Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Niềm tin và đam mê là hai ý tưởng liên hệ với nhau trong cuộc sống thực tế. Niềm tin cho ta một đường hướng và mục tiêu rõ rệt, và giúp ta tạo ra hành động cụ thể. Đam mê gia tăng cường độ của hành động này và giúp đạt được mục tiêu một cách hữu hiệu. Trong cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ, bạn nên tạo ra đam mê để nung nấu niềm tin bạn và để đạt mục tiêu nhanh chóng, thí dụ như trong việc ký thư ngỏ cho Chiến dịch Vận động Nhân quyền 2015.
*
Niềm tin và đam mê là đề tài nghiên cứu của nhiều triết gia tôn giáo. Soren Kierkegaard, một triết gia tôn giáo Đan Mạch nổi tiếng, cho rằng niềm tin là một hành động, và hành động này là bước nhảy của đam mê (Moran, 112). Sự liên hệ giữa niềm tin và đam mê cũng nhận được nhiều chú ý. Nhiều triết gia thần học nghiên cứu mối liên hệ này dưới ảnh hưởng của tôn giáo và khoa học (Xem, thí dụ như, Coakley 2012).
Với nhiều người, niềm tin và đam mê chỉ là hai khái niệm hoặc ý tưởng thực tế liên quan đến cuộc sống và không nhất thiết dính líu tới tôn giáo hoặc triết lý cao xa. Thí dụ, tác giả Phan Châu Thành (2015) viết một bài rất hay về niềm tin vay mượn trong ngành giáo dục. Trong bài này, tôi sẽ nói về niềm tin và đam mê trong bối cảnh cuộc sống thực tế, và lấy thí dụ về chiến dịch vận động nhân quyền 2015.
Ý nghĩa của niềm tin:
Niềm tin (faith) là sự tin tưởng không thắc mắc mà không cần chứng minh hoặc bằng chứng. Nên chú ý là niềm tin trong tôn giáo không có cùng định nghĩa như vậy (Reagan). Niềm tin phải có đối tượng. Bạn phải đặt niềm tin vào cái gì. Thông thường, ta kh̀ông cần phải nói ra khía cạnh của đối tượng mà chỉ nói đến đối tượng. Thí dụ, bạn nói, "Tôi có niềm tin vào Thượng Đế," và không cần phải nói chi tiế́t, "Tôi có niềm tin vào lòng bao dung/ sức mạnh vô bờ/ sự thông thái/.../ của Thượng Đế."
Niềm tin có thể đúng hoặc sai, sáng suốt hoặc mù quáng, thật sự hoặc giả tạo, vô vị lợi hoặc trục lợi. Giá trị của niềm tin có tính cách tương đối và tùy vào mỗi người. Thí dụ, đối với người tranh đấu cho tự do dân chủ, niềm tin vào đảng cộng sản Việt Nam là niềm tin mù quáng và sai lầm. Ngược lại, người trung thành với cộng sản thường kết tội niềm tin vào tự do dân chủ là niềm tin giả tạo và trục lợi.
Niềm tin không nhất thiết liên quan đến một khái niệm trừu tượng hoặc cái gì to tát cao cả. Nó có thể cỏn con, cụ thể, hạn hẹp, ích kỷ. Bạn có thể có niềm tin vào đấng Thượng Đế tối cao, vào tình thương yêu nhân loại, vào lòng can đảm của con người, vào công lý của một xã hội tự do dân chủ. Bạn cũng có thể có niềm tin vào sự bền bỉ của chiếc xe cũ kỹ của bạn, vào tài nấu ăn của bạn, vào tình yêu với người phối ngẫu, vào sự thanh bình của một buổi chiều tà.
Niềm tin không nhất thiết vĩnh cửu hoặc bất khả xâm phạm. Nó có thể bị tan vỡ, hao mòn, suy kém. Nó có thể gia tăng, mạnh mẽ dần dần.
Niềm tin có thể đến hoặc hiện hữu từ nhiều nguồn: tự nhiên hoặc sẵn có, hấp thụ qua giáo dục hoặc hướng dẫn, có được qua kinh nghiệm, và có được qua suy luận.
Trong cuộc sống, hầu như ai cũng có, hoặc từng có, niềm tin. Niềm tin có thể được coi là động lực giúp ta tranh đấu, vật lộn với đời. Nó cũng có thể được coi là mục tiêu, giúp ta tìm đường hướng thích đáng. Niềm tin thường liên kết với hành động thể hiện niềm tin đó. Thí dụ, bạn có niềm tin vào tình người, và do đó, bạn đối xử với mọi người với lòng chân thật, nhân ái, và bao dung.
Ý nghĩa của đam mê:
Đam mê (passion) là một cảm xúc, tình cảm, hoặc một sự kích động mãnh liệt với nhiệt tình và thích thú. Chữ "mê" hàm ý một sự "không kiểm soát," "không điều khiển," "không cưỡng lại," "không tự chủ," hoặc "không ý thức," tạo ra bởi một yếu tố nào đó. Thí dụ như: mê gái, mê cờ bạc, mê man bất tỉnh, mê mệt, mê muội, mê hoặc, v.v... Chữ "đam" hàm ý "mang vào," "bỏ bê," "lăn xả vào." "Đam" hàm ý một hành động cố tình. Đi với "mê," "đam" làm gỉảm hoặc làm mất đi ý nghĩa "không tự chủ," "không ý thức" của "mê" mà thay vào đó, hoặc biến nó thành, mức độ mãnh liệt của lòng nhiệt thành hoặc tình cảm.
Đam mê có thể dùng cho một hoạt động tốt như đam mê học hành hoặc cho một hoạt động xấu như đam mê cờ bạc. Ý nghĩa tốt hay xấu tùy vào các chữ dùng liên hệ, hoặc nội dung cả câu.
Đam mê có thể hiện hữu tự nhiên hoặc được tạo ra do yếu tố bên ngoải. Đam mê tự nhiên được tạo ra một cách tự nhiên và không do một ảnh hưởng nào, tuy nó có thể cần một kích động khởi đầu. Thí dụ, tôi mê làm thơ, viết văn, ca nhạc, vẽ, đọc sách từ nhỏ một cách tự nhiên, và không có ai ảnh hưởng hoặc xúi giục tôi. Đam mê tạo ra do một yếu tố bên ngoài đến từ một tiến trình có ý định, do ảnh hưởng bên ngoài thí dụ như ý chí, suy luận. Cũng như niềm tin do suy luận, đam mê có thể được tạo ra bằng cách dùng suy luận, lý trí. Khi một hành động đang diễn ra (thí dụ do bởi niềm tin), bạn có thể tạo đam mê cho hành động đó bằng cách gia tăng phẩm chất hoặc số lượng của hành động.
Tuy nhiên, vì đam mê liên quan đến tình cảm và tâm hồn, dùng suy luận hay lý trí để tạo ra đam mê không thể gượng ép. Một khi bạn ghét làm chuyện gì, cho dù bạn có niềm tin vào sự tốt đẹp của nó và bạn sẵn sàng làm chuyện đó, bạn không thể dối lòng mà thích làm chuyện đó. Thí dụ, bạn có niềm tin vào đi làm kiếm tiền (thay vì đầu tư, buôn bán kinh doanh) để có cuộc sống thoải mái, nhưng bạn rất ghét mỗi ngày phải dậy sớm, bị kẹt xe hàng ngày, vào văn phòng phải đối diện với công việc ngập mặt, đã thế còn phải đối phó với tên xếp lúc nào cũng hoạnh họe. Bảo rằng bạn dùng suy luận hoặc lý trí để tạo ra đam mê cho chuyện đi làm hàng ngày như vậy quả là có phần gượng ẹp và giả tạo. Đương nhiên bạn vẫn đi làm hàng ngày cho niềm tin đó, nhưng bạn không đi làm với đam mê.
Liên hệ giữa "niềm tin" và "đam mê":
Niềm tin ngụ ý mục tiêu, động lực, trong khi đam mê mô tả cường độ của một hành động, hoạt động, hoặc hành vi. Dưới khía cạnh thực tế trong cuộc sống, mọi niềm tin đều dính líu đến hành động vì bạn không thể có một niềm tin mà không có hành động thể hiện cái niềm tin đó. Do đó, niềm tin và đam mê được liên hệ với nhau qua hành động biểu hiện niềm tin. Tùy vào hành động đó, đam mê có thể quan trọng hay không cần thiết.
Dưới một khía cạnh khác, niềm tin có thể được coi là sản phẩm của lý trí và đam mê là kết quả của tâm hồn. Mối liên hệ lý trí-tâm hồn này có thể tương tự như ý của Kierkegaard về bước nhảy của đam mê (Moran, 112).
Không phải hành động nào cũng cần phải có cường độ mạnh mẽ mới đạt được mục tiêu. Đam mê có thể giúp cho hành động có hiệu quả hơn, nhanh hơn, ít tốn kém hơn, hoặc đạt được mục tiêu huy hoàng hơn. Bù lại đam mê có thể đòi hỏi thì giờ chuẩn bị, năng lực, và có thể gây ra tác dụng tiêu cực trên người khác.
Có sự khác nhau giữa hoàn thành một việc và hoàn thành việc đó với hứng khởi hoặc đam mê. Kết quả của hai việc có thể sẽ như nhau, nhưng ảnh hưởng của tiến trình làm việc đó trên chính bạn khác nhau.
Thí dụ, bạn có thể thức cả đêm cặm cụi học bài, và sau đó hiểu thấu đáo bài giảng của thầy. Nhưng bạn coi đó như là một gánh nặng phải đối phó. Ngược lại, nếu bạn có đam mê, bạn cũng có thể thức khuya cả đêm, nhưng không phải để ráng trút bỏ gánh nặng, mà để "thưởng thức" học bài.
Hai việc đó khác nhau ở chỗ nào? Trả lời: Chúng khác nhau một trời một vực.
Với ý tưởng trút bỏ gánh nặng, bạn có thể cảm thấy thoải mái là đã trả xong nợ, nhưng sau đó, bạn sẽ có những bài học kế tiếp và những bài học này tiếp tục là những gánh nặng. Bạn sẽ phải thu hết can đảm, và lập lại mọi cố gắng và nỗ lực để trút bỏ gánh nặng cho những việc sau. Trí tuệ và cơ thể bạn bị căng thẳng, và dễ bị ngã quỵ. Bạn có thể trút được gánh nặng bây giờ, nhưng chưa chắc bạn làm được chuyện đó cho những lần sau. Dần dà, bạn có thể mất nghị lực, và niềm tin của bạn suy giảm, để cuối cùng, bạn chịu không nổi và quyết định bỏ học.
Với ý tưởng "thưởng thức" học bài, bạn sẽ vui vẻ thức đêm học. Bạn có thể vừa huýt gió vừa giải một bài toán, nghe nhạc trong lúc cặm cụi vẽ một biểu đồ, hoặc nhấp nháp ly cà phê trong lúc đọc sách. Những hành động đó làm bạn quên đi sự mệt nhọc, đầu óc bạn được sáng suốt, vì bạn không phải lo lắng là có sẽ trút được gánh nặng hay không. Vì không bị căng thẩng bởi nỗi lo sợ trút bỏ gánh nặng, tinh thần và cơ thể bạn được thoải mái, và bạn có thể hoàn tất việc nhanh hơn.
Do đó, thực hiện một hành động phục vụ cho niềm tin với đam mê luôn luôn đem lại kết quả tốt đẹp hơn là không có đam mê.
Câu hỏi quan trọng là ta có thể tạo ra được đam mê không?
Như trình bày ở trên, nếu bạn đã ghét làm chuyện gì (cho dù bạn có niềm tin về chuyện đó), thì bạn không thể cố tạo ra một đam mê giả tạo để làm chuyện đó. Cái giả tạo chỉ càng làm bạn khó chịu bực bội, và còn tạo ra căng thẳng tinh thần và vật chất, còn tệ hơn là bạn không có đam mê. Bạn không thể nào tự dối lòng mà ca hát hoặc huýt gió trong lúc bị kẹt xe (nếu bạn thiệt là ghét bị kẹt xe), hoặc tươi cười chào đón, hỏi han tên xếp với mặt như con heo mà bạn rất ghét. Không phải lúc nào bạn cũng cần có đam mê để làm một chuyện mà bạn ghét (dù bạn có niềm tin mạnh mẽ). Bạn có thể cho nó một cơ hội để thử xem bạn có thay đổi được không, nhưng bạn không thể tiếp tục giả tạo mãi mãi.
Tuy nhiên, nếu bạn không ghét làm chuyện đó, và tuy bạn chưa thích làm chuyện đó, bạn có thể biến cái "không ghét và chưa thích" đó thành "đam mê," để tạo lửa cho hành động của niềm tin bạn. Tất cả chỉ tùy vào sức mạnh của lý trí và suy luận. Dưới khía cạnh này, niềm tin và đam mê có thể tương tác lẫn nhau để càng lúc càng lớn mạnh.
Nếu bạn có niềm tin, dù chỉ mới khởi đầu, và bạn "không ghét và chưa thích" hành động cho niềm tin đó, thì bạn nên tự cho mình một cơ hội để bạn phát huy nỗi đam mê cho niềm tin đó. Vì chỉ có cách đó, bạn mới có thể hiểu con người của bạn. Ngoài ra, bạn sẽ có dịp thử lại hoặc đánh giá niềm tin của bạn. Nếu bạn không thể tạo được đốm lửa đam mê, bạn vẫn có thể giữ niềm tin và tiếp tục theo đuổi con đường phục vụ cho niềm tin đó.
Thế nào là tự cho mình một cơ hội?
Đó là tự tạo cho mình sự đam mê trong hành động phục vụ niềm tin. Khác với giả tạo, bạn không đóng kịch để làm ngược lại ý thích (hoặc đúng hơn, ý ghét) của bạn, vì bạn "không ghét và chưa thích" hành động đó. Tự tạo cho mình một cơ hội là tạo ra nhiều hành động khác nhau hoặc gia tăng cường độ hành động mình phục vụ cho niềm tin.
Hãy tạo đam mê cho chính bạn trong chiến dịch Nhân quyền 2015:
Lấy một thí dụ điển hình trong chiến dịch Vận động Nhân quyền năm 2015. Bạn đọc những bài viết, nghe những lời kêu gọi, và xem những khúc phim vận động. Bạn có niềm tin vào chiến dịch đó, tuy niềm tin đó không mãnh liệt lắm, nhưng đủ để cho bạn quyết định ký lá thư ngỏ với niềm tin là sẽ có được 100.000 chữ ký vào khoảng tháng 5, 2015.
Hành động đó là một hành động bình thường như mọi người khác hưởng ứng lời kêu gọi hoặc ủng hộ phong trào dân chủ. Có thể chiến dịch sẽ đạt được 100.000 người ký. Có thể không. Việc đạt được 100.000 người ký thực ra không ảnh hưởng nhiều về các hoạt động dự trù như biểu tình, tọa kháng, thắp nến. Con số 100.000 đặt ra chỉ là một con số cho là lớn đủ để tạo "khí thế" cho chiến dịch hoạt động trên đường phố.
Chúng ta không thể tiên đoán được sẽ có bao nhiêu người ký. Chúng ta có niềm tin, nhưng niềm tin không bảo đảm thực tế. Chính vì tính chất không tiên đoán được tương lai mà chúng ta phải cố gắng tối đa trong hiện tại để không ân hận về sau.
Để phát huy chiến dịch mạnh mẽ, bạn phải tạo đam mê cho hành động phục vụ niềm tin của bạn. Chỉ có chữ ký một mình bạn không đủ.
Làm cách nào?
Có rất nhiều cách, tùy vào khả năng và tình trạng bạn (thí dụ, trong nước hay hải ngoại). Điểm chính yếu là bạn phải kêu gọi tích cực mọi người tham gia vào việc ký tên. Bạn nên kêu gọi gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, thân hữu xa gần tham gia vào việc ký lá thư ngỏ. Robin Dunbar, một học gỉả người Anh nổi tiếng về nhân loại học, đưa ra con số 150 là số người trung bình mà một người có thể duy trì liên hệ xã giao ổn định (Wikipedia 2015). Con số này được đưa ra vào thập niên 1990 và hiện nay có thể cao hơn. Gallup cho biết mỗi người Mỹ có khoảng 9 người bạn thân, không kể họ hàng (Carroll 2004). Nếu mỗi người chúng ta tận dụng việc truyền bá kêu gọi tới tất cả những người ta quen biết vừa đủ, và ai cũng làm như vậy, tổng số người dần dà biết đến chiến dịch này sẽ lên thật cao. Với con số Dunbar, ta có thể đạt được hàng triệu, hàng chục triệu trong một thời gian ngắn của vài tuần. Cho dù với con số của Gallup, chúng ta có thể đạt được hàng trăm ngàn, hàng triệu trong vòng một hai tháng.
Bạn có thể nghĩ ra đủ mọi sáng kiến để tạo lửa cho đam mê của bạn. Đốm lửa đam mê đó sẽ kích động những người khác để họ tham gia và có thể tạo đam mê cho chính họ. Cho dù có người không ký, ít nhất bạn cũng khiến họ ý thức và biết về chiến dịch.
Bạn hãy chuyển e-mail bạn nhận được từ Change.org sau khi bạn ký tới mọi người trong danh sách địa chỉ e-mail của bạn. Nếu bạn nằm trong một nhóm nào đó, thí dụ như Yahoo group, Google group, nhóm cựu học sinh hoặc sinh viên, bạn nên chuyển thư với link của Change.org tới mọi người trong nhóm. Nếu bạn không muốn người ta biết bạn ký, vì bất cứ lý do nào đó, bạn vẫn có thể chuyển e-mail nói về chiến dịch và link dẫn tới Change.org tới mọi người, như bạn đã làm khi bạn chuyển e-mail về câu đùa giỡn, câu chuyện tiếu lâm, hình ảnh đẹp, tin tức hay, v.v.
Nếu bạn có facebook, bạn nên truyền bá trên facebook. Nếu bạn là sinh viên học sinh, bạn có thể kêu gọi sinh viên học sinh Việt Nam trong trường, tổ chức các cuộc họp mặt, thuyết trình. Nếu bạn là phụ huynh, bạn nên nói con em tích cực tham gia và kêu gọi bạn bè tham gia.
Với các bạn ở hải ngoại, bạn có nhiều cơ hội và phương tiện để hun đốt ngọn lửa đam mê mà không cần phải tham gia một hoạt động đoàn thể hoặc cộng đồng, nhất là những nơi có đông người gốc Việt. Bạn hoặc con cháu bạn có thể tổ chức kêu gọi tại các nơi đông người Việt Nam qua lại, như các địa điểm thương mại (nhà băng, chợ búa, v.v...). Bạn có thể in ra hàng trăm giấy kêu gọi, truyền đơn, và phân phát hoặc cài trên xe mọi người. Bạn có thể dùng dịp này để dậy dỗ con cháu bạn giá trị của tự do ngôn luận, dân chủ, đam mê, nguồn gốc Việt Nam, và "fighting for a cause." Có thể bạn sẽ phải bỏ ra một chút ít tiền, nhưng bạn nên coi đó là những đóng góp từ thiện.
Với niềm tin, ta có thể thành công.
Với niềm tin và đam mê, ta có thể đạt thành công to tát hơn, mau lẹ hơn, và có hiệu quả hơn.
Hãy để ngọn lửa đam mê bùng cháy trong niềm tin mạnh mẽ.
________________________________
Tài liệu tham khảo:
- Carroll, Joseph. 2004. Americans Satisfied With Number of Friends, Closeness of Friendships. 5-3-2004.
(truy cập 28-3-2015).
- Coakley, Sarah. 2012. Faith, Rationality and the Passions. Wiley-Blackwell, U.K.
Moran, Jamie. Không rõ ngày. Faith as 'Leap of Passion'. Không rõ ngày.
koed.hu/neighbour/jamie.pdf (truy cập 27-3-2015).
Phan Châu Thành. 2015. Sống tốt, là nên biết vay mượn Niềm tin với Con người. 25-3-2015.
(truy cập 26-3-2015).
Reagan, David. Không rõ ngày. What is Faith? Không rõ ngày.
(truy cập 28-3-2015).
Wikipedia. 2015. Dunbar's number. Thay đổi chót: 5-3-2015.
(truy cập 28-3-2015).
© 2015 Cao-Đắc Tuấn.