Nguyễn Hồn Việt (Danlambao) - Chiến tranh - có lắm điều cần lý giải! Tiêu diệt kẻ thù, rồi trả thù tới tận gốc rễ thì nói đó là: Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc. Kẻ thù ra tay tàn độc với người của mình, rồi mình lại trọng dụng người đó - lúc này lại nói là: Đoàn kết, độ lượng... Nhưng cùng lúc đó những người của mình lại bị chết bí ẩn, rồi người bạn thân của mình bị chính mình giết, rồi tuyên truyền rằng người bạn của mình chính là “tên Việt Gian đại bợm”!
Vậy mình có là mình?
I. Nghịch lý 1 - Bùi Tín và Tô Ngọc Thạch ai đúng?
1. Vi Văn Định tàn sát Cộng sản của Nguyễn Ái Quốc
“Ngày 14/10/1930, Nguyễn Văn Ngọ cùng hai đồng chí của mình là Nguyễn Xuân Hàm và Phạm Hữu Thủy chỉ đạo và tổ chức việc treo biểu ngữ trước cửa Nhà hát lớn tại Thị xã Thái Bình, để phản đối thực dân Pháp đàn áp dã man cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải. Thực dân Pháp đã lần ra đầu mối và truy bắt cả ba người. Đồng chí Nguyễn Văn Ngọ bị Tổng đốc Vi Văn Định trực tiếp tra hỏi bằng mọi thủ đoạn cực hình dã man, làm cho chết đi, sống lại nhiều lần. Vi Văn Định thấy rằng đánh đến chết Nguyễn Văn Ngọ cũng không khai báo, không chịu đầu thú, đã cho người con gái xinh đẹp của Vi Văn Định tên là Hồng thường xuyên vào thăm hỏi ân cần dụ dỗ để Nguyễn Văn Ngọ phải tuân theo. Có lần chúng đánh đồng chí Ngọ ngất xỉu, cô Hồng đem lòng yêu mến mang mật gấu đưa cho anh Tu (Anh Tu là một trong số 13 lính canh gác của tổng đốc Vi Văn Định, chỉ có một mình anh Tu là người Kinh, còn lại đều là người dân tộc). Anh Tu đem mật gấu xuống bảo đồng chí Ngọ là cô Hồng cho thuốc đây uống đi, anh Ngọ gạt ra không thèm nhận, anh Tu đã đem mật gấu đi và bí mật xoa bóp cho đồng chí Ngọ chóng khỏi. Sau đó chúng kết án đồng chí Nguyễn Văn Ngọ 20 năm tù khổ sai, đầy đi Hải Phòng, Sơn La, Côn Đảo, trong các nhà tù đế quốc tiếp tục bị tra tấn dã man. Nhưng người cộng sản đầu tiên ấy của Vĩnh Bảo vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, vẫn một lòng tin vào thắng lợi của cách mạng.” (1)
2. Dưới thời Hồ Chí Minh - Vi Văn Định là một người yêu nước!
Theo bài báo “Một thời đa nguyên, sao lại phú quý giật lùi?” của nhà báo Bùi Tín đăng trên VOA, ngày 15.03.2016, ông Bùi Tín viết: “Tôi xin chứng minh rằng trải qua hơn 70 năm cầm quyền đảng CS đã liên tiếp lùi trên con đường dân chủ hóa đất nước; hậu quả là nước VN năm nay còn lạc hậu xa so với năm 1945 – 1946...” Và “Trong cuộc Cách mạng tháng Tám, khởi nghĩa và xây dựng chính quyền mới mang tính chất đa nguyên, đa đảng thật sự tuy chưa đầy đủ. Bên cạnh đảng CS còn có đảng Xã hội, đảng Dân chủ, dù chỉ là kiểu tổ chức ngoại vi của đảng CS nhưng nó vẫn mang sắc thái đa nguyên, có phản biện nghiêm chỉnh. Trong Quốc hội đầu tiên cuối năm 1946 đảng Dân chủ VN có 46 đại biểu; đảng Xã hội VN có 24 đại biểu...” Và “Cần chỉ rõ số 213 đại biểu Quốc hội ngoài đảng ấy đã đóng góp không nhỏ cho cuộc cách mạng mới ở thời trứng nước. Tiêu biểu là những nhân vật như Hoàng Xuân Hãn, Hoàng Minh Giám,... Vi Văn Định,... Lê Hữu Từ, các Bác sĩ Tôn Thất Tùng, Trần Duy Hưng, Trần Hữu Tước...”
3. Vi Văn Định - Kẻ gian ác hưởng phú quý!
“…Kháng chiến thành công, ông Vi Văn Định về sống Hà Nội. Ông làm Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho tới hết đời. Theo lời kể của con cháu, vì biệt thự 20 Trần Bình Trọng của ông đã hiến cho Chính phủ nên nhà nước cho ông thuê một ngôi nhà ở phố Nguyễn Gia Thiều. Một bận, đồng chí Hoàng Quốc Việt tới chơi, thấy ông phải trả tiền nhà nên đã nói với chính quyền địa phương không thu tiền nhà của ông nữa...
Năm 1975, ông Vi Văn Định qua đời, thọ 96 tuổi.” (2)
4. Cộng sản của Nguyễn Ái Quốc bị điều đi “chữa thương” rồi chết ngay tại Trung Quốc
“Chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp ở Thái Bình cho đến tháng 2/1951, đồng chí Nguyễn Văn Ngọ được Đảng điều động về công tác ở Khu ủy, giữ chức Giám đốc Sở Tư pháp Liên khu 3. Sau đó đồng chí được điều về Trung ương. Năm 1954, do các vết thương tái phát, được Trung ương cho đi chữa thương tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Song vì vết thương quá nặng, sức khỏe dần yếu, đồng chí Nguyễn Văn Ngọ đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 04/06/1954 tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Phần hài cốt đồng chí Ngọ gần tròn 40 năm được an táng tại nghĩa trang Bắc Kinh.” (1)
II. Vi Văn Định - Nguyễn Ái Quốc - Phạm Quỳnh? Và những điều nghịch lý đến tàn nhẫn
1. Phạm Quỳnh được Nguyễn Ái Quốc mời cơm ở Pháp
“Năm 1920, 40 tuổi, Vi Văn Định “làm” tuần phủ Cao Bằng. Trước đó ba năm, năm 1917, Phạm Quỳnh chớp lấy thời cơ Pháp muốn mở tạp chí Nam Phong, đã nhận lời làm chủ bút phần quốc ngữ của tạp chí ấy, cốt có phương tiện để truyền bá chữ quốc ngữ mới phôi thai, luyện dần thành quốc văn, làm vũ khí đấu tranh cho dân tộc, xây dựng nên nền quốc học vững chắc làm cơ sở cho độc lập về tinh thần, tiến đến độc lập về chính trị. 1922, Vi Văn Định là tuần phủ Phúc Yên. Cũng năm 1922 ấy, Phạm Quỳnh đi Pháp dự Hội chợ Đấu xảo Đông Dương tại Marseille, có tranh thủ lên Paris ba tháng. Tại đây, ít nhất ông gặp và trò chuyện với Nguyễn Ái Quốc ba lần. Một lần được Nguyễn Ái Quốc đích thân tổ chức “bữa cơm Bắc thết khách Bắc” ở nhà Phan Văn Trường, số 6 Rue Des Gobelins. Một lần tại khách sạn Monparnasse do Lê Thanh Cảnh và Trần Đức mời, cùng Phan Châu Trinh. Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Văn Vĩnh, Cao Văn Sến bàn việc nước, mỗi người trình bày chủ thuyết của mình...” (3)
2. Vi Văn Định ra sức tiêu diệt Cộng sản Nguyễn Ái Quốc
“Năm 1929, Vi Văn Định vinh thăng Tổng đốc Thái Bình.
Thời kỳ Vi Văn Định làm Tổng đốc Thái Bình, phong trào cách mạng ở tỉnh này bị khủng bố khốc liệt nhất. Trong nhiều bài báo, cuốn sách - Vi Văn Định được miêu tả là một viên quan khét tiếng gian ác, thẳng tay đàn áp, bắt bớ những người trong “hội kín”, quần chúng yêu nước chống đối chính quyền, điển hình là các vụ đàn áp tháng 2 năm 1930 tại huyện lỵ Phụ Dực; tháng 5 năm 1930 trong vụ nhân dân Duyên Hà – Tiên Hưng biểu tình; tháng 10 năm 1930, tại Tiền Hải. Vi Văn Định có một đội quân bảo vệ toàn là người dân tộc Tày, do một thầy Tàu (Trung Quốc) dạy võ, chỉ huy. Trên mui xe ô tô của Tổng đốc có lá cờ thêu “Thái Bình đốc bộ đường”.” (3)
3. Vi Văn Định được “Chủ tịch nước Hồ Chí Minh đã chỉ thị phải “bảo vệ” ông.”
“Sau năm 1945, Vi Văn Định bị nhiều tù chính trị cũ yêu cầu “xem xét” hành vi của ông. Bấy giờ ông có hai con rể là Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên và giáo sư Hồ Đắc Di, một cháu rể là bác sĩ Tôn Thất Tùng tham gia công việc trong chính phủ Cụ Hồ. Một số thông tin cho biết Chủ tịch nước Hồ Chí Minh đã chỉ thị phải “bảo vệ” ông. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc sắp nổ ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Con cháu cụ Vi đều đi với Cách mạng cả. Hãy mời cụ về Hà Nội.”...” (3)
4. Phạm Quỳnh - Bạn Nguyễn Ái Quốc bị giết rồi trở thành “tên Việt Gian đại bợm ”
“Báo Quyết Thắng, cơ quan tuyên truyền và tranh đấu của Việt Minh Trung bộ, số 11 ra ngày 9/12/1945, cho biết: “Cả ba tên Việt Gian đại bợm (Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Huân) bị bắt ngay trong giờ cướp chính quyền, 2 giờ (chiều) ngày 23/8 và đã bị Ủy ban Khởi nghĩa kết án tử hình và đã thi hành ngay trong thời kỳ thiết quân luật” (“VỀ NGÀY “ỦY BAN KHỞI NGHĨA THUẬN HÓA MỜI PHẠM QUỲNH RA LÀM VIỆC”
ĐỂ RỒI “ĐI KHÔNG BAO GIỜ TRỞ LẠI”
Đại tá, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan” ”
Lời Kết: Điều bí ẩn là gì? Vậy mình có là mình?
Có phải chỉ đơn giản là: Lịch sử đôi khi trớ trêu như vậy đó!
Viết từ Hà Nội, Việt Nam
________________________________________
Chú thích:
(1) Nguyễn Văn Ngọ - Một chiến sĩ lão thành cách mạng tiền bối. tongocthach.vn
(2) Nhân sĩ Vi Văn Định: Tiếng lành còn lại, daidoanket.vn)
(3) Lịch sử đôi khi trớ trêu như vậy đó. phamquynh.wordpress.com)