Một bà Mai khác - Dân Làm Báo

Một bà Mai khác

Một bà Mai khác ở Phnom Penh. Ảnh chụp tháng 3 năm 2016

"Từ đây góc bể bên trời 
Nắng mưa thui thủi quê người một thân." Kiều

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Tôi đang lẽo đẽo theo chân Anh Vũ đi lòng vòng Phnom Penh để tìm hiểu về sinh hoạt tôn giáo, và xã hội của một số người Việt đang sống ở thủ đô Cambodia thì nhận được thư của anh Ngô Thế Vinh. Tác giả Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng biểu tôi chạy lên Nam Lào chụp vài tấm ảnh - nơi vừa khởi công xây con đập Don Sahong – để dùng cho ấn bản tiếng Anh (The Nine Dragons Drained Dry The East Sea In Turmoil) cuốn sách sẽ do Giấy Vụn xuất bản nay mai.

Cùng lúc, anh Trịnh Ngọc Lân và bằng hữu cũng rủ tôi qua Hạ Lào. Qúi anh muốn cùng bà quả phụ Nguyễn Văn Đương đến tận chiến trường xưa, để thắp một nén nhang tưởng niệm người anh hùng đã hy sinh trong cuộc Hành Quân Lam Sơn 719, hơn bốn mươi năm trước.

Dù rất ham đi, ham vui, và dễ dụ, tôi vẫn phải từ chối lời đề nghị thứ hai vì không thể đi hai nơi trong cùng một lúc. Hơn nữa, tôi cũng thành thực tin rằng khi công luận đã biết đến tình cảnh khó khăn của bà Trần Thị Mai thì ước nguyện thắp một nén nhang - ở nơi xa xôi - cho người quá vãng sẽ không còn là một việc khó khăn.

Nhờ nán lại Cambodia vài hôm nên tôi và Anh Vũ đã gặp được thêm một bà Mai nữa. Chúng tôi tình cờ nhìn thấy bà đang dạo quanh những bàn ăn ở quán cơm Ba Số Bẩy – trong khu chợ Tô Sanh, ở Nam Vang – để chào mời thực khách mua vé số. Loại số sổ hàng ngày, phát hành từ những tỉnh thuộc Đồng Bằng Sông Cửu Long – Việt Nam.

Bà nhận lời mời ngồi chơi, uống nước, nói chuyện “tâm tình” mươi/mười lăm phút. Nhờ thế, chúng tôi mới biết được những nỗi khó khăn trong cuộc đời của một bà Mai khác – bà Nguyễn Thị Mai. Cũng như bà Trần Thị Mai, bà Nguyễn Thị Mai cũng có chồng là một người lính miền Nam đã mất, và cả hai đều đang chia chung một cảnh đời cùng quẫn.

Bà Mai Nguyễn quê ở huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, nơi mà chỉ cần vài giờ xe là đã bước sang xứ khác – xứ Chùa Tháp. Tuy thế, đã lâu lắm rồi bà không trở lại chốn xưa vì không còn thân bằng quyến thuộc gì nơi cố quốc.

Bà Mai đành nhận Cambodia làm mảnh đất dung thân. Quê hương thứ hai – may thay – đủ lượng dung cho một người dân Việt Nam ở bước đường cùng (không chồng, không con, không tiền, không nhà, và không cả manh giấy tùy thân) vẫn sống được lây lất qua ngày. Mặc dù không thể đi nhiều trên đôi chân đã bắt đầu run rẩy, bà Mai còn có thể kiếm được mười lăm/hai mươi ngàn đồng riels mỗi ngày, nghĩa là khoảng trăm hai đến trăm năm mươi Mỹ Kim hàng tháng. Chỉ cần nửa số tiền này cũng đã đủ để thuê được một chỗ tắm rửa, và ngủ nghỉ qua đêm.

- Ban ngày tôi đi suốt mà, đi mệt thì ngồi, được cái người Miên họ dễ lắm mấy chú à. Họ cho mình ngồi trong quán nghỉ, cho sài cầu tiêu cầu tiểu thoải mái, và có khi còn cho đồ ăn dư luôn nữa. 

Lời bà Mai khiến tôi thốt nhớ đến dòng chữ (“Vé Số Không Được Vào Nhà Vệ Sinh”) trong một tiệm cà phê, ở An Giang. Nó cũng giúp tôi hiểu tại sao lại có cả “một đạo quân vé số” xuất hiện ở Nam Vang. Người Miên – xem chừng – “dễ” hơn người Việt, và “dễ” hơn nhiều lắm! 


Trong khi chuyện trò với chúng tôi, bà Mai hay nhắc đến Chúa và khẳng định nhiều lần: “Chúa chỉ sao thì tui chịu vậy thôi.” Bà khiến tôi tự hỏi ngoài bà Trần Thị Mai và Nguyễn Thị Mai, hiện còn có bao nhiêu bà Mai khác nữa đang “chịu vậy” mà không một lời than van – và cũng chả một ai đoái hoài tới họ – từ nửa thế kỷ qua!

Phải đợi đến mãi thời gian gần đây, mới có những lời kêu gọi “tri ân” và “giúp đỡ” những thương phế binh thuộc QLVNCH. Hai chữ “tri ân” tuy nghe vô cùng trang trọng nhưng sự “giúp đỡ” – xem ra – lại không được nhiều nhặn gì cho lắm, mới chỉ có tính cách tượng trưng. Đối với người sống sót (dù sống trong cảnh tàn phế) còn thế thì nói chi đến những bà quả phụ mà chồng đã chết trận tự lâu.

Cuộc chiến Bắc/Nam kết thúc vào năm 1975. Hơn bốn mươi năm đã trôi qua nhưng công luận - dường như - mới chỉ được nghe nhắc đến tên của năm ba bà quả phụ: Ngụy Văn Thà, Nguyễn Thành Trí, Nguyễn Văn Đương ... 

Khi nghe hỏi về ước nguyện hiện tại của mình, bà Mai trả lời với ít nhiều bình thản:

- Tui không có mong ước gì ráo trọi. Bây giờ còn đi bán được ngày nào thì hay ngày đó thôi. Bữa nào cũng phải đi lòng vòng hơi mệt nhưng tui thấy khuây khoả, lúc nào cũng có xấp nhỏ bao quanh, và cả lũ đứa nào cũng sẵn sàng “bán dùm vé ế cho ngoại Mai kẻo tội.” Đêm về thì có sẵn chỗ để nằm, không ai đụng chạm phiền phức gì mình, vậy là được rồi. Chỉ sợ khi chết bỏ xác ở xứ này không ai chôn cất thôi.

Tôi buột miệng:

- Chết là hết chị ơi, hơi đâu mà lo mấy chuyện lùm xùm sau đó. Mình nằm xuống thì mấy người ở lại buộc phải chôn thôi. Nếu không, cái xác thúi rùm tụi nó chịu đời sao thấu.

Câu nói bạt mạng của tôi, không ngờ, lại được bà chị tán thưởng bằng một nụ cười móm mém. Tuy thế, tận trong ánh mắt của người phụ nữ “nhiều nỗi chuân truyên” này, tôi vẫn thấy (thấp thoáng) một nỗi buồn – không kín. 

Tôi không đùa (cũng không dám dở giọng khinh bạc) khi nói về những chuyện liên qua đến thân xác của con người, sau khi đã nhắm mắt kìa đời. Chết là hết, chớ còn khỉ gì nữa!

Tôi dặn con nhiều lần: “Không cần mang tro cốt ra biển làm chi, cứ đổ cha nó hết vào cầu tiểu rồi giựt nước là xong. Nếu làm vậy tụi bay thấy hơi khó coi (hay sợ tiếng đời dị nghị) thì bỏ nhúm tro tàn vào bồn rửa chén, mở nước chẩy ri rỉ qua đêm, là bố cũng tà tà ra tới... biển thôi.” 

Khi tao chết chớ mang tao ra biển
Đừng mất công làm chuyện tào lao!

Thế hệ chúng tôi (Ngô Thế Vinh, Trịnh Ngọc Lân, Trần Thị Mai, Nguyễn Thị Mai, Tưởng Năng Tiến...) rồi sẽ qua, và cũng sắp qua rồi. Điều băn khoăn không phải là chúng tôi sẽ chôn cất ở đâu, hay thiêu đốt ra sao mà là kiếp sống bấp bênh và nhếch nhác của những người còn ở lại – những thanh niên thiếu nữ Việt Nam đang “đồng nghiệp” của ngoại Mai, ở Cambodia. Tôi nhìn họ đang tò mò vây quanh thiết bị thu thanh của Anh Vũ, lắng nghe chúng tôi trò chuyện, mà thấy nặng lòng.

Một đồng hương và “đồng nghiệp” trẻ của “ngoại Mai” ở Phnom Penh. Ảnh chụp tháng 3 năm 2016.

Họ đều còn rất trẻ, đều rất hồn nhiên, và (tất nhiên) đều thất học - dù tuổi chỉ khoảng từ 15 đến 20. Các em từ đâu đến, và tại sao lại quanh quẩn trong hàng quán nơi đây thay vì đang ngồi dưới mái trường? Câu trả lời có thể tìm được trong một bài viết ngắn của nhà báo Hữu Danh

“Ở vùng ĐBSCL, nhiều doanh nghiệp xổ số nộp ngân sách cả ngàn tỉ đồng/năm. Với nhiều địa phương, thu từ xổ số là nguồn thu chính. Để có nguồn thu này, các công xổ số đều dựa vào lực lượng bán vé số dạo. Họ là ai? Là trẻ em, thay vì được đến trường thì áo quần rách rưới, tay cầm xấp vé số đi ‘bán cái rủi may’; là những ông bà lão bảy - tám mươi tuổi, lẽ ra phải được an hưởng tuổi già, vui vầy cùng con cháu thì phải còng lưng mời từng tờ vé số; là những người tật nguyền, khi mà hệ thống an sinh xã hội còn quá kém, phải vừa bò vừa lết ngoài đường, bò lết dưới chân trai thanh gái lịch trong những quán cà phê, nhà hàng để bán từng tờ vé số bằng cách kêu gọi lòng thương...”

Những đồng hương và “đồng nghiệp” trẻ của “ngoại Mai” ở Phnom Penh. Ảnh chụp tháng 3 năm 2016.

Lòng thương (ngó bộ) đã cạn kiệt ở quê hương, nơi mà người bán nhiều hơn người mua, và “bán vé số không được vào nhà vệ sinh” nên không ít kẻ phải lần dò qua đến tận xứ người. Dù không phải là thầy bói, tôi vẫn có thể đoán được là trong lòng bàn tay của tất cả các em đều có đường xuất ngoại nhưng lại thiếu đường may mắn. Số mệnh của cả một thế hệ (e) đã được an bài. 

Sẽ còn có thêm vài ba thế hệ kế tiếp đi chào mời vé số (hay thân xác) nơi xứ lạ, nếu dân Việt vẫn giữ thái độ thản nhiên trước những mảnh đời rách nát và vẫn đồng lòng nhắm mắt để cho chế độ hiện hành tiếp tục hoành hành trên đất nước này. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo