Xác nhận hay phủ nhận những điều mình viết và ta nên làm gì? - Dân Làm Báo

Xác nhận hay phủ nhận những điều mình viết và ta nên làm gì?

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Danlambao) - Trước hết phải thừa nhận rằng, ở xã hội Việt Nam ta đang sống, việc bày tỏ quan điểm và thái độ chính trị công khai vẫn còn là chuyện phải cân nhắc và dè dặt với rất nhiều người.

Chung quy cũng vì sợ hãi, từ những câu chuyện bị trả thù, bị đấu tố từ hàng chục năm trước do thế hệ cha ông truyền lại, cho đến việc phải chứng kiến sự lạm quyền, lộng hành của lực lượng công an khi sách nhiễu chỗ ở, công ăn việc làm của những người đi trước khiến nhiều người co mình lại, sống trong cái vỏ bọc an toàn và mặc kệ mọi thứ trôi qua. Nếu trong gia đình có một người phản kháng, theo tôi, áp lực đầu tiên không đến từ công an, mà đến từ chính người thân (bố mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, bà con họ hàng xa gần).

Tận dụng triệt để sự sợ hãi trong lòng mỗi người, lực lượng công an bắt đầu bắn tin nhắc nhở, hù dọa xa gần trước để tạo thành áp lực khiến người phản kháng mệt mỏi.

Vì vậy, việc đầu tiên nên làm là hãy tìm cách để những người thân xung quanh ý thức và hiểu được rằng việc ta là bình thường, đúng đắn, việc công an hù doạ bắn tin là hành vi sai trái, bẩn thỉu. Được người thân hiểu và chia sẻ, bạn sẽ có thêm rất nhiều năng lượng tích cực. Tin tôi đi! Hãy giải quyết bài toán từ chính bản thân ta trước, mọi thứ sẽ rất nhẹ nhàng!

Xác nhận hay phủ nhận những điều bạn viết?

Câu trả lời tuỳ thuộc vào lựa chọn của mỗi người. 

Kinh nghiệm cá nhân của tôi từ đầu là tôi xác nhận công khai tất cả những việc tôi làm, những gì tôi viết, vì với tôi: đó chính là thái độ, là quan điểm và là lý tưởng của mình. Đúng hay sai, nó không do công an quyết định, trong một hai hay nhiều buổi làm việc. Hãy nhớ: ĐÓ LÀ QUYỀN TỰ DO BÀY TỎ CỦA BẠN.

Chuyện xác nhận hay từ chối là một câu chuyện mà chỉ có người trải qua mới thấy rõ được, đôi khi đọc hay xem những gì người khác viết thì không thể thấy hết được bức tranh toàn cảnh, không thể biết hết được câu chuyện diễn ra bên trong và đằng sau thế nào. Chỉ có thực tế sinh động mới là trải nghiệm quý giá nhất của mỗi người.

Tôi sẽ kể lại đây câu chuyện của bạn tôi để mọi người suy nghĩ.

Bạn tôi, bạn Võ Trường Thiện, bị an ninh Khánh Hoà mời năm 2013 vì bạn là người ký tên vào Thư Yêu Cầu Bộ Trưởng Bộ Y Tế từ chức.

Bạn ấy quyết định đi làm việc với an ninh và im lặng không công bố. 

Trong buổi làm việc ấy, an ninh cũng sử dụng đủ thủ thuật để ép Thiện phải thừa nhận mình là người lập Fan Page và đứng đầu chiến dịch tẩy chay Bộ trưởng Bộ Y tế, bên cạnh đó, an ninh cũng in ra một vài bài viết từ Facebook Thiện yêu cầu xác nhận, và điều tra về việc Thiện tham gia thắp nến mừng sinh nhật blogger Điếu Cày cùng các anh em tại quảng trường 2/4, đường Trần Phú, thành phố Nha Trang. 

Thiện xác nhận với an ninh tài khoản Facebook là của mình, xác nhận bài viết nhận định về Quyền Con Người và có tham gia thắp nến.

Sau đó là đủ thứ áp lực từ phía gia đình, người thân (chủ yếu là do lo sợ mất ghế, ảnh hưởng tới các mối quan hệ ăn nên làm ra) bắt đầu dồn dần lên, Thiện quyết định đóng Facebook, đọc sách, thỉnh thoảng tham gia sinh hoạt với chúng tôi bên ngoài. 

Có lẽ với lực lượng an ninh Khánh Hoà, đây là một chiến công, bởi họ đạt được điều họ muốn. 

Tháng 12/2014, sau lần tôi cầm bảng Ủng hộ Nhân quyền để chụp hình tại chợ ga Vĩnh Thạnh và cả nhóm (trong đó có Thiện) bị mời về công an xã, rồi đưa về công an Thành phố Nha Trang làm việc hết một ngày. Thiện quyết định mở lại Facebook, công khai ủng hộ tôi với lý do đơn giản: Không thể chịu đựng sự ngang ngược phi lý mà bạn ấy chứng kiến tận mắt nữa.

Trước đây, tôi nghĩ rất đơn giản, mình làm mình nhận, sao phải chối khi công an hỏi. Và nếu phải chối thì tôi thấy nó hèn hèn thế nào ấy nên tôi sẵn sàng bỏ thời gian ra tranh luận với họ trong mỗi lần làm việc.

Sau này tôi mới nhận ra, thật ra không cần phải mất thời gian để bảo vệ mình trước những lập luận đóng khung sẵn của an ninh. Tôi hoàn toàn có quyền chọn sự im lặng để thể hiện sự bất tuân của mình.

Thật ra thì chính tôi cũng đã chọn cách đóng blog để yên ổn và sắp xếp lại gia đình, nhưng rồi lương tâm lại tiếp tục lên tiếng, và cách duy nhất có thể giúp tôi tự tin đi qua sợ hãi đó là học hỏi và tìm hiểu luật pháp, đồng thời sử dụng kiến thức của mình để điềm tĩnh và công khai viết lại các chiêu trò của công an. 

Tôi luôn nghĩ rằng, khi tôi xác nhận điều mình viết nó là bước khẳng định cho nhiều người thấy: Tôi hoàn toàn có trách nhiệm với lời nói, câu chữ của mình.

Và việc trấn áp bằng vũ lực, hay đe doạ để buộc tôi thay đổi quan điểm hay sợ hãi khi lên tiếng là hành vi xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ của người khác.

Có hai thứ mà tôi nghĩ an ninh không bao giờ nắm bắt được, đó là SỰ THẬT và SỰ VĂN MINH TRONG ỨNG XỬ.

Và để có hai thứ đó, bạn cần học cách rèn luyện bản lĩnh, giữ bình tĩnh trong mọi tình huống. Càng giữ được bình tĩnh, thì bạn sẽ thấy kẻ khiến bạn sợ hãi hoàn toàn bất lực. Bạn có thể rèn luyện sự bình tĩnh bằng cách đọc sách, học luật, ngồi thiền, nâng cao sức khoẻ, sức bền....

Thật ra tôi muốn chia sẻ với các bạn rằng, việc xác nhận hay phủ nhận điều bạn viết nó không quan trọng bằng việc bạn can đảm sắp xếp lại cuộc sống để xác tín quan điểm và bày tỏ nó công khai với những người đang muốn trấn áp, nhấn chìm bạn trong nỗi sợ hãi.

Đó mới là điều quan trọng!

20/9/2015



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo