Đôi dép Việt Nam - Dân Làm Báo

Đôi dép Việt Nam

Thân tặng anh Điếu Cày

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Tôi đã đi qua 11 trại tù. Trại giam Q.3, PA24, Chí Hòa, Cà Mau, K2, K3 Xuân Lộc, B34... Ở đó, có những cái hộp nhốt người bằng xi măng với ô cửa tù thèm khát ánh sáng đã bị những động vật hai chân bít trám lại để che kín bầu trời và gió. 6 năm 6 tháng, tôi đã đếm thời gian bằng giây, bằng phút với cái nóng của địa ngục và mong ngóng về một thiên đường thân quen, ở đó có những con người còn biết thương và biết khóc. 

Tôi, một đôi dép tù đày.

B34. Tôi đã nằm thoi thóp nhiều lần không ăn để phản đối những tên cai tù từ lâu đã trở thành thú. Lần dài nhất là 28 ngày. Tôi mê man thấy mình chết; con gái út nắm tay tôi khóc, hỏi tại sao bố phải chết; con trai tôi đứng yên nhìn với cặp mắt có lửa; vợ tôi và bạn bè trong Câu lạc bộ Nhà báo Tự Do tay tìm tay nhau và vòng tròn cứ lớn mãi ra để cùng nhau cất lên tiếng hát vỡ ra từ lồng ngực - Bài Hát Tự Do - vang đến mọi miền đất nước; trong giấc mơ giữa biên giới tử sinh tôi thấy cái chết của tôi đã góp thêm sức mạnh cho những khát vọng tự do bay cao hơn, xa hơn và tôi nhẹ lâng lâng bay đi cùng lời hát ấy ra khỏi chốn ngục tù.

Tối thứ Ba, 21 tháng 10 năm 2014, chúng lôi tôi ra khỏi địa ngục. Những động vật hai chân tống tôi lên xe bít bùng và chở tôi thẳng đến phi trường Nội Bài. Chiếc máy bay lao vào trời đen và mảnh đất thân yêu, gắn bó với đời tôi mất hút dần theo bóng đêm phía dưới. 

Đêm ấy, trời không trăng không sao, chỉ có tiếng sóng trong lòng. 

Tôi, đã trở thành đôi dép lưu vong. 

Phi trường Los Angeles. California. Hoa Kỳ. Đất nước mà một thời trong quãng đời chiến binh tôi từng nghĩ họ là kẻ thù, đã đón tiếp tôi trong tình nhân ái. Chung quanh tôi là những nụ cười Việt Nam, những vòng tay mang hơi ấm Đồng Bào. 

Tôi, chính thức trở thành một đôi dép tự do. 

Tôi đã rong ruổi khắp các nẻo đường đất nước. Thác Bản Giốc ngày nào tôi ngồi khóc với dòng nước bị phân ly. Sài Gòn tôi đứng thẳng cùng bạn bè với biểu ngữ Hoàng Sa Trường Sa Việt Nam Chủ Quyền - Tây Sa Nam Sa Trung Quốc Ngụy Xưng. Đà Lạt là nơi cuối cùng trên đất nước Việt Nam, tôi từ một tù nhân trong nhà tù lớn trước khi vào ngục nhỏ. Ngày hôm nay, trong lòng tôi không còn là bụi đường đất đỏ quê hương, thay vào đó là những xa lộ ngút ngàn. Nhưng cho dù dưới tôi là những ổ gà của đất Mẹ hay nhựa đen thẳng lối của xứ người, đường tôi đi không có bảng stop. Tôi không thể đứng yên, tôi không thể dừng lại. Vì tôi là một đôi dép, tôi hiện hữu và chỉ hiện hữu khi tôi còn được đi. 

Tự do. 6 năm 6 tháng về trước, trong căn phòng 4 bức tường câm lặng, tự do như là không khí hiếm hoi bị kềm hãm với ô cửa sắt bằng gang tay. Tôi đã phải cam phận làm đôi dép không còn được đi và ngày đêm rướn nhìn bầu trời với niềm khao khát tự do. Bây giờ đã không còn 4 bức tường câm, không còn ô cửa sắt, chỉ có bầu trời mênh mông với những cụm mây trắng thênh thang trôi nổi. Nhưng tôi sẽ không ôm lấy tự do ấy cho riêng tôi. Tôi sẽ không lê lếch quãng đời còn lại của một kiếp người tự-do-trong-lưu-vong. Tôi chỉ có thể thực sự và trọn vẹn là một con-người-tự-do khi tôi nằm ôm mãnh đất đã làm mòn đi một nửa thân thể tôi: Quê Hương. 

Và tôi sẽ mãi đi. Nếu những năm tháng trước lao tù, chung quanh tôi là những nhịp bước của bạn bè trong Câu lạc bộ Nhà báo Tự Do, hay sau đó là những ngày vắng đêm khuya trong 11 trại tù tôi đã không cô độc trên Tổ Quốc của mình với những bạn đồng hành loang xoang xiềng xích, thì ngày hôm nay tôi sẽ không cô độc trên vùng đất tự do xa lạ này. Bởi vì ngày nào còn những con người lý tưởng Việt Nam, ngày đó tôi không bước đi cô độc. Không gian không bao giờ là biên giới chia cắt bạn bè chúng tôi và không ai có thể lấy được Tổ Quốc ra khỏi tâm hồn tôi. 

Vì thế tôi sẽ cùng bạn mải miết đi. Dù chưa thấy đích đến nhưng biết chắc là đích đến hiện hữu, biết chắc sẽ có người đến đích. Như chúng ta chỉ cần nghe thấy những con ve sầu thôi cất giọng buồn thảm thì biết chắc thu phong lại đến. Dù bây giờ chỉ thấy lá rơi, chỉ thấy mùa thu hiện tại vàng úa chung quanh, nhưng biết chắc sẽ có ngày khu vườn kia sẽ sạch, mùa xuân sẽ tới. Đó chính là niềm tin và hy vọng. Trong niềm tin và hy vọng đó, cho dù có thể chúng ta không làm được việc lớn để thay đổi thế gian, nhưng chắc chắn mỗi người chúng ta có thể làm được việc nhỏ. Từ việc nhỏ sẽ có khả năng tác động việc lớn. Mỗi người chúng ta không đủ sức làm một cơn sóng lớn chấn động mặt hồ, nhưng với một giọt nước nhỏ kết hợp với nghìn nghìn giọt nước nhỏ khác, cùng nhau ta vẫn có thể làm mặt hồ chuyển động. 

Vì thế tôi sẽ đi mãi đi mãi cho đến khi đặt chân lại trên vùng đất quê hương. 

Không thể khác vì đó là sứ mạng của tôi: sinh ra là để đi tới. 

Không thể khác vì cuối cùng tôi vẫn là: một đôi dép Việt Nam. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo