“Muốn an toàn, Thanh nên trốn đâu?” - Dân Làm Báo

“Muốn an toàn, Thanh nên trốn đâu?”

Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) - Bạn tôi gọi điện thoại hỏi tôi như thế. Tôi trả lời "Seattle." Người bạn tôi hơi sững sờ im lặng trong giây lát rồi hỏi tiếp, "sao ông lại nghĩ như vậy?" Tôi đáp: "Đơn giản lắm, nếu Vân Nam là nơi an toàn để vây cánh đảng ủy phe TBT Trọng trốn nếu bị khốn đốn đảo chánh thì Seattle cũng là "safe house" của vây cánh bên phe ông Dũng."

Anh bạn tôi bảo muốn gặp riêng tôi để bàn bạc thêm chuyện này. Hai chúng tôi gặp nhau tại tư gia, với hai ly cà phê nóng. Tôi trình bày bản nháp nhiều bài viết còn đang dang dở, tính viết xong bài nào thì sẽ gửi bài viết đó cho Dân Làm Báo. Anh bạn tôi đọc qua nhiều bài xong rồi bỗng nói, “ông nên có thêm lối viết tự thuật, hỏi trả lời cho đa dạng phong phú.” Tôi bảo "OK." Và đó là lý do tại sao tôi bài viết này với lối viết khác trước giờ.

"Bây giờ chúng ta "vào vấn đề"" - Anh bạn tôi nói. "Trước hết, vụ Trịnh Xuân Thanh có phải là dàn dựng để cho vấn đề Formosa hay vụ rối loạn quân khu II bớt nóng hay không? Vì tôi biết rõ Trọng mà đã muốn bắt thì làm sao Thanh có thể thoát được?"

Tôi ngồi trầm ngâm suy nghĩ, vụ Trịnh Xuân Thanh quả thật nổi lên như cồn nhưng vụ rối loạn tại QK II lẫn vụ Formosa vẫn không hề chìm xuồng từ mặt thông tin bình luận đến những căng thẳng thật sự bên trong đảng do hai vụ này gây ra. Thanh chỉ là con tép riu, tiền tài tổn thất do Thanh gây ra tuy là lớn nhưng di hại không nặng nề bằng vụ Formosa hay vụ rối loạn QK II; cũng như không cách gì gây xáo trộn chính trị hay đe dọa đến chiến lược chính trị của Cộng đảng như vụ Formosa hay vụ rối loạn QKII. Nhưng nay, vụ Trịnh Xuân Thanh lại trở thành vụ lớn vì những thế lực chính trị từ nội bộ vây cánh bên trong đảng đang muốn lợi dụng vụ Trịnh Xuân Thanh để đấu đá giành thêm quyền lực. 

Tôi trả lời với bạn tôi như sau: "Vụ Trịnh Xuân Thanh phải là cái bẫy chính trị gài sẵn, chờ sẵn để TBT Trọng đang háo thắng sau ĐH đảng lần thứ 12, sơ ý lao vào rồi lọt hố." 

“Theo ông thì cái hố bao sâu?” Bạn tôi hỏi.

“Sâu à!” Tôi khẳng định. “Để có thể biết được cái hố này bao sâu," tôi nói tiếp, "thì phải hiểu rõ tại sao cái hố Trịnh Xuân Thanh lại cần thiết!"

Tôi thấy bạn tôi im lặng nên tôi nói tiếp, "trong bài viết "Việt Nam thế sự" định gởi Dân Làm Báo, tôi nghĩ lý do cần thiết của cái hố chính trị kiểu Trịnh Xuân Thanh đã được đề cập." Bài viết này mở đầu như sau:

"A. Khái quát nội tình chính trị Việt Nam từ ĐH đảng lần thứ 12:

Nội bộ lãnh đạo của ĐCSVN tiếp tục chia rẽ và rối loạn từ ĐH đảng lần thứ 12 đến nay. Sự rối loạn này lây lan đến hàng ngũ sỹ quan tướng lãnh quân đội và dàn nhân sự tại mọi ban ngành, tại mọi địa phương. Hệ quả đấu đá chính trị từ ĐH đảng lần thứ 12 làm khả năng kiểm soát và lãnh đạo từ TƯ đã bắt đầu bị yếu hẳn đi dù bề ngoài, được che đậy bằng sự thắng cuộc vẻ vang của vây cánh TBT Trọng khi hất ngã thành công thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi bộ Chính Trị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải rời bộ Chính Trị không có nghĩa là vây cánh của ông chịu rời khỏi quyền lực và chịu nhả lại những quyền lợi tiền tài kinh tế khổng lồ bấy lâu nay thụ hưởng cho đàn em vây cánh của TBT Trọng. Điều này dẫn đến nhiều xích mích, đấu đá, thanh trừng khiến cho ông Trịnh Xuân Thanh, phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, trước có liên hệ đến nhiều vụ thất thoát ngân sách tại bộ Công Thương khi ông Dũng còn là thủ tướng, quay lại chống đối và tạo phản. Ông Thanh chỉ là một phần bề nổi của cả một thế lực muốn bám lấy quyền lợi kinh tế nhóm và không muốn san sẻ quyền lợi này cho vây cánh của TBT Trọng. 

Để duy trì và củng cố lại sự kiểm soát của mình tại QK II, TƯ đảng đã phải dùng đến cả hạ sách bắn chết bí thư Yên Bái là ông Phạm Duy Cường ngay tại trụ sở tỉnh do những dính líu của ông cán đầu tỉnh này trong vụ tranh chấp chức TLQK II. Dù dùng đến cả hạ sách như vậy, QK II vẫn không hề được ổn định. Bằng chứng là ông Phùng Sĩ Tấn vừa mới được lên lon thiếu tướng vào năm 2015 để đảm nhiệm chức Tham mưu trưởng QKII, đã vượt qua mặt phó Tư lệnh quân khu là thiếu tướng Ngô Văn Hùng, để tạm thời điều hành quân khu. Ông Hùng đã là thiếu tướng từ năm 2008, đã ở chức phó Tư lệnh quân khu này vào thời Đỗ Bá Tỵ còn làm tư lệnh quân khu, tức là vào năm mà ông Tấn chỉ mới là trung tá mà thôi.

Những hiện tượng rối loạn nội bộ ĐCSVN được báo chí đề cập như vụ rối loạn QK II dẫn đến thanh toán tại Yên Bái hay vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị thanh trừng tuy chỉ là phần nỗi của sự rạn nứt quá rộng quá sâu bên trong nội bộ ĐCSVN nhưng lại thể hiện đầy đầy đủ và rõ ràng hai nguyên nhân tại sao có sự rạn nứt bên trong nội bộ của ĐCSVN. Đó là tác động của các siêu cường lên nội bộ ĐCSVN và tham vọng tiền tài quyền lực của giới chóp bu trong TƯ đảng.

Năm nhân vật hàng đầu của ĐCSVN hiện nay gồm TBT Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Bí thư thường trực TƯ Đảng Đinh Thế Huynh vẫn sẽ tiếp tục bị hai nguyên nhân này cuốn hút mạnh mẽ khiến sự rạn nứt bên trong nội bộ ĐCSVN không bao giờ có thể cứu vãn mà chỉ ngày một thêm banh nát.”

Bạn tôi nhìn lại bài viết rồi nói “như vậy là cái hố chính trị Nguyễn Xuân Thanh sâu hay cạn là do hai nguyên nhân này?” 

Tôi nghĩ đúng là như vậy. Bởi vì phe TBT Trọng muốn đổi đối sách chiến lược chính trị của Việt Nam, ngả hẳn về phía Trung Cộng trong khi các phe phái còn lại trong đảng đang bị Hoa Kỳ chi phối thì không thể nào ngồi im mà không phá TBT Trọng thẳng tay. Trong vụ này, tiền tài đến sau nhưng điều chính vẫn là sự chọt gậy của Hoa Kỳ đối với vây cánh của ông Trọng. 

Tôi bèn nói với bạn tôi: "Trịnh Xuân Thanh chỉ là một anh con nít cơ hội chết nhát, núp bóng bố lên lon thì làm gì mà dám chọi với bậc chú bác như TBT Trọng. Hắn tự tin như vậy để rồi làm ngọn cờ đầu phản Trọng lập công là vì biết có cả một thế lực tiền tài quân đội quá lớn đang đứng sau thản nhiên thách thức TBT Trọng. Chỉ có vây cánh thân Hoa Kỳ trong đảng mới dám nêu đích danh Trọng ra mà chọi đá."

Anh bạn tôi đọc đến phần B của bài viết "Việt Nam thế sự" Phần B như sau:

B. Nguyên nhân 1: Ảnh hưởng của các siêu cường lên chính trường Việt Nam

I. Tác động của Hoa Kỳ và Ấn Độ trong tranh chấp nội bộ của ĐCSVN:

Chủ Tịch Tập Cận Bình tung một khoản tiền 200 triệu Mỹ kim cho TBT Trọng vay mượn vào ngày 6 tháng 11 năm 2015 không phải là để TBT Trọng củng cố sức mạnh quốc phòng của Việt Nam mà là để củng cố quyền uy chính trị của vây cánh TBT Trọng trong đảng. Khoản tiền 500 triệu đô mà thủ tướng Ấn Độ là ông Modi tung ra cho Việt Nam vay mượn khi ông viếng thăm Việt Nam vào ngày 3 tháng Chín vừa qua là để tăng thêm khả năng tấn công của nền quốc phòng Việt Nam thông qua việc Ấn cung cấp các hỏa tiễn hiện đại cho quân đội Việt Nam. 

TBT Trọng không thể nào yên ổn khi một mặt nhận 200 triệu đô của họ Tập để củng cố chính trị trong nội bộ rồi lại nhận số tiền hơn gấp đôi, lên đến 500 triệu đô từ phía Ấn để mua hỏa tiễn bắn vào quân đội của họ Tập khi cần thiết. Rõ ràng, thủ tướng Ấn, dưới sự bật đèn xanh của đồng minh là Hoa Kỳ, đã tung một chiêu thức ngoại giao vừa có thể tát vào mặt họ Tập, vừa có thể khiến vây cánh TBT Trọng lâm vào cảnh khó xử trước Tập Cận Bình. 

TBT Trọng mà từ chối sự giúp đỡ này của Ấn thì các tướng lãnh QP sẽ làm loạn ngay lập tức mà nếu nhận số tiền này thì áp lực chính trị từ Bắc Kinh sẽ khiến vây cánh của Trọng bị chao đảo yếu thế. TBT Trọng trốn lì tại Hà Nội mà gửi con rối của mình là thủ tướng "mát-de" Phúc đi Bắc Kinh thay thế mình sau khi nhận tiền tài trợ quốc phòng từ Ấn thì lại càng làm cho Bắc Kinh sốt ruột và sẽ có những hành động can thiệp thúc ép TBT Trọng mạnh mẽ hơn nữa trong nay mai. Dù gì đi chăng nữa, tình báo của Trung Nam Hải cũng dày đặc ở TƯ khiến TBT Trọng không thể núp bóng được lâu. Cho nên có thể nói, năm trăm triệu đô viện trợ của thủ tướng Ấn, ngoài việc giúp hiện đại hóa cho nền quốc phòng Việt Nam ra, còn có công dụng bẻ nát mối liên hệ giữa họ Trọng và Bắc Kinh một cách nhẹ nhàng không tiếng động.

Đương nhiên hành động này của thủ tướng Ấn không nằm ngoài những bàn bạc riêng tư giữa Hoa Kỳ và Ấn. Hoa Kỳ đã có những bước đi rất nhịp nhàng với Ấn trong suốt 18 tháng qua trên chính trường Việt Nam nói riêng và tại Đông Dương nói chung. Cụ thể là gần đây nhất, Hoa Kỳ đã bãi bỏ việc ngăn cấm bán vũ khí có mức độ sát thương mạnh đối với Việt Nam trong chuyến đi quá cảnh sang Việt Nam của Tổng thống Obama vào ngày 22 tháng Năm vừa qua. Điều này mở đường cho những can dự sâu hơn của Ấn về mặt quốc phòng tại Việt Nam. Điều khá thú vị là TT Obama cũng nhanh chóng lôi kéo được Lào vào trong trục của mình vào đầu tháng Chín bằng cách hàn gắn quan hệ hai nước và viện trợ kỹ thuật, ngân sách lên đến gần 60 triệu Mỹ kim để giúp Lào tháo gỡ bom mìn. Từ đây, nhân viên kỹ thuật quân sự của Mỹ, lấy cớ giúp Lào để tháo gỡ bom mìn, sẽ hiện diện nhiều hơn tại vùng biên giới Việt Lào. Cũng xin lưu ý là QK II, QK IV, QK V của Việt Nam có một đường biên giới với Lào gần 2700 km. Nay thì viên chức quân sự Hoa Kỳ có thể dòm ngó thu thập tin tức quân sự động tĩnh của các quân khu này một cách dễ dàng, nhất là hổ trợ tiếp viện khi cần thiết nếu QK II bị Trung Cộng tấn công.

Vào ngày 20 tháng Ba năm 2015, trong bài: "Hé lộ chi tiêu văn phòng TƯ đảng,” hãng thông tấn BBC của Anh loan báo chỉ mỗi văn phòng TƯ đảng (VPTUĐ) không thôi, mỗi năm tiêu sài lên đến gần 100 triệu Mỹ kim chính thức, chưa kể những khoản chi tiêu khổng lồ ngấm ngầm khác giữ kín không loan báo. VPTƯĐ, mặc dù là cơ quan của đảng, không phải của chính phủ, nhưng có đến 2895 người hưởng biên chế công quỹ vào năm 2014. 

Nếu những cán sự đảng viên tại VPTUĐ lãnh lương gần 100 dollar Mỹ/ ngày, tức khoảng 36500 đô la Mỹ/năm, thì mỗi năm công quỹ đã phải tốn hao gần 106 triệu Mỹ kim cho những đảng viên làm việc tại văn phòng này. Đương nhiên, mức thu nhập của các các đảng viên tại VPTUĐ không thể nào vỏn vẹn chỉ 36500 đô la mỗi năm mà lên đến cả mấy trăm ngàn hoặc triệu dollar mỗi năm. Nếu thật sự như thế thì mọi người đều thấy, TƯ ĐCSVN là con bọ vòi hút máu công quỹ một cách kinh khiếp.

Các ban ngành, các cục trong các bộ của chính phủ tràn ngập đảng viên hối lộ và tham nhũng mà nền kinh tế èo uột của Việt Nam không cách gì cán đán cho nổi. Viện trợ kinh tế tức thời của Trung Cộng cho TƯ đảng dù lên đến cả trăm triệu đô la nghe có vẻ lớn lao nhưng chỉ đủ để phe phái có lập trường quy lụy Bắc Kinh thắng thế trong nội bộ lãnh đạo đảng nhưng không đủ để nuôi toàn bộ ba triệu đảng viên cả năm hay năm này qua năm nọ cũng như sẽ không đủ cho các kinh phí hoạt động cần thiết khác của đảng. 

Cho nên, bất cứ phe nào thắng cuộc sau khi đấu đá xong cũng điều phải nhìn về Hoa Kỳ và cầu xin mở rộng kinh tế, tăng thêm tiền cho mượn thông qua Ngân Hàng Thế Giới WB hay Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF hoặc ngân hàng Phát Triển Á Châu ADB để có đủ kinh phí mà điều hành bộ máy chính trị độc tài đảng trị cồng kềnh tham nhũng của mình. 

Xin được lưu ý là cả ba tổ chức tài chánh từ WB, IMF và cả ADB nêu trên đều nằm dưới quyền kiểm soát của Hoa Thịnh Đốn và đây là ba nguồn tài chánh chủ yếu đã giúp Việt Nam phục hưng kinh tế sau 10 năm Quá Độ nghèo đói tan nát theo đường lối kinh tế XHCN của Liên Xô. Hoa Thịnh Đốn không bật đèn xanh bãi bỏ cấm vận tài chánh để ba tổ chức này ứng cứu kinh tế và tài trợ ngân sách cho đảng thì Việt Nam vẫn sẽ là một Bắc Hàn không hơn không kém. 

Chiến thắng trong việc đấu đá nội bộ đảng để dành quyền lãnh đạo đảng tưởng đã khó, thế nhưng sau khi ở vị trí lãnh đạo cần phải tiếp tục tìm nguồn tài chánh để toàn đảng, với một cơ chế nội bộ cồng kềnh tham nhũng đến kinh khiếp, có thể duy trì hoạt động mà không bị tê liệt thì lại càng khó khăn hơn. Cho nên có thể dễ dàng nhìn thấy, sức mạnh của đồng đô la bơm vào Việt Nam từ phía Hoa Kỳ không ngừng nghỉ trong suốt 30 năm tính từ năm 1986 bởi WB, IMF, ADB và từ Việt Kiều tỵ nạn CS (tại Mỹ) đã giúp cho ĐCSVN tiếp tục duy trì trên quyền lực chứ không phải là họng súng mà đảng đang có. 

Lúc trước khi còn khối XHCN ở Đông Âu, bị Hoa Kỳ cấm vận, ĐCSVN nhờ có Liên Xô nuôi dưỡng kinh tế nên mới có kinh phí hoạt động. Nếu nay Hoa Kỳ thật sự quay trở lại cấm vận Việt Nam thì ĐCSVN sẽ rã nát vì không còn ai nuôi dưỡng. Trung Cộng, tuy là một nước Cộng Sản nhưng nếu ĐCSVN bị rã nát, Trung Cộng có điều kiện sát nhập các chi bộ ĐCSVN ở miền Bắc Việt Nam vào chi bộ đảng của mình tại Vân Nam vẫn có lợi về mặt lãnh thổ và chính trị hơn là tài trợ tài chánh để ĐCSVN tiếp tục tồn tại.

Cho nên, bảo rằng Hoa Kỳ không hề có một ảnh hưởng chính trị nào bên trong nội bộ nhân sự của ĐCSVN hay cho rằng ảnh hưởng chính trị của Hoa Kỳ bên trong nội bộ nhân sự ĐCSVN bị lép vế trước ảnh hưởng chính trị của Trung Cộng là một điều sai lầm cho mọi suy xét phân tích về thực trạng chính trị của Việt Nam hiện nay.

Nói một cách ngắn gọn hơn, nếu suy xét cho thiệt kỹ, chính Hoa Thịnh Đốn là chủ nhân ông thật sự của ĐCSVN, Hoa Kỳ chỉ cần cắt mọi viện trợ tài chánh thì ĐCSVN sẽ bị suy kiệt dẫn đến tê liệt và phân rã trong chớp mắt vì không còn kinh phí để hoạt động. 

Còn tại sao ông chủ Hoa Kỳ cứ mãi giả đò yếu thế, lép vế trước thanh thế của Trung Cộng trong nội bộ ĐCSVN hay thậm chí, giả đò chiều chuộng giới chóp bu dốt nát của ĐCSVN thì rõ ràng, ông chủ Mỹ đang có một âm mưu lớn hơn, lâu dài hơn tại Việt Nam và tại Trung Hoa mà ĐCSVN chính là khói màu có thể che đậy được âm mưu của Hoa Kỳ một cách kín đáo nhất trong lúc này!

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền uy của ông chủ, đương nhiên, Hoa Kỳ thật sự cũng có cài nhiều "răng nanh" bên trọng nội bộ nhân sự chóp bu của ĐCSVN mà cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay tướng Đỗ Bá Tỵ chỉ là phần nỗi, còn bao nhiêu đảng viên chóp bu khác sẵn sàng nghe theo lệnh của Hoa Thịnh Đốn khi cần thiết, điều này không phải dễ mà một sớm một chiều có thể mò ra được, dù rằng, nếu kiên nhẫn và chịu khó quan sát kỹ lưỡng, chúng ta vẫn có thể dự đoán được các đảng viên nào đang chờ lệnh của Tòa Bạch Ốc.

II. Nhật Bản quay trở lại chính trường Việt Nam:

Sau thất bại Đệ Nhị thế chiến vào năm 1945 thì mọi ảnh hưởng chính trị của Nhật Bản lên Việt Nam không còn được ai nhắc đến. Thế nhưng chỉ hai năm gần đây, vai trò của Nhật Bản trong việc giúp đỡ Việt Nam tăng cường phong thủ hàng hải bỗng vang dội - nhất là khi Hải quân Nhật được phe cánh của thủ tướng Dũng cho phép sử dụng cảng Cam Ranh để tiếp liệu từ năm 2016 trở đi. Vào ngày 6 tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Dũng đã tiếp bộ trưởng QP Nhật là ông Nakatani khẳng định quyết tâm hậu thuẫn Nhật hiện diện hải quân tại miền Trung Việt Nam, dẫn đến sự hiện diện của Hải quân Nhật lần đầu tiên tại Cam Ranh sau đệ nhị thế chiến. Hai tàu chiến Nhật đến cảng Cam Ranh vào ngày 15 tháng Tư năm nay với khoảng 500 quân nhân chính thức mở đầu cho một thời đại can dự của Nhật sâu hơn tại chính trường Việt Nam. Và tiến trình gia tăng ảnh hưởng chính trị của Nhật lên Việt Nam gần như sẽ còn tiếp tục bất luận mọi sự ngăn cản của các thành phần bảo thủ thân Trung Cộng xung quanh TBT Trọng.”

"Như vậy," bạn tôi nói, "cái hố chính trị Trịnh Xuân Thanh đang có "master mind" dàn dựng công phu sâu thẳm để chọi ông Trọng - "chơi" cho đến khi nào Trọng té mới thôi?!?"

"Quá rõ rồi!" Tôi uống một ngụm cà phê gật đầu. 

“Bây giờ quay trở lại vấn đề Seattle, tại sao phải là Seattle?” Bạn tôi hỏi.

Tôi nói: "Lúc đầu, tôi nghi ngờ ông Thanh đang ở Singapore, hay ở Úc hoặc đang ở các nước Tây Âu hơn là ở Seattle nhưng nếu vụ này thật sự có tình báo Hoa Kỳ nhúng tay dàn cảnh thông qua tướng Hưởng thì chắc chắn ông Thanh sẽ được qua bên Mỹ để được bảo vệ vì người Mỹ làm việc trước giờ rất cẩn thận. Và gần như tình báo Hoa Kỳ tại Việt Nam không thể nào bỏ qua mà không điều nghiên vụ "chọi đá" công khai này. Ngoài ra, đã có nguồn tin của một vài người ở Seattle mà tôi quen biết thông báo qua email cho tôi biết thấy có người rất giống ông Thanh. Tôi hy vọng là họ lầm, và cả tôi cũng lầm vì tôi vẫn mong ông Thanh không ở Hoa Kỳ thì nội vụ Trịnh Xuân Thanh không sâu như ta tưởng, mà nếu đúng như vậy thì vụ Trịnh Xuân Thanh sẽ nhanh chóng chìm xuồng không có gì lo lắng bàn đến nữa."

"Ông hiểu lầm câu hỏi của tôi rồi!"- Bạn tôi nói, "ở đây tôi không hỏi là việc thằng Thanh nó có thật sự ở Seattle hay không mà tôi muốn hỏi là nếu như Thanh trốn qua Mỹ theo kế hoạch, thì bao nhiêu nơi không lựa mà tại sao lựa thành phố Seattle? Có lý do gì không? Còn về thằng Thanh trốn đâu thì tôi lại không quan tâm lắm. Chúng ta đang bàn bạc để hiểu bản chất của sự việc, không phải đi kiểm chứng sự việc.”

""Nếu thật sự người Mỹ để Thanh ở Seattle thì tức là họ muốn Thanh ở gần ông Dũng, để ông Dũng sai bảo. Sau vụ thất bại ở ĐH đảng lần thứ 12, ông Dũng lùi qua Seattle một thời gian, theo như bạn bè của tôi ở Seattle khẳng định.” Tôi trả lời.

Bạn tôi nhìn đồng hồ rồi bỗng nói, "thôi chúng ta dừng lại đi ăn. Tôi cũng cần thì giờ để nghiệm lại vấn đề." 

Tôi nói: "nhưng bài "Thế sự Việt Nam" còn đang bàn dở dang, chẳng lẽ nào lại dừng ngang tại đây?" Bạn tôi nói, "chúng ta còn đàm đạo tiếp, lo lắng gì"

Cả hai chúng tôi im lặng đi bộ ra quán ăn. Tôi không biết bạn tôi đang nghĩ gì. Ánh nắng chiều gay gắt dù sắp tàn. Chế độ Cộng Sản này cũng giống như nắng chiều, sắp tắt trên đất nước Việt Nam nên mọi nhơ nhuốc cứ càng ngày càng lộ ra thêm rõ ràng.

18.9.2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo