Tùy Nghi Tiến (Danlambao) dịch - Sau khi phát triển nhanh chóng trong gần suốt 40 năm, Trung Quốc hiện ở một điểm ngoặt của sự tăng trưởng kinh tế lẫn phát triển xã hội. Trong loạt bài tới đây, Tiến sĩ Xue Li sẽ xem xét năm thách đố then chốt và cũng là năm cạm bẫy tiềm tàng mà Trung Quốc phải đương đầu ngày hôm nay.
Ô nhiễm môi trường sinh thái là thách đố lớn nhất mà Trung Quốc phải đương đầu trong giai đoạn phát triển kế tới. Dần dần, ai cũng nhận ra thách đố ấy, mặc dù một số chính quyền địa phương vẫn cương quyết cho rằng phát triển kinh tế phải là mục tiêu tối ưu. Tuy nhiên, nhiều địa phương khác vốn đã hy sinh vài sự phát triển kinh tế cho lợi ích môi sinh.
Theo kinh nghiệm của các nước tiền tiến, khắc phục các rắc rối ô nhiễm và phục hồi môi sinh là khả dĩ nhưng rất đắt đỏ. Điều đó có nghĩa là các rắc rối môi sinh của Trung Quốc, tới một mức độ nào đó, chỉ có thể giải quyết được bằng một sự phát triển kinh tế khác.
Mặc dù Trung Quốc trải qua một giai đoạn phát triển kinh tế mau chóng lâu dài, nhưng tiến trình kỹ nghệ hóa (the process of industrialisation) vẫn chưa hoàn tất, trong khi sự thành thị hóa thậm chí còn phải tiến xa hơn. Thật vậy, tổng mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc cũng như là mức sử dụng năng lượng mỗi đầu người đều đang gia tăng. Vậy mà, nhà cầm quyền Trung cộng đã cam kết rằng thán khí carbon dioxide sẽ lên tới đỉnh điểm vào năm 2030 hoặc thậm chí sớm hơn. (LND: Nói một cách khác, mức thán khí sẽ được hạ giảm đáng kể sau năm 2030). Ngoài ra, Bắc Kinh còn có kế hoạch nâng mức sử dụng nhiêu liệu không có chứa chất hóa thạch lên tới 20 phần trăm của tổng năng lượng sử dụng, tỷ lệ sử dụng nhiên liệu không có chất hóa thạch trong năm 2013 là 9.6 phần trăm.
Cam kết nêu trên cho thấy nhà cầm quyền Trung cộng vốn đã nhận thức rõ rằng, mặc dù sự điều chỉnh các mức sử dụng năng lượng là khó khăn, nhưng phải được thực hiện. Tuy nhiên, bởi vì hiện chưa có đủ sự nhận thức về rắc rối này, và cũng bởi vì các ích lợi hành chánh chồng chéo nhau, Trung Quốc vẫn cần phải tiến hành các bước khác nhằm củng cố thực hiện các thay đổi với ma trận năng lượng. (LND: Chính quyền các tỉnh tại Hoa lục có một lợi ích kinh tế riêng tư trong sự duy trì các nhà máy điện hoạt động bằng than đá trong phạm vi của tỉnh mình mặc cho các lo ngại về ô nhiễm môi sinh. Các doanh nghiệp nhà nước do chính quyền tỉnh làm chủ có được một nguồn thu nhập bảo đảm. Ngoài ra, các quan chức chính quyền tỉnh còn có thể đánh thuế lên các nhà máy điện chạy bằng than đá, mà không thể đánh thuế lên các công trình năng lượng khả dĩ tái tạo (renewable sources of energy projects) khác. Thêm vào đó, việc xây dựng các nhà máy điện còn cải thiện mức tăng trưởng kinh tế, một biện pháp quan trọng để nhà cầm quyền trung ương đánh giá các quan chức chính quyền tỉnh).
Trước tiên, Trung Quốc phải kiên quyết hạ giảm tỷ lệ than đá trong tổng mức tiêu thụ năng lượng. Trung Quốc phải hạ giảm tỷ lệ than từ 67.5 phần trăm tổng mức năng lượng tiêu thụ trong năm 2013 xuống còn 40 phần trăm, càng nhanh càng tốt và thời hạn chót là năm 2030. Trung Quốc hiện vốn là quốc gia xả ra khí thải nhà kính (greenhouse gas) nhiều nhất trên thế giới, và chịu trách nhiệm cho việc sử dụng hơn phân nửa than đá toàn cầu. Than đá là nguồn năng lượng chứa nhiều khí độc carbon, các biện pháp hiện nay để làm sạch than chỉ có thể làm trệch hướng vấn nạn ô nhiễm. Trong khi đó, sự càng hóa khí độc carbon (carbon sequestration) thì có thể giúp giảm thiểu ô nhiễm nhưng bị ngăn cấm vì khá hao tốn.
Sở dĩ việc hạ giảm tỷ lệ than bị đá khó khăn là vì than rất rẻ. Nhưng cái giá này lại không tính tới tổn phí ô nhiễm môi sinh và tới sự thiệt hại sức khỏe con người. Trung Quốc cần phải nhận thức rõ ràng rằng, nếu họ muốn giảm thiểu một cách đáng kể sự ô nhiễm môi sinh bị gây ra bởi việc sử dụng năng lượng và đạt được một cách hợp lý mục tiêu phát triển bền vững, thì giảm bớt sử dụng than đá là lựa chọn tốt đẹp nhất.
Vậy Trung Quốc có thể dùng nguyên liệu gì để thay thế than đá? Tôi đã nghiên cứu đề tài này trước đây, và có một số các khả năng: khí đốt tự nhiên (natural gas) là hứa hẹn nhất, theo sau là năng lượng nguyên tử, năng lượng nước, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng hữu cơ (bio-energy).
Trong tất cả những nhiên liệu có chứa chất hóa thạch, khí đốt tự nhiên là lựa chọn tốt đẹp nhất, hiển nhiên là tốt hơn than đá và cũng được ưa chuộng hơn dầu hỏa. Tỷ lệ khí đốt tự nhiên trong sự tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc nên được tăng từ 5.1 phần trăm trong năm 2013 lên tới 30 phần trăm hoặc cao hơn, vượt trội hơn dầu hỏa (hiện chiếm 17.8 phần trăm của tiêu thụ năng lượng trong năm 2013). Trong khi đó năng lượng nguyên tử nên được tăng từ 0.9 phần trăm lên tới 10 phần trăm hoặc hơn trong tổng năng lượng tiêu thụ. Nhiều người phản đối việc sử dụng năng lượng nguyên tử, nhưng có một sự kiện không thể phủ nhận được là sau một cuộc nghiên cứu toàn diện về trình độ kỹ thuật cần thiết, các lo ngại về bảo vệ môi sinh, an toàn và các yếu tố kinh tế, thì năng lượng nguyên tử là lựa chọn tốt đẹp đứng hàng thứ nhì chỉ sau khí đốt tự nhiên.
Nước là nguồn năng lượng sạch nhưng hiện chiếm 7.2 phần trăm trong tổng năng lượng tiêu thụ của Trung Quốc nên không cần phải gia tăng mức sử dụng. Hiện nay, năng lượng gió, mặt trời, hữu cơ kết hợp lại chỉ chiếm 1.5 phần trăm tổng năng lượng tiêu thụ của Trung Quốc. Đối với một quốc gia sử dụng năng lượng cao như Trung Quốc, khó mà sử dụng ba loại này như ba nguồn năng lượng chính yếu, nhưng năng lượng hữu cơ có tiềm lực phát triển trường kỳ nhất.
* Cạm bẫy tiềm tàng thứ 2: Hạn chế trong các mô hình chính trị và kinh tế của Trung Quốc.
12/11/2015