Nhân kỷ niệm CMT8 - Nhìn lại bản chất và thành tích của Đảng Cộng Sản Việt Nam - Dân Làm Báo

Nhân kỷ niệm CMT8 - Nhìn lại bản chất và thành tích của Đảng Cộng Sản Việt Nam

Trần Quang Thành (Danlambao) - Ông Nguyễn Gia Kiểng trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành

Một câu hỏi phải được đặt ra là tại sao vào thời điểm 1945 đảng được ủng hộ nhất lại là Đảng Cộng Sản, một đảng theo đuổi một chủ nghĩa mà mục tiêu cuối cùng là hủy diệt quốc gia? Đáng lẽ biến cố Xô Viết Nghệ Tĩnh đã phải khiến người ta hiểu rằng Đảng Cộng Sản sẽ tiêu diệt hết những thành phần không cộng sản. Chúng ta không thể nào nhấn mạnh đầy đủ sự trống vắng ý thức chính trị và tinh thần dân tộc vào giai đoạn Cách Mạng Tháng 8.

Lời giới thiệu: Một lần nữa chính quyền Việt Nam lại sắp tổ chức kỷ niệm tưng bừng Cách Mạng Tháng 8 (CMT8) mà cao điểm là ngày 19/8/1945, ngày mà cho tới gần đây Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) vẫn gọi là ngày "cướp chính quyền". Có lẽ vì thế giới đã thay đổi và "cướp" không còn được coi là một hành động vinh quang nữa nên từ vài năm nay ĐCSVN chỉ còn nói tới CMT8 mà thôi. Trái lại những người đối lập lại thường hay nhắc lại cụm từ "cướp chính quyền" này như để nói lên bản chất của chế độ. Mặt khác một dấu hiệu của thời đại là ngày càng có nhiều người nói về thành tích của Đảng Cộng Sản như thể là để nhìn lại một giai đoạn lịch sử sắp chấm dứt. 

Ngày 19/8/1945 và CMT8 đã mở đầu của giai đoạn cộng sản. Đây là dịp để nhận định lại một lần nữa biến cố lịch sử này và làm một tổng kết tạm thời về thành tích của ĐCSVN.

Nhà báo Trần Quang Thành đã có cuộc trò chuyện sau đây với ông Nguyễn Gia Kiểng, ủy viên thường trực ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

Nội dung như sau – Mời qúi vị cùng nghe :

(Youtube PV ông Nguyễn Gia Kiểng):



***********

Lược ghi cuộc trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Gia Kiểng với nhà báo Trần Quang Thành

Trần Quang Thành: Xin chào ông Nguyễn Gia Kiểng

Nguyễn Gia Kiểng: Xin chào ông Trần Quang Thành

TQT: Thưa ông Nguyễn Gia Kiểng, lại sắp đến dịp kỷ niệm Cách Mạng Tháng 8 và việc thành lập nhà nước cộng sản. Thường thường vào dịp này họ rất khoa trương nhưng những năm gần đây có vẻ lạc lõng. Có tranh luận nhiều về nguyên nhân khiến Đảng Cộng Sản chiếm được chính quyền. Theo ông tại sao Đảng Cộng Sản đã cướp được chính quyền?

NGK: Giai đoạn trước và sau CMT8 cần được các sử gia đầu tư nhiều nghiên cứu hơn nữa. Đây là một giai đoạn rất đặc biệt, có những hiện tượng rất lạ lùng. Chúng ta không thể quên rằng vào năm 1929 – 1930 đã có cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) gây tiếng vang rất lớn và dẫn tới sự hy sinh của 13 liệt sĩ bước lên đoạn đầu đài với tiếng hô "Việt Nam muôn năm!". Đây là lần đầu tiên quốc hiệu Việt Nam được hô lên. Sự hy sinh anh dũng của họ khiến hai tiếng Việt Nam trở thành thiêng liêng và trở thành quốc hiệu chính thức. Cũng năm 1930 xảy ra một biến cố rất quan trọng là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh do Đảng Cộng Sản chủ trương. Cái tên "Xô Viết Nghệ Tĩnh" đáng để ý vì nó chứng tỏ rằng Đảng Cộng Sản không tự coi như một đảng Việt Nam mà như một thành phần của Đệ Tam Quốc Tế và Liên Bang Xô Viết. Biến cố này đã rất đẫm máu. Tại những xã và huyện mà họ chiếm được họ đã tàn sát những người Việt Nam bị coi là trí thức, giầu có, địa chủ hoặc thân hào nhân sĩ với khẩu hiệu "trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ!". Phong trào này đã rất kinh khủng, nó đã tạo ra một biển máu rồi cũng bị đán áp trong một biển máu.

Thế nhưng cả hai biến cố này xảy ra trong cùng một năm 1930 đều đã hầu như không có ảnh hưởng nào trên thành phần được coi là ưu tú của Việt Nam, nghĩa là những người có ăn học. Trong suốt thập niên 1930 sau đó trí thức Việt Nam chỉ lao đầu vào học lấy bằng cấp để làm quan và thụ hưởng. Một hiện tượng lạ lùng là sau năm 1930 cả một phong trào thơ văn, nghệ thuật trữ tình và lãng mạn thật khó hiểu nở rộ lên. Tôi đã cố gắng tìm hiểu mà vẫn không hiểu được tại sao trí thức Việt Nam vào giai đoạn này lại có thể thờ ơ và vô cảm với đất nước như thế. 

Không khí chính trị chỉ sôi động trong giới thanh niên tại một số trường đại học sau khi Thế Chiến II bùng nổ. VNQDĐ hồi sinh và đảng Đại Việt ra đời. VNQDĐ tuy được hầu như mọi người ủng hộ nhưng đã tan rã như một đám đông không có lãnh đạo.

Còn đảng Đại Việt cũng không có một dự án chính trị hay tư tưởng chính trị nào cả, không những thế còn theo một chủ nghĩa rất sai trái là chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn. Chủ nghĩa này dựa trên lý thuyết Lebensraum, nền tảng của Đức Quốc Xã, theo đó các quốc gia đương nhiên phải xâm lấn lẫn nhau và chế độ đúng nhất là chế độ độc tài.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là phong trào sinh viên sôi động. Nó rất yếu ớt và chỉ giới hạn trong một số trường đại học. Phải nói là lúc đó nước ta sống trong một khoảng trống chính trị toàn diện. Không ai có một ý thức nào về tương lai Việt Nam, không ai tự hỏi Việt Nam sẽ ra sao dù lúc đó Thế Chiến II đang diễn ra và chỉ cần một chút suy nghĩ người ta phải thấy rằng chế độ thực dân sắp cáo chung và Việt Nam sẽ được độc lập.

Trong tình trạng vừa hỗn loạn vừa suy nhược đó chỉ có Đảng Cộng Sản là còn hoạt động vì họ là thành phần của phong trào cộng sản thế giới đang lâm chiến. 

Khi Nhật đầu hàng họ là lực lượng duy nhất và vì thế đương nhiên chiếm được chính quyền. Không ai phủ nhận vai trò lãnh đạo của họ, không ai chống lại họ cả. Tuy vậy họ đã lấy một quyết định kinh khủng là tiêu diệt hết những người không phục tùng hoặc bị tình nghi là có thể sẽ không phục tùng chủ nghĩa cộng sản, bởi vì mục tiêu chính của họ không phải là giành độc lập cho Việt Nam mà là thiết lập chế độ cộng sản.

Một câu hỏi phải được đặt ra là tại sao vào thời điểm 1945 đảng được ủng hộ nhất lại là Đảng Cộng Sản, một đảng theo đuổi một chủ nghĩa mà mục tiêu cuối cùng là hủy diệt quốc gia? Đáng lẽ biến cố Xô Viết Nghệ Tĩnh đã phải khiến người ta hiểu rằng Đảng Cộng Sản sẽ tiêu diệt hết những thành phần không cộng sản.

Chúng ta không thể nào nhấn mạnh đầy đủ sự trống vắng ý thức chính trị và tinh thần dân tộc vào giai đoạn CMT8. Điều đó giải thích tại sao Đảng Cộng Sản đã giành được chính quyền.

Kế tiếp là người Pháp trở lại, chính quyền quốc gia do Bảo Đại đứng đầu được dựng lên và cuộc nội chiến 30 năm.

TQT: Theo ông thì nhìn lại 71 năm cướp quyền rồi cầm quyền một cách độc tài Đảng Cộng Sản đã đạt được những thành tựu nào và để lại dấu ấn nào?

NGK: Đã đến lúc phải nói một cách giản dị và dứt khoát: thành tích của Đảng Cộng Sản đã thảm khốc và rùng rợn hơn mọi tưởng tượng.

- Trước hết là việc tàn sát hàng trăm nghìn người yêu nước hoặc vô tội, những người đảng viên hoặc bị tình nghi là đảng viên của các đảng phái quốc gia như VNQDĐ và Đại Việt, hoặc là những thân hào nhân sĩ. Ở quê tôi những người như vậy bị tàn sát hết, chỉ có một số nhỏ chạy thoát được. Thực là kinh hoàng. 

Sau đó có vụ Cải Cách Ruộng Đất đẫm máu. Nhờ khảo cứu của cố giáo sư Đặng Phong thuộc Viện Kinh Tế Việt Nam, một người của chế độ, chúng ta được biết con số nạn nhân chính xác là 172.008 người, nhưng chưa chắc con số này đã đầy đủ. 

Ngoài ra cũng có vụ đàn áp Nhân Văn Giai Phẩm. Tuy không đổ máu nhưng đây là một tội ác về văn hóa, nó đã làm thui chột văn hóa Việt Nam. Nên lưu ý một thành tích của Đảng Cộng Sản: trong 61 năm cầm quyền tại miền Bắc và 41 năm trên cả nước chế độ đã không có được một tác phẩm hay một công trình văn học nghệ thuật nào. Đó là hậu quả của một chính sách đàn áp văn hóa rất dã man. Chúng ta còn nhớ câu nói của nhà văn Nguyên Tuân, một nhà văn nổi tiếng trước CMT8 nhưng sau đó không còn sáng tác được gì nữa. Nguyễn Tuân nói với một người bạn: "Tao sống được đến ngày hôm nay là nhờ biết sợ".

Và dĩ nhiên có cuộc nội chiến 30 năm gồm hai giai đoạn: Giai đoạn 1945-1954 mà ĐCSVN gọi là giai đoạn "kháng chiến chống Pháp giành độc lập" và giai đoạn 2, 1960 – 1975, mà ĐCSVN gọi là giai đoạn "chống Mỹ cứu nước". Cuộc nội chiến này là một tội ác đối với nhân dân Việt Nam vì chỉ nhắm áp đặt chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam. Đó đã là 30 năm trong đó người Việt Nam tàn sát lẫn nhau và mạt sát nhau làm ít nhất bốn triệu người tử vong. Con số thực sự có thể lên đến sáu triệu người hay hơn nữa. 

Sau đó là 41 năm của chế độ cộng sản toàn trị trên cả nước. Kết quả là Việt Nam hiện nay ra sao? Chúng ta đứng hàng thứ 14 về dân số với gần 100 triệu dân nhưng không có một công ty hoạt động lành mạnh nào, không một thành tích khoa học kỹ thuật, không một tác phẩm văn học nghệ thuật nào được biết tới. Chúng ta hiện đang là một nước lụn bại và không đáng kể trên thế giới. Hiện nay GDP bình quân trên mỗi đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/7 mức trung bình thế giới. Ngay cả với một chính quyền hiệu quả và sáng suốt chúng ta cũng phải cần 100 năm nữa mới bắt kịp mức trung bình thế giới. Thành tích của Đảng Cộng Sản thực kinh hoàng. 

Nhưng đó cũng chưa phải là tất cả. Môi trường của chúng ta còn bị hủy hoại nặng, đạo đức xuống cấp, con người chán nản và vô cảm. Chúng ta chỉ đứng đầu thế giới về tỷ lệ phá thai với những tác hại tâm lý không lường được. 

Đã thế còn mất đất, mất biển, mất đảo mất cả chủ quyền. Vụ Formosa cho thấy là các khu công nghiệp Trung Quốc không hoàn toàn đặt dưới luật pháp Việt Nam mà giống như các nhượng địa. Gần đây có một tin mừng là Tòa án Trọng tài Quốc tế Den Hag đã dõng dạc bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc, nhưng đó cũng không phải là thành quả của chính quyền cộng sản Việt Nam. Chúng ta phải cảm ơn nhân dân và chính quyền Philippines đã kiện Trung Quốc và đạt kết quả này.

TQT: Ông vừa nói về hai giai đoạn nổi bật của cuộc chiến gọi là chống Pháp và chống Mỹ. Theo ông nét nổi bật nhất của giai đoạn chiến tranh 1946 – 1954 mà họ gọi là giai đoạn "kháng chiến chống Pháp giành độc lập", với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động năm châu là gì?

NGK: Cuộc chiến này không cần thiết. Nó là hậu quả phối hợp của sự thiếu hiểu biết về chính trị và mục tiêu áp đặt chủ nghĩa cộng sản.

Sau Thế Chiến 2 phải thấy răng chủ nghĩa thực dân đã cáo chung, các cường quốc thực dân như Anh và Pháp không chỉ phải trả độc lập cho các thuộc địa mà còn phải lo tháo chạy thật nhanh. Sau bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập họ sẽ hoặc phải trả độc lập cho các thuộc địa hoặc phải nhìn nhận quyền công dân cho các dân tộc thuộc địa và bị chiếm đóng ngược lại. Dĩ nhiên họ chọn tháo chạy. Dĩ nhiên cũng phải thương thuyết, phải tranh đấu để giành được độc lập trong những điều kiện thuận lợi nhất nhưng chúng ta biết tẩy của họ là phải tháo chạy. Phải nói thẳng rằng cuộc chiến gọi là chống Pháp đã xảy ra chỉ vì mực đích của Đảng Cộng Sản là thiết lập chế độ cộng sản mà mở rộng ảnh hưởng của phong trào cộng sản thế giới chứ không phải là để giành độc lập cho Việt Nam. Đảng Cộng Sản đã hành động như là một thành phần của phong trào cộng sản thế giới chứ không phải như một lực lượng Việt Nam.

TQT: Bây giờ nói về cuộc chiến gọi là chống Mỹ, vào ngày 30/4/2015 ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hô khẩu hiệu "đánh cho Mỹ cút". Nhưng ngày nay thực chất cuộc chiền này ra sao thì ngay trong cấp lãnh đạo cộng sản cũng có bàn cãi. Ông bình luận như thế nào?

NGK: Nếu nói một các nhân nhượng thì đây là một sai lầm tăm tối và mê muội, còn nói một cách nghiêm túc hơn thì đây là một tội ác. Đảng Cộng sản đã phạm một tội ác vô cùng lớn khi phát động ra cuộc chiến này. 

Hoa Kỳ hoàn toàn không phải là một cường quốc thực dân. Họ trả độc lập cho Philippines và không chịu sáp nhập Porto Rico dù được Liên Hiệp Quốc trao quyền quản trị hòn đảo chiến lược này và dù ba triệu rưỡi người Porto Rico đều muốn trở thành một phần của nước Mỹ. Phải nói rằng Hoa Kỳ không có chính sách giành dân lấn đất, họ chỉ tìm những đối tác. 

Những người lãnh đạo ĐCSVN không chống Mỹ vì Mỹ xâm chiếm Việt Nam, họ chống Mỹ vì tư coi là thành phần của phong trào cộng sản thế giới đang kình địch với Mỹ. Đây chỉ là cuộc chiến ủy nhiệm để "đánh cho cả Trung Quốc, cho cả Liên Xô" như lời Lê Duẩn, người đã chủ xướng và lãnh đạo toàn bộ cuộc chiến này.

TQT: Ông hồ Chí Minh hô hào đánh Mỹ với khẩu hiệu hấp dẫn "không có gì quý hơn độc lập tự do", còn ông Lê Duẩn thì nói đánh Mỹ là đánh cho Trung Quốc, cho Liên Xô và giành độc lập. Nhưng rồi thì Việt Nam sau khi sinh hơn bốn triệu người con ưu tú ngày càng lệ thuộc Trung Quốc và đang có nguy cơ trở thành một khu vực chư hầu của Trung Quốc nếu mật ước Thành Đô là có thật. Ông nghĩ sao?

NGK: Chắc chắn là có mật ước Thành Đô nội dung của nó như thế nào thì phải đợi đến khi chế độ cộng sản không còn nữa chúng ta mới có tài liệu chính xác, nhưng chắc nó là một mật ước hy sinh chủ quyền rất lớn, bởi vì sau nhiều cáo buộc rất có cơ sở của những người xuất phát từ chế độ Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn im lặng tuyệt đối. Sự im lặng này tự nó cũng là một lời thú nhận. Thế nhưng tôi nghĩ chúng ta không cần quá lo lắng. Đây chỉ là một thỏa thuận ngầm giữa hai đảng cộng sản và không ràng buộc nhân dân Việt Nam. Nó sẽ mất hết hiệu lực ngay khi chế độ cộng sản không còn nữa, và ngày đó không còn xa. Tôi không loa âu về khả năng Việt Nam sẽ biến thành một tỉnh tự trị của Trung Quốc.

Trái lại điều đáng lo âu trong lúc này là chúng ta lệ thuộc Trung Quốc nhiều quá. Từ 25 năm nay Việt Nam ngày càng lệ thuộc Trung Quốc, đã cho Trung Quốc thuê nhiều khu rừng đầu nguồn, cho Trung Quốc khai thác bôxít tại Tây Nguyên, cho Trung Quốc lập nhưng khu công nghiệp gần như tự trị. Trung Quốc trúng thầu 90% các công trình kết cấu hạ tầng, hàng hóa Trung Quốc tràn vào Việt Nam như chỗ không người bóp nghẹt công nghiệp Việt Nam, Việt Nam gần như đã trở thành cảng để xuất khẩu hàng Trung Quốc mang nhãn made in Vietnam.

Gần đây chúng ta thấy đang có cố gắng để thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng đây là một cố gắng rất khó khăn do mức độ lệ thuộc quá đáng.

TQT: Câu hỏi cuối cùng để ông Nguyễn Gia Kiểng giải đáp. 

Có một nhà khoa học nghiên cứu rất tường tận về các chế độ độc tài trên thế giới. Vị này nói là không chế độ độc tài nào sống thọ được đến năm tuổi 75. Liên Xô đến năm thứ 74 thì tan rã. Các đảng độc tài Châu Phi cũng thế. Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản cũng ra đi khi chưa đến tuổi 75. Vậy Đảng cộng sản Việt Nam họ đã qua cái tuổi cổ lai hi đã qua tuổi 70 rồi. Vây theo ông Nguyễn Gia Kiểng thì Đảng Cộng Sản Việt Nam có đi vào quĩ đạo của của các đảng độc tài, họ sẽ ra đi trước tuổi 75 hay sẽ bền bỉ hơn ạ?

NGK: Tôi không tin vào những kết luận dựa trên những con số ngẫu nhiên như vậy. Có những chế độ độc tài khác nó tồn tại lâu hơn. Ở Trung Quốc đã có những chế độ độc tài kéo dài đến 400 năm, như nhà Hán. Thế nhưng tôi nghĩ Đảng Cộng Sản ngày hôm nay đang sống những ngày cuối cùng dựa trên những lập luận thực tế:

Thứ nhất là họ đặt nền tảng trên chủ nghĩa Mác - Lênin, một chủ nghĩa không những bị nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới bác bỏ mà còn nhìn là một tội ác đáng kinh tởm đối với loài người. Họ đã mất hết tình cảm và sự kính trọng của nhân dân Việt Nam. 

Thư hai là về mặt thành tích như tôi vừa nói họ đã là một tai họa ghê gớm về mọi mặt đạo đức, văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, kinh tế, công nghiệp, môi trường, và cả về chủ quyền.

Cho đến ngày hôm nay họ vẫn cố bám lấy hào quang của một lực lượng đã có đấu tranh giành độc lập. Thế nhưng ngày nay lập luận đó đã bị lố bịch hóa sau khi họ đưa đất nước vào quá sâu trong sự lệ thuộc đối với Trung Quốc. Cho nên ngày nay không ai còn nhìn đảng cộng sản như một lực lượng giải phóng dân tộc. Càng ngày càng đông người nhìn đảng cộng sản như một đảng có tội làm mất chủ quyền. Nhiều người còn mạt sát họ là một đảng phản quốc, điều này cũng không oan lắm.

Phải nói rằng đến ngày hôm nay đảng cộng sản không còn bất cứ lý do nào để tồn tại nữa. Nhân dân Việt Nam nhìn nhận họ không như một chính quyền Việt Nam mà như một lực lượng chiếm đóng. Điều đó cũng không ngoa chút nào. Họ là một lực lượng chiếm đóng không bình thường, một lực lượng chiếm đóng đã hết vũ khí và lương thực. Họ đang đứng trong một tình trạng kinh tế, tài chính rất khó khăn, nợ công chồng chất trong khi ngân quĩ trống rỗng, khả năng vay tiền các định chế quốc tế và các quỹ đầu tư gần như không còn. Quan sát kỹ chúng ta thấy nhà nước cộng sản Việt Nam đang cố gắng thâu tóm và tận dụng khối tiết kiệm trong nước. Thế nhưng khối tiết kiệm đó nó không có là bao nhiêu. Hơn nữa chính sách này đang đặt các ngân hàng Việt Nam trước nguy cơ phá sản. Chế độ này không còn một lý do nào để tồn tại và cũng không còn sức để tồn tại nữa. Cho nên sự cáo chung của nó là rất gần, không phải dựa vào bói toán hay con số 75 mà bởi vì lô-gic buộc nó phải chấm dứt.

Còn một lý do nữa là hiện nay đang có một cố gắng cải thiện chế độ nhưng cải thiện không được. Vì sao? Lịch sử đã chứng tỏ rằng người ta không thể dân chủ hóa chế độ cộng sản. Lịch sử cũng đã chứng tỏ rằng người ta không thể cải tổ một chính quyền tham nhũng để nó bớt tham nhũng và chế độ cộng sản Việt Nam đang bị đục khoét bởi tham nhũng ở mức độ vô cùng nghiêm trọng.

Có một câu nói để đời của một nhà tư tưởng và nghiên cứu chính trị ở thế kỷ 19, ông Alexis de Tocqueville. Ông ấy nói “Mối nguy của các chế độ bạo ngược thường xảy ra vào lúc họ cố gắng để tự cải thiện”. Phải nói hiện nay chế độ cộng sản đang có cố gắng để tự cải thiện nhưng cố gắng đó sẽ không thành công. Thứ nhất là vì họ đã để cho tình trạng quá nghiêm trọng rồi, không thể chấn chỉnh được nữa. Thứ hai là vì những người lãnh đạo không có tầm vóc và khả năng ngang tầm với mức độ khó khăn của tình thế và thực ra cũng không muốn làm cuộc cải tổ, họ vẫn muốn giữ nguyên chế độ độc tài đảng trị. Họ đang làm một việc khó vượt sức của họ mà họ vừa không biết làm vừa không muốn làm nên thất bại là điều chắc chắn.

Tôi nghĩ rằng sự tồn tại của đảng cộng sản không còn bao lâu nữa. Tôi không muốn nói tới một con số bởi vì tình thế còn tùy thuộc vào ý chí tự cởi trói của dân tộc Việt Nam. Có vẻ thế hệ hiện nay hơn hẳn thế hệ trước nhưng ý chí tự cởi trói đó vẫn còn là một dấu hỏi. Chúng ta chưa thể khẳng định được một cách chắc chắn bao giờ chế độ này sẽ chấm dứt, chúng ta chỉ có thể tin chắc rằng nó sẽ sẽ chấm dứt rất nhanh chóng, có thể nhanh hơn mọi dự đoán.

Sau khi đó Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ được nhớ tới như một tai họa chưa từng có cho nhân dân Việt Nam. 

Thần tượng Hồ Chí Minh sẽ sụp đổ. Ông Hồ Chí Minh sẽ được các thế hệ mai sau nhớ tới như một con người có trình độ văn hóa và nhân cách đạo đức thấp nhưng rất mưu mô, đã thành công vì xảo quyệt hơn là vì những khả năng bình thường của một người lãnh đạo quốc gia. Ông đã du nhập chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam và gây ra những thiệt hại to lớn mà trước đây chưa có ai gây ra và sau này có lẽ cũng sẽ không ai có thể gây ra cho dân tộc Việt Nam.

TQT Xin cảm ơn ông Nguyễn Gia Kiểng



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo