Luật sư Đào Tăng Dực (Danlambao) - Trừ một số quốc gia may mắn, phần lớn các quốc gia trên thế giới đạt đến tình trạng dân chủ ngày nay phải trải qua nhiều máu và nước mắt. Điển hình nhất là nền dân chủ Pháp với cuộc cách mạng lừng danh năm 1789, dương cao ngọn cờ tự do, công bằng và tình huynh đệ (liberté, egalité, fraternité) đập tan những xiềng xích của thời phong kiến. Tuy nhiên cuộc cách mạng đẫm máu dưới thời Robespierre đó vẫn bị đế chế Napoleon, trong bản chất vốn là một chế độ quân phiệt, thanh toán. Nền chính trị Pháp phải trải qua nhiều giai đoạn truân chuyên sau đó, kể cả thoát khỏi hiểm họa ý thức hệ giáo điều Mác Lê, mới thực thi được trọn vẹn những lý tưởng dân chủ mà các thần tượng của cuộc cách mạng 1789 như Montesquieu, Jean Jacques Rousseau, Voltaire... từng đề xướng.
Tiến trình dân chủ hóa vận hành tùy theo hoàn cảnh lịch sử của mỗi dân tộc. Tuy nhiên một cách tổng quát, có ba trở lực lớn lao chính mà các dân tộc phải vượt qua, trước khi có thể xây dựng một nền dân chủ ổn định.
Đó là các thế lực sau đây:
a. Giáo phiệt như Nhà Nước Hồi Giáo (Islamic State) hoặc Iran;
b. Ý thức hệ giáo điều đảng trị thể hiện qua các đảng cộng sản theo truyền thống Đệ Tam Quốc Tế của Lê Nin, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn Cuba… và
c. Quân phiệt như quân đội tại Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam Cộng Hóa, Nam Hàn trước giai đoạn dân chủ và nhiều quốc gia khác tại Bắc Phi, trước khi có cuộc cách mạng hoa lài.
Tôi không nhắc đến các thế lực công an mật vụ như một trở lực lớn lao chính, vì sau khi phân tách kỹ, tuy công an mật vụ nguy hiểm cho tiến trình dân chủ hóa, nhưng trong bản chất lực lượng này luôn luôn thụ động làm công cụ cho ba thế lực độc tài nêu trên tùy nghi sử dụng hầu kiểm soát quần chúng
Ngày 7 tháng 8 năm 2016, trong một cuộc trưng cầu dân ý, chính quyền quân sự Thái Lan đã thông qua một tân hiến pháp mà công luận đánh giá là một bước thụt lùi đáng kể cho tiến trình dân chủ hóa Thái Lan. Lý do bị đánh giá tiêu cực như thế vì, tuy trên nguyên tắc đây là một bản hiến pháp thiết lập một thể chế quân chủ lập hiến với một quốc hội gồm 2 viện, nhưng chỉ có một hạ viện gồm 500 hạ nghị sĩ là được nhân dân bầu trực tiếp. Trong khi đó, sẽ có các cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực của hạ viện như sau:
a. Một thượng viện gồm 250 thượng nghị sĩ hoàn toàn do Hội Đồng Trật Tự và Hòa Bình Quốc Gia (National Council for Peace and Order) của quân đội bổ nhiệm. Thượng viện sau đó sẽ bổ nhiệm một tòa án hiến pháp (constitutional court) để phán quyết về các tranh chấp chính trị.
b. Một Hội đồng Điều hành Cải tổ Quốc gia (National Reform Steeering Assembly) gồm những quân nhân hoặc phe quân đội, có quyền chuyển quyền lực chính trị từ chính quyền dân cử sang cho quân đội (tức đảo chánh) một cách hợp hiến, khi cần thiết.
c. Thượng viện có quyền bổ nhiệm một vị thủ tướng bên ngoài hạ viện, nếu hạ viện không chịu đồng thuận hoặc không thể bổ nhiệm một vị thủ tướng từ hàng ngũ của mình.
Nhìn một cách phiến diện, tiến trình dân chủ hóa trong nhiều quốc gia có khi nhanh, có khi chậm, khi thuận lợi, khi trắc trở, khi thì đột biến, khi thì tiệm tiến, nhưng trong thực chất, sự vận hành của tiến trình này luôn liên tục và bất khả vãn hồi.
Lý do của sự liên tục và bất khả vãn hồi này là vì tiến trình dân chủ hóa, một khi khởi động, thì tác động trên muôn mặt của sinh hoạt quốc gia từ tư duy quần chúng, đến sinh hoạt văn hóa, tiếp cận thông tin toàn cầu, sự thoái hóa các định chế độc tài, sự vận hành luật pháp và sự thay đổi tư duy của từng công dân, đa diện hóa xã hội dân sự, trong đó có sự tha hóa của những kẻ thống trị. Thậm chí, những chỉ dẫn khách quan cho thấy, thông thường tại những quốc gia bảo thủ, độc tài và bề mặt bình lặng nhất như Libya, Egypt, Tunisia, Yemen... thì sự chuyển hóa dân chủ lại bất ngờ, nhanh chóng và mang tính đột biến nhất.
Trong hoàn cảnh của Thái Lan, Hiến Pháp 2016 vừa thông qua không phải thuần là một hiến pháp độc tài vì vẫn có một hạ viện dân cử và hạ viện này có quyền thành lập chính phủ, bầu chọn thủ tướng và chấp chưởng hành pháp, trong một thể chế quân chủ lập hiến. Có thể gọi đây là một hiến pháp bán dân chủ (semi-democratic) vì sự kiểm soát chặc chẽ và sự định hướng chính trị của quân đội. Dĩ nhiên đây cũng là một bước thụt lùi trong tiến trình dân chủ hóa so với hiến pháp tiền nhiệm. Tuy nhiên dân chủ không hề đến dễ dàng với dân tộc Pháp như đã nêu trên và cũng sẽ không dễ dàng đến với Thái Lan, Việt Nam hiện giờ, hoặc Nam Hàn, Đài Loan trong quá khứ. Dân tộc Thái Lan sẽ phải tiếp tục tranh đấu hầu hoàn tất tiến trình dân chủ hóa trên đất nước của họ.
Theo nhận xét của tôi, trở ngại lớn nhất của Thái Lan nằm nơi sự tôn sùng quá đáng vương triều Chakri dưới quyền trị vì của quốc vương Bhumibol Adulyadej. Triều đại này được thiết lập từ năm 1782 và theo chế độ quân chủ lập hiến quốc vương này là quốc trưởng và tổng tư lệnh quân lực hoàng gia. Những biến chuyển đưa đến cuộc đảo chánh của quân đội cách đây 2 năm chứng minh sự tắc trách của hoàng gia Thái Lan.
Trước cuộc đảo chánh của quân đội vào tháng 5, 2014 lật đổ nữ thủ tướng Yingluck Shinawatra vốn là em gái của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra thì Thái Lan đã là một chính thể đa đảng. Tuy nhiên vì là một nền dân chủ non trẻ, sự tương tranh quyền lực giữa các chính đảng đôi lúc thiếu chừng mực và đưa đến khủng hoảng. Đồng thời các thế lực quân phiệt Thái Lan lúc nào cũng tiềm tàng hùng mạnh. Luôn chờ chực cướp chính quyền. Trong một nền quân chủ lập hiến nghiêm chỉnh như Anh Quốc, Nhật Bản…thì khi có những xung đột chính trị như thế và quân đội có khuynh hướng cướp chính quyền, thì quốc vương phải tích cực hổ trợ cho chính quyền dân cử hầu duy trì và ôn định chính trị.
Trong khi đó, Hoàng Gia Thái, vào thời điểm trọng đại này, đã có nhiều dấu hiệu đứng về phía quân đội hầu lật đổ bà Yingluck Shinawatra. Điều này chứng tỏ rằng, tuy Hoàng Gia Thái Lan từ năm 1932, đã chấp nhận gia nhập tiến trình dân chủ hóa, nhưng dưới ảnh hưởng của những thế lực bảo hoàng, vua Bhumibol đã không thi hành trách nhiệm của mình như một vị minh quân đúng nghĩa, vì nước, vì dân. Khi ông mặc thị dung túng cho quân đội cướp chính quyền từ một chính quyền dân chủ hai lần. Lần thứ nhất ngày 19 tháng 9, 2006 lật đổ chính quyền dân cử của Thaksin và giải tán đảng Thai Rak Thai của ông lãnh đạo. Lần thứ hai lật đổ bà Yingluck và đảng People’s Power Party vốn là hậu thân của Thai Rak Thai Party. Hai đảng này được coi là được sự ủng hộ của giai cấp nghèo và lao động Thái Lan và là có tiềm năng trở thành đối thủ của vương quyền cùng quân đội, vốn đã trở thành những định chế thoái hóa.
Tuy bản hiến pháp 2016 là một bước thoái lui trong tiến trình dân chủ hóa, nhưng những khuyết điểm phi dân chủ của nó vô cùng hiển nhiên và đi ngược trào lưu tiến hóa của nhân loại cũng như quyền lợi người dân Thái. Một khi vị vua uy tín nhưng già nua Bhumibol 88 tuổi qua đời, vương triều sẽ mất đi nhiều uy tín. Quân đội sẽ mất đi một điểm tựa tinh thần và tiến trình dân chủ hóa sẽ gia tốc cho đến khi viên mãn.
Tương tự, hiến pháp 2013 của CSVN bề mặt là một bước thoái trào trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, nhưng những khuyết điểm phi dân chủ của nó lại vô cùng hiển nhiên hơn hiến pháp Thái Lan nhiều, như tôi có phân tích trong cuốn “Phê Bình Song Ngữ Toàn Diện Hiến Pháp 2013 của Việt Nam”.
Nếu Hoàng Gia và quân đội Thái Lan không thuận lòng dân, đồng hành cùng họ trong tiến trình dân chủ hóa, thì dù nhân dân Thái có tôn sùng triều đại Chakri, chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng hủy diệt vương quyền và sự thiết lập một thể chế cộng hòa trên đất chùa tháp.
Nếu đảng CSVN không thuận lòng dân và nhanh chóng đồng hành với toàn dân tộc trong tiến trình dân chủ hóa đất nước, chúng ta cũng không thể loại trừ xác xuất những xung đột đầy máu và nướt mắt trong tương lai giữa nhân dân và đảng CSVN đưa đến sự hủy diệt toàn diện tập thể này.