Hiểm họa Trung Cộng và bài học Tây Tạng - Dân Làm Báo

Hiểm họa Trung Cộng và bài học Tây Tạng

Trần Trung Đạo (Danlambao) - Việt Nam chỉ hơn Tây Tạng một điểm duy nhất là còn thời gian dù rất ngắn để quyết định số phận của mình. Chọn lựa của dân tộc Việt Nam hôm nay, do đó, là chọn lựa giữa tiếp tục sống dưới chế độ độc tài CS để rồi mất nước, hay dân chủ hóa, hiện đại hóa nhanh chóng để có thể ngăn chặn được bước chân Trung Cộng. Nếu chỉ biết nhịn nhục, cúi đầu, một ngày không xa họa diệt vong sẽ tới. Đến lúc đó, đừng oán trách chi ai, đừng đỗ thừa cho ai khác, ngoài oán trách, đỗ thừa cho sự ươn hèn, nhu nhược của chính mình...

*

Hôm nay, ít ra một nửa của học viện Larung Gar nổi tiếng thế giới đang bị phá hủy. Dù che giấu dưới bất cứ lý do gì, thực chất của việc phá hủy cũng chỉ nhằm xóa bỏ nền văn hóa lâu đời của Tây Tạng. Chính sách đồng hóa Tây Tạng không chỉ bắt đầu mới đây mà từ năm 1950 khi Trung Cộng xua quân chiếm đóng nước này.

Giống như các chế độ CS khác, chế độ CS tại Trung Quốc nói chung và Tây Tạng nói riêng tồn tại nhờ vào hai phương tiện được thực hiện song song và có tác dụng hỗ tương: trấn áp bằng bạo lực và tẩy não bằng tuyên truyền.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, dân tộc nhỏ nhoi nhưng được xem như là "mái che" của thế giới với đỉnh Mt Everest cao 8,848 mét đang chịu đựng dưới chính sách trấn áp khắc nghiệt của Trung Cộng, nhất là tại các nhà tù.

Nếu nhà tù San Quentin được xây ở Tây Tạng

Đại sư Chagdud Tulku là một bậc cao tăng của Phật Giáo Tây Tạng. Trước khi viên tịch vào năm 2002, ngài được thỉnh giảng tại nhiều trường đại học danh tiếng ở Mỹ và Châu Âu. Đại sư rất được trọng vọng và những lớp giảng của ngài có hàng ngàn người tham dự. Tuy nhiên, ngài không quan tâm đến số đông hay danh dự dành riêng cho ngài nhưng sẵn lòng đi đến bất cứ nơi nào cần sự có mặt của mình dù nơi đó là một khu biệt giam dành cho tử tù và dù chỉ để làm lễ thọ giới cho một tù nhân. Nơi ngài đến là nhà tù San Quentin, tiểu bang California và người được ngài quy y là tử tù Jay Master đang thọ án tử hình. Nghi thức diễn ra ngay tại phòng thăm viếng của nhà tù vào năm 1989.

Như Jay Master kể lại trong blog của anh. Hôm đó, đại sư Chagdud Tulku đến nhà tù San Quentin rất sớm. Ngài ngồi im. Những ngón tay nâu đậm đầy vết nhăn đang lặng lẽ lần tràng hạt. Đôi mắt ngài như đang chiêm nghiệm những gì đang xảy ra chung quanh. Vạt áo tràng với những nút màu xám phủ dài trên sàn phòng đợi rất ồn ào với đủ hạng người đang chờ giờ thăm viếng thân nhân. Có người bực dọc lớn tiếng vì chờ đợi quá lâu.

Để làm dịu không khí, đại sư Chagdud Tulku chia sẻ với mọi người một câu chuyện cũng về nhà tù, không phải San Quentin ở Mỹ mà một "San Quentin" trên quê hương Tây Tạng của ngài. Trong nhà tù ở Tây Tạng, tù nhân bị đày đọa thảm khốc và chịu đựng hình phạt nặng nề hơn tù nhân ở Mỹ nhiều.

Đại sư Chagdud Tulku kể rằng người Trung Quốc bắt tù nhân Tây Tạng đào một hố thật sâu. Cái hố sâu đó chính là nhà tù. Những người tù Tây Tạng sống, ăn ở và phơi bày thân thể dưới cả nắng mưa như thế cho đến chết. Ngay cả sau khi chết đi, tù nhân cũng bị chôn trong lòng hố sâu đó. Ngài kể rằng ở Tây Tạng có sáu mươi ngàn tù nhân bị giam giữ trong tình cảnh đau thương đó.

Nhân loại kết án Hitler, Pol Pot. Dĩ nhiên những ác nhân kia xứng đáng với mọi lời nguyền rủa của người đời. Nhưng nếu so sánh phương pháp giết người bằng lò hơi ngạt của Hitler hay bằng cuốc xẻng đánh vào đầu của Pol Pot, phương pháp của Trung Cộng còn tàn ác gấp nhiều lần. Tù nhân Tây Tạng chết lâu hơn, chết dần mòn hơn trong đói khát, nắng mưa, bịnh hoạn, lở loét, thối rữa và thân xác cuối cùng cũng bị chôn vùi dưới đáy hầm sâu.

Nhưng đó chỉ là một trong hàng trăm phương pháp đọa đày mà dân tộc Tây Tạng đã và đang chịu đựng sau "Nổi dậy Lhasa" vào tháng Ba, 1959 bị dập tắt.

Không giống như thập niên 1950 khi tội ác của Trung Cộng còn được dễ dàng che giấu, trong thời đại tin học ngày nay, những cảnh đàn áp dã man đã được tiết lộ ra ngoài bằng hình ảnh và cả phim ảnh. Thế giới bàng hoàng khi chứng kiến cảnh công an Trung Cộng đánh đập các nhà sư hay thường dân Tây Tạng không một phương tiện gì để tự vệ hay kéo lê lết họ trong máu me trên đường phố Lhasa.

Cách phản kháng tuyệt vọng nhưng phổ biến nhất của tu sĩ và nhân dân Tây Tạng là tự thiêu để gây tiếng vang trước dư luận quốc tế. Chỉ trong vòng sáu năm từ tháng 2 năm 2009 đến tháng 4 năm 2015 đã có 138 tu sĩ và thường dân Tây Tạng tự thiêu tại nhiều nơi để phản đối chính sách diệt chủng của nhà cầm quyền Trung Cộng. Riêng năm 2012 đã có 86 vụ tự thiêu. Ngọn lửa được thắp lên bằng xương thịt dường như chưa đủ sáng lương tâm loài người và đêm đen Tây Tạng.

Quan điểm "chủ quyền lịch sử" của Trung Cộng đối với Tây Tạng

Dù là văn hóa, lịch sử hay lãnh thổ, quan điểm chung của Trung Cộng là nơi nào các triều đại Trung Hoa từng đô hộ nơi đó thuộc về Trung Hoa. Đó là lý do một học giả Trung Cộng năm 1996 đã từng tuyên bố ở Hong Kong rằng trống đồng Đông Sơn là của Trung Hoa chứ không phải của Việt Nam vì trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn Việt Nam thuộc Trung Hoa.

Quan điểm bá quyền hoang tưởng và ngang ngược của Trung Cộng đi ngược với các nguyên tắc về chủ quyền của thế giới. Napoleon từng là vua không chỉ của Pháp mà còn của cả một phần lớn châu Âu trong đầu thế kỷ 19 nhưng ngày nay không một học giả Pháp nào cho rằng Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ v.v... phải thuộc vào nước Pháp.

Nhân Dân Nhật Báo tóm tắt quan điểm của Trung Cộng đối với vấn đề Tây Tạng trong bình luận vào tháng 4, 2008: "Trong hơn 700 năm, chính phủ trung ương Trung Hoa đã liên tục thực hiện chủ quyền của Trung Hoa tại Tây Tạng và Tây Tạng chưa bao giờ là một nước độc lập. Không một chính phủ nào trên thế giới thừa nhận Tây Tạng... Kể từ khi giải phóng hòa bình năm 1951, Tây Tạng đã tiến hành các thay đổi xã hội sâu sắc bao gồm các cải cách dân chủ, mở cửa và đạt được các tiến bộ xã hội đáng kể".

Không ai chối cãi trước 1950 Tây Tạng còn là một nước nghèo, lạc hậu về kinh tế, tuổi thọ thấp, thiếu thốn các phương tiện giao thông nhưng đó không phải là lý do để Trung Cộng xua 40 ngàn quân xâm lược một quốc gia mà quân đội chỉ có 4 ngàn.

Lý luận của Trung Cộng là lý luận của kẻ cướp

Những lời ngụy biện của thực dân đỏ Trung Cộng trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay không khác gì cách giải thích "đến để khai hóa" mà thực dân trắng Âu châu đã dùng với các nước Á châu và Phi châu từ thế kỷ thứ 15.

Từ nhiều ngàn năm trước, Tây Tạng đã là một dân tộc có một nền văn hóa cao, thuần nhất với các giá trị độc đáo riêng tồn tại song song bên cạnh các nền văn hóa khác. Các triều đại Tây Tạng ra đời từ thế kỷ thứ nhất sau công nguyên và vào thế kỷ thứ bảy đã xây dựng nên một quốc gia hùng mạnh với lãnh thổ trải rộng qua nhiều quốc gia vùng Trung Á, kể cả một phần của Trung Hoa. Nhiều trăm năm Tây Tạng đã là một nước hoàn toàn độc lập. Dĩ nhiên, giống như hoàn cảnh các nước nhỏ khác trong vùng, khi yếu kém Tây Tạng lại phải chịu lệ thuộc vào các nước mạnh không chỉ Trung Hoa mà có khi còn bị ảnh hưởng bởi Mông Cổ hay Nepal.

Các dân tộc, dù lớn bao nhiêu, trong lịch sử ít ra cũng một lần bị ảnh hưởng bởi ngoại bang nhưng không phải vì thế mà quốc gia đó thuộc về ngoại bang. Giống như lịch sử đầy hy sinh xương máu đã diễn ra tại Việt Nam suốt hàng ngàn năm, chặng đường bị lệ thuộc vào Trung Hoa của Tây Tạng cũng được đánh dấu bằng những cuộc nổi dậy anh hùng của các thế hệ Tây Tạng. Bởi vì trong máu huyết, Tây Tạng chưa bao giờ là một phần của Trung Hoa trước đây hay Trung Cộng ngày nay.

Sự sụp đổ của nhà Thanh là cơ hội để nhân dân Tây Tạng phục hồi toàn bộ chủ quyền đất nước chứ không phải đó chỉ là lần đầu tiên dân Tây Tạng vốn đã thuộc Trung Hoa bỗng dưng đứng lên đòi độc lập.

Và từ 1913, Tây Tạng là một quốc gia có chủ quyền, độc lập, có ngôn ngữ riêng, chính phủ riêng, hệ thống tư pháp riêng, bưu điện riêng, đơn vị tiền tệ riêng, hộ chiếu quốc tế riêng. Hộ chiếu do chính phủ Tây Tạng cấp năm 1947 được các quốc gia lớn như Ấn Độ, Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Iraq, Hong Kong chấp nhận và đóng dấu cho phép thông hành.

Theo công pháp quốc tế, một quốc gia sẽ không chuẩn y và đóng dấu vào chiếu khán do chính phủ của một quốc gia khác cấp nếu không thừa nhận chính phủ của quốc gia đó. Khi đóng dấu thông hành, các cường quốc Anh, Mỹ, Ấn, Pháp, Ý trong thực tế đã thừa nhận vai trò lãnh đạo của chính phủ Tây Tạng. Việc công nhận hay chưa công nhận trong bang giao chỉ là thủ tục ngoại giao, nhất là trong giai đoạn từ 1913 đến 1950 Tây Tạng vẫn chưa được quốc tế biết nhiều và cả thế giới phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt.

Trung Cộng tự hào là nước lớn nhưng không có nghĩa được mọi quốc gia công nhận họ. Mỹ không công nhận Trung Cộng mãi tới 1972 và chậm hơn nữa cho tới tháng 10, 1990 Singapore mới công nhận Trung Cộng. Ngay cả hiện nay vẫn có đến 21 quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc không công nhận Trung Cộng.

Tây Tạng có đủ bốn tiêu chuẩn quốc tế để xác định một quốc gia gồm chủ quyền, chính phủ, lãnh thổ và dân số, trong lúc Trung Cộng không đưa một lý do gì, một chứng minh gì ngoài "chủ quyền lịch sử" mà họ luôn bám vào trong mọi cuộc tranh chấp lãnh thổ.

Trung Cộng viện lý do "Tây Tạng đã là một phần của Trung Quốc suốt bảy trăm năm". Bảy trăm năm thì sao? Bảy trăm năm tại Tây Tạng hay một ngàn năm tại Việt Nam cũng chỉ là thời kỳ đô hộ, cưỡng chiếm và cai trị bằng sắt máu. Thời gian đó không có giá trị gì một khi dân tộc bị trị đủ mạnh để đứng lên giành độc lập.

Chính sách xóa bỏ Tây Tạng của Trung Cộng được thực hiện bằng hai cách, (1) diệt chủng văn hóa qua việc tàn phá chùa chiền, bôi nhọ đức Đạt Lai Lạt Ma, buộc Hoa Ngữ là ngôn ngữ chính thức, học sinh phải học lịch sử từ quan điểm Trung Cộng, và (2) đồng hóa chủng tộc qua việc định cư ồ ạt người Hán vào Tây Tạng, tập trung nền kinh tế Tây Tạng trong tay người Hán. Chính Mao Trạch Đông trong Tuyển Tập Mao Trạch Đông xuất bản có hiệu đính năm 1987, đã thừa nhận cho tới năm 1952 cũng "không có một người Hán nào ở Tây Tạng" nhưng hiện nay số người Hán tại Tây Tạng đông hơn chính người Tây Tạng.

Bài học cho Việt Nam

Ngoại trừ những buổi tiếp xúc đức Đạt Lai Lạt Ma một cách không chính thức của các tổng thống Mỹ hay một hai lá thư phê bình cách đối xử nặng tay của nhà cầm quyền Trung Cộng, chưa một lãnh đạo cường quốc nào có một biện pháp tích cực và hữu hiệu để ngăn chặn lưỡi đao Trung Cộng.

Đơn giản bởi vì Tây Tạng không có những mỏ dầu khí lớn như Iraq, không có những mỏ kim cương lớn như Nam Phi và cũng không giữ vị trí chiến lược như Thổ Nhĩ Kỳ. Các quốc gia Tây Phương không thể hy sinh các quyền lợi vật chất quá lớn với Trung Cộng chỉ để bảo vệ các giá trị tinh thần cho một nước nhỏ xa xôi. Cuộc đấu tranh, đầu tiên cho đến cuối cùng, vẫn là tranh đấu bằng máu xương, hy sinh và chịu đựng của dân tộc Tây Tạng.

Đối với trường hợp Việt Nam, không cần phải phân tích nhiều mà chỉ thay chữ Tây Tạng bằng chữ Việt Nam trong bài viết, sẽ thấy một viễn ảnh Việt Nam đen tối hiện ra.

Tập Cận Bình đang gấp rút xây dựng các căn cứ quân sự và dân sự trên Biển Đông nhằm mở rộng vòng đai an ninh và sự hiện diện ngoài lục địa. Nếu họ Tập thành công, Việt Nam có khả năng nằm bên trong "không gian sinh tồn" của Trung Cộng và đặt các cường quốc vào thế đã rồi như trường hợp Hitler chiếm Áo vào tháng Ba, 1938 trước sự làm ngơ của Anh và Pháp.

Việt Nam chỉ hơn Tây Tạng một điểm duy nhất là còn thời gian dù rất ngắn để quyết định số phận của mình. Chọn lựa của dân tộc Việt Nam hôm nay, do đó, là chọn lựa giữa tiếp tục sống dưới chế độ độc tài CS để rồi mất nước, hay dân chủ hóa, hiện đại hóa nhanh chóng để có thể ngăn chặn được bước chân Trung Cộng. Nếu chỉ biết nhịn nhục, cúi đầu, một ngày không xa họa diệt vong sẽ tới. Đến lúc đó, đừng oán trách chi ai, đừng đỗ thừa cho ai khác, ngoài oán trách, đỗ thừa cho sự ươn hèn, nhu nhược của chính mình.

30.07.2016



 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo