Tại sao các tướng công an không muốn quy định “quyền im lặng” và luật ghi âm ghi hình khi hỏi cung? - Dân Làm Báo

Tại sao các tướng công an không muốn quy định “quyền im lặng” và luật ghi âm ghi hình khi hỏi cung?

Mẹ Nấm (Danlambao) - Trong buổi góp ý cho dự án Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) chiều 27/5/2016, nhiều đại biểu QH là các tướng công an tại các tỉnh đều không đồng tình với quy định về “quyền im lặng”.

Trước đề xuất bị can có quyền không khai những gì bất lợi cho mình cho đến khi có luật sư bào chữa, “cơ quan điều tra khi tiếp cận người bị bắt cần thông báo cho họ quyền được im lặng” các tướng công an nghi ngại rằng quy định này sẽ cản trở quá trình điều tra.

Thiếu tướng Trịnh Xuyên, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, khẳng định “quyền im lặng rất vô nghĩa” và “hoàn toàn không phù hợp” với điều kiện nước ta hiện nay, khi trình độ dân trí, nhận thức còn hạn chế. Ông Xuyên lo ngại quy định này sẽ gây khó khăn cho cơ quan tố tụng. 

Thiếu tướng Lê Đông Phong, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho rằng: “Bị can, bị cáo không bị ép nhận tội nhưng đừng quy định một cách bắt chước nước ngoài là anh không cần phải khai báo”. (*)

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng việc quy định “quyền im lặng” của người phạm tội là không đúng. Cũng theo đại biểu Đương, quy định về ghi âm, ghi hình để chống lại bức cung nhục hình là “lạc quan tếu”. “60% là phạm pháp quả tang thì ghi âm, ghi hình để làm gì? Nếu là điều tra viên thì ai dại gì ghi âm, ghi hình lúc đang dùng nhục hình. Tôi cho rằng cái này là tốn kém, rườm rà không cần thiết"

Đồng quan điểm với đại biểu Đương, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng: “Không nên ghi điều này trong luật bởi vì nó không cần thiết với tất cả trường hợp”. Bên cạnh đó, ông Hiếu cho rằng thực tế cũng không đủ điều kiện, nếu huyện nào cũng đòi camera, ghi âm. 

Từ năm 2014 đến nay, tình trạng công dân bị ép cung, bị dùng nhục hình thậm chí có trường hợp đã tử vong như nạn nhân Ngô Thanh Kiều (Phú Yên) được báo chí nhắc đến nhiều. Có thể với các tướng công an đây chỉ là vài trường hợp cá biệt, nhưng trên thực tế khi những người tù thoát khỏi nơi bị giam giữ, câu chuyện đầu tiên họ nhắc đến lúc nào cũng là các hình thức nhục hình ép cung.

Có lẽ chỉ có ở Việt Nam mới có quy định quái gở là bị can có nghĩa vụ chứng minh mình không phạm tội.

Mọi quá trình tố tụng ở giai đoạn điều tra đều được thực hiện bởi cơ quan công an mà không thông qua sự giám sát nào.

Khi các nước trên thế giới quy định về quyền im lặng, là dấu chỉ tôn trọng quyền con người của các bị can trước khi thông qua xét xử thì tại Việt Nam, viện lý do “trình độ dân trí, nhận thức còn hạn chế” để cơ quan công an tước đoạt quyền làm người căn bản của công dân.

Tại sao cơ quan điều tra giỏi nhất thế giới lại ngại quyền im lặng và việc giám sát ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung?

Hỏi tức là đã trả lời. 

Khi công dân ý thức được quyền từ chối trả lời các câu hỏi mang tính gài bẫy nghiệp vụ thì cơ quan công an rất dễ nổi nóng và sử dụng bạo lực hoặc phát ngôn mang tính đe dọa tinh thần. Nếu việc này bị giám sát bởi quá trình ghi âm, ghi hình thì quả là không dễ để giữ ngôi vị cơ quan điều tra giỏi nhất thế giới.

Xưa nay, trong mọi tình huống va chạm với công an, việc đầu tiên mà lực lượng chức năng thể hiện mà tôi chứng kiến luôn là hành vi giật hoặc cướp lấy điện thoại hòng ngăn chặn việc giám sát, và tự bảo vệ bản thân của công dân. 

Với quy định về quyền im lặng và quá trình giám sát việc hỏi cung, đã đến lúc cơ quan công an phải học cách tôn trọng pháp luật, và cư xử đúng chuẩn mực văn minh cần phải có.

Chỉ có những kẻ độc tài, ưa sử dụng bạo lực để trấn áp người khác hòng đạt được mục đích của mình mới sợ hãi những giá trị nhân quyền căn bản.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo