Nguyễn Phú Trọng bắt giam Vũ Đức Thuận, chuẩn bị "sờ gáy" Đinh La Thăng - Dân Làm Báo

Nguyễn Phú Trọng bắt giam Vũ Đức Thuận, chuẩn bị "sờ gáy" Đinh La Thăng

Ông Vũ Đức Thuận - một trợ lý thân tín của Đinh La Thăng đã bị bắt giam.
Hoàng Trần (Danlambao) - Ngày 16/9/2016, cơ quan cảnh sát điều tra (C46) thuộc bộ công an đã chính thức khởi tố, bắt giam đối với ông Vũ Đức Thuận, cựu tổng giám đốc  Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cùng 3 thuộc cấp.

Vụ bắt giữ xảy ra ngay sau khi ông Trịnh Xuân Thanh - cấp trên của ông Thuận thời còn ở PVC, biến mất một cách bí ẩn suốt hơn 1 tháng qua. Cả ông Thanh lẫn ông Thuận đều là những người thân tín đối với ông Đinh La Thăng, bí thư thành uỷ TP.HCM.

Động thái trên cho thấy cuộc chiến triệt hạ phe phái do tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cầm đầu đã chuyển sang một bước ngoặt mới với cường độ ngày càng khốc liệt hơn.

Vuột Thanh, vồ Thuận, đả Thăng

Ông Vũ Đức Thuận.
Liên quan đến khoản thua lỗ 3,300 tỷ tại PVC, 3 thuộc cấp của ông Vũ Đức Thuận cùng bị khởi tố bắt giam gồm có: ông Nguyễn Mạnh Tiến - phó tổng giám đốc PVC; ông Trương Quốc Dũng – cựu phó tổng giám đốc PVC; ông Phạm Tiến Đạt, cựu kế toán trưởng PVC.

Cả 4 người trên cùng bị cáo buộc tội danh "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" tại Tổng công ty PVC theo điều 165 bộ luật hình sự.

Theo thông báo được đăng trên Cổng thông tin Điện tử bộ công an, trong quyết định khởi tố không có tên của ông Trịnh Xuân Thanh – cựu chủ tịch hội đồng quản trị PVC tại thời điểm xảy ra thua lỗ.

Chi tiết này đã gián tiếp xác nhận thêm về nghi án cựu phó chủ tịch Hậu Giang đã bỏ trốn ra nước ngoài trong suốt nhiều ngày qua.

Thông báo của C46 cũng cho hay, cơ quan này “đang khẩn trương tiến hành điều tra triệt để, mở rộng vụ án”.

Nhiều ý kiến cho rằng, sau cuộc tẩu thoát ngoạn mục của Trịnh Xuân Thanh, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải vội vàng ra lệnh bắt giam ông Vũ Đức Thuận nhằm cứu vãn tình thế.

Qua giải pháp “vuột Thanh, vồ Thuận, đả Thăng”, ông Trọng đã chính thức nổ phát pháo hiệu khởi đầu cho cuộc chiến thanh trừng các đối thủ chính trị trong đảng, đặc biệt là những nhân vật thuộc phe Nguyễn Tấn Dũng. Dự kiến, các cuộc bắt giữ sẽ không chỉ dừng lại ở những lãnh đạo liên quan đến PVC.

Khi nào đến lượt Đinh La Thăng?

Qua chiêu bài “đả hổ diệt ruồi”, điểm đích mà ông Nguyễn Phú Trọng muốn nhắm đến là uỷ viên bộ chính trị Đinh La Thăng, đương kim bí thư thành uỷ TP.HCM.

Xin được nhắc lại, tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam)

Tại thời điểm xảy ra vụ thua lỗ 3,300 tỷ của PVC, ông Đinh La Thăng khi ấy là chủ tịch Hội đồng thành viên PetroVietnam. Do đó, ông Thăng cũng không thể nói là vô can trong vụ án cấp dưới bị khởi tố tội danh “cố ý làm trái”.

Dù gây thua lỗ tại PetroVietnam, ông Đinh La Thăng vẫn được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa lên giữ chức bộ trưởng bộ giao thông vận tải. Ít lâu sau đó, ông Vũ Đức Thuận thì về làm trợ lý cho ông Thăng với chiếc ghế chánh văn phòng bộ giao thông vận tải. Còn ông Trịnh Xuân Thanh lên làm Vụ trưởng, Chánh văn phòng ban cán sự đảng bộ Công thương.

Bí thư thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng và chủ tịch nước Trần Đại Quang.


Tại đại hội 12, Nguyễn Tấn Dũng dù bị loại bỏ nhưng vẫn thành công trong việc giành lấy một suất uỷ viên bộ chí trị cho Đinh La Thăng. Đây bị coi là một cái gai trong mắt Nguyễn Phú Trọng.

Do đó, nếu muốn loại bỏ hoàn toàn thế lực Nguyễn Tấn Dũng, ông Trọng trước hết cần phải triệt hạ Đinh La Thăng. Lá bài Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận bỗng chốc bị biến thành con tốt thí trong bàn cờ chính trị của những tay chơi đầy thủ đoạn.

Tuy vậy, cuộc đào thoát và phản công ngoạn mục của Trịnh Xuân Thanh cho thấy Đinh La Thăng không chấp nhận nằm yên chịu trận. Dưới sự quân sư của bố già Nguyễn Tấn Dũng, những đòn đánh tới tấp đã được tung ra nhắm thẳng vào uy quyền của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thậm chí, cục diện đã dần thay đổi khi chủ tịch nước Trần Đại Quang đang dần lộ rõ âm mưu “ngư ông đắc lợi” khi các phe phái đánh nhau. Việc bộ trưởng công an Tô Lâm để cho Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn là một ví dụ điển hình, Trần Đại Quang một mặt vẫn âm thầm cứu phe cánh Đinh La Thăng, nhưng sau đó lại quay sang thoả hiệp với Nguyễn Phú Trọng trong vụ bắt giam Vũ Đức Thuận.

Những diễn biến trên cho thấy, trong nội bộ chóp bu CSVN có ít nhất 3 phe phái đang tranh chấp quyền lực, tình trạng loạn lạc sẽ tiếp tục tái diễn với cường độ ngày càng càng khốc liệt hơn. Nguy cơ về một cuộc nội chiến “máu nhuộm lăng Ba Đình” sẽ là điều khó tránh khỏi.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo