Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - "Trong ấm ngoài êm" - Tục ngữ Việt Nam.
Đối nội luôn quan trọng hơn đối ngoại, đặc biệt đối với những quốc gia nghèo và lạc hậu cũng như còn chịu ảnh hưởng nặng nề của tệ hủ nho như nước CHXHCNVN hiện nay.
Chính khách hay ngụy chính khách?
Nếu là chính khách, có thể nói, đó là một trong những thiếu hụt trầm trọng của ông Nguyễn Tấn Dũng, dù cho ông có rất nhiều "chuyên gia" của nhiều lĩnh vực vây quanh. Thế cho nên, với gợi ý lực lượng đoàn viên TNCSHCM hơn 7.000.000 người, dù tập hợp được 10% con số này, họ cũng sẽ không làm nên trò trống gì, nếu như ông Dũng không chiêu mộ được một số người "đầu tàu" cần thiết.
Như trình bày trong phần một, các nước có một phần dân chủ, nơi đó các chính trị gia dù lão luyện, dù kinh nghiệm trên nhiều lãnh vực đều cần một bệ phóng như một sự "đỡ đầu chính trị". Ngay cả bà Park Geun-hye - người con gái đầu của cố Tổng thống Hàn Quốc - Park Chung-hee, bà cũng "ngâm mình" trong chính trường nhiều năm với vai trò: Nghị sĩ Quốc hội, cựu Chủ tịch đảng Saenuri, trước khi trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc.
Môi trường độc đảng như Việt Nam, dù trả giá bằng "thương tích đầy mình" với giả sử từ khả năng thật sự cũng không có chỗ cho bất kỳ người nào, có khả năng và tham vọng hoạt động như là một chính khách chuyên nghiệp.
"Chính khách" Việt Nam càng ngày càng yếu về bản lĩnh, kém về ứng phó, đặc biệt tính hùng biện và thuyết phục trước đối phương cũng như trên thế giới, cho thấy ngày càng xuất hiện nhiều phát ngôn khó lòng chấp nhận được (như Phùng Quang Thanh, Nguyễn Chí Vịnh v.v... cho tới Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng v.v...), ông Nguyễn Tấn Dũng cũng không là ngoại lệ.
Hãy nhìn hình ảnh Phạm Bình Minh vừa tiếp đón Dương Khiết Trì. Bộ mặt hậm hực, ánh mắt gườm gườm như phản ánh một tâm trạng ấm ức, cố kìm chế trong chịu đựng, nhưng không che giấu được. Đó không phải là "bộ mặt ngoại giao" mà người dân và thế giới muốn thấy. Đó cũng phản ánh bản lĩnh quá dở của Phạm Bình Minh.
Hãy nghe bà Bill Clinton nói trong hồi ký mà BBC mô tả (trích) [1]:
"...Bà nói thêm phát biểu của bà tại cuộc họp của khối ASEAN ở Hà Nội đã khiến Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khi đó Dương Khiết Trì "giận tái người" và đề nghị giải lao một giờ trước khi trở lại với bài phát biểu hùng hồn của ông.
"Nhìn chằm chằm vào tôi, ông ấy gạt đi những xung đột ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và cảnh cáo sự can thiệp của bên ngoài" - bà viết" (hết trích)
Nghệ thuật ngoại giao không có chỗ cho những hình ảnh "kiểu" như Dương Khiết Trì hay Phạm Bình Minh bộc lộ sự tức giận kém khôn ngoan.
Hãy nhìn cựu Tổng thống Bush từng bị ném giày [2], cũng như bà Bill Clinton bị như thế [3]. Trực diện trước cú ném thẳng vào mặt và vào đầu, họ vẫn hoàn toàn bình tĩnh, hơn thế, bà Hillary Clinton còn đủ bản lĩnh với lời nói dí dỏm, hài hước. Đáp lại lời tiếu lâm đó, những tiếng cười to trong khán phòng đồng loạt bật ra, nó ngay lập tức át đi tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Một ứng xử hoàn toàn thành công của một chính khách cao tay trước công chúng toàn cầu. Cần nhớ, cú ném giày nhắm vào Bush hay Hillary Clinton - những chính khách vô cùng nổi tiếng trên thế giới. Đó là bản lĩnh siêu việt, không phải ai cũng có được.
Những "chính khách" Việt Nam nếu đối diện những hoàn cảnh như thế này, họ sẽ phản ứng ra sao??? Tôi hình dung một khuôn mặt từ tái dại và nhanh chóng chuyển qua hung tợn của một tên côn đồ ngay lập tức với một nhà báo (tưởng tượng nào đó). Tệ tệ án chung thân cho người đó và bầm dập cho cả gia đình liên quan không tránh khỏi theo kiểu "tru di tam tộc". Như thế, suốt cuộc đời đại gia đình đó gắn với chữ "thân tàn ma dại", "sống không bằng chết"! Đó! Cách thể hiện của "đỉnh cao trí tuệ" trước mắt người dân và toàn thế giới là như vậy. Thế cho nên, chẳng bao giờ Nguyễn Tấn Dũng và toàn bộ các đ/c của ông có thể cải thiện được hình ảnh với thế giới là điều quá hiển nhiên.
Bấy lâu nay, "chính khách" Việt Nam (kể cả đại biểu quốc hội, giới "trí thức", "học giả" có tiếng tăm), ngoài việc trưng ra những lời không được trí tuệ và đầy mâu thuẫn, sáo rỗng, ngụy biện thậm chí còn có những hành vi, ý đồ lừa đảo người dân, họ chỉ cho thấy tính cách: giận lẩy, hờn mát, đỏng đảnh, nhiều khi du côn và vô học trộn lẫn tính kiêu kỳ, lố bịch, đua đòi, sính chữ, a dua, đôi co v.v... hơn là khẳng định bản lĩnh, trình độ, tính cao thượng và sự khôn ngoan trên mọi lĩnh vực, ngay trước mắt người dân, chưa cần nói đến trước diễn đàn thế giới.
Đặc biệt, nhìn vào ánh mắt, cử chỉ và hành động của "chính khách" Việt Nam người ta khó tìm thấy tính chất ân cần và nồng nhiệt, trân trọng người đối diện mà họ đang tiếp xúc - (cá nhân tôi cho rằng) biểu lộ này thể hiện sự lịch lãm, văn minh mà vô cùng tinh tế, bởi người đối diện (dù là một người ít học như tôi) dễ dàng nhận ra ngay lập tức và nhất định dành cho các chính khách sự thiện cảm khó chối từ. Có lẽ vì vậy mà trong các cuộc tranh cử, các chính khách luôn biết làm sao lôi kéo và gây thiện cảm cao nhất đối với ngay những thường dân.
Trọng dân chính là điều khôn ngoan cho một sự bền vững lâu dài, dù có rút lui khỏi chính trường, lịch sử vẫn ghi tên vị chính khách đó.
Hồ Chí Minh đã từng thành công (ít nhất đối với người dân trong nước lúc bấy giờ), khốn nỗi thành công đó, đến từ sự gian dối và lừa đảo, giờ đây bộ mặt "chính khách" ngỡ tài ba đó đã phơi trần trùi trụi không còn cứu vãn nổi. Nhân nào thì quả đó. Đây cũng là bài học cho không chỉ ông Nguyễn Tấn Dũng mà cho những ai muốn làm chính khách thứ thiệt.
Sự tàn lụi khả năng nghệ thuật pha lẫn khoa học như một chính khách chuyên nghiệp (cần có) trở thành điều dễ hiểu [*], bởi tất cả những người gọi là "chính khách" VN hiện nay bao quanh ông Dũng (hoặc các ông khác), họ không có và không muốn có môi trường tranh biện với critical thinking để cọ xát thực tế. Đó cũng là tâm lý tiểu nông không dễ gột rửa ngày một ngày hai. Những người này dễ bị "quê xệ" với bất cứ việc gì nhỏ nhặt, chứ đừng nói tới kiểu "ăn giày" nhưBush hay Hillary Clinton. Tâm lý "dể quê khó huề" (dù sự việc hay phát ngôn do họ gây ra và bị phản bác đúng chăng nữa) càng bộc lộ chất bảo thủ và hẹp hòi rất nặng trong những "cái bằng": giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, viện sĩ v.v...
Vì lẽ đó, tuyệt đại đa số họ đều rơi vào phép ngụy biện cổ điển, khiến cho người khác dễ dàng "bắt giò". Vậy là, họ lại càng cay cú và xoay qua công kích cá nhân hay một phép ngụy biện nào đó để "tranh tài tranh giỏi", dẫn đến lạc chủ đề cần giải quyết trong phạm vi trách nhiệm của họ. Cũng chính cách hành xử này, càng hạ thấp nhân cách và trí tuệ vốn không được đầy đặn cho lắm (bất kể họ có bằng cấp thật từ Mỹ hay Châu Âu). Đó là điều rất đáng tiếc, một khi họ muốn bền lâu trên con đường chính trị.
Thế là, độc quyền làm... chính khách bỗng chốc biến thành "ngụy chính khách".
Hệ quả tất yếu đó dẫn đến sự héo úa tài năng chính khách Việt Nam, nhiều năm qua và sau này có vẻ khó cứu vãn nổi, một khi chế độ toàn trị còn tồn tại.
Trở thành một chính khách chuyên nghiệp không phải trở thành một "con buôn" lọc lõi hay một gián điệp tài ba.
Một chính khách giỏi sẽ là một nhà hùng biện, diễn thuyết có tài và là một nghệ sĩ hài duyên dáng, nhưng trường hợp ngược lại chưa chắc đúng. Đó là cái vô cùng khó của một chính khách - nó không dành cho những ông (bà) cộng sản và thân cộng "tào lao bát xế" hàng chục năm qua với "dùi đục chấm mắm tôm" và lý thuyết suông, từ "học giả" cho đến "học thiệt".
"Giàn chính khách" xưa lắc xưa lơ không có đủ bản lĩnh, tri thức và sự tự tin để ra những quyết sách độc lập, đột phá và quyết đoán, khôn ngoan thể hiện qua những tấm ảnh hội nghị Thành Đô[*]. Những tấm hình đó cũng nói lên tư thế, thần thái của các ông: Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười v.v...
Văn - nghệ sĩ.
Tưởng cũng nên nhắc lại "chiều cao tâm hồn" của Putin, thông qua việc kết án nhóm nhạc nữ - Pussy Riot, hay "tư cách" của Kim Jong Un khi tử hình nhóm nhạc nữ Bắc Hàn (nghe nói) để giữ "thanh danh" cho cô vợ cưng. Cả hai vụ án này, khác nhau về mức độ hẹp hòi, hủ lậu và tàn nhẫn, nhưng hoàn toàn giống nhau về tư tưởng của những tên độc tài.
Nói đến nhóm nhạc của Liên Bang Nga và Bắc Triều Tiên, không thể không nhắc đến nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình của Việt Nam.
Án tù của hai nhạc sĩ trẻ này có lẽ nó tồi tệ hơn tất cả những kiểu kết án tồi bại của người cộng sản VN. Một vết nhơ không thể nào phai trong lòng người dân.
Nhạc phẩm "Anh là ai?" và "Việt Nam tôi đâu?", dù nghe đi nghe lại cũng vẫn khiến cho nhiều người ngậm ngùi hoặc rơi lệ với giọng hát vừa nỉ non vừa xót xa, như trái tim rỉ từng giọt máu đau thương cho dân tộc mà ngay cả ca sĩ rất nổi tiếng trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ - Đan Nguyên cũng không "qua nổi" tác giả. Hiệu ứng âm nhạc cùng giọng hát "trời cho" Việt Khang đã làm nên thành công. Liệu Việt Khang không sáng tác và bị bắt vì hai bài hát đó, có bao nhiêu người biết đến anh?
Để từ đó, NS. Trúc Hồ & Việt Dzũng chủ xướng kêu gọi lượng người đông đảo kỷ lục trong thời gian ngắn ký tên ủng hộ đòi tự do cho hai nhạc sĩ ấy và nhiều tù nhân lương tâm khác. Sức mạnh âm nhạc trong chính trị thuyết phục người ta như thế đó.
Thêm nữa, nữ nghệ sĩ Kim Chi, một nghệ sĩ không tiếng tăm nhiều trong lĩnh vực kịch nghệ và điện ảnh, giờ đây, quá nhiều người biết đến bà qua vụ sổ toẹt vào bằng khen gì đó từ ông Nguyễn Tấn Dũng. Tất nhiên, không phải vì cái "sổ toẹt" đó mà hơn hết, nó xuất phát từ Kim Chi trong tư cách nghệ sĩ.
Người ta vẫn còn nhớ về Jane Fonda - một tài tử điện ảnh Mỹ nổi tiếng, từng phản đối chiến tranh tại Việt Nam trước 1975. Điều đáng nói vì bà nổi tiếng vào thời bấy giờ với giải Oscar danh giá.
Nữ ca sĩ Khánh Ly sẽ không gây tranh cãi mãnh liệt và tạo tiếng vang tương đối, dù bà không còn ở thời kỳ vàng son khi trở về Hà Nội hát vừa qua, nếu như bà không "dính líu" thời cuộc và những phát ngôn chính trị trước đây.
Thời cuộc - chính trị luôn liên quan và khi người nghệ sĩ tự nguyện bước vào, đó như là những bước chuyển mình mạnh mẽ, bởi không chỉ họ là người của công chúng, mà còn hay bị đánh giá là "dân ăn chơi" chứ biết làm gì (!).
Thử nghĩ: Mỹ Tâm, Thanh Lam, Hồng Nhung, Thu Minh, Quang Dũng, Đàm Vĩnh Hưng v.v... một hôm nào đó, bất thình lình người ta thấy một status hay một lời kêu gọi ngắn của họ về tình hình thời cuộc, điều gì sẽ xảy ra? Hãy nghĩ đến "hiệu ứng cánh bướm".
Ông Dũng có biết, với nhạc phẩm rất xưa" Nối Vòng Tay Lớn" của Trịnh Công Sơn, được phối khí - phối âm theo phong cách Rock đã cuốn hút lớp trẻ đến cỡ nào không? [3A]. Nó đang rất cần hơn bao giờ hết vào lúc này đây! Tại sao không biến nó trở thành hiện thực ngay lập tức, ngay trên các sân khấu và các phương tiện truyền thông đại chúng, thay vì rên rỉ và cầu xin như các "bô" và các "lão" trong những ngày qua, kể cả ông Trọng lú khẩn nài xin gặp Tập Cận Bình??? "Người ta lớn bởi vì mình quỳ xuống". Đừng để giòng giống Việt Nam nhục thêm nữa! Đừng kêu gọi đoàn kết một cách máy móc nữa!
Người ta giật mình khi thấy NS. Tuấn Khanh liều mình cùng bạn hữu đi "điều tra" cuộc bạo loạn tại Bình Dương vừa qua. Ngay cả RFA cũng liên hệ để xin đăng tải lại. Bài tường thuật gây rúng động và lan truyền dữ dội trên mạng khắp nơi.
Vai trò văn - nghệ sĩ với vận nước là điều mà ông Nguyễn Tấn Dũng có vẻ quá coi thường. Nó thật dễ hiểu, bởi người CS bao năm qua, họ chẳng rút ra một chút "xương máu" gì, kể từ "nhân văn giai phẩm". Cần nói rõ, vai trò văn - nghệ sĩ của thế kỷ 21 rất quan trọng cho những cuộc cách mạng không máu đổ. Dường như, những người hoạch định chính sách, ngay cả ở hải ngoại vẫn loay hoay không thể đẩy lực lượng vô cùng quan trọng này lên phía trước với vai trò đầu tàu có đủ quyền năng nhất?
Cũng cần nhớ Tổng thống Reagan hay Thống đốc Arnold Schwarzenegger là những tài tử nổi tiếng. Tất nhiên, cũng nên nhắc lại Tố Hữu nữa (nhưng ông này là một hiện tượng đáng suy ngẫm cho khái niệm "trí nô" mà người đời hay gọi).
Trong óc người CS, có vẻ, đến ngày nay, giới văn - nghệ sĩ vẫn chỉ là (và mãi là?) "đồ chơi"? Dường như "xướng ca vô loài" vẫn không gột rửa được trong trí não người CS bao năm qua? Đặc biệt, những "bô" và các "lão" với quan niệm "con hát", "ả đào" vẫn ngự trị đầy trong tâm tưởng hủ lậu. Tới đây, người ta không khỏi chạnh lòng, khi nghĩ về văn hóa VN quá tàn tạ - Văn hóa lại là hồn cốt của một dân tộc. Không có Văn - Nghệ sĩ làm sao có lưu truyền, phát triển văn hóa(!).
Không biết ông Nguyễn Tấn Dũng có bao giờ nghe tên Nhà thơ Trần Trung Đạo với bài thơ "Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười" [4] được Nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ nhạc?
Không biết ông Nguyễn Tấn Dũng có biết ông Võ Tá Hân ngoài tư cách là nhạc sĩ, còn là một nhà giáo - doanh nhân - nhà tư vấn tài chính không nhỉ?
Không biết ông Nguyễn Tấn Dũng có biết ông Trần Trung Đạo, ngoài tư cách nhà thơ, còn là một nhà văn - nhà nghiên cứu Việt Học?
Cùng rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ rất nhiều cả trong và ngoài nước. Ngày nay, còn nhìn giới văn - nghệ sĩ như những công cụ trong tay để sai bảo và tô điểm cho chế độ như người CS đã từng thành công với: Hoàng Việt, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc, Phạm Tuyên, Thuận Yến, Hoàng Hiệp, Xuân Hồng, Trung Kiên v.v... hoàn toàn mất tác dụng và lỗi thời. Còn như thế, nhất định làm các văn - nghệ sĩ (trẻ) ngày nay, họ sẽ thờ ơ với thời cuộc chỉ chăm lo cuộc sống cá nhân, hoặc là họ sẽ như: Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, Tuấn Khanh v.v...
Tấm gương của nhà văn trẻ Nhã Thuyên với Bùi Chát và nhóm "Mở Miệng" còn nóng hổi! Đó không chỉ là sai lầm mà còn là tội ác khi giết chết những mầm xanh đầy tố chất trở thành lực lượng đầu tàu cứu nước quan trọng nhất hiện nay.
Đừng coi thường giới văn - nghệ sĩ!
Hãy nhìn lại đi!
Phu nhân của Tập Cận Bình là ai? Vợ của chàng béo Kim Jong Un là ai?
Còn nữa đây, vợ của một ông CS trẻ - Nguyễn Xuân Anh là ai?
Ai đang cặp bồ với Lê Trương Hải Hiếu, Lê Trương Hiền Hòa (2 con trai của Lê Thanh Hải)?
Thủ đoạn chính trị
"Con thua cha, nhà vô phúc" là điều tất yếu đối với Nguyễn Thanh Nghị và những người CS trẻ khác. Lý do đơn giản, bởi họ, từ tấm bé, luôn sống trong nhung lụa đi kèm với hình ảnh luôn phủ phục trước cái bóng quá lớn của những người cha, người mẹ đầy quyền uy nhưng không được hấp thụ một nền giáo dục nhân bản và khai phóng, để rồi với cái nền "nát bấy" đó làm sao truyền lại cho họ một tinh thần Tự do - Hào Sảng (?).
Dù có sự đỡ đầu từ người cha Thủ tướng, nhưng Nguyễn Thanh Nghị từng thất bại khi không "cơ cấu" nổi vào bộ máy chính trị Tp.HCM. Trong trường hợp này, ông Dũng vẫn chỉ sử dụng những thủ đoạn chính trị cũ rích thời mồ ma Hồ Chí Minh - Lê Duẩn! Thất bại trong đỡ đầu cho con là tất nhiên, có gì lạ (?).
Mới đây, Nguyễn Văn Trình, Phó bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu đã trở thành Chủ tịch UBND tỉnh [5] nhiệm kỳ 2011-2016, thay cho Trần Minh Sanh, hiện đang sống đời thực vật, sau cú đột qụy hồi năm ngoái.
Một nguồn tin cung cấp cho người viết từ hồi tháng 1/2014, Nguyễn Thanh Nghị đã được dự định đưa về Bà Rịa - Vũng Tàu ngồi vào ghế Trần Minh Sanh, vì "cát cứ địa phương" mạnh hơn nhiều so với quyền uy ông Thủ Tướng. Lúc đó, cái tên Nguyễn Văn Trình đã được "vua tập thể" tại địa phương quyết định, đến bây giờ, nhờ thông tin chính thức từ báo trong nước, người viết mới có thể đưa ra.
Làm chính trị không thể không thủ đoạn. Đặc biệt, dưới chế độ toàn trị, không ai không biết, người cộng sản không từ bất cứ thủ đoạn nào để đạt mục đích. Chỉ tiếc, họ không cho thấy những thủ đoạn đáng nể mà chỉ thấy đáng khinh và đáng tởm. Do đó, những ai còn ngộ nhận ông Dũng có quyền năng vô biên hầu hết mọi lĩnh vực, cũng nên nhìn nhận lại vấn đề. Tôn ti trật tự đã bị phá vỡ hoàn toàn từ lâu (bắt đầu từ khi Lê Khả Phiêu bị hạ bệ). Dù bây giờ Lê Duẩn có sống lại cũng... bó tay.
Hiện nay, các phe ở thế giằng co. Tất nhiên, ông Thủ tướng có nhiều lợi thế nhất.
Ủng hộ ông Dũng không có nghĩa ủng hộ chế độ toàn trị. Đấu tranh cho tự do - dân chủ chắc chắn là chống ngoại xâm, nhưng chống ngoại xâm chưa chắc mưu cầu tự do - dân chủ.
Vì lập trường không dứt khoát, nên một số người ngộ nhận vài trường hợp còn đang trong vòng lao lý mà ngỡ họ như tù nhân đấu tranh cho dân chủ - nhân quyền. Cũng như một số ông "trí thức" dưới "lớp áo" này hay "khăn xếp" khác, lợi dụng "tiếng" và "tăm" để đánh lận và trà trộn, tình trạng này càng làm cho phong trào chống ngoại xâm thêm phần rối bời.
Ông Nguyễn Tấn Dũng có biết Nguyễn Văn Trình có một cô vợ bé (em ruột của diễn viên điện ảnh Chi Bảo)? Kết quả mối quan hệ này là một bé gái, năm nay 10 tuổi. Tuy nhiên, không may là bé gái này mắc bệnh tự kỷ rất nặng. Có lẽ, do chán nản, Nguyễn Văn Trình đã bỏ rơi hai mẹ con cô bé này từ khá lâu với khoản chu cấp hàng năm cho bé gái để mẹ cháu chăm sóc và nuôi nấng. Hiện cô bé đang học tại trường chuyên dạy trẻ mắc bịnh này - Trường Khai Trí, địa chỉ 214/25F Điện Biên Phủ, P.17, Q. Bình Thạnh.
Tạm kết
Những gì viết trên đây, không hề lạc đề "Nguyễn Tấn Dũng có thể cứu nước?". Bởi không nhìn thẳng vào các nhược, khuyết điểm, nhất định không bao giờ cải sửa được và không thể củng cố lực lượng, tăng cường sức mạnh, đặc biệt sức mạnh về phe phái và số đông cần có cho một cuộc cách mạng bất bạo động thành công.
Nguyễn Thanh Nghị và chàng rể Nguyễn Bảo Hoàng có thể cùng một nhóm bạn bè cải thiện nội dung "chính khách" cho cha mình. Đặc biệt vai trò chính khách chi phối lực lượng truyền thông rất quan trọng. Do đó, cần phải nắm cho được những trang báo có tiếng và một số đài truyền hình. Điều này hoàn toàn trong tầm tay ông Dũng với: FPT, VNPT,Viettel, VTV, Đài Truyền hình Tp.HCM, AVG (của anh em Phạm Nhật Vũ - Vượng) v.v...
Nguyễn Thanh Phượng (dù phong cách thời trang không tinh tế lắm) nhưng cô sẽ giúp cho cha mình trong việc gây ảnh hưởng lớn lên giới stylist, fashion, model, singer v.v... với khả năng tài chính mạnh mà cô đang tham gia trực tiếp trên thương trường.
Hãy hình dung, khi cải thiện được hai nội dung nói trên của 3 người con ông Nguyễn Tấn Dũng. Tại sao không thể tin được Nguyễn Minh Triết với sự chống lưng và hỗ trợ tối đa từ cha, anh, chị của mình không thể làm một cuộc xuống đường hoành tráng, khoa học, đầy chất nghệ sĩ lại không kém phần sôi nổi, ôn hòa lại mạnh mẽ với 200.000 con người (trong đó nhất định không thể thiếu lực lượng đoàn viên đoàn TNCSHCM) ở Hà Nội và Sài Gòn, được lên kế hoạch chỉn chu và thực tế với hàng ngàn biểu ngữ "Ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng trở thành Tổng thống" hay những gì đại loại như thế, thì điều gì sẽ xảy ra?
Tất nhiên, làm gì cũng phải có... tiền. Phần kế tiếp, tôi sẽ cung cấp cho ông Dũng một góc nhìn về tài chính có thể rất có lý và rất thú vị.
Cách mạng bất bạo động là phương thức thay đổi chế độ tận gốc rễ mà không đổ máu. Nó đang được thời đại ngày nay hoan nghênh. Điều còn lại, làm sao để một nhà độc tài không thể lợi dụng và cướp quyền sau đó, như Putin đã làm với Liên Bang Nga là điều khó, nhưng không phải không có cách...
____________________________________
[3A] https://www.youtube.com/watch?v=6VBc4Aiez2g (Đề nghị quý báo vui lòng đưa clip nhạc này vào trong bài. Cám ơn). Mời đọc thêm: https://www.danluan.org/tin-tuc/20111205/nguyen-ngoc-gia-phai-chang-cach-mang-den-tu-day
[*] Hầu như người cộng sản cấp cao hay cấp thấp đều cho thấy họ rất ít tự học và chịu đọc - đúng với nghĩa của những từ này. Họ không tự học, tự rèn luyện bằng suy nghĩ critical thinking cần có trong môi trường ngày càng hội nhập quốc tế. Ngay cả những người làm trong ngành ngoại giao, vừa lên đến 7 thứ trưởng (mới vừa cử Thạch Dư) họ cũng có vẻ rất yếu, kể cả ngoại ngữ (sử dụng thông thạo ở góc độ tranh luận, hùng biện sắc sảo, chứ không chỉ đọc thông viết thạo).
Có lẽ với tình trạng "đầu tắt mặt tối", "chính khách" VN không còn thời gian dành cho âm nhạc, phim ảnh, tiểu thuyết v.v... những "món ăn chơi" ngỡ vô bổ, nhưng vô cùng cần thiết cho "tay nghề" và tôn tạo hình ảnh cho họ. Thế cho nên, nhìn họ, người ta thấy như những chú robot di động hơn là một người lanh lợi, hoạt bát lại hiện đại trong chừng mực dưới mắt công chúng. Họ có vẻ không ý thức cho lắm, họ đang thay mặt và đại diện cho cả một dân tộc. Vì vậy, đa số hình ảnh của họ trên trường quốc tế luôn xấu, thảm và lố lăng, ngờ nghệch. Còn đó, hình ảnh Trương Tấn Sang gục đầu trước binh lính Trung Quốc. Còn đó những kiểu ngồi "dạng háng" của Nguyễn Minh Triết (cựu chủ tịch). Còn đó dáng đi lệch bệch hai hàng của Nguyễn Tấn Dũng v.v và v.v... nhiều đến không kể xiết.
Hãy nhìn những tấm ảnh trong hội nghị Thành Đô với Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng v.v... cùng vẻ khúm núm, hèn mọn. Trong khi Nguyễn Văn Linh để cho Giang Trạch Dân trịch thượng (nhấn mạnh) nắm cẳng tay, như nắm một thằng đàn em trong "hội bàn đào", thì Phạm Văn Đồng với lưng cong cong cùng hai tay che trước hạ bộ, còn Đỗ Mười chắp tay sau đít chân thì chàng hảng, chân thẳng chân khụy như đang đứng trong một đám "ăn cưới" của hai họ và người CSVN gần giống như họ nhà gái vào lúc đó! Nhục! Thật không ra làm sao đối với tư thế "chính khách", đại diện cho một quốc gia "độc lập", "có chủ quyền" và "toàn vẹn lãnh thổ". Cớ sao bọn bành trướng, nó không rẻ rúng?! Đó là điều tất yếu không tránh khỏi. Tư tưởng như thế nào thì hành vi, hành động gần như thế đó.