Hiểu như thế nào về tuyên ngôn quốc tế nhân quyền đây?! - Dân Làm Báo

Hiểu như thế nào về tuyên ngôn quốc tế nhân quyền đây?!

Nguyễn Dư (Danlambao) - Đề tài này, cách nay có hàng chục năm, và gần đây tôi cũng có những bài phân tích rồi, tưởng không cần phải lập lại. Nhưng hôm nay đọc một bài viết trên diễn đàn tự do, thấy có một tác giả viết về Nguyễn Viết Dũng, đề cập tới bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, cho nên tôi trích dẫn nguyên văn bài viết. Cần phải lập lại chắc cũng không thừa. Thú thật, tôi không có ý "đánh" vào con người, mà chỉ nhắm vào sự việc mà tác giả đã nêu lên theo quan điểm của riêng mình: "Từ góc nhìn của luật nhân quyền quốc tế".

Thế cho nên tôi xin trích một vài đoạn -mà không cần nêu tên tác giả- để làm rõ "sự việc", bởi lẽ nó có liên quan tới quan niệm của nhà cầm quyền và phần đông những người quen sống dưới chế độ độc tài cai trị của đảng cộng sản Việt Nam nên họ không nhận ra.

Mở đầu, tác giả trích một đoạn trong tuyên ngôn: “Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp. Mọi người có quyền tự do biểu đạt; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ".

Câu kế tiếp, tác giả dựa vào bản tuyên ngôn rồi nhận định theo quan điểm của riêng mình: "Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 19 này cũng xác định `quyền tự do biểu đạt´ không phải là một quyền tuyệt đối mà có thể phải chịu một số hạn chế nhất định được quy định trong pháp luật và là cần thiết để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác và để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sự bình yên hoặc đạo đức xã hội". Câu này tác giả bài viết nói không sai nhưng rất mập mờ, không có gì cụ thể. Chính vì chỗ mập mờ theo cái kiểu này mà nhà cầm quyền đảng cộng sản Việt Nam -nếu cần- họ lợi dụng để đàn áp người dân. Thí dụ như những câu như: tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác và để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sự bình yên hoặc đạo đức xã hội.

Đến phần này, tôi xin trích hết nguyên văn còn lại của bài viết rồi mổ xẻ một vài đoạn: "Trong Bình luận chung số 10 Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc giải thích về phạm vi giới hạn của quyền này, Ủy ban đã phân biệt giữa “quyền tự do quan điểm” với “quyền tự do biểu đạt”. Ủy ban khẳng định quyền tự do quan điểm (thuộc phần nội tâm-bên trong) là quyền tuyệt đối, không được hạn chế hay tước bỏ trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong tình huống khẩn cấp của quốc gia. Tuy nhiên, quyền tự do biểu đạt (phần thể hiện ra ngoài) có thể phải chịu những hạn chế nhất định"

"Trở lại trường hợp của Dũng, nếu Dũng có quan điểm “Sát Cộng” hay “Giải trừ cộng sản” thì đó là quyền tự do quan điểm, là suy nghĩ thuộc phần nội tâm- bên trong của cá nhân Dũng, Dũng có quyền giữ lấy vì được thừa nhận và bảo vệ theo Luật Nhân quyền Quốc tế"

"Tuy nhiên, khi quan điểm này đã được xăm lên bắp tay thì nó không còn là phần tự do quan điểm, mà nó đã chuyển sang phần “tự do biểu đạt” (thể hiện ra bên ngoài). Và vì vậy, sự biểu đạt này có thể phải chịu những hạn chế nhất định theo quy định Khoản 3 Điều 19 của ICCPR"

"Xăm chữ “Sát Cộng”, từ "Sát" hiểu theo đúng nghĩa là Giết hay Tiêu diệt. Nếu hiểu theo một cách nhẹ nhàng nhất có thể, thì nội dung của nó vẫn là mang tính thù ghét nhắm vào một nhóm người, một hệ tư tưởng. Điều này là không được thừa nhận theo luật Nhân quyền quốc tế vì nó đã phạm vào "nguyên tắc gây hại". Nguyên tắc gây hại trong trường hợp này là nội dung của nó rõ ràng đã thể hiện thông điệp mang tính thù ghét, ẩn chứa bạo lực hoặc cổ súy bạo lực đang nhắm vào một nhóm người và một hệ tư tưởng"

"Hình xăm “Sát Cộng” - xuất phát từ những người lính Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trong chiến tranh. Đó là một phần của lịch sử bắn giết nhau của dân tộc. Biểu đạt lại những nội dung này không những không mang lại một giá trị gì tốt đẹp hơn khi hướng đến tương lai, mà chỉ càng làm cho lòng khoan dung, sự hòa giải cho dân tộc càng thêm khó khăn và bế tắc"

"Từ góc nhìn chính trị, để tìm kiếm sự thay đổi cho đất nước trong tương lai theo chiều hướng tiến bộ và nhân bản hơn, cần đến các thông điệp mang giá trị phổ quát mà cả nhân loại thừa nhận và đang phấn đấu để đạt được. Thông điệp về các giá trị Dân chủ và Nhân quyền là một phương tiện tốt để nắm lấy và sử dụng"

Thật lạ đời! Tự do quan điểm và biểu đạt ra bên ngoài từ một quan điểm, đó là một cái quyền tuyệt đối như tác giả bài viết trích trong bản tuyên ngôn. Thế mà xăm chữ "sát cộng" thì tác giả lại không đồng ý và bảo rằng phải có sự hạn chế nhất định bởi vì cho rằng nó mang tính thù ghét, phạm vào nguyên tắc gây hại, ẩn chứa bạo lực, cổ súy bạo lực(!)

Tôi lấy thí dụ: hai thằng bất đồng quan điểm với nhau, tự nhiên có một thằng to tiếng: tao sẽ giết mầy! Câu nói này có gây chết người, tổn hại đến đối phương chưa? Người ta có quyền biểu đạt, thể hiện quan điểm qua ngôn từ không? Chính chỗ rắc rối không rõ ràng từ những điều vừa nêu mà cộng sản Việt Nam có thể lẹo qua, léo lại rồi đàn áp vô cớ đối với những ai động tới quyền lợi (cái gọi là hợp pháp) của đảng họ.

Nguyễn Viết Dũng "xăm hình sát cộng xuất phát từ những người lính Việt Nam Cộng Hoà trong chiến tranh". "Đó là một phần của lịch sử lịch sử bắn giết nhau của dân tộc" mà chính bắc quân cộng sản xâm lược miền Nam, vi phạm hiệp định quốc tế là điều xấu xa, tồi bại nên không được phép nhắc lại(!?)

Ý tác giả của bài viết mà tôi trích dẫn trên giống như những tên ma mãnh cộng sản kêu gọi lòng khoan dung, hòa giải, quên đi quá khứ... nhưng sao hể đến ngày ba mươi tháng tư mỗi năm thì các đảng viên gạo cội, ban tuyên giáo trung ương lại làm lễ "ăn mừng ngày chiến thắng", nhắc đến chiến công "tiêu diệt quân thù"?

Chữ "sát cộng" của Nguyễn Viết Dũng hay tổ chức lễ kỷ niệm ăn mừng ngày ba mươi tháng tư hàng năm làm cho "sự hòa giải của dân tộc càng thêm khó khăn và bế tắc"?

Viết bằng máu: "Đi chết đi đảng cộng sản Việt Nam" của Phương Uyên, hay xăm hai chữ "sát cộng" là quyền tự do biểu đạt "Từ góc nhìn chính trị, để tìm kiếm sự thay đổi cho đất nước trong tương lai theo chiều hướng tiến bộ và nhân bản hơn" và cũng rất cần nhiều hơn nữa "các thông điệp mang giá trị phổ quát mà cả nhân loại thừa nhận và đang phấn đấu để đạt được. Thông điệp về các giá trị Dân chủ và Nhân quyền là một phương tiện tốt để nắm lấy và sử dụng". 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo