Bài thi viết Cộng sản và Tôi: Đầu xuân, hồi tưởng "Bà Mẹ Anh Hùng" - Dân Làm Báo

Bài thi viết Cộng sản và Tôi: Đầu xuân, hồi tưởng "Bà Mẹ Anh Hùng"

Hoài Phú (Danlambao) - Bao lần tôi định viết về Bà, suy đi nghĩ lại rồi thôi, nhưng không hiểu sao dạo này, nhất là đến mùa Tảo Mộ ở Việt Nam, trong người tôi dường như có một luồng khí thôi thúc mãi, cuối cùng phải ngồi xuống viết vài điều về Bà như một lời tri ân của người sống dành cho người quá cố vậy.

Ảnh: Tranh Thêu, vnphoto.net

Bà mất lúc tôi vẫn còn lưu lạc xứ người và chưa đặt chân lên xứ Cờ Hoa. Tin tức về Bà tôi luôn cập nhật mỗi khi liên lạc về nhà, đơn giản Bà sống một mình, vì chồng và 3 người con đã trở thành người thiên cổ trước '75. Hơn nữa, mỗi khi ghé Tuy Hòa bà hay hỏi thăm về tôi, "...cuộc sống nó ra sao?... Giờ này không chừng nó đi bán cà-rem ở xứ người ta." Hình ảnh tờ 5000 đồng tiền Việt Nam, mệnh giá lớn nhất Việt Nam vào 1989, còn nằm y nguyên trong túi của tôi lúc đặt chân tới Phi-Luật-Tân, là tờ mà Bà cho tôi lúc tôi về quê thăm Bà lần cuối cùng trước lúc xa xứ, và không ngờ lần đó cũng là lần cuối cùng gặp mặt Bà trên cõi đời này. Thật sự tờ bạc lúc đó rất lớn đối với tôi vì tôi mới học xong 12, chưa làm gì ra tiền, Ba Mẹ làm ăn cũng khó khăn và chưa bao giờ cho tôi số tiền lớn như vậy; tôi rất quý nó và cất kỹ phòng hờ lúc gặp nguy biến mà xoay xuể. Lúc thăm Bà, tôi không nói là tôi chuẩn bị ra đi, nhưng dường như Bà có linh tính về chuyện đó, và Bà cũng biết được trước đó không lâu tôi đã nằm trong rừng núi Đá Bia 3 ngày 3 đêm mà chuyến đi bất thành.

Bà xuất thân trong một gia đình bề thế ở phủ Phú Yên xưa kia, hiện nay thuộc đất An Dân, Tuy An, cách trung tâm TP Tuy Hòa khoảng 30 km về hướng Bắc. Cha Bà là một người rất tinh thông về võ học, biết "kinh công", “bụi tre, nóc nhà ông vượt qua như chơi.” Ban đầu tôi nghe kể cứ tưởng chỉ có trong phim Tàu, nhưng khi về quê nghe mấy người già kể lại, lúc ấy tôi mới tin. Ông cũng từng làm cho những băng cướp vùng này chẳng những khiếp vía mà còn kính nể một thời. Tuy được khuyến khích của anh-chị-em của ông, lúc bây giờ làm quan trong phủ, đi ra Quy Nhơn dự thi quan võ, nhưng ông đều từ chối. Vùng này xưa kia cũng có nhiều cọp. Có lần Bà cũng kể cho tôi nghe chuyện một thầy chùa vừa ẵm chú tiểu vừa đánh cọp ở một ngôi chùa Đá Trắng mà bà hay tới lui. Sau này Bà theo chồng về ở cách đó cũng không xa mấy, trên đường ra Quy Nhơn. Vùng này trước năm 1975 là một vùng đất quê mùa, mất an ninh, cán bộ cộng sản hay hoạt động ban đêm, do đó mới có sư đoàn Mãnh Hỗ của Đại Hàn về đóng trong địa phận này.

Chồng Bà là một cán bộ cách mạng thời chống Pháp, sau này theo Việt Minh, và cũng lôi kéo mấy người con của Bà tham gia cùng. Ông và 3 người con bao lần bị chính quyền VNCH bắt và đươc thả, sau đó tất cả lần lượt đều bị giết. Một người con của Bà tuy tìm thấy xác nhưng bị mất đầu. Chính vì vậy mà sau '75 Bà được nhà nước truy tặng "Bà Mẹ Anh Hùng". Tôi còn nhớ mỗi lần về quê ăn đám giỗ, nhiều tay cán bộ CS của vùng, rồi không ít công an "nhân dân" hay kêu Bà là "Mẹ". Ngay cả đài phát thanh Phú Yên vào thập niên '90 cũng oang oảng ca tụng sự hy sinh của Bà và gia đình dành cho đất nước. Tuy Bà sống một mình nhưng kinh tế của Bà thuộc loại khá nhất vùng này, trước cũng như sau ngày "giải phóng". Nhà có nhiều đất đai trồng lúa, mía, và cả vườn dừa trên 100 cây cũng đủ cho Bà không phải trông cậy vào ai. Trước khi tôi đi, Bà xây căn nhà trang vách đất của Bà lại thành một căn nhà đúc kiểu mới thời bấy giờ rất là khang trang, phải nói là lớn và sang nhất vùng lúc ấy, và Bà cũng cho gia đình đứa cháu của Bà ở cùng, là một cán bộ CS đã từng thoát ly lên núi. Có lẽ đây là lý do mà Bà phải mang tai họa sau này. 

Bao nhiêu năm trôi qua cuộc sống tưởng là êm thắm và tận hưởng của Bà những ngày cuối đời; nhưng, đời thật trớ trêu! Đùng một cái, Bà bị một cái lệnh oái oăm từ Công An tỉnh Phú Yên tước đi danh hiệu "Mẹ Anh Hùng" của Bà và gán cho Bà "Từng làm việc cho CIA". Giống như một cơn sấm sét mà nhà cầm quyền giáng lên đầu Bà vậy. Bà không màng tới việc tước đi cái danh hiệu, hay những ân huệ vô nghĩa mà nhà cầm quyền dành cho Bà; nhưng, một điều làm Bà băn khoăn nhất là uy tín mấy đời nhà Bà được người dân ở địa phương kính trọng. Bà nhất quyết phải lặn lội kêu oan!

Mấy lần về quê thăm gia đình, có dịp lái xe đi Quy Nhơn, tôi đều ghé mộ của Bà và thầm nói chuyện trước hình của Bà. Khi nhìn hình trên mộ của Bà, dường như Bà muốn nhắn nhủ với tôi điều gì đó...! Bà nằm bên mộ của chồng và mấy người con bị giết, tất cả đều không nằm trong khu nghĩa trang "Tổ Quốc Ghi Công," mà là trong miếng đất thổ cư của gia đình, hiện tại xung quanh bao bọc bởi những dãy nhà của cư dân trong làng. Khi tôi hỏi về chuyện của Bà, dường như những người xung quanh kể lại một cách dè dặt. Nghe đâu sau khi bà bị gán ghép "làm việc cho CIA", vì công an tỉnh tìm đâu ra một báo cáo do những người làm việc cho chế độ cũ để lại. Họ dựa vào đó để cắt hết những gì có liên quan đến chế độ của gia đình Bà, điều tối hậu là lấy đi căn nhà của cá nhân Bà xây cất để cho người mà bà cho ở ké là cán bộ địa phương lúc đó. Thấy bà đòi sống chết bao nhiều lần, những người thương mến bà giúp bà tìm những người làm việc chế độ cũ thời trước '75 để ra làm chứng là bà không có dính líu tới CIA; điều oái oăm là một người ra làm chứng bị công an ép cung và nhảy lầu chết lúc còn đang trong cơ quan điều tra. Có tin nói là một người làm chứng, từng dính líu đến chương trình tình báo "Phượng Hoàng" của CIA đặc trách trong khu vực Bà ở trước ’75, khai rằng, "Sở dĩ họ để tên Bà trong danh sách làm việc cho CIA là vì muốn có thêm tiền cung cấp từ cấp trên, chứ Bà không có dính líu gì hết…”??? 

Sau đó Bà nộp những bằng chứng lên công an tỉnh để cứu xét lại, mặc dù rất đau xót người làm chứng của Bà đã tử nạn, và Bà được giải oan sau đó; tuy nhiên, họ bắt buộc Bà phải rời căn nhà của Bà để lại cho cán bộ CS ở, và chuyển Bà ra sinh sống ở một căn nhà nhỏ cấp 4 cho đến ngày Bà rời nhân thế không bao lâu sau đó. Cái chết của Bà cũng để lại nhiều bí ẩn…?

Bao lần ghé thăm mộ của Bà, tôi muốn ghé thăm căn nhà của Bà ở xưa kia để gợi lại bao kỷ niệm đẹp lúc thiếu thời, nhưng chỉ nhìn trộm bên hàng rào và thấy ngậm ngùi cho số phận của Bà, một người mà tôi luôn kính trọng và yêu quý. Tết năm nay, Ất Mùi, tôi không thể về để có dịp ghé viếng Bà, mong rằng Bà dưới cửu tuyền hiểu rằng, mặc dù chế độ CS đối xử tệ bạc với Bà và xương máu người thân của Bà đã đổ ra, nhưng nơi bên kia của quả địa cầu, có một người luôn nhớ đến Bà. Mong Bà vui vẻ và an nghỉ cũng như phù hộ cho con cháu nên người và dân tộc không còn bị đọa đày bởi loài quỷ dữ nữa!!!

Xuân Ất Mùi, 2015




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo