Tình hình thủy học của sông Mekong - Dân Làm Báo

Tình hình thủy học của sông Mekong

Từ ngày 14 tháng 3 đến ngày 11 tháng 4 năm 2016

Nguyễn Minh Quang, P.E. (Danlambao) - Dựa theo dữ kiện đăng tải trên website của Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), tình hình thủy học (mực nước và lưu lượng) ghi nhận được tại các trạm thủy học của MRC như sau:

Hình 1: Trạm thủy học ở hạ lưu vực sông Mekong [MRC]

1. Ở vùng thượng hạ lưu vực sông Mekong.

Nước xả từ đập Cảnh Hồng tiếp tục được ghi nhận tại các trạm Chiang Saen, Chiang Khan, Nong Khai cho đến ngày 11 tháng 4 và tại các trạm Luang Prabang và Paksane cho đến ngày 9 tháng 4 (không có dữ kiện sau ngày 9 tháng 4).


Số nước xả thêm từ đập Cảnh Hồng (khoảng 1.000 m3/sec) tiếp tục mất khoảng 50% trong đoạn sông Mekong từ Nong Khai cho đến Paksane.

2. Ở vùng trung hạ lưu vực sông Mekong

Nước xả từ đập Theun-Hinboun tiếp tục được ghi nhận tại các trạm Nakhon Phanom, Mukdahan, và Khong Chiam cho đến ngày 11 tháng 4 và tại các trạm Savannakhet và Thakhek cho đến ngày 9 tháng 4 (không có dữ kiện sau ngày 9 tháng 4). Riêng tại trạm Pakse, lưu lượng bất ngờ giảm 895 m3/sec trong 2 ngày (từ 3.527 m3/sec trong ngày 6 tháng 4 xuống còn 2.632 m3/sec trong ngày 9 tháng 4). Số nước bị mất nầy có lẽ do Thái Lan bơm vào hồ chứa nước Sirindhorn ở gần đập Pak Mun qua dự án Chuyển nước Mekong-Sirindhorn.


3. Ở vùng hạ hạ lưu vực sông Mekong


Số nước xả từ đập Theun-Hinboun dường như đến trạm Stung Treng ở Cambodia vào ngày 11 tháng 4. Dữ kiện đo đạc cho thấy, tính đến ngày 28 tháng 4, chỉ có khoảng 200 m3/sec - trong số 1.000 m3/sec do Lào xả từ đập Thuen-Hinboun - về đến Stung Treng. Như vậy, lưu lượng xả từ đập Theun-Hinboun bị mất khoảng 80% khi về đến Stung Treng.

Số nước gia tăng từ phụ lưu Sesan, có lẽ do Việt Nam xả từ các đập thủy điện trên Cao nguyên miền Trung, tiếp tục được ghi nhận tại trạm Stung Treng và Kratie cho đến ngày 11 tháng 4. Số nước nầy đến trạm Tân Châu và Châu Đốc vào ngày 28 tháng 3 (không có dữ kiện tại 2 trạm nầy sau ngày 28 tháng 3). Dữ kiện cũng cho thấy, trong số lưu lượng gia tăng được ghi nhận tại trạm Stung Treng (khoảng 1.000 m3/sec) chỉ có khoảng 400 m3/sec về đến Tân Châu và 200 m3/sec về đến Châu Đốc (tính đến ngày 28 tháng 4). Như vậy, lưu lượng do Việt Nam xả bị mất khoảng 40% khi về đến Đồng bằng sông Cửu Long.

Bảng phân tích nầy sẽ được cập nhật hàng tuần, sau khi MRC cập nhật dữ kiện thủy học sông Mekong và đăng tải lên website nêu trên.

11 tháng 4 năm 2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo