Đại hội đảng XII chưa mở đã nghẽn - Dân Làm Báo

Đại hội đảng XII chưa mở đã nghẽn

Phạm Trần (Danlambao) - Chỉ còn tháng rưỡi nữa, từ ngày 5/10/2015, mọi người sẽ được đọc Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Tuy nhiên, căn cứ vào tuyên bố lạc hậu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nội dung sẽ đem ra thảo luận trong chừng 7 ngày Đại hội thì Việt Nam sẽ tụt hậu sâu thêm trong năm năm tới.

Bằng chứng đã diễn ra tại Đại hội X của Hội Nhà báo ngày 9/8 (2015) tại Hà Nội. Trước tiên ông Trọng ngợi khen đội ngũ cán bộ làm báo “Đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...”, đồng thời cũng “Kịp thời phê phán, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, những thói hư tật xấu trong xã hội; phê phán, bác bỏ những thông tin, quan điểm sai trái, âm mưu "diễn biến hoà bình" của các thế lực phản động, thù địch, góp phần vào việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới.”

Tuy nhiên ông Trọng đã không nói hết sự thật hay chưa biết hết sự thật. 

Một bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Vietnam) cho biết: “Tại Đại hội toàn quốc lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam đang diễn ra tại Hà Nội (từ 7-9/8), rất nhiều đại biểu trăn trở trước tình trạng ngày càng có nhiều nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, xa rời tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam.

Bên cạnh sự phát triển lớn mạnh của báo chí về cả số lượng và chất lượng, những đóng góp quan trọng của đội ngũ nhà báo, thì vẫn tồn tại thực tế là một bộ phận người làm báo còn yếu kém về nhận thức, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp.”

Dù chỉ là số ít, nhưng khi nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp sẽ để lại hậu quả rất lớn, ảnh hưởng đến công chúng và bôi nhọ danh dự, uy tín của đội ngũ người làm báo chân chính.”

Nhưng “người làm báo chân chính” Cộng sản nên được định nghĩa như thế nào cho chính xác? Có phải là người biết nghiêm chỉnh thi hành lệnh tuyên truyền là chính của Ban Tuyên giáo Trung ương, dù biết là phải nói sai sự thật để lừa người đọc, người nghe và người xem?

Báo chí Việt Nam đã nhiều lần bị lãnh đạo Tuyên giáo phê bình thông tin qúa liều lượng, không đúng lúc hay vội vã thiếu trung thực. Nhưng khi đụng đến những loại tin được gọi là “nhạy cảm” chạm đến các viên chức đảng, nhà nước, nhất là dính tới láng giềng Tàu cộng ở biên giới hay Biển Đông thì lập tức phải bị “sàng lọc” để tránh gây phức tạp quan hệ ngọai giao hai nước Việt-Tàu!

VOV viết tiếp: “Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Cần Thơ Giang Minh Chánh phân tích, báo chí có nhiều đặc tính như chính xác, kịp thời, thẩm mỹ, định hướng dư luận... Nhưng có 2 đặc tính cần quan tâm số một là tính chính xác và kịp thời. Nếu trong 2 đặc tính này chỉ được chọn một thì phải chọn tính chính xác.”

Nhưng mặt trái của “chính xác” mà phải có lệnh hay phải được lãnh đạo gật đầu, xác minh trước khi lên khuôn thì người làm báo lại biến thành kẻ “nô lệ”. Bởi vì chính xác, cung cấp thông tin kịp thời cho nhà báo còn là bổn phận và trách nhiệm của chính quyền.

Đằng này ở Việt Nam chuyện gì cán bộ cũng phải có phép của thủ trưởng cơ quan, thủ trưởng xin phép lãnh đạo, lãnh đạo hỏi Ban Tuyên giáo cấp cơ sở, cấp này hỏi cấp Tuyên giáo cao hơn xem có vướng mắc gì rồi mới được đưa tin ra ngòai thì còn đâu là “quyền được tiếp cận thông tin” của dân? Tin nhanh hóa ra tin chậm, tin nóng thành tin nguội tanh nguội ngắt thì báo với chí cái gì nữa?

Chuyện gì cũng mật-tối mật

Tệ nạn “cha chung không ai khóc” này đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tiếp cận thông tin trong phiên họp sáng ngày 12/08/015. 

Theo báo chí Việt Nam thì hầu hết “các ý kiến cho rằng việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin là điều kiện cần thiết để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội; góp phần nâng cao tính minh bạch của chính sách, nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước.” (báo Điện tử đảng CSVN)

Nhiều đại biểu Quốc hội, tiêu biểu như Phó Chủ tịch Quốc hội Hùynh Ngọc Sơn than phiền: “Tình trạng hội chứng “mật”, khi tài liệu mật, tối mật, tuyệt mật được áp dụng tràn lan, "thậm chí thư mời đi họp cũng ghi là mật... Không ít việc khó hiểu như chuyện sức khoẻ ông Nguyễn Bá Thanh cũng bị coi là mật.”

Bài viết của báo đảng cũng cho biết: “Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh: “Dứt khoát phải rà soát để đưa ra danh mục những loại thông tin không cung cấp được, nhằm bớt đi sự mơ hồ của người dân, đồng thời tăng cường tính trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức với người dân”.

Và: “Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, đối với việc tiếp cận thông tin thuộc bí mật nhà nước, cần có giới hạn nhất định, nhằm bảo đảm lợi ích của quốc gia, của doanh nghiệp và của công dân. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay do quy định của pháp luật về bí mật nhà nước còn quá chung, chưa cụ thể và việc tổ chức thực hiện pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước chưa tốt nên có tình trạng xác định độ mật chưa thống nhất. Điều này đã làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân.”

Từ chuyện “mật” đến “tối mật” rồi “biến mất luôn” thì chuyện thông tin “chính xác” của làng báo CSVN nên được thẩm dịnh bằng cách nào hỡi các “quan Tuyên giáo” chuyên nghề lý thuyết suông? 

Vì vậy mà Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Cần Thơ, ông Giang Minh Chánh mới tát nước theo mưa để phán rằng: “Người làm báo không giữ được đạo đức nghề nghiệp thì rất dễ không coi trọng tính chính xác, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, thậm chí vi phạm luật pháp, làm báo kiểu chộp giật, lợi dụng để kiếm sống.

“Mỗi nhà báo phải ý thức đầy đủ nghĩa vụ công dân của người làm báo, có bản lĩnh chính trị, phải rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp; đặc biệt là phải dựa trên đúng tôn chỉ, mục đích, công tâm, khách quan trên tất cả các vấn đề, không vì đồng tiền mà bán rẻ danh dự của mình, của tờ báo mình, thậm chí sai với quan điểm của Đảng và báo chí cách mạng Việt Nam”.

Nhưng nhóm chữ “báo chí cách mạng” cũng mơ hồ, lý thuyết viển vông như mỗi lần Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin và Truyền thông lên giọng dạy đời bảo người làm báo phải “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Hãy nghe nhà báo Trần Thị Thu Hằng, Phó Tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ đô nói: “Thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã quan tâm nhưng chưa thực sự đi sâu, đi sát, làm tốt việc giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, nhất là với các nhà báo trẻ, cũng như chưa quyết liệt xử lý đối với nhà báo vi phạm.

Chẳng hạn, nhiệm kỳ qua, Hội đã phát động phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tuy nhiên việc thực hiện chưa sâu sắc, nhất là chưa có biện pháp kiểm tra, giám sát, triển khai sâu rộng, đồng bộ đến từng chi hội, cơ sở hội nên hiệu quả chưa cao.”

Tại sao chưa cao, bởi vì chuyện học tập này đã bắt đầu trên phạm vi rộng toàn đảng từ Chỉ thị 06-CT/TW, ngày 07-11-2006 của đảng khóa X thời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh về “Tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Sau đó được đảng khoá XI, dưới trướng Nguyễn Phú Trọng, lập lại trong Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14/05/2011. Nhưng nay đã 9 năm dài trôi qua mà cán bộ đảng viên có coi lời dạy “cần, kiệm,liêm, chính, chí công vô tư” hay “cán bộ, đảng viên là đầy tớ của nhân dân” của ông Hồ ra gì đâu?

Bây giờ tham nhũng đã ngồi lên đầu đảng và lợi ích nhóm còn cấu kết làm ăn, chia phần với nhau mạnh hơn trằm lần mà Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đấu có làm được gì sau gần 10 năm hoạt động?

Nguyên do vì lãnh đạo đảng nói giỏi hơn làm, hay nói mà không bao giờ làm nên tham nhũng mới sinh sôi nẩy nở như ruơi khắp làng khắp xóm.

Nhiều Đại biểu Quốc hội và đảng viên lão thành thắc mắc tại sao có nhiều cán bộ đảng viên lấy tiền đâu ra mà mua nhiều nhà đất đến thế?

Chuyện này lại dính đến “chuyện dài muốn thuở” kê khai tài sản của các cấp lãnh đạo chưa bao giờ được công khai cho dân biết.

Tướng Thước lên tiếng

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X nói với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) ngày 09-08-015: “Việc triển khai trên thực tế hiện nay được cho là nặng tính hình thức, “kê khai tài sản xong rồi bỏ vào trong tủ kính để “tự xem xét” với nhau thì hoàn toàn không có hiệu quả”.

Theo VOV: “Báo cáo mới đây của Viện Khoa học thanh tra - Thanh tra Chính phủ, tính đến 31/5/2015 có gần 1 triệu người kê khai tài sản (đạt 99,6%), tuy nhiên, trong tổng số 1.225 người thuộc diện phải xác minh chỉ phát hiện, kết luận 4 người kê khai không trung thực.”

Ông Thước phê bình: “Nếu đúng như vậy, thì Việt Nam sẽ được đứng đầu sổ về vấn đề minh bạch tài sản?
Đọc con số này, tôi cảm thấy rất buồn! Trong gần 1 triệu người kê khai tài sản mà chỉ có 4 người không trung thực thì tôi cho rằng thanh tra này là thanh tra trên giấy, chỉ nhìn trên hình thức giấy tờ, còn bản chất sự việc chưa làm được đến tận cùng.

Trong khi đó, nói tham nhũng là phổ biến mà không phát hiện ra là vì sao? Vì việc kê khai tài sản không giám sát được. Nếu kê khai tài sản đúng rồi thì lần lượt năm nào cũng làm thì phát hiện được ngay. 4 người không trung thực trong số hơn 1000 người thuộc diện phải xác minh là không đúng. Tôi tin rằng con số thực tế còn cao hơn rất nhiều.”

Tướng Thước nói thêm: “Vừa qua, Bộ Công an đã bắt giữ Giang Kim Đạt-nguyên Trưởng phòng kinh doanh của Công ty TNHH MTV vận tải viễn dương Vinashin, thuộc tập đoàn Vinashin. Cơ quan điều tra phát hiện Giang Kim Đạt chiếm đoạt gần 19 triệu USD và chuyển rất nhiều tiền tham ô, tham nhũng ra nước ngoài. Dư luận đặt câu hỏi là tại sao một chức danh như Giang Kim Đạt mà lại chiếm đoạt được số tiền lớn như vậy?

Tôi không tin rằng, trong vụ này chỉ một mình Giang Kim Đạt chỉ với chức danh trưởng phòng trong bộ máy hệ thống mà làm được như vậy mà đằng sau phải có một nhóm nào đó. Mà nhóm đó, theo tôi không chỉ những người dưới anh Đạt mà cấp trên, có người, có bộ phận dính dáng đến vấn đề này.”

“Như tôi đã nói, nếu chủ quan tự giám sát để bảo vệ “uy tín”, “danh dự” của mình là nguyên nhân dẫn đến thì những vụ tham nhũng thì chắc chắn không chỉ một mình cá nhân đó gây nên. Nếu muốn đi đến tận cùng vụ việc thì phải làm rõ phía sau Giang Kim Đạt là những ai thì mới có giải pháp triệt để. Vì vậy kiểm kê tài sản phải được công khai.”

Chuyện dài tham nhũng và kê khai tài sản hình thức này đã kéo dài hàng chục năm chẳng lẽ không phải là chuyện thông tin và điều tra cho ra trắng đen của “báo chí cách mạng” hay sao?

Tại sao không thấy các Lãnh đạo Tuyên giáo và ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Thông tin và Truyền Thông nói năng gì?

Có phải chuyện không dám đụng đến “vấn đề nhạy cảm” này đã phản ảnh tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” đang diễn ra trong hàng ngũ 22,000 Hội viên của Hội Nhà báo Việt Nam?

Có nhiều người trong số này đã tự ý xé rào vượt ra khỏi kiểm soát của Ban Tuyên giáo, cơ quan kiểm soát báo chí và uốn nắn dư luận thuận chiều theo lệnh đảng.

Bằng chứng ghi trong nhìn nhận của ông Trọng: “Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, hoạt động báo chí cũng còn bộc lộ không ít hạn chế, khuyết điểm. Còn có những biểu hiện thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận, chưa thực hiện tốt tôn chỉ mục đích; còn để lọt thông tin không trung thực, thiếu chính xác, giật gân, câu khách, lộ bí mật; khai thác thông tin nước ngoài thiếu chọn lọc; chưa làm tốt công tác phát hiện, tuyên truyền các điển hình tiên tiến, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước. Một số cơ quan báo chí chậm đổi mới nội dung và hình thức; tuyên truyền thiếu hấp dẫn, chưa làm chủ được thông tin. Còn có cán bộ, phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật. Việc xử lý những sai phạm trong hoạt động báo chí còn có trường hợp chưa nghiêm; chưa có những chế tài thích đáng, đủ mạnh để răn đe, khắc phục. Hoạt động của Hội Nhà báo ở một số nơi vẫn còn hình thức, hiệu quả chưa cao.”

Những thiếu sót này của báo chí thấy dưới lăng kính của đảng không mới. Mấy năm gần đây người dân đã bỏ đọc báo đảng vì thông tin chậm, một chiều và thiếu trung thực. Thay vào đó, họ đã chuyển qua đọc tin của các mạng xã hội và tìm đến các nguồn tin từ bên ngoài Việt Nam.

Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin-truyền thông đã cố gắng nhưng thất bại không ngăn chặn được thông tin của các mạng báo xã hội trong và ngoài nước. Có hơn 30 triệu người Việt Nam sử dụng Internet và tương đương số này dùng Facebook để theo dõi tin tức và liên lạc với nhau hàng ngày ở Việt Nam.

Vì vậy, càng gần kề ngày Đại hội đảng XII, ông Tổng Bí thư Trọng càng rối lên khi ông nói với Hội các Nhà báo: “Trong những ngày này, toàn Đảng ta đang tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Để góp phần vào thành công của đại hội, các cơ quan báo chí cần nắm vững yêu cầu, tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đại hội, có kế hoạch tổ chức tuyên truyền sâu đậm sự kiện chính trị quan trọng này. 

Vừa tập trung, cổ vũ các phong trào thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, vừa tổ chức để các tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội. Đây là kênh thông tin quan trọng để phát huy trí tuệ, tinh thần dân chủ, tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng. Đây cũng là dịp để chúng ta khẳng định nhất quán quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng.”

Bên cạnh công tác nói hay, nói tốt cho đảng khóa XI dưới quyền chỉ huy của ông Trọng, làng báo còn được lệnh phải: “Kiên quyết đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, lợi dụng tự do, dân chủ, đòi "đa nguyên, đa đảng"; lợi dụng chống tham nhũng, tiêu cực, thổi phồng những yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên để quy kết, bôi xấu chế độ, kích động, làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước ta, gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ.”

Thế là hết chuyện của Đại hội đảng XII, dù ngày khai mạc còn xa đến đầu năm 2016. Ông Trọng đã chận đứng mọi cửa ngõ không cho ai có tư tưởng “đổi mới chính trị” được len chân vào Đại hội. 

Ông cũng đã sử dụng báo chí của đảng để tuyên truyền, hù họa mọi người bằng những con ma cà rồng “diễn biến hòa bình” và “các thế lực thù địch” cùng “những tin xấu” và “tin độc hại” xuất hiện trên báo chí của người Việt Nam ở nước ngòai, hay do các nhóm được Tuyên giáo gọi là “chính trị cơ hội” trong nước tung ra trước thềm Đại hội đảng XII.

Ông Trọng nói với Đại hội của Hội Nhà báo: “Báo chí phải là người đi tiên phong trên mặt trận tư tưởng, tỉnh táo, cảnh giác, lấy chính thực tiễn sinh động của đất nước đổi mới để tấn công, vạch trần những âm mưu thâm độc của các thế lực xấu, thù địch, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.”

Đề phòng đủ thứ

Vì vậy, trong tài liệu gọi là “Hướng dẫn nhân dân thảo luận, góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng”, ban Tuyên giáo đã nói với các cấp Lãnh đạo đảng rằng: “Việc tổ chức thảo luận, lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng phải được tiến hành một cách chặt chẽ, khoa học, vừa phát huy được trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, vừa phòng ngừa các thế lực xấu lợi dụng để xuyên tạc, chống phá đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội XII của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.”

Đối với Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII của Đảng, Ban Tuyên giáo “đề nghị tập trung thảo luận, góp ý kiến về những nội dung chính sau:

- Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011- 2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới (1986-2016). 

- Về mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước trong 5 năm tới (2016 - 2020).

- Về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

- Về hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

- Về phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.

- Về phát triển văn hóa, xây dựng con người.

- Về quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

- Về tăng cường quản lý tài nguyên; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

- Về nâng cao hiệu quả đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

- Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

- Về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

- Về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

- Về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

- Về sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị.

-- phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức chỉ đạo việc ngăn chặn các trang mạng xã hội, các blog cá nhân có nội dung xuyên tạc các dự thảo văn kiện, chống phá đại hội đảng các cấp và Đại hội XII của Đảng.

-- Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài hướng dẫn các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tuyên truyền việc góp ý kiến của người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài vào dự thảo văn kiện Đại hội XII. 

-- Trong thời gian lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, lãnh đạo các cơ quan báo chí cần nêu cao vai trò, trách nhiệm trong việc kiểm duyệt, đăng, phát tin bài, phóng sự để không xảy ra tình trạng thông tin sai lệch, gây bất lợi tới việc chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền và dư luận xã hội. 

Bản Hướng dẫn viết tiếp:

Đối với Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, đề nghị tập trung thảo luận, góp ý kiến về các nội dung chính sau:

- Bối cảnh quốc tế, tình hình đất nước trước và sau Đại hội XI, Báo cáo nêu đã sát và phù hợp với tình hình thực tiễn chưa?

- Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả đạt được và những hạn chế, yếu kém đã đầy đủ và phản ánh sát đúng với thực tế chưa? 

- Những nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, yếu kém trong dự thảo Báo cáo đã đầy đủ và xác đáng chưa?

- Dự báo bối cảnh khu vực, quốc tế, cơ hội, thách thức và tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong thời gian tới? 

- Để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, các quan điểm phát triển trong dự thảo Báo cáo đã thể hiện rõ và phù hợp chưa?

- Mục tiêu tổng quát trong dự thảo Báo cáo đã bảo đảm tính bao quát và khả thi chưa?

- Đề nghị cho ý kiến về các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội, môi trường trong dự thảo Báo cáo.

- Cho ý kiến về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội nêu trong dự thảo Báo cáo.

Công tác lấy ý kiến dân và các tổ chức chính gtrị của đảng dự trù hòan thành “trước ngày 01 tháng 12 năm 2015.”

Với chỉ thị này, Ban Tuyên giáo không những đã tìm mọi cách để sàng lọc các ý kiến trái chiều với chủ trương và đường lối của đảng, nhưng lại dựng lên những hình ảnh xấu xa của điều được gọi là “âm mưu “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị” để giữ cho bằng được “đống giẻ” Cộng sản rách nát đã bị vứt vào sọt rác từ năm 1991 ở nước Nga.

Như vậy thì ông Trọng có học được gì sau chuyến thăm Hoa kỳ lịch sử của mình từ ngày 06 đến 10/07/2015, hay ông sẽ mãi đi vào lịch sử đảng là người lạc hậu và chậm tiến cho đến cuối đời? 

(08/015)



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo