Mẹ Nấm (Danlambao) - Nguyễn Hữu Quốc Duy (1985) bị Cơ quan An ninh Điều tra (PA92), CA tỉnh Khánh Hòa bắt giam từ tháng 11/2015 với cáo buộc "Tuyên truyền chống phá nhà nước" theo điều 88 BLHS.
Duy là một trường hợp "lạ" với tôi trong suốt thời gian theo dõi tin tức và chứng kiến cách cơ quan công an xử lý vấn đề.
Trường hợp của Nguyễn Hữu Quốc Duy cho tôi thấy rõ hành vi sử dụng luật pháp để trừng trị những người không biết điều với công an. Cũng là bị bắt giam, nhưng nếu biết sợ và gia đình biết vâng lời thì sẽ khác.
Duy bị biệt giam, thậm chí đến việc thăm nuôi, nơi giam giữ cũng là đòn thử thách đối với gia đình. Mẹ của Duy, cô Nguyễn Thị Nay, từ một người phụ nữ chỉ biết vất vả, tảo tần chạy chợ từng ngày để nuôi sống gia đình nay thành người viết đơn gần như chuyên nghiệp để đòi quyền lợi cho con mình.
Tôi còn nhớ mình đã giận run lên khi nghe cơ quan công an bảo cô Nay rằng: "Bà biết gì về nhân quyền?!" vì cô không đồng ý với cáo buộc con mình dùng facebook để tuyên truyền lật đổ nhà nước.
Cơ quan công an đã dùng đủ cách để gây khó khăn hòng muốn cô Nay phải nhận con mình sai, phải cam kết giáo dục lại con mình. Đây là hình ảnh của gia đình tôi năm 2009, mẹ tôi cũng nhận được các khuyến cáo tương tự từ chính PA38 (hồi đó) và PA92.
Không một người mẹ nào có thể từ bỏ con mình nếu họ biết con mình đúng. Đã có người khuyên cô Nay nên chạy cho Duy một giấy chứng nhận bị tâm thần để nhẹ tội. Nhưng cô từ chối, trong mắt cô, dù có trái tính hay nóng nảy thì Duy vẫn là người biết nghĩ đến những người xung quanh, phụ cô chăm lo gia đình chứ không đàn đúm nhậu nhẹt, cờ bạc bê tha như nhiều thanh niên khác.
Tôi gặp Duy hồi cuối tháng 9/2015 sau khi em họ của Duy là Nguyễn Hữu Thiên An đã bị bắt giam hơn 1 tháng trời không tin tức, cũng với cáo buộc bởi điều 88 BLHS. Cùng lúc Thiên An bị bắt giam, thì Duy cũng bị giữ hai ngày tại trụ sở công an tỉnh Khánh Hòa, số 80 Trần Phú Nha Trang.
Khi tôi hỏi Duy liệu em có nghĩ tới khả năng mình bị bắt không?
Em trả lời: "Em không biết, em có làm gì đâu mà bắt nhưng mấy ông ở tỉnh ghét em lắm, mấy ổng kêu em cứng đầu thì coi chừng".
Trong suốt quá trình Thiên An bị bắt giam, Duy tìm nhiều người để nhờ đưa tin, lên tiếng cho em họ mình. Thậm chí Duy còn vấp phải sự phản đối từ phía mẹ của Thiên An.
Vài tuần trước khi Duy bị bắt, mẹ Duy nhận được lời cảnh báo từ họ hàng: "Công an nói thằng Duy đừng có ngang tàng, coi chừng bị bắt cho biết lễ độ. Nó lo cho thân nó cho xong đi."
Nguyễn Hữu Quốc Duy bị bắt tại trụ sở công an thành phố Cam Ranh vào sáng ngày 28/11/2015, khi công an phường đến nhà mời Duy đến trụ sở để nhận lại đồ đạc bị tịch thu trước đó.
Một sự chuẩn bị khá hoàn hảo.
Trong suốt quá trình liên hệ để gửi đồ thăm nuôi cho Duy, cô Nguyễn Thị Nay liên tục nhắc về thời hạn giam giữ và vấn đề mời luật sư cho con. Phía cơ quan an ninh điều tra, thiếu tá Phan Bình Dương có "hứa miệng" sẽ thông báo cho gia đình lúc thích hợp.
Lời hứa gió bay, 8 tháng trôi qua, trong khi gia đình không được thăm gặp hay gửi đồ thăm nuôi trực tiếp cho Duy thì có vị luật sư Phan Bạch Mai thuộc đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa lại tình cờ gặp Duy trong trại giam Phước Đồng để nhận bào chữa miễn phí?!
Vin vào cớ này, Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa từ chối yêu cầu mời LS Võ An Đôn và LS Nguyễn Khả Thành (thuộc đoàn luật sư tỉnh Phú Yên) của gia đình Duy.
Ls Phan Bạch Mai tại sao lại có thể dễ dàng gặp Nguyễn Hữu Quốc Duy ở trại giam để rồi Duy nhờ bào chữa?!
Qua vụ việc của Duy, tôi nhận thấy rất nhiều vấn đề trong cung cách áp dụng luật của cơ quan công an tỉnh Khánh Hòa. Luật pháp rõ ràng không phải là công cụ để "dằn mặt" ai. Đặc biệt việc sử dụng luật để trị cho bỏ ghét là điều cấm kỵ.
Chưa biết sẽ xử thế nào, nhưng với toàn bộ những sách nhiễu khó khăn từ trước đến giờ mà cơ quan an ninh điều tra tỉnh Khánh Hòa dồn lên gia đình Nguyễn Hữu Quốc Duy cho thấy họ cương quyết chọn đây là vụ án điểm để lập công.
Chúng ta có quyền chê trách, có quyền lên án và phản bác nhà nước mà không phải rón rén hay rụt rè trong một định mức cho phép hay không? Hãy nhìn Duy để tự trả lời.
Hôm nay là Duy, ngày mai có thể là tôi, là bạn hay bất kỳ người nào sử dụng Facebook để nói lên quan điểm của mình.
Công lý cho Duy, là công lý cho những người theo đuổi quyền tự do ngôn luận trước một nhà nước luôn sẵn sàng sử dụng cái điều luật mơ hồ như điều 88 BLHS để bịt miệng công dân.
Đừng im lặng!
#conglychoDuy
#justiceforDuy