Cam Ranh “nhất thốn thổ” - Dân Làm Báo

Cam Ranh “nhất thốn thổ”

K’tem (Danlambao) - CSVN có dám làm trái ý TC để rồi không còn chiếc tàu ngư dân nào dám ra khỏi bờ nước mình quá 12 hải lý? CSVN có dám làm trái ý TC để không còn nguồn thực phẩm rẻ cho dân xài, cũng như không còn nguồn nguyên liệu rẻ cho công nghiệp sản xuất? CSVN có dám làm trái ý TC để TC không cho vay và tăng lãi xuất số vay hiện có? CSVN có dám làm trái ý TC để rồi không còn được bỏ thầu rẻ và cán bộ nhà nước mất tiền lợi quả trong việc cho TC trúng thầu? CSVN có dám làm trái ý TC để rồi...

*

Theo tin của Asian Nikkei Review, tàu ngầm huấn luyện Oyashio cùng tàu khu trục Ariake và Setogiri của Hải quân Nhật đang có mặt tại vịnh Subic, Philippines. Hạm đội này đến Philippines trong cuộc diễn tập huấn luyện chống tàu ngầm tại vùng biển gần bãi cạn Scarborough, vùng biển được cho rằng có nhiều hoạt động của tàu ngầm liên quan đến tranh chấp giữa Philippines và Trung Cộng. Sau cuộc diễn tập, hai tàu khu trục Ariake và Setogiri sẽ ghé cảng Cam Ranh trước khi tiếp tục hành trình đến vùng biển Somalia tham dự hành quân chống hải tặc trên vùng biển nước này. 

Đây là lần đầu tiên tàu Hải quân Nhật cặp bến cảng Cam Ranh sau những lần xử dụng cảng này trong cuộc Thế chiến thứ hai. Và đây cũng xem là thành quả thỏa thuận giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani và Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng VN khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật viếng thăm VN vào ngày 06 tháng 11 năm ngoái. Trong cuộc viếng thăm, hai bên đã đi đến thỏa thuận là tàu chiến Hải quân Nhật sẽ được cặp cảng Cam Ranh cho nhu cầu tiếp liệu và cho những chuyến hải hành của tàu chiến Nhật đi ngang qua vùng. Theo thỏa thuận đó, hai tàu khu trục Ariake và Setogiri dự trù sẽ ghé qua Cam Ranh trong hải trình đi và về từ vùng biển Somalia.

Từ lâu vịnh Cam Ranh được xem và vịnh nước sâu thích hợp cho hạm đội và tàu ngầm đồn trú và cũng được xem là hành lang kiểm soát hải lộ từ Ấn Độ dương qua Hoàng hải, biển Nhật Bản và Bắc Thái Bình dương. Vịnh Cam Ranh đã được nhiều hạm đội xử dụng như hạm đội Baltic của Nga trong cuộc chiến Nga-Nhật vào năm 1904-1905, hải quân Pháp khi chiếm đóng Đông Dương, hạm đội Nhật trong Thế chiến thứ hai, hài quân Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng Hòa trong chiến tranh chống CS miền Bắc, và Liên Xô-Nga từ năm 1979 - 2002.

Ngày nay, với vị trí nằm cận ngay điểm nóng đường chín đoạn và các bải đá mà TC gấp rút kiến tạo thành sân bay và cứ điểm quân sự (Cam Ranh cách quần đảo Hoàng Sa 600km về phía Tây và cách quần đảo Trường Sa 800km về phí Tây Bắc), giá trị chiến lược của Cam Ranh được chiếu cố hơn bao giờ hết. Không riêng Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng muốn dùng Cam Ranh như điểm tiếp nhiên liệu và xa hơn còn muốn được xử dụng cảng và sân bay Cam Ranh trong hoạt động quân sự.

Trọng điểm mà Hoa Kỳ quan tâm

Vừa rồi, theo tiết lộ của Asian Nikkei Review, Hoa Kỳ trong vài tháng tới sẽ khai triển Đề xướng An ninh Hàng hải (Maritime Security Initiative), theo đó Hoa Kỳ và đồng minh Nhật Bản và Philippines cùng quốc gia đối tác trong khu vực mà đường chín đoạn tiếp cận sẽ thiết lập những điểm chốt quân sự với nhiệm vụ ứng cảm những hoạt động trong vùng, chia sẻ tin tức và góp phần phản ứng (“sense, share and contribute”). Có thể đây là chiến lược bao vây nhằm đối lại việc kiến tạo đảo, bãi đá thành cứ điểm quân sự, hậu cần của Trung Cộng nằm trong sách lược Nhận thức Lãnh hải (Maritime Domain Awareness) của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên đó là ước muốn của phía Hoa Kỳ còn việc có họp tác hay không là ở phía VN.

Ngày 08 tháng 03 vừa rồi, nhà nước CSVN rùm beng khánh thành Cam Ranh thành cảng quốc tế dành cho hoạt động dân sự và tiếp liệu quân sự (Trương Tấn Sang và Lê Khả Phiêu cắt băng khánh thành). Cho phép tàu, chiến hạm ghé cảng Cam Ranh cho nhu cầu tiếp liệu có ý nghĩa gì trong việc đối đấu với mưu đồ chiếm cứ Biển đông của TC? Và Việt Nam có là quốc gia đối tác trong Đề xướng An ninh Hàng hải của Hoa Kỳ không?

Không ai nghĩ rằng một khi cảng Cam Ranh “biến” thành cảng quốc tế và tàu Nhật Bản ghé được thì tàu TC hay tàu Nga không được ghé. Thường Vạn Toàn vừa mới đến VN và việc này vẫn còn là điều mà giới quan sát đang tìm ẩn số. Không ai đơn giản nghĩ rằng Thường Vạn Toàn có mặt ở VN là chỉ để “xóa tan luận điệu xuyên tạc” mà báo chí VN chỉ loan tin (mà không có thêm một chi tiết nào khác như cách thông tin cố hữu của họ), và chỉ để khẳng định việc hợp tác quốc phòng và biên giới giữa TC và VN từng ký kết, mà chắc chắn còn có nhiều ẩn số khác. Mặc dù sau năm 2002, Nga chấm dứt hợp đồng xử dụng Cam Ranh cho mục tiêu quân sự nhưng tàu Nga vẫn còn tới lui Cam Ranh không những ở lãnh vực Hải quân mà còn cả Không quân nữa. Hoa Kỳ từng kêu gọi VN chấm dứt việc cho phi cơ quân sự Nga dùng phi trường Cam Ranh để tiếp tế nhiên liệu. Nếu Nga vẫn còn những đặc quyền ấy thì tại sao TC lại không?

Trong khi tàu Nhật Bản chỉ ghé Cam Ranh cho việc tiếp tế nhiên liệu và nhu yếu phẩm, thì với hợp tác song phương về quân sự, quốc phòng mà VN và TC từng ký kết trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh của Phùng Quang Thanh cùng 12 tướng chỉ huy cao cấp của QĐND Việt Cộng vào tháng 10 năm 2014 - vỏn vẹn năm tháng sau sự kiện TC mang giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của VN (vào đầu tháng 05 2014) - và nhiều chuyến viếng thăm TC sau nữa, thì chắc chắn TC cũng sẽ được những đặc quyền mà Hải quân Nhật Bản có, và còn hơn nữa. Không có gì cản trở CSVN để cho TC xử dụng Cam Ranh theo ý của TC mà người dân không biết.

Đối với TC, VN ngày nay dưới chế độ CS hầu như không còn chủ quyền tối thượng. “Bốn tốt, mười sáu chữ vàng” là lời miệng lưỡi bắt nhân dân nhớ cho một sự ràng buộc khó tách rời giữa VN và TC mà nhà nước CSVN áp đặt.

Ngày xưa TC là địa bàn cho cán bộ lãnh đạo CSVN hoạt động trước khi xâm nhập VN. (Thêm nghi vấn cho rằng TC đã dựng Hồ Chí Minh từ Hồ Quang sau thập niên 1930 (việc này có nhiều yếu tố khó tranh cãi và làm cho người ta nhớ tương tự Bí thư đảng CS Mã Lai từng là một người Việt gốc Hoa)). Bên cạnh đó, TC từng dốc hết vũ khí cho CSVN sau khi chiếm hết Hoa lục năm 1949. TC cũng từng đưa cán bộ qua dạy dỗ cán bộ CSVN và huấn luyện quân đội NDVN và viện trợ tối đa tiền bạc, vũ khi trong cuộc chiến tranh đánh miền Nam mà lãnh đạo CSVN luôn nhắc đến và mang ơn. 

Đó mới là ràng buộc về tinh thần và ý thức hệ. Ngày nay TC đã nắm hết sinh mạch của VN. Biển đông từ lâu không còn là ngư trường truyền thống của ngư dân VN. Việc ngư dân VN bị cướp cá, bị đâm chìm tàu trở thành chuyện thường ngày “xe cán chó” mà ở VN không cơ quan nhà nước nào quan tâm. Ngư dân VN phải đi xa hơn về phía Đông Nam vùng biển của mình để đánh bắt và bị Thái Lan và Nam Dương bắt. Về kinh tế, hàng hóa, thực phẩm của TC là nguồn chánh yếu mà dân VN tiêu thụ hàng ngày, và TC cũng là nguồn cung cấp nguyên liệu mà VN cần để sản xuất. Về tài chánh TC cũng là nơi cho VN vay nhiều nguồn vốn. Hầu hết các công trình xây dựng tại VN ngày nay đều do công ty TC đảm trách. Tại VN hiện nay TC có nhiều đặc khu công nghiệp, đặc khu khai thác rừng VN cho thuê. Và mới nhất TC là quốc gia đầu nguồn nắm hết nguồn nước sông Cửu Long của vùng ruộng lúa miền Tây và nguồn sinh thái của dân mà nhà nước và đảng CSVN bắt dân mang ơn cho cả hai (đảng CSVN và TC) qua việc xin TC xả nước đập Cảnh Hồng.

CSVN có dám làm trái ý TC để rồi không còn chiếc tàu ngư dân nào dám ra khỏi bờ nước mình quá 12 hải lý? 

CSVN có dám làm trái ý TC để không còn nguồn thực phẩm rẻ cho dân xài, cũng như không còn nguồn nguyên liệu rẻ cho công nghiệp sản xuất? 

CSVN có dám làm trái ý TC để TC không cho vay và tăng lãi xuất số vay hiện có?

CSVN có dám làm trái ý TC để rồi không còn được bỏ thầu rẻ và cán bộ nhà nước mất tiền lợi quả trong việc cho TC trúng thầu?

CSVN có dám làm trái ý TC để rồi TC xúi dục công nhân đặc khu công nghiệp, lâm trường trên đất VN đồng loạt biểu tình đòi quyền Lãnh sự tài phán, hay xa hơn đòi quyền tự trị tại khu vực họ sinh sống, làm việc?

Và CSVN có dám làm trái ý TC để cả một vùng đồng bằng miền Tây không có giọt nước nào để cứu ruộng?

Chắc chắn là CSVN không dám làm gì trái với ước muốn của TC.

Nếu Hoa Kỳ xem Cam Ranh là vị trí chiến lược và muốn được đặt làm căn cứ quân sự thì TC cũng có thể đòi hỏi VN để được đặc quyền ấy và đòi hòi này còn nhiều hơn Hoa Kỳ. Nếu đặt được căn cứ quân sự trên đất VN, TC không còn sợ việc căn cứ của mình trên các bãi đá nhân tạo bị phá hủy (nếu Hoa Kỳ muốn) vì các bãi đá nhân tạo không được công nhận xem là đảo.

Trước tình hình căng thẳng trên Biển đông (qua việc TC trang bị hỏa tiển trên đảo nhân tạo, và Hoa Kỳ hai lần đưa hạm đội tiến sâu vào vùng 12 hải lý nơi các đảo nhân tạo ấy, sắp tới đây thêm một lần nữa và Hoa Kỳ tuyên bố sẽ tiếp tục thường hơn), CSVN tỏ ra thụ động và nhu nhược. 

CSVN càng thụ động thì Hoa Kỳ càng nóng ruột, càng muốn ve vãn VN. Đối với não trạng duy đảng của CSVN, thụ động trước hành vi của TC tại Biển đông để được TC cho yên thân mà được thêm Hoa Kỳ o bế là điều tốt hơn là nghiêng về phía Hoa Kỳ để nhận chịu hậu quả sinh tử mà TC đã giàn đặt như nêu ở trên.

Về mặt ngoại giao, CSVN từ lâu được xem là nước theo đuổi chính sách đi dây. CSVN luôn đặt ví trí mình vào thế chính giữa để ngã qua bên này hoặc bên kia để được lợi từ mỗi bên. Nhưng hiện nay “đi dây” trở thành trò xưa cũ. CSVN không đi dây nhưng ỏng ẹo rao bán, mời mua những gì mà cái thế địa lý chiến lược mà đất nước mang lại. Cho lính ôm cờ giữ đảo để TC chiếm, và thọc sâu bàn tay về Trường Sa ở phía nam Biển đông, để được Hoa Kỳ vì muốn đối đầu, muốn chận đứng TC mà o bế chính là sách lược của CSVN. Nguyễn Tấn Dũng đã từng kêu gọi “lòng tin chiến lược” tại Sangri La tháng 06 2013 và nhắc Hoa Kỳ có quyền lợi trên Biển đông là một trò mại hơi mà rẻ tiền ai cũng biết. Ở sát cạnh kẻ thù truyền kiếp từ các triều đại Trung Hoa xưa và Trung Cộng ngày nay là số phận, nhưng ràng buộc số phận vào lòng tham của TC và đem bán vị trí của tổ quốc như bán cái “vốn sẵn có” để nuôi đảng mình là hành động nhơ bẩn, trong lịch sử chỉ có đảng và nhà nước CSVN làm được. Việt Nam hay Cam Ranh dưới chế độ CSVN chỉ là “nhất thốn thổ” để nuôi miệng CSVN.

(09/04/2016)



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo