Lê Nam Khoa (Danlambao) - Trong bài thơ viết cho cha, cô Nguyễn Hoài An đã có những câu thơ mà qua đó người ta có thể hiểu được Nguyễn Bá Thanh - cha của cô - đã bị đảng ám hại và ông ta đã chết trước ngày Thứ Sáu 13 tháng 2, 2015. Mặc dù đã có nhiều bài viết trên báo lề Dân với nhiều dữ kiện và phân tích cho thấy ông Thanh chết không bình thường và ngày giờ chết không đúng như tin của nhà nước đưa ra, nhưng những gì từ chính con gái của ông Thanh - một người trong cuộc - sẽ có sức thuyết phục mạnh cho nghi án động trời này.
Nguyễn Bá Thanh chết lúc nào?
Hoài An đã mở đầu bài thơ bằng 2 câu:
Còn mươi hôm là ngày con sinh ra
Mà ba đi chưa kịp lời tiễn biệt
Câu sau cho thấy lúc ông Thanh chết đã không có một lời trăn trối với gia đình, con cái. Vậy lần cuối mà Hoài An còn nói chuyện được với cha của cô là lúc nào? Không có một câu nào trong bài thơ cho thấy ông Thanh nói chuyện với con gái lúc ông trở về lại Việt Nam và "điều trị trong bệnh viện Đà Nẵng". Chỉ có những câu này, thời điểm từ mấy tháng trước, lúc ông Nguyễn Bá Thanh còn điều trị bên Mỹ, và lúc đó "hy vọng mong manh" lắm rồi:
Ba hãy ra đi thanh thản nhé ba
Như lời ba nói với con vài tháng trước
Ba nói rằng ba cũng không nuối tiếc
Đà Nẵng chừ đẹp, hai con cũng trưởng thành.
Lúc con khóc vì hy vọng mong manh
Những chi tiết này làm cho chúng ta nhìn lại thời điểm lúc chuyên cơ mang ông Thanh từ Mỹ về để thấy rõ hơn một điều: trong khi bao nhiêu người dân được đăng tải là đi đón ông Thanh, nhiều cán bộ nói gặp ông Thanh để có những câu "tau có chi mô" thì tuyệt nhiên không thấy hình ảnh nào của gia đình ông Thanh đón ông. Một lời tuyên bố từ gia đình rằng ông Thanh khỏe hay yếu cũng không có.
Đó là một điều bất thường.
Điều bất thường này chỉ có thể giải thích là gia đình bị cô lập và đứng ngoài cuốn phim dàn dựng của đảng và gia đình đã biết số phận của ông Thanh lúc đó ra sao.
Ai đã giết Nguyễn Bá Thanh
Nếu ông Thanh chết vì bị bệnh, chết tự nhiên - thuần túy là ung thư thì không thể nào có câu thơ này từ Hoài Anh:
Dù đời phụ ba, nhưng ba được hưởng lòng dân.
(Tạm thời xin bạn đọc đừng bị dính vào câu "ba được hưởng lòng dân" để chúng ta lạc vấn đề vào chuyện ông Thanh có hưởng lòng dân hay không - đó là đề tài thảo luận khác. Tội ác của ông Nguyễn Bá Thanh đối với giáo dân Cồn Dầu, ông ta đã dùng những công trình xây dựng Đà Nẵng để rút tiền bỏ túi, tình trạng phố Tàu ở Đà Nẵng... nhiều người biết rõ. Nhưng cùng lúc, với những tuyên truyền và những hình ảnh phồn thịnh của Đà Nẵng, cộng thêm cá tính của ông Thanh, thực tế là cũng có nhiều người yêu mến ông Thanh. Và một cô con gái làm thơ cho cha của mình, với tình cảm cha con, đương nhiên sẽ theo hướng suy nghĩ "ba được hưởng lòng dân").
Trở lại vế đầu 4 chữ "dù đời phụ ba". Tại sao là "đời"? Nếu "lòng dân" / người dân trong vế sau đã ủng hộ ông Thanh thì họ chính là "đời" rồi!? Vậy tại sao Hoài An lại mâu thuẫn giữa vế đầu là "đời phụ" với vế sau là "hưởng lòng dân" trong cùng một câu thơ?
Do đó trong câu này, hàm ý của Hoài An thì "Đời" phải là một thực thể khác. Nếu vậy thực thể này là gì trong khi theo nghĩa thông thường nó là con người, là dư luận, là người đời?
Chỉ còn một cách hiểu về chữ "đời" của Hoài An: Đó là "đảng". Nó được hiểu theo nghĩa cha của cô đã cống hiến cuộc đời của ông cho đảng, đời của ông là đảng. Và "đời phụ ba" tức là "đảng phụ ba".
Tại sao Hoài An không thể viết thẳng ra là đảng? Điều này dễ hiểu nếu chúng ta mường tượng ra tình trạng của gia đình Nguyễn Bá Thanh như thế nào với giả thuyết ông ta bị giết và đảng đang phải giàn dựng một cuốn phim lừa đảo và điều gì sẽ xảy ra cho gia đình nếu họ công bố thẳng thừng những điều mà các thế lực đen tối đang muốn che giấu.
Tại sao là "phụ"? Và ai "phụ" cha của Hoài An?
Trước hết phải là những người đã đưa Nguyễn Bá Thanh vào vai trò Trưởng ban nội chính TƯ làm tên xung kích chống tham nhũng. Kẻ đó là Nguyễn Phú Trọng. Khi Nguyễn Bá Thanh bị ám hại, Nguyễn Phú Trọng đã tìm cách dìm xuồng mọi chuyện vì không muốn đàn em trong phe nhóm hoảng sợ và xé rào.
Kế đó "phụ" cũng là phía giết Nguyễn Bá Thanh. Cả 2 phe giết và phe che giấu cái chết dù đối nghịch nhau nhưng cộng lại chính là đảng. Và đảng chính là "đời" của Nguyễn Bá Thanh. Cái "đời" cộng sản này đã phụ ông Thanh bằng hành động hạ thủ tàn độc và sau đó cũng không được chết như một cái chết bình thường.
Chỉ một câu thơ 10 chữ nằm lẫn trong những lời ca tụng cha mình, Nguyễn Hoài An - người trong cuộc - đã khéo léo gián tiếp cho dư luận biết từ đâu đã dẫn đến cái chết của Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh.