Lê Thiên (Danlambao) - "Hai tử huyệt của họ [CSVN] là những vấn đề Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan hoặc là Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là những tử huyệt của cộng sản và họ sợ nhất khi mà truyền thông phơi bày những sự thật đó ra công luận… Họ tìm mọi cách che đậy nhưng bây giờ thì bằng truyền thông tự do mạnh mẽ, tất cả những việc đó đã được phơi bày. Đó là điều họ sợ nhất” - (Trích phát biểu của Điếu Cày Nguyễn Văn Hải tại cuộc Hội thảo Chính trị giữa anh cùng Cù Huy Hà Vũ và nhà báo Mặc Lâm, biên tập viên của Đài Á Châu Tự Do ngày 21/11/2014 tại Washington, DC).
*
Vì sao “vấn đề Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan hoặc là Hoàng Sa, Trường Sa… là những tử huyệt của cộng sản” và là những điểm “làm họ sợ nhất”? Đơn giản vì đó là những chứng cớ hùng hồn làm nổi bật hành tung bán nước của tập đoàn CSVN. (Hành tung này chúng tôi đã bàn tới trước đây trong một bài viết).
Chia sẻ cái nhìn của Điếu Cày, chúng tôi lại mạn phép nói thêm về “nguyên trạng”, dù đó là đề tài chúng tôi đã trao đổi với độc giả ít nhất qua hai bài viết: Bài “Giữ nguyên hiện trạng” hay mưu đồ tạo phản: phản quốc, bán nước”, (ngày 24/10/2014) và bài “Nguyên trạng diễn ca họ Cộng nhà ta” (17/11/2014)!
Ts Trần Công Trục cảnh báo về nguyên trạng.
Chưa kể những tài liệu trước đây của các nhà nghiên cứu lịch sử, chúng tôi nhận thấy bài “Nguyên tắc ‘giữ nguyên hiện trạng’ ở Biển Đông cần được hiểu thế nào?” của Ts Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên Giới của Nhà nước CSVN vừa đưa lên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam ngày 19/11/2014 là tài liệu đáng đọc.
Qua phân tích của Ts Trần Công Trục, chúng tôi càng nhận rõ mưu đồ bán nước mà nhà cầm quyền CSVN hiện nay dựa vào nguyên tắc “nguyên trạng” hòng bào chữa và che đậy âm mưu triều cống biển đảo của Việt Nam cho Tàu Cộng như thế nào. Chúng tôi tin độc giả sẽ không cho là thừa những điều đã bàn trong các bài trước giờ lại nhắc lại. Thiết nghĩ, nhắc lại như vậy sẽ làm sáng hơn những luận cứ và những “trăn trở” của Ts Trần Công Trục, một trí thức công bộc trung thành của Đảng và Nhà nước CSVN.
Ông Tiến sĩ Trục chỉ úp úp mở mở chứ chưa dám nêu đích danh những tên tội đồ bán nước là ai và hành động bán nước cụ thể của những tên tội đồ ấy ra sao.
Về hai chữ “nguyên trạng - status quo”, Ts Trần Công Trục diễn giải: “Status quo là một thuật ngữ tiếng La Tinh có nghĩa là hiện trạng hoặc giữ nguyên hiện trạng. Thuật ngữ có liên quan là status quo ante, có nghĩa "hiện trạng như trước”.( "the state in which before", means "the state of affairs that existed previously” (1)).
Lời giải thích trên cho chúng ta hiểu: Thực trạng trước thế nào, giờ vẫn vậy. Có nghĩa là những điểm đang tranh chấp phải giữ nguyên hiện trạng như trước cho đến khi có sự đồng thuận giữa các bên liên hệ, qua sự giám sát của trọng tài có thẩm quyền – tức trọng tài quốc tế! Những thỏa thuận ngầm giữa bên mạnh với bên yếu yếu, giữa nước lớn với nước nhỏ bằng những cuộc đi đêm dựa trên quan điểm ý thức hệ - giữa hai đảng CS anh em hay giữa phe xã hội chủ nghĩa anh em, thì đều là những thỏa thuận vô giá trị về mặt quốc gia dân tộc. Từ đó, chúng tôi cho rằng lời nhận định sau đây của Ts Trục là một lời cảnh báo khá nhẹ nhàng và phần nào mang tính bao che: “Khái niệm ‘hiện trạng’ phần lớn lại phụ thuộc nhiều vào mục đích mà các bên liên quan muốn ‘giữ nguyên’ có lợi cho mình. Chính vì vậy mà có nhiều thỏa thuận không có tính khả thi. Thậm chí, chúng còn là những cái cớ để các bên lợi dụng nhằm phục vụ cho những toan tính của mình.”
Sau lời cảnh báo trên, Ts Trần Công Trục kêu gọi: “Các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc và tính toán rất kỹ và thận trọng. Nếu không sẽ bị mắc bẫy, bị rơi vào những tình huống bất lợi khó có thể khắc phục được, nhất là trên phương diện pháp lý.”
Rõ ràng, do vị thế là thành phần của Đảng và Nhà nước CSVN, ông Trần Công Trục không dám nêu đích danh ai phải “cân nhắc”, ai phải “tính toán kỹ” và phải “thận trọng”. Phải chăng ông Trục chỉ dùng những hình dung từ nhẹ nhàng như trên đây hòng hạ giảm trách nhiệm của nhà cầm quyền Cộng sản đối với vấn đề trọng đại của đất nước? Lại nữa, ai đang “mắc [vào cái] bẫy” của giặc Tàu Cộng khiến đất nước “bị rơi vào những tình huống bất lợi khó có thể khắc phục”.
Xin hỏi ngài tiến sĩ: Trong sự kiện Hoàng Sa và Trường Sa, những tình huống nào là “những tình huống bất lợi khó có thể khắc phục” nếu không phải là tình huống Việt Nam mất biển mất đảo vào tay Trung Cộng???
Lời kêu gọi “giữ nguyên hiện trạng” của Nguyễn Tấn Dũng cũng như những phát biểu tương tự của Phùng Quang Thanh trước đó là câu trả lời.
Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam với nguyên tắc nguyên trạng.
Ông Trục nêu ra rằng, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam “do các thế hệ người Việt Nam, trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, đã từng đổ mồ hôi, xương máu để dựng xây, phát triển mọi cơ sở cần thiết phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt nơi đây nên việc ngày nay ngư dân Việt Nam sinh sống và đánh bắt ở khu vực hai quần đảo này, cải tạo điều kiện sống, làm việc và tiếp tục thực thi chủ quyền hợp pháp của mình hoàn toàn không phải điều gì mới mà nó vẫn diễn ra cả mấy trăm năm qua.”
Từ thực thể trên, Ts Trục kết luận: “Các hoạt động bình thường và hợp pháp ấy không phải đối tượng điều chỉnh của khoản 2 Điều 5 DOC, [tức không phải là đối tượng của nguyên trạng]!
Ông Trần Công Trục giảng giải: “Trước đây Việt Nam có quyền hoạt động (kể cả xây dựng, tôn tạo, nâng cấp) thế nào thì nay vẫn được quyền làm như vậy. Trái lại, sau khi Trung Cộng dùng vũ lực cướp đoạt Hoàng Sa từ chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa (1974), rồi đoạt Gạc Ma của Trường Sa (1988) thì kể từ hai thời điểm ấy, mọi hoạt động của Trung Cộng ở khu vực Hoàng Sa và Trường Sa đều vi phạm trắng trợn” nguyên tắc status quo.
Từ luận cứ trên, Ts Trần Công Trục nhận định rất chính xác rằng “Trung Quốc đã dùng vũ lực để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, một phần quần đảo Trường Sa và hiện nay đang dốc sức biến các đảo, đá, bãi cạn này thành các căn cứ quân sự, đường băng sân bay, cơ sở dịch vụ hậu cần… là hoàn toàn chà đạp luật pháp quốc tế hiện hành”. Trong khi phía nhà cầm quyền CSVN mồm thì cứ lặp đi lặp lại điệp khúc “giữ nguyên hiện trạng”, nhưng trong hành động thì lại cứ thập thò thậm thụt đi hầu “đàn anh” nhận chỉ thị giao đất giao đảo Việt Nam cho họ.
Bằng chứng Dũng và Thanh tiếp tay Tàu Cộng.
Nhận định trên của Ts Trần Công Trục nhắc chúng ta nhớ Phùng Quang Thanh đã không thấy xấu hổ khi to họng gào: “Chúng tôi có trao đổi là giờ phải giữ nguyên hiện trạng. Trên biển Đông... không cắm mới vào những nơi mà các bên chưa cắm.”
Và rồi theo tin của Thông Tấn Xã CSVN Việt Nam ngày 14/11/2014, chính Nguyễn Tấn Dũng sau đó đã công khai chuẩn thuận và tuyên dương lời phát biểu của Phùng Quang Thanh. Tin của TTX/CSVN nêu rõ: “Vào lúc Bắc Kinh rốt ráo bồi đắp và mở rộng các bãi đá mà Trung Quốc chiếm đóng tại vùng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tại các cuộc họp trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Miến Điện kết thúc ngày hôm qua, 13/11/2014, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã liên tiếp kêu gọi các nước không làm thay đổi thực trạng các bãi đá, rạn san hô và bãi cát ngầm ở Biển Đông.”
Khi người ta (Trung Cộng) đã “rốt ráo” bồi đắp và mở rộng các bãi đá thì ông Thủ tướng CSVN lại nhẹ nhàng mơn trớn kiểu ngoại giao công thức, kêu gọi “các nước” không làm thay đổi thực trạng, khiến người dân Việt Nam không thể không nhớ lại lời Phùng Quang Thanh trâng tráo: “Hiện nay trên biển, nói thật là các bên đều có xây dựng… và Việt Nam cũng có hoạt động xây dựng. Đều là tôn tạo, nâng cấp, mở rộng… Tuy nhiên, nguồn lực của ta còn có hạn nên việc xây dựng quy mô chưa lớn như Trung Quốc.”
Phùng Quang Thanh đánh đồng hoạt động xây dựng của Việt Nam với của Trung Cộng như vậy đó. Lại còn “bào chữa” cho Trung Cộng một cách ngu xuẩn rằng “nguồn lực của ta còn có hạn nên việc xây dựng quy mô chưa lớn như Trung Quốc.”
Những ai bênh vực PQT về lời phát biểu trên, xin hãy xem lại lời giảng giải của Ts Trần Công Trục nêu trên mà chúng tôi buộc phải nhắc lại ở đây: “Trước đây Việt Nam có quyền hoạt động [kể cả xây dựng, tôn tạo, nâng cấp] thế nào thì nay vẫn được quyền làm như vậy. Trái lại, sau khi Trung Cộng dùng vũ lực cướp đoạt Hoàng Sa… thì kể từ hai thời điểm ấy, mọi hoạt động của Trung Cộng ở khu vực Hoàng Sa và Trường Sa đều vi phạm trắng trợn”
Vậy là ai “lơ là mất cảnh giác”, ai “tạo ra cơ hội cho Trung Quốc dễ dàng tính toán các bước đi tiếp theo” và ai “mơ hồ, có thể dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng” như Ts Trần Công Trục đã lưu ý?
Nguyên tắc “trước sau như một”.
Cũng trên báo Giáo Dục Việt Nam, người ta lại đọc thấy bài thứ hai của ông Trục, bài “Tiến sĩ Trần Công Trục nói rõ nguyên tắc ‘trước sau như một’ về Biển Đông”. Bài này cho chúng ta có một khái niệm về nguyên tắc “trước sau như một”, một nguyên tắc pháp lý có tên gọi là “Estoppel”, “quy tắc về bằng chứng, theo đó, một cá nhân không được phép phủ nhận sự thật về điều mà trước đây người này đã tuyên bố hoặc về những sự kiện mà người này cho là có thật.”
Về việc áp dụng nguyên tắc “trước sau như một”, Ts Trần Công Trục nhấn mạnh: “Trong luật quốc tế, đi đôi với chủ quyền là trách nhiệm thực thi chủ quyền và không cho nước khác làm điều mà họ cho là thực thi chủ quyền trên lãnh thổ của mình”.
Ở bài này, Ông Tiến sĩ nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ CSVN cảnh báo: “Áp dụng những nguyên tắc trên…, người Việt Nam, nhất là những cơ quan hoặc cá nhân người có thẩm quyền hay các cơ quan báo chí truyền thông cần phải thật sự thận trọng, cân nhắc khi phát biểu, tuyên bố có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia.”
Ông Trần Công Trục còn nhắn nhủ nhà cầm quyền trong nước: “Nếu phát biểu vì động cơ chính trị mà quên đi những nguyên tắc pháp lý thì sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên phương diện pháp lý”.
Sau đó ông cũng lên án “quan điểm cho rằng không nên làm lớn chuyện Trung Quốc biến đá thành đảo ở 5 bãi đá ở Trường Sa, trong đó có đá Chữ Thập, để trở thành 1 căn cứ quân sự, vì chúng ta cũng xây dựng và mở rộng ở Trường Sa, vì cả làng cùng xây dựng là cực kỳ nguy hiểm và không thể chấp nhận.” Đây là quả đấm trực diện nhắm thẳng vào cả Phùng Quang Thanh lẫn Nguyễn Tấn Dũng là người đại diện đích thực đảng quyền trên cả nước.
Những con két Việt Nam do Trung Cộng nuôi dạy.
Theo tin báo chí lề đảng trong nước, trả lời chất vấn tại Quốc Hội CSVN, Nguyễn Tấn Dũng, trong tư cách Thủ tướng, đã xác định: “Việt Nam –Trung Quốc dù mưa nắng, hay bão lũ vẫn mãi là láng giềng.” Ông còn nói thêm: “Chúng ta hết sức mong muốn Việt Nam-Trung Quốc chân thành hợp tác để gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển, cùng có lợi, để thực hiện thực chất, hiệu quả phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, đem lại lợi ích cho cả hai bên.”
Ý kiến của Nguyễn Tấn Dũng trên đây thực ra chẳng có gì là mới mẻ cả. Nó chỉ là sự lặp lại hầu như nguyên văn lời chỉ bảo của Ông Phạm Trường Long Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Cộng đưa ra cho Phùng Quang Thanh trong cuộc hội kiến của đoàn quân sự cấp cao CSVN với phía Trung Cộng ngày 18/10/2014. Ông Phạm Trường Long nói: “Láng giềng là không thể dời đi, hai nước Trung-Việt chung sống hữu nghị, xử lý ổn thỏa bất đồng, cùng phát triển phù hợp với lợi ích chung của hai nước.”
Báo Trung Cộng bấy giờ cũng tường thuật rằng Phùng Quang Thanh đã chấp nhận 3 phương hướng mà phía Trung Cộng đưa ra cho phía CSVN, rằng hai bên phải dựa trên phương châm 16 chữ ‘ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện’ và tinh thần 4 tốt ‘láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt’, ngõ hầu “hai bên ‘đi cùng một hướng’, theo chỉ thị mà Thường Vạn Toàn, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Cộng đưa ra trong cuộc gặp gỡ trước đó giữa hai đoàn.
Nguyên tắc 6 chữ của Nguyễn Tấn Dũng.
Liền sau cam kết thực hiện nghiêm túc “phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt”, Nguyễn Tấn Dũng chế thêm một nguyên tắc nữa, nguyên tắc “6 chữ, đó là vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.
Đại biểu Lê Nam, Đoàn Thanh Hóa đặt câu hỏi: “Ngay khi giàn khoan HD 981 chưa rút, Trung Quốc đã thực hiện mạnh mẽ xây dựng các đảo, xây dựng sân bay, biến đảo đá chìm thành lãnh thổ trên các đạo Gạc Ma, Phú Lâm, Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc cưỡng đoạt. Đó là kế sách không đánh mà thắng nhằm độc chiếm biển Đông. Cử tri cả nước đặc biệt quan tâm đến tình hình trên, mong muốn Thủ tướng cho biết kế sách của Chính phủ sẽ như thế nào để bảo vệ trọn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc?"
Nguyễn Tấn Dũng trả lời có vẻ ngạo mạn khinh thường ý kiến của ông Lê Nam, rằng: “Ý kiến chất vấn của đại biểu Nam thì tất cả chúng ta, đồng chí, đồng bào cả nước đều biết.” Chuyện ấy cả nước ai mà chẳng biết, có gì mà ầm ĩ? Dũng còn nhắc lại quan điểm “các bên giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm...” Còn “việc Trung Quốc bồi lấp biển nếu theo thông tin báo chí chúng ta cũng đã nêu…” hết rồi. Nghĩa là, theo Nguyễn Tấn Dũng, mọi điều trên, ai mà chẳng biết, báo chí nêu ra cũng là thừa, vì đảng của Dũng đã từng nêu ra nhiều lần rồi, phải không? Tuy nhiên, trong thực tế, Dũng và đảng của Dũng chỉ nêu bằng hàng loạt chữ nghĩa công thức mơn trớn bọn xâm lăng bắc phương mà thôi! Một mặt chơi trò “võ mồm” để lừa phỉnh người dân trong nước, một mặt ngầm thúc đẩy người anh em “láng giềng không thể dời đi” nhưng cứ lấn thêm, nhất là lấn đảo, lấn biển.
Thế nên, trong khi tại hội thảo quốc tế về Biển Đông ở Đà Nẵng ngày 17-18/11/2014, Cựu Phó Đô đốc Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản Joji Koda buộc lòng phải lên tiếng cảnh cáo như trình bày sau đây
Những lời cảnh cáo từ bên ngoài.
Cựu Phó Đô đốc Nhật Bản Joji Koda kêu gọi các quốc gia hãy chung tay ngăn chặn Trung Quốc thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông. Báo chí Việt Nam ghi nhận: “Dẫn thông tin từ truyền thông Trung Quốc, cựu Phó Đô đốc Joji Koda cho hay, tháng 10/2014, Trung Quốc đã hoàn tất việc cải tạo đường băng dài 2.400m trên đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa (nằm cách Tam Á, đảo Hải Nam, Trung Quốc khoảng 700km về phía Đông Nam và cách Đà Nẵng, Việt Nam 440km về phía Đông), cho phép tiếp nhận các máy bay vận tải quân sự và máy bay do thám cỡ lớn”.
Đối với quần đảo Trường Sa, “ông Joji Koda cho hay, Trung Quốc đã bắt đầu nỗ lực đầy tham vọng là cải tạo đầm phá lớn ở Đá Gạc Ma mà họ đã chiếm đoạt bằng vũ lực từ Việt Nam vào năm 1988... Hiện Trung Quốc đang tiến hành hoạt động cải tạo đất ở nửa phía Đông của đầm phá và xây dựng một đường băng dài 2.500m có khả năng tiếp nhận máy bay phản lực cùng một số bến cảng, cầu tàu để tiếp đón tàu trọng tải lớn”. (Trung Quốc thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông nhằm mưu đồ gì?).
Thời điểm Trung Cộng hoàn tất việc cải tạo đường băng dài 2.400m trên đảo Phú Lâm vào tháng 10/2014, và xây dựng một đường băng dài 2.500m Đá Gạc Ma gần đây là thời gian mà Phùng Quang Thanh cùng đoàn quân sự cấp cao lớn nhất nước đang có mặt ở Tàu. Tại đó, PQT thú nhận khi Thanh nêu vấn đề “giữ nguyên hiện trạng”, thì phía Tàu Cộng “nói chung hứa thì không hứa”!!!! Đấy Trung Cộng ngạo nghễ cười vào mũi CSVN đó! Hứa cái gì mà hứa! Láo!
Và quả như vậy. Trung Công không nói mà làm. Báo Việt Nam ghi nhận: “IHS Janes's, một tạp chí về quốc phòng, hôm 20/11 đưa tin Bắc Kinh đang tiến hành xây dựng đảo nhân tạo trên bãi đá Chữ Thập, dài ít nhất 3.000 mét, rộng khoảng 200 đến 300 mét. Chuyên gia đánh giá, đảo nhân tạo này đủ lớn để xây dựng sân bay.”
Lại nữa, theo VNExpress ngày 24/11/2014 (Trung Quốc xây đảo ở Trường Sa 'để làm căn cứ radar'), một quan chức cấp cao của quân đội Trung Quốc bất ngờ tiết lộ trước báo chí quốc tế về lý do bồi đắp đảo ở Trường Sa, là để hỗ trợ hoạt động của radar và thu thập tin tình báo. (Nguy hiểm chưa?) Quan chức đó là Jin Zhirui, sĩ quan cao cấp thuộc Tổng bộ quân chủng Không quân Trung Quốc, đã phát biểu tại Diễn đàn Xiangshan, một diễn đàn đối thoại về các vấn đề an ninh quốc gia của Trung Cộng. Trung Cộng làm và nói đó. Họ có sợ gì cái thùng rỗng của CSVN?
Trong khi đó, phía Mỹ đã theo dõi việc “cải tạo mở rộng bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa là một trong số những dự án mà Trung Quốc đang theo đuổi, trước tiên là để có thể xây dựng một đường băng”, AFP dẫn lời trung tá Jeffrey Pool, người phát ngôn quân đội Mỹ, cho biết như vậy.
Theo Trung tá Pool, "có vẻ như đó chính là việc họ đang hướng tới. Một bến cảng cũng đã được thiết lập ở phía đông bãi đá. Nó đủ lớn để đón các tàu tiếp tế và tàu chiến hải quân.”
Vị sĩ quan phát ngôn của Quân đội Hoa Kỳ lên tiếng: "Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc dừng chương trình cải tạo đất và tham gia vào những sáng kiến ngoại giao để thúc đẩy tất cả các bên kiềm chế trong loại hoạt động này".
Qua những thông tin và những tiết lộ nêu trên, chúng ta nhận ra ngay hành động ngang ngược của Trung Cộng trên Biển Đông, nhất là trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Gạc Ma) mà chúng đã cưỡng chiếm của Việt Nam. Trong khi đó, các quan chức đứng đầu vận mệnh đất nước lại vẫn ỡm ờ nước đôi, ngôn hành tương phản, để mặc Trung Cộng lộng hành. Điều đáng chú ý đặc biệt ở đây là gần đây, danh xưng Hoàng Sa không còn thấy xuất hiện nữa trong phát biểu của các nhà “hoạch định chính sách” Việt Nam, tức là nhà cầm quyền CSVN!
Kết luận.
Một tín hiệu bất thường đầy nguy hiểm cho vận mệnh đầy bất trắc của quê hương Việt Nam mà thủ phạm chính là đám CS cầm quyền đất nước hôm nay. Họ công khai và ngang nhiên đặt vị thế cầm quyền của đảng “anh em” lên trên sự sống còn của Tổ Quốc, đặt việc bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội lên trên việc tôn trọng sinh mạng của toàn dân tộc! Đến nỗi báo Giáo Dục Việt Nam ngày 19/10/2014 đã đăng tải lại toàn bộ nội dung báo chí Trung Cộng phản ánh chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh Bộ trưởng, trong đó ghi lại lời “Phùng Quang Thanh nói, Đảng và Quân đội Việt Nam rất coi trọng quan hệ Việt-Trung, quý trọng tình hữu nghị truyền thống Việt-Trung”, và đặc biệt “cung cấp bảo đảm vững chắc cho củng cố vị thế cầm quyền của Đảng Cộng sản hai nước, bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Thấy chưa? CSVN đâu coi việc bảo đảm sự tồn vong của đất nước là trách nhiệm trên hết và trước nhất của họ, đâu có coi việc củng cố chủ quyền của quốc gia dân tộc là chính yếu, đâu có coi việc bảo vệ biên thùy, lãnh thổ, lãnh hải là nhiệm vụ hàng đầu của cả nước, huống hồ là của kẻ đang nắm vận mạng đất nước? Chỉ một lời nói trên đã đủ để nhận chân tâm địa của nhà cầm quyền CSVN đối với dân tộc và đất nước!
27/11/2014
________________________________________
(1) Phần chua tiếng La Tinh và Anh là của chính Ts Trần Công Trục.