Quan niệm của ý đảng và lòng dân về cái quyền tự do ngôn luận - Dân Làm Báo

Quan niệm của ý đảng và lòng dân về cái quyền tự do ngôn luận

Nguyễn Dư (Danlambao) - Khi bước vào diễn đàn tự do ngôn luận, chúng ta nên tập làm quen, không cần thiết phải tức tối, thắc mắc, nóng giận vì khác quan điểm với những bài viết nặc danh, vô danh, chính danh hay của một bút danh ABC nào đó. Cái mà chúng ta nhắm đến là sự việc đáng bàn, cần bàn, đáng tranh luận hay không cần thiết phải tranh luận.

Vì là diễn đàn tự do cho nên người viết muốn viết gì thì viết kể cả chửi tục, viết bậy, nói ngược, đổi trắng thay đen...; còn người chủ bút đôi khi không đồng quan điểm cho nên muốn đăng hay không là quyền của họ. Nếu người chủ bút của một tờ báo không đồng quan điểm với bài viết, họ có quyền cân nhắc nên không cho đăng, không có nghĩa là họ bịt miệng người viết mà là họ thấy quan điểm đó không cần thiết để công bố trên diễn đàn tự do. Người viết có quyền gởi cho báo khác hay thành lập một trang báo cá nhân. Pháp luật của quốc gia thật sự là dân chủ không cấm, ngược lại còn khuyến khích, bảo vệ. Điều quan trọng là người ta có đọc hay không, hay chỉ mới nghe đến cái tên thôi thì là muốn bỏ chạy mất dép.

Muốn viết sao thì viết nhưng cần phải thận trọng. Khi chúng ta đụng chạm danh dự đến một người hay một tập thể nào đó mà làm cho họ phải thân bại, danh liệt rồi tiêu tan sự nghiệp thì coi chừng người ta truy tố trước pháp luật: một là bồi thường về tinh thần; hai là về vật chất. Về tinh thần thì cần phải chứng minh đối phương viết sai sự thật nào. Về vật chất thì phải có bằng chứng số lượng những gì đã thiệt hại. Không thể nói khơi khơi rồi kết tội người ta một cách vô căn cứ theo cảm tính.

Sau khi xảy ra chuyện vì bài viết đã lên khuôn công bố trước công luận, đây là bằng chứng buộc tội đi đến bị truy tố. Lúc này luật pháp phải vào cuộc, không khó khăn truy ra tên, họ thật của người viết và người bị hại để đối chất. Không cần và không được phép phải theo dõi danh tính, rình mò, xâm nhập vào hộp thơ để đọc lén mỗi đời tư cá nhân; là vi phạm pháp luật; một việc làm không chính danh và hèn hạ.

Tên, họ đến lúc này thì rất quan trọng và cần thiết. Bút danh, nặc danh hay các danh xưng khác không còn ý nghĩa nữa.

Người bị hại, tức nguyên đơn không chứng minh hợp lý trước pháp luật đối phương xuyên tạc, nói xấu mình thì phải trả mọi án phí cho phiên tòa; bằng ngược lại, nếu có bằng chứng thì danh dự, tài sản bị thiệt hại phải đưa lên bàn cân công lý. Người viết sai sự thật phải bồi thường, trả giá theo qui định luật pháp bằng sức nặng của đồng tiền chứ không phải là bằng sức mạnh của nhà tù và bạo lực. Chính quyền Việt Nam sử dụng luật pháp tùy tiện cho nên mọi xung đột về tư tưởng đều giải quyết bằng nhà tù, bằng bạo lực. Dân côn đồ anh chị ngoài đường phố, chỉ cần một câu "khó nghe" thôi, cũng xử sự với nhau tương tự. Chỉ có những loại người không có chính nghĩa, không biết phải quấy, không có lời lẽ chân chính mới đi trấn áp đối phương.

Trước đây gia đình của ông Huỳnh Ngọc Tuấn, cha của cô Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Trọng Hiếu ở Quảng Nam bị công an phạt tiền vì viết bài "nói xấu" đảng gởi cho báo chí "phản động". Công an tự kết tội, tự quyết định phạt tiền không cần tranh tụng trước tòa. Đây là một việc làm tùy tiện, vô lối, không có nhân cách của những cơ quan thi hành luật pháp quốc gia.

Ở đây tôi xin trích một đoạn nguyên con phần kết luận của một bài viết chửi bới Anh Ba sàm trên báo Pháp Luật Online:

"Tự do ngôn luận được Hiến pháp nước ta bảo hộ, nhưng không có nghĩa là thích nói gì thì nói. Tự do ngôn luận nhưng cần tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và quan trọng hơn, phải nói đúng, nói trúng. Những kẻ nói bậy, nói sàm, nói ngược bất chấp mọi sự đúng đắn, khách quan như Nguyễn Hữu Vinh cần được loại trừ, ngăn chặn kịp thời, trả lại sự trong lành, tiến bộ của dư luận trong và ngoài nước..."

Dạ thưa tác giả bài viết, em xin hỏi: "Tự do ngôn luận được Hiến pháp nước ta bảo hộ, nhưng không có nghĩa là thích nói gì thì nói", là nghĩa làm sao? "Tự do ngôn luận nhưng cần phải tuân thủ hiến pháp"(!) Câu này thì lý loạn sai hoàn toàn, thưa đồng chí ạ! Chính vì tuân thủ hiến pháp nên người dân mới có quyền, được quyền tự do ngôn luận. Người không tuân thủ hiến pháp chính là đảng ta à nghe! Trong hiến pháp có ghi là người dân có quyền tự do ngôn luận kia mà! Còn nữa: Pháp luật không buộc con người ta phải nói trúng, nói đúng bởi vì phàm là con người thì không ai giống ai: có người thì bình thường, có người thì tưng tửng, có người thì bị chạm mạch, nhưng cái quyền sống của con người do tạo hóa sinh ra đều có quyền bình đẳng thì tại sao không được nói? Nói sai thì xin lỗi, cùng lắm thì bị phạt như vừa nêu. Tại sao phải sợ nói sai? Tại sao phải loại trừ họ ra khỏi xã hội, hả? 

Không cần phải đọc nguyên bài "luận văn" chửi bới Anh Ba Sàm làm gì, bởi vì không có gì quan trọng phải đáng mổ xẻ. Hơn nữa, tác giả muốn nói gì thì nói, muốn viết gì thì viết: viết sàm, viết bậy cũng chả sao, quyền tự do ngôn luận mà. Chuyện này thì tôi xin nhường quyền phán xét lại cho những độc giả. Nhưng có một đoạn quan trọng (như đã trích) cần phải lên tiếng vì nó cố tình méo mó, vi phạm hiến pháp quốc gia, làm cho người ta hiểu sai về quyền tự do ngôn luận theo ý đảng; làm ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng xã hội.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo