Biển Đông: Tâm bão chính, chiến trường thế giới (Bài 1) - Dân Làm Báo

Biển Đông: Tâm bão chính, chiến trường thế giới (Bài 1)

David Thiên Ngọc (Danlambao) - Kể từ khi Thế chiến thứ 2 kết thúc đến nay thế giới chưa có lúc nào gọi là hòa bình thật sự. Ngoài chiến tranh lạnh giữa hai cực ý thức hệ ra thì rải rác đó đây những cuộc chiến tuy cục bộ nhưng cũng có những chiến trường đầy máu lửa, với sự hiện diện của những đoàn quân viễn chinh mang yếu tố nước ngoài như cuộc chiến Nam-Bắc Triều Tiên, ngoài lực lượng của hai miền Nam-Bắc Hàn còn có sự hiện diện của quân đội Tàu cộng và Hoa Kỳ tham chiến. Rồi chiến trường Campuchia, Việt-Tàu, Irac, Afghanistan, Trung Đông, Bắc Phi, Ukraina... Tuy có những cuộc chiến kéo dài nhiều năm nhưng hầu hết cũng sớm lắng dịu và kết thúc. Có một điều đáng nói là những cuộc chiến đó tuy cũng đầy máu lửa, tổn thất về nhân mạng cũng không vừa nhưng hầu như nó không bị lan rộng trên bình diện lãnh thổ nhiều quốc gia để rồi lôi kéo nhiều nước, nhiều dân tộc lâm vào vòng binh đao khói lửa. Phải chăng con người hiện đại đã đạt được độ chín của sự khôn ngoan, biết chọn ra cửa sinh để loại trừ cửa tử mà tránh khỏi sa chân vào hố tử thần như hai thế chiến đã thiêu rụi hàng chục triệu nhân mạng một cách cuồng điên.

Riêng về tình hình Biển Đông hiện nay với một viễn cảnh nếu có chiến tranh xảy ra thì cụm từ “Quốc Tế hóa” tôi e rằng không tránh khỏi mặc dù tất cả các bên luôn dè dặt kiềm chế... nhưng khổ thay: “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế!” chứ biết phải sao! Bởi một điều đơn giản rằng Biển Đông không là của riêng ai... ngoài những nước có lãnh thổ, lãnh hải hiện hữu ra còn lại là bao la cả vùng biển, trời quốc tế thế thì những nước ở tận bên kia nửa vòng trái đất cũng đều có quyền lợi liên quan mà không thể nào không can thiệp để bảo vệ quyền lợi của mình một khi chiến sự nổ ra vì vấn đề tranh chấp chủ quyền, quyền kiểm soát trên biển trên không và mọi hoạt động từ khai thác tài nguyên cho đến giao thương hàng hải, hàng không và mọi thứ lệ thuộc đi theo. Và rằng con đường hàng hải đi qua Biển Đông là tối hệ trọng vì hết thảy ¾ lượng hàng hóa lưu thông trên thế giới là bằng con đường hàng hải mà hơn ½ số lượng kể tên đều đi qua Biển Đông. Hơn nữa nó (hải trình) nối liền từ Ấn Độ Dương ra Bắc Thái Bình Dương.

Một khi những quyền lợi đi trước nằm ngoài tầm tay với thì xem như kẻ ngoài cuộc ngồi xem những con sóng bạc đầu để rồi biến thành những cánh hoa chùm gởi bám vào thân những cây đa cây đề đang điều khiển canh bạc cuộc cờ. Do đó “Đông Hải trận” sẽ là một “cuộc chơi cân não” nhưng đầy thú vị, lắm ranh ma, nhiều mưu chước và muôn vẻ muôn màu. Đồng thời tôi tin rằng những “miếng hiểm”, chước “đà đao”, vô chiêu, hữu chiêu của “Độc cô cầu bại” sẽ được tung ra và tất nhiên là “tiên hạ thủ vi cường”! Thất bại sẽ thuộc về kẻ đến sau cho dù trên chính, chiến lẫn tình trường cũng thế. Ngoại trừ đó là kỷ, chiến thuật đã được lập trình từ trước.

Kính thưa quý độc giả. Chuyện Biển Đông sóng dậy đâu phải một sớm một chiều và chiến, sách lược cũng đâu thể nhất định mà nó luôn biến ảo khôn lường, tùy theo tình hình đặc thù của thời điểm xảy ra. Do đó mọi nhận định và lý luận phân tích trong loạt bài này (khoảng 5 bài) cũng chỉ ở tầm có thể và mọi diễn biến đôi khi trái ngược chỉ trong một đêm mà

“...Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội 
Có còn bay trong đêm
Sớm mai còn giữ được màu đỏ?...” (Nguyễn Khoa Điềm)

Thì đó cũng là chuyện thường tình ngoài chủ ý lẫn tầm soát của người viết.

Để đi vào từng phần của chuỗi nhận định xin mời quý độc giả từng bước đi vào loạt bài nhận định, phân tích này.

Như trên tôi đã nói, bất cứ một sự kiện chính trị, quân sự nào có tính chất “Quốc Tế” khi nó hình thành thì không thể một sớm một chiều đồng thời nó không thể đến một cách đơn thuần, tự nhiên mà nó luôn có sự sắp đặt chuẩn bị công phu. Do vậy tôi mạn phép lật lại những trang sử và những đoạn phim 5 năm về trước để khai màn cho bức tranh Đông Hải ngày hôm nay. Kính mong quý độc giả lượng thứ và nhìn lại.

Những bước đi ban đầu để hình thành ngọn “Đông Phong”.

Từ những ngày tháng của năm 2010-2011 đã hiu hiu hơi gió và bảng giao hưởng đã trổi khúc dạo đầu bằng những chuyến công du của bộ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Hillary Clinton và bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates. Và sau đó là ông Leon Panetta người kế nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã đến VN, cùng các cuộc họp thượng đỉnh ở Mỹ, Indonesia, Singapore... mà các nguyên thủ quốc gia và các lãnh đạo cấp cao của Mỹ lẫn VN đều có cơ hội gặp gỡ. Thông qua đó cả hai bên đã cùng tô đậm cho gam màu của bầu trời Châu Á Thái Bình Dương đổi sắc. 

Đúng như vậy. Đường lối của chính quyền TT Obama đã chuyển hướng tầm nhìn trọng tâm về Châu Á TBD. Cụ thể rõ ràng khi Hoa Kỳ tăng cường triển khai lực lượng quân đội thường trực ở Hàn Quốc, Nhật, Philippines và đưa Thủy quân lục chiến đến Úc. Hoa Kỳ đã thực hiện các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và các nước trong khu vực này. Các cuộc tập trận trên được xem là lớn nhất từ trước đến nay với các nước Hàn Quốc, Nhật, Úc, Ấn Độ và Phi. Điều đó chứng tỏ Hoa Kỳ đã thực sự trở lại Châu Á Thái Bình Dương bằng hành động cụ thể trong chương trình chuyển 60% tiềm lực hải quân về khu vực này. Đặc biệt là lúc đó, khi thực hiện các cuộc tập trận chung Mỹ đã huy động lực lượng tàu chiến và các siêu hàng không mẫu hạm (HKMH) như HKMH USS Carl Vinson cập cảng Úc ngày 23/11/2012 sau khi tập trận chung với Ấn Độ. Trong chuyến này còn có tàu tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill cùng đi. Siêu HKMH USS George Washington cũng đã đến Hàn Quốc và tập trận chung với nước sở tại, rồi Indonesia, Philippines... Đồng thời các cuộc tập trận đó hướng thẳng vào lực lượng tàu ngầm của TQ. Hoa Kỳ cũng đang xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc, Nhật và Úc. 

Tàu chiến của Mỹ cũng đã cập cảng Đà Nẵng và hoạt động Hải Quân Mỹ-Việt hàng năm đều diễn ra định kỳ. Tháng 2,3 năm 2010 tàu tìm kiếm cứu hộ USNS Safegard (T-ARS 50) và tàu USNS Richard E-Byrd (T-AKE 4) được vào "sửa chữa" ở Cam Ranh và sau đó các tàu chiến Mỹ vẫn thường xuyên ra vào "sửa chữa". 

Cũng thời gian đó bộ trưởng QP Mỹ Leon Panetta đã đến thăm các chiến sĩ trên tàu và đã tận mắt quan sát vùng trọng yếu của biển Đông. Đặc biệt Mỹ đã chỉ huy một cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới tại Hawaii mang tên "Vành Đai TBD"(RIMPAC-2012)" với sự tham gia của 22 nước có Nga được mời tham gia, nhưng Trung Quốc bị phớt lờ??? 

Đứng trước tình hình Mỹ chuyển thế trận về Châu Á TBD rõ ràng là để cân bằng đối trọng với TQ trong khi TQ ngang ngược, thể hiện bản chất tham lam bành trướng bá quyền trong thời gian qua đối với các nước trong vùng Đông Hải-Asean, trong đó có VN. 

Về mặt quân sự, Mỹ mở ra một thế trận gọng kềm hình cung bao gồm cả một vành đai rộng lớn Ấn-Úc-Hàn-Nhật-Phi -Thái và điểm cuối là VN với lực lượng Hải quân tài khí dồi dào chưa từng thấy. 

Về chính trị, ngoại giao thì từ khi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ H.Clinton thực hiện chuyến công du TQ-Ấn Độ đạt nhiều thắng lợi thì chương trình hướng tầm nhìn về Châu Á TBD đã hình thành và bắt đầu thực hiện chủ trương chính sách của Nhà Trắng sau chuyến công du 4 nước Châu Á của TT Obama. Các bước đệm tiếp theo là những chuyến công du tiếp tục của Bộ trưởng H.Clinton và Bộ trưởng Q.P Mỹ Robert Gates và sau đó là người kế nhiệm Leon Panetta. Những hành động này rõ ràng là để bảo vệ quyền lợi của Mỹ ở Châu Á TBD trên lĩnh vực hàng hải, khai thác tài nguyên... vị thế chính trị và in đậm tầm ảnh hưởng trong chiều hướng lãnh đạo khu vực này và trên toàn thế giới trong tư thế siêu cường. Do đó Mỹ quyết tâm cân bằng đối trọng với TQ ở Biển Đông, Thái Bình Dương đã quá rõ ràng. Chính các nhà bình luận và chính khách TQ cũng đã thấy rõ và cũng đã đưa ra lời nhận định trong thời gian qua. Tất cả các chuyến công du của các bộ trưởng nói trên đều có điểm đến là VN. 

Lúc bấy giờ chính sách chuyển tầm nhìn về Châu Á TBD của Mỹ đã không còn gì để bàn thêm nữa và các trang, bài tiếp theo là các nhà ngoại giao, chính khách tiếp tục thực hiện mà thôi. Ngày 19-20/6/2012 Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ - ông Andrew Shapiro đã có chuyến công cán đến VN và đã bàn thảo với chính quyền CSVN về các mặt an ninh, quân sự, chính trị... trong đó có đạt được cam kết Mỹ-Việt về an ninh khu vực và đã đồng thuận khẳng định rằng "an toàn và tự do hàng hải là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế". Nơi đây vấn đề nhân quyền vẫn được nêu ra trong chương trình nghị sự. Cũng như trước đây trong chuyến công du VN của bộ trưởng QP Hoa Kỳ Leon Panetta, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng đã nêu lên ý muốn Mỹ bỏ cấm vận vũ khí đối với VN và muốn mua sắm trang bị các loại vũ khí sát thương và các khí tài quân sự khác từ Hoa Kỳ. Để trả lời cho yêu cầu đó về phía Hoa Kỳ đặt điều kiện kèm theo là vấn đề nhân quyền. Đây là quan điểm của hầu hết các chính giới ở Hoa Kỳ rằng Washington chưa thể bán vũ khí sát thương cho Hà Nội vì "Hồ sơ Nhân Quyền tồi tệ". Ông Shapiro cũng đã từng khẳng định ý nghĩa của các hợp đồng bán vũ khí ra nước ngoài của Hoa Kỳ từ góc độ của bộ ngoại giao. Trong đó hồ sơ Nhân Quyền sẽ không khiếm diện. 

Sau chuyến dừng chân ở VN ông Shapiro sẽ đến Thái Lan nơi mà Mỹ cũng đặt trong vòng cung an toàn an ninh Châu Á TBD. Nơi đây Mỹ cũng đã có ý muốn tái sử dụng căn cứ hải quân U-Tapao. Đây cũng là một căn cứ hải quân quan trọng ngoài Cam Ranh của VN ra. Sự thỏa thuận giữa Washington-Bangkok để đạt được mục đích sử dụng căn cứ U-Tapao là điều hầu như chắc chắn. Ngay sau đó Thủ Tướng Yingluck Shiwanatra đã họp với các cố vấn quân sự, tư lệnh quân đội của nước này ở Pattaya để thống nhất quan điểm. 

Điểm cuối của gọng kềm an ninh Châu Á TBD là VN. Không phải ngẫu nhiên mà Bộ trưởng QP Hoa Kỳ Leon Panetta sau khi tham dự cuộc đối thoai Shangri-La ở Singapore rồi đến VN mà điểm đến đầu tiên ở VN không phải là Hà Nội mà ông đáp thẳng xuống Cam Ranh. Nơi đây với tầm nhìn của một vị từng là Giám đốc CIA đã ghi lại, phân tích và nhận định từng chi tiết của một nơi trọng yếu mà Mỹ đã từng sử dụng. Ngoài ra các đại cường trên thế giới cũng vô cùng quan tâm như Nga, Tàu... Trong chuyến công du này ông Panetta cũng có nêu ý muốn được sử dụng trở lại hải cảng Cam Ranh sau gần 40 năm rời bỏ. 

Một bước đi tỉnh táo của CSVN

Trước tình thế ấy, về phía VN thì có dấu hiệu rất e ngại. Ngại vì trên đầu có anh lớn Trung cộng luôn lăm le hướng về hải cảng này. Thế nhưng trong nhiều năm qua tập đoàn lãnh đạo Ba Đình cũng có một bước đi đúng trong vấn đề xử lý tình huống Cam Ranh. Từ năm 1979 sau khi Tàu cộng thực hiện cuộc chiến tranh biên giới Việt-Tàu, VN cho Liên Xô thuê Cam Ranh thời gian là 25 năm với một mục đích là cho Tàu cộng thấy sự hiện diện của Liên Xô tại đây ngõ hầu ngăn ngừa một cuộc xâm lăng có thể tiếp diễn. Nơi đây Liên Xô đã biến Cam Ranh thành một căn cứ hải quân lớn nằm ngoài đất nước của họ. Nhưng đến năm 1991 CSLX sụp đổ. CSVN bắt đầu ngã về Bắc Kinh. Đến năm 2002 Nga rút khỏi nơi đây và Cam Ranh bỏ trống. Từ đó tập đoàn Bắc Kinh ve vãn Hà Nội để được dùng căn cứ hải cảng này. Tất nhiên CS Ba Đình là đám bồi thần của CS Tàu. Nhưng cái bụng tham lam và đầy súng ống của đàn anh thì CS Hà Nội thấy rõ hơn ai hết. Từ chối thì không thể mà giao Cam Ranh cho Tàu là viễn cảnh trắng tay sẽ gần kề, trong lúc chưa kịp chuẩn bị đầy đủ hành trang cho hậu sự, cho cõi đi về... Từ sự lo âu đó và cộng thêm cũng có một phần tỉnh táo, Hà Nội đã cho chuyển phi trường dân sự Nha Trang dùng cho các chuyến bay nội địa vào Cam Ranh. Từ đó từng bước dân sự hóa hải cảng Cam Ranh và sau cùng là quốc tế hóa để né tránh áp lực từ Bắc Kinh luôn ve vãn lăm le để được quyền sử dụng nơi đây.

Ngăn chặn giấc mơ đại cường

Với tầm quan trọng của hải cảng chiến lược quan trọng ở tầm cỡ quốc tế việc chiếm lĩnh Cam Ranh là có thể làm chủ biển Đông nơi đó bao gồm cả một hải trình huyết mạch nối liền Ấn Độ dương với bắc Thái Bình Dương. 

Nói như vậy chiếc chìa khóa Cam Ranh cho vùng Đông hải Mỹ sẽ không để ra ngoài tầm ngắm. Đó là vấn đề mà Nhà Trắng đã đưa ra cho các chuyến công du của Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ trong thời gian đó. Do vậy gần đây Mỹ đã đưa ra yêu cầu VN không cho Đàn chim sắt TU-95 máy bay chiến đấu tầm xa có thể mang bom hạt nhân của anh PU xứ Bạch Dương vào Cam Ranh để tiếp thêm nhiên liệu với mưu đồ đảo lượn khắp Biển Đông là điều dễ hiểu.

Năm 1979 trước sự xâm lăng của Tàu cộng, VN giao Cam Ranh cho Liên Xô để ngăn chặn sự xâm lăng tiếp diễn. Bây giờ trước sự bành trướng bá quyền của tập đoàn CS Bắc Kinh với đường quét của lưỡi bò, chìa khóa Cam Ranh CSVN có giao cho Mỹ??? 

Nếu năm 2002 VN giao Cam Ranh cho Tàu cộng thì CSVN không còn lối đi về... là điều chắc chắn vì bài học biên giới Việt-Tàu 1979 và tham vọng đáp ứng cho nạn nhân mãn của Tàu cộng cùng con đường tơ lụa trên biển của Tập Cận Bình. 

Bây giờ cộng sản Tàu ôm mộng xâm lăng bành trướng bá quyền, mang ý đồ toàn chiếm biển đông, xóa sổ VN thêm sao trên nền cờ Đại Hán theo mật chỉ Thành Đô. Để ngăn ngừa ý đồ đó và đẩy lui nạn bá quyền hòng từng bước tung hoành khu vực Thái Bình Dương để trở thành siêu cường, khống chế thế giới của Bắc Kinh, chính quyền và quốc hội Mỹ không thể bỏ ngỏ để cho Tàu cộng múa gậy vườn hoang. Điểm này TNS John McCain cũng đã phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ. Mỹ đã và đang ủng hộ giúp sức cho các nước trong khu vực Đông hải và Asean đang bị bành trướng Bắc Kinh đe dọa. Cụ thể là ở Philippines với hiệp ước năm 1951, và hơn nữa Quốc hội Hoa Kỳ cũng đã phê chuẩn tăng gấp ba lần khoản viện trợ quân sự cho Phi so với năm trước. Với thế trận gọng kềm hình cung mà Mỹ đã triển khai thì chiếc chìa khóa Cam Ranh trao tay cho Mỹ là điều đúng đắn. Bởi một khi có Cam Ranh trong tay, Mỹ sẽ dễ dàng khống chế bá quyền Bắc Kinh đang đe dọa biển Đông. Khi đó họa mất nước hoặc tiêu hao bờ cõi của các quốc gia ở trong khu vực về tay Bắc Kinh trong đó có VN sẽ được hóa giải. Cũng như sau năm 1979 Nga đã ngồi ở Cam Ranh thì Bắc Kinh phải thối lui bước xâm lăng. 

Một vấn đề quan trọng nữa là với thế trận gọng kềm hình cung Mỹ giăng ra là để bảo vệ an ninh cho cả vùng TBD và thế giới chứ không riêng một nước nào. Do đó ta không nên lấy sự sợ hãi khi giao chìa khóa biển Đông cho Mỹ như suy nghĩ đắn đo và từ chối khéo để khỏi giao cho Tàu trước kia.

Khác xa Đại Hán

Thực tế chứng minh trong hơn ½ thế kỷ qua Mỹ không có bản chất bành trướng, xâm lược như Bắc Kinh. Cụ thể như ta thấy trong chiến tranh Triều Tiên, Mỹ cũng đổ xương máu, tài sản vào. Đến bây giờ quân đội Mỹ vẫn còn hiện hữu nhưng chính phủ Hàn Quốc vẫn luôn là một chính thể độc lập, tự do, đất nước mỗi ngày một tiến bộ văn minh và đã trở thành con rồng châu Á. Một Philippines hàng mấy thập kỷ Mỹ đặt các căn cứ quân sự như căn cứ Subic, Clark nhưng khi thấy tình hình không còn nhu cầu cần thiết cho an ninh thì tự tháo dỡ rút lui. Binh sĩ Mỹ hiện diện lâu dài đến ngày hôm nay nhưng trong tinh thần yểm trợ Phi về mọi mặt. Trong những giây phút bị đe dọa sự toàn vẹn hải đảo, bờ cõi thì Phi luôn có Mỹ chống lưng. Phi là một nước trong khối Asean độc lập tự do dưới chính thể Tổng Thống chế. Thái Lan cũng như Philippines và Hàn Quốc. Mỹ luôn hiện diện trong bất cứ thời khắc nào khi đất nước sở tại thấy cần giúp đỡ. Bây giờ vì tình hình đặc thù của khu vực và châu Á Mỹ cần tái hiện diện ở căn cứ hải cảng U-Tapao thì chắc chắn một điều rằng không có một vấn đề gì trở ngại xảy ra. Một nước lớn của châu Á và thế giới như Nhật Bản cũng luôn đặt Mỹ trong vị thế đồng minh và Mỹ luôn hỗ trợ Nhật để giữ gìn an ninh cho chính mình và khu vực. 

Xuyên suốt những sự kiện và tình hình từng nước ở Châu Á TBD như đã kể trên thì có thể xem Mỹ như là một cây đại thụ tỏa bóng râm che mát cả vùng trời rộng lớn này để chống lại cơn nhiệt bành trướng của Tàu cộng. 

Đậm nét Nhân Văn

Một khía cạnh nữa cũng cần nói nơi đây là vấn đề dân chủ nhân quyền cho VN điều mà toàn dân hơn 80 triệu người VN đều mơ ước - trừ hơn 3,5 triệu đảng viên CSVN ra. Thế nhưng dưới sự cai trị độc tài, sắc máu của CSVN, con đường đưa đến dân chủ tự do, nhân dân no ấm là điều không dễ dàng, đầy chông gai, máu và nước mắt sẽ đổ ra. Tất cả những người dân VN yêu nước, các tổ chức chính trị, các đoàn thể nam nữ thanh niên sinh viên học sinh, các tổ chức dân sự, hội đoàn, tôn giáo yêu chuộng hòa bình và tràn đầy nhân ái chắc chắn đều quan tâm và suy nghĩ cho con đường cách mạng VN. Tất cả những thành phần kể trên trong thời gian qua cũng đã ít nhiều đổ ra xương máu. Nhưng lối mở ra để cho con đường cách mạng VN tiến tới thật sáng sủa rõ ràng thì chưa xuất hiện. Tôi mong rằng với luồng gió đông đang từ bên kia bờ TBD thổi đến, tạo ra thế gọng kềm ngăn chặn bành trướng Bắc Kinh, cũng là lúc luồng gió ấy bắc nhịp cầu nhân quyền, dân chủ cho toàn dân VN bước qua mà không phải lâm vào cảnh tương tàn, khói lửa như đất nước Miến Điện đã và đang từng ngày thay da đổi thịt. Nhân dân Miến Điện đang từng bước hít thở được không khí dân chủ tự do. Nếu được vậy thì lúc bấy giờ trên đất nước ta CS sẽ tự cuốn cờ mà tìm về với "Mác". (còn tiếp) bài 2 với sự diễn biến của tình hình thực tại có liên quan với chuyến Mỹ du của TBT đảng CSVN Nguyễn phú Trọng.

Còn tiếp...

30.06.2015




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo