Bảy tiên đoán sai bét từ ngày đại cầu 1970 - Dân Làm Báo

Bảy tiên đoán sai bét từ ngày đại cầu 1970

Andrew Follett * Bình Yên Đông (Danlambao) lược dịch - Trong ngày Địa cầu (Earth Day) đầu tiên vào năm 1970, những nhà môi trường (environmentalists) rất tin tưởng và tiên đoán rằng hành tinh sẽ diệt vong nếu không có những hành động quyết liệt để cứu vãn. Nhân loại chưa bao giờ cứu xét tới hành động quyết liệt đó, nhưng những nhà môi trường vẫn còn nhắc nhở đến ngày Địa cầu đầu tiên một cách trìu mến và vẫn còn tin tưởng vào nhiều tiên đoán của nó.

Vì thế, trong ngày Địa cầu năm nay, Daily Caller News Foundation xem xét các tiên đoán, được những nhà môi trường đưa ra trong thời khoảng của ngày Địa cầu đầu tiên, để xem chúng đúng đến đâu.

Những tiên đoán thảm khốc đó có thành hiện thực hay không? Không! Nhưng điều đó không làm cho những nhà môi trường ngừng lo lắng. Và đây là 7 tiên đoán xanh (green predictions) trật lất, từ sự cáo chung của văn minh nhân loại cho đến sản lượng dầu đạt đỉnh.

1. “Nền văn minh nhân loại sẽ cáo chung trong 15 hay 30 năm.”

Tiến sĩ (TS) George Wald, một nhà sinh vật học của Đại học Harvard, ngay trước ngày Địa cầu 1970, cảnh báo rằng nền văn minh nhân loại sẽ sớm cáo chung “ngoại trừ phải hành động lập tức để đối phó với những vấn đề mà nhân loại đang đối mặt.” Ba năm trước đó, TS Wald được trao giải Nobel về Sinh lý học hay Y học.

TS Wald là một người lớn tiếng chống đối chiến tranh Việt Nam và việc chạy đua vũ khí nguyên tử. Có lúc, ông bay đến Moscow để cố vấn cho lãnh đạo Liên Sô về chánh sách môi trường.

Mặc dù có sự trợ giúp của ông cho một chánh phủ cộng sản, văn minh nhân loại vẫn hiện hữu. Con số người Mỹ quan tâm đến rủi ro môi trường tụt giảm vì nền văn minh nhân loại đã không cáo chung vì thảm họa môi trường.

2. “Trong vòng 10 năm tới, sẽ có từ 100 đến 200 triệu người chết đói mỗi năm.”

TS Paul Ehrlich, Giáo sư của Đại học Stanford, tuyên bố trong tháng 4/1970 rằng nạn chết đói tập thể sắp xảy ra. Nhưng những tiên đoán thảm khốc của ông đã không xảy ra vì số người nghèo khó đã tụt giảm đáng kể và số thực phẩm cho mỗi đầu người gia tăng đều đặn; mặc dù dân số toàn cầu gia tăng. GDP cho mỗi đầu người (gross domestic product per person) của thế giới cũng gia tăng. 

Ehrlich dường như là người đưa ra quan điểm nầy trong cuốn “Quả bom Dân số (The Population Bomb)” cùng ấn hành với Sierra Club trong năm 1968. Cuốn sách đưa ra nhiều lập luận, trong đó có việc hàng triệu người chết đói trong thập niên 1970 và 1980, nạn đói tập thể sẽ quét sạch nước Anh, và sự hủy diệt sinh thái sẽ tàn phá hành tinh khiến cho nền văn minh nhân loại sụp đổ.

3. “Dân số sẽ vượt xa sự gia tăng nhỏ nhoi của nguồn thực phẩm.”

Paul Ehrlich lập luận như thế trong năm 1970, không bao lâu trước khi có cuộc cách mạng nông nghiệp khiến cho nguồn thực phẩm của thế giới gia tăng nhanh chóng.

Ehrlich đã liên tục thất bại trong việc xét lại các tiên đoán của ông ta khi đối diện với sự kiện không xảy ra, tuyên bố trong năm 2009 rằng “cái thiếu sót quan trọng nhất của Quả bom có lẽ do quá lạc quan về tương lai.”

4. “Những nhà nhân khẩu học hầu như nhất trí… 30 năm sau, toàn thể thế giới… sẽ gặp nạn đói.”

Những nhà môi trường, trong năm 1970, hoàn toàn tin tưởng vào sự nhất trí khoa học (scientific consensus) tiên đoán một nạn đói toàn cầu do dân số gia tăng trong các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là Ấn Độ. Peter Gunter, một giáo sư của Đại học North Texas State, cho biết trong The Living Wilderness 1970 như sau: “Những nhà nhân khẩu học hầu như nhất trí về thời biểu ác nghiệt như sau: đến năm 1975 nạn đói bắt đầu lan tràn ở Ấn Độ; và đến năm 1990 nó sẽ bao trùm toàn thể Ấn Độ, Pakistan, Trung Hoa và Cận Đông, Phi Châu. Đến năm 2000, hay có thể sớm hơn, Nam và Trung Mỹ sẽ chịu nạn đói. Vào năm 2000, tức 30 năm sau, toàn thể thế giới - ngoại trừ Tây Âu, Bắc Mỹ và Úc Châu - sẽ gặp nạn đói.”

Ấn Độ, nơi mà nạn đói được cho là khởi đầu, mới đây đã trở thành một trong những nước xuất cảng nông sản lớn nhất thế giới và số thực phẩm cho mỗi đầu người của quốc gia nầy đã gia tăng mạnh mẽ trong những năm qua. Còn dân số trong các quốc gia được Gunter liệt kê đều gia tăng mạnh mẽ từ năm 1970. 

5. “Trong một thập niên nữa, dân đô thị phải mang mặt nạ để chống ô nhiễm không khí.”

Tạp chí Life, trong số tháng 1/1970, cho biết rằng khoa học gia đã có “bằng chứng lý thuyết và thực nghiệm vững chắc” để tin tưởng rằng “trong một thập niên, dân đô thị phải mang mặt nạ để chống ô nhiễm không khí… Vào năm 1985, ánh sáng mặt trời đến mặt đất sẽ giảm một nửa vì không khí ô nhiễm.”

Nhưng theo Cơ quan Y tế Thế giới (World Health Organization), phẩm chất của không khí trên toàn cầu được cải thiện. Ô nhiễm không khí cũng giảm rõ rệt ở các quốc gia kỹ nghệ. Carbon dioxide (CO2), chất khí mà những nhà môi trường đang quan tâm, thì không có mùi, vô hình và vô hại đối với con người ở mức độ thông thường.

6. “Có thai là một tội đối với xã hội, ngoại trừ có phép của chánh phủ.”

David Brower, giám đốc điều hành đầu tiên của Sierra Club, tuyên bố như trên và còn nói tiếp rằng “tất cả bậc cha mẹ phải dùng hóa chất ngừa thai, chánh phủ sẽ cấp thuốc giải độc cho người được chọn để mang thai.” Brower cũng ảnh hưởng trong việc thành lập Friends of the Earth (Bạn của Địa cầu) và League of Conservation Voters (Liên minh Cử tri Bảo tồn) và các phong trào môi trường cận đại.

Brower tin tưởng rằng hầu hết các vấn đề môi trường bắt nguồn từ kỹ thuật mới, cho phép nhân loại vượt quá những giới hạn tự nhiên của dân số. Trước khi chết vào năm 2000, ông đã nổi tiếng với tuyên bố “tất cả kỹ thuật phải được xem là có tội cho đến khi chứng minh mình vô tội” và không ngớt cổ võ cho việc cưỡng bách ngừa thai.

Ngày nay, chỉ có Trung Hoa là chánh phủ duy nhất tiến gần đến tầm nhìn của ông. Nhưng họ cũng đã chấm dứt chánh sách 1 con vào tháng 10 vừa qua.

7. “Vào năm 2000… Sẽ không còn dầu thô.”

Vào ngày Địa cầu 1970, nhà sinh thái học Kenneth Watt tiên đoán rằng thế giới sẽ cạn dầu khi nói rằng: “Bạn lái xe đến trạm xăng và nói, ‘Đổ đầy bình dùm tôi, ông bạn,’ và anh ta sẽ nói, ‘Rất tiếc, đã hết xăng.’”

Nhiều giáo sư đại học, giống như Watt, tiên đoán rằng sản lượng dầu của Mỹ đạt đỉnh vào năm 1970 rồi giảm dần, và chắc sẽ gây nên tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhưng, với việc áp dụng rộng rãi và thành công kỹ thuật ép thủy lực (hydraulic fracturing hay fracking), sản lượng dầu của Mỹ gia tăng trở lại khiến cho thị trường hiện nay tràn ngập dầu thô. Dự trữ dầu và khí đốt thiên nhiên của Mỹ hiên nay cao nhất kể từ năm 1972, và sản lượng dầu trong năm 2014 nhiều hơn năm 2008 đến 80% nhờ kỹ thuật ép thủy lực.

Hơn thế nữa, Hoa Kỳ hiện đang sở hữu túi dầu chưa khai thác lớn nhất thế giới, đó là Địa tầng sông Green ở Colorado. Địa tầng nầy chứa khoảng 3.000 tỉ thùng, một nửa số đó có thể khai thác. Số lượng nầy bằng 5,5 lần dự trữ của Saudi Arabia. Chỉ một địa tầng nầy thôi cũng chứa nhiều dầu hơn tổng số dầu dự trữ trên thế giới. 





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo