Hồ Chí Minh bị lầm lẫn, đó là một hoàn cảnh quá đau xót cho "cậu đánh máy" Đào Duy Quát năm xưa buộc phải nhận lãnh kỷ luật [4]. 

Do đó, nếu như không có việc lẫn lộn giữa chữ "c" và chữ "p" trong vụ việc mà Hoàng Kông Tư cho biết là "hoàn toàn bịa đặt", nhất định không thể có một "vụ án" sắp xảy ra với Nguyễn Hùng đang làm việc cho BBC (?). Tất nhiên sự việc có vẻ rất nghiêm trọng, vì ảnh hưởng đến "tên tuổi" của ông Trần Quang Tiệp, Thiếu tướng công an - Trợ lý Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang. Đó là mấu chốt, khiến người viết cố gắng tìm thêm thông tin để cung cấp đến quý độc giả, nhằm góp phần làm rõ vấn đề, "giúp" cho "vụ án" thêm những manh mối khả dĩ trong khả năng hạn hẹp của một "nhà báo tay ngang".

Tiệc hay Tiệp?

Lần theo thông tin từ báo CAND cung cấp, với hiểu biết dốt nát của bản thân, người viết không biết làm sao trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, chỉ còn cách cố tìm từ cái tên "Tâm Sinh Nghĩa" sao cho dính chặt đến cái tên "Ngô Xuân Tiệc" - cả hai tên mang đầy "ý nghĩa" trong cõi nhân sinh ngày nay và cũng bởi hai cái tên khá đặc biệt khó thể lẫn lộn hay nhầm lẫn nếu kết hợp với nhau.

Sau nhiều giờ tìm kiếm từ 15 trang web có liên quan trùng khớp, bản thân người viết xin dẫn ra 8 trang, được tóm tắt như sau [5]:

- Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa là công ty chuyên về xử lý rác thải với hệ thống các nhà máy xử lý rác thải trên toàn quốc thông qua công nghệ độc quyền duy nhất tại Việt Nam với số vốn điều lệ 800 tỷ đồng. Công ty cũng xử lý rác thải để tạo ra các sản phẩm như phân bón, nhựa, phát điện... phục vụ nhu cầu thị trường. Thiết kế, chế tạo thiết bị máy cơ khí, tư vấn chuyển giao công nghệ, sản xuất phân hữu cơ vi sinh và mùn hữu cơ vi sinh từ rác thải. Sản xuất các sản phẩm từ phế thải rắn và rác. Ngoài ra, công ty này kinh doanh du lịch lữ hành nội địa, xây dựng dân dụng - công nghiệp và xử lý ô nhiễm môi trường.

- Địa chỉ: 86/38 Âu Cơ, P 9, Quận Tân Bình, HCM
- Giấy phép kinh doanh: 0304374871 | Ngày cấp: 28/02/2011
- Mã số thuế: 0304374871
- Ngày hoạt động: 01/07/2006
- Tel: [08] 39752410 - 39752524 - 0908948409
- Fax: [08] 39752411 
- Người đại diện: Ông Ngô Xuân Tiệc - Giám Đốc
- Thị trường chính: Toàn quốc.
- Các Chi nhánh Nhà máy trực thuộc Công ty:
1. Nhà máy xử lý rác Thủy Phương - Huế.
2. Nhà máy xử lý và tái chế rác thải sinh hoạt Củ Chi - Tp. HCM.
3. Nhà máy xử lý rác Tp. Rạch Giá - Kiên Giang.
4. Nhà máy xử lý rác Thạnh Hóa - Long An. 

Điều kỳ quặc, thông qua đến 15 trang web nói trên, dù đó là www.tamsinhnghia.com hay www.tsn-corp.com, người ta không thể truy cập vào trang chủ của công ty Tâm Sinh Nghĩa (?), kể cả trang facebook [6] trống huơ trống hoắc với dòng chữ "3 people like this" (!) vào lúc 19 giờ 15 phút ngày 27/4/2014.

Không biết cách nào, người viết quyết "đi tìm" hình ảnh ông Ngô Xuân Tiệc. May mắn thay, trang báo SGGP cho hay [7]: "Ngày 12/1/2011, Bộ Ngoại Giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã có văn bản chính thức chấp thuận ông Ngô Xuân Tiệc là “Tổng lãnh sự danh dự của nước Cộng hòa Palau tại TPHCM”. Trong bài báo này, SGGP cũng cho biết: "Ông Ngô Xuân Tiệc hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa. Đây là công ty chuyên về công tác xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường".


Theo đó, lại tiếp tục tìm kiếm. Báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 25/2/2007 có tin [8]: "Một tổng giám đốc bị em họ tống tiền 20.000 USD", trong có đoạn:

"23 giờ 04 ngày 21-2, ông Ngô Xuân Tiệc (sinh 1961, quê Xuân Trường, Nam Định, ngụ đường Phạm Văn Hai, P.5, Q.Tân Bình), chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (402-404 Phạm Văn Hai, P.5, Q.Tân Bình), nhận được tin nhắn từ số máy 0906894802 với nội dung: “Năm mới tôi báo cho ông Ngô Xuân Tiệc biết một tin buồn, nhà ông đã bị cài bom và chỉ cần từ xa tôi nhấn nút một cái là ông và con cái sẽ bị nổ tung nếu ông không chịu đưa cho tôi 20 ngàn đô (20.000 USD), nếu ông đưa tiền tôi đảm bảo nhà ông sẽ không bị nổ”... Đọc xong tin nhắn, ông Tiệc ngờ ngợ vì thường ngày mọi người gọi ông bằng tên Tiệp (đọc trại), còn tên Tiệc là tên trong khai sinh của ông, chỉ có những người trong dòng họ hoặc bạn bè cùng quê mới biết". 

Như vậy, tự bản thân ông Ngô Xuân Tiệc cho biết, ngoài tên khai sinh chỉ có ít người biết, thì tên Tiệp là cái tên được mọi người thường gọi. Bài báo nói trên do phóng viên Hoàng Khương - người đang thụ án tù 4 năm mà RSF gọi là: "...bản án[...] bất công và đáng hổ thẹn" [9].

(Còn nữa)

________________________________





Thông tin đều trống trơn khi truy cập

Chú thích:


















Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo