Chính trị gia trong chính thể dân chủ và chính trị gia trong chính thể cộng sản - Dân Làm Báo

Chính trị gia trong chính thể dân chủ và chính trị gia trong chính thể cộng sản

Le Nguyen (Danlambao) - Hẳn mọi người chúng ta ai cũng biết mô hình tổ chức của cộng sản là độc tài đảng trị nhưng nhà nước công an trị này luôn rêu rao là nhà nước dân chủ. Thôi thì cứ gọi dân chủ để cho họ vui nhưng phải gọi là dân chủ cộng sản cho dễ phân biệt với dân chủ tư sản.

Thời xa xưa, thuở loài người biết quần cư, biết hợp thành xã hội thì nhu cầu tổ chức được xếp lên hàng đầu, tổ chức để chống ngăn thú dữ, bảo vệ đồng loại trước cuồng nộ của thiên nhiên, của tai trời ách nước và tổ chức để điều hướng cộng đồng, xã hội loài người phát triển. 

Cách tổ chức xã hội loài người theo qui củ, trật tự được gọi là tổ chức cai trị hay nói cách khác là chính trị. Tổ chức cai trị phải có những cá nhân cụ thể tham gia công việc cai trị và những người làm công việc này, được gọi là làm chính trị tức chính trị gia. Hình ảnh chính trị gia cũng ít nhiều thay đổi theo thời gian và tùy thuộc vào mô hình tổ chức cai trị xã hội loài người của lịch sử chính trị.

Lịch sử chính trị nhìn theo mô hình tổ chức cai trị được chia làm ba thời kỳ: thời bộ lạc, thời quân chủ, thời dân chủ và hình ảnh chính trị gia tùy theo thời đại mà trở nên khác biệt.

- Thời Bộ Lạc tổ chức cai trị còn đơn sơ, nhiệm vụ chính trị chưa có gì rõ rệt, chỉ có Tù Trưởng với vài ba thuộc hạ tham gia trực tiếp vào công tác cai trị.

- Thời Quân Chủ tổ chức cai trị có qui mô lớn hơn, khá phức tạp gồm người đứng đầu được gọi là Vua với bá quan văn võ được gọi là triều đình ở trung ương và lãnh địa hay làng xã ở địa phương.

- Thời Dân Chủ tổ chức cai trị có nhiều khác biệt so với thời Bộ Lạc, thời Quân Chủ với nhiều phát minh khoa học kỹ thuật tân tiến, kéo theo nhiều ngành nghề mới ra đời do nhu cầu phát triển xã hội mà các thời kỳ trước chưa có nên mô hình tổ chức cai trị khác xưa, nó phức tạp hơn nhiều.

Nói tóm lại, điều hành tổ chức cai trị xã hội loài người khởi đầu với một người (thời bộ lạc) đến một nhóm người, một giòng họ (thời quân chủ) đến thời nay mọi người dân đều được tham gia tổ chức cai trị tức toàn dân (thời dân chủ) và tất cả mọi thời đại, hình mẫu của người tham gia công tác cai trị, làm chính trị hay còn gọi là chính trị gia đều tập trung vào tài năng, đức độ. Thế nhưng tài năng, đức độ của mỗi dân tộc, mỗi thời đại cũng như phương cách kiểm nghiệm tài, đức của các cá nhân thi hành chính trị, làm chính trị có ít nhiều khác biệt nhất định.

Ở đây trong phạm vi hạn hẹp của bài viết này, chúng ta sẽ không bàn đến gian manh chính trị, đạo đức chính trị hay những mưu mô, xảo thuật tranh đoạt quyền lực chính trị của chính trị gia, của những người làm chính trị đã xảy ra trong lịch sử chính trị và chúng ta sẽ, chỉ sẽ tập trung vào, là làm thế nào để lựa chọn được chính trị gia tài đức phục vụ quốc gia, phục vụ công tác tổ chức cai trị?

Trước khi đi sâu vào nghiên cứu, làm thế nào để có những chính trị gia đúng nghĩa, hợp thời đại phục vụ tổ chức cai trị, chúng ta sẽ sơ lược qua hình ảnh chính trị gia thời bộ lạc, thời quân chủ.

Thời bộ lạc, quân chủ đất đai, cương vực hay lãnh địa thuộc quyền sở hữu của Tù Trưởng hoặc Vua, những cá nhân sống trong đó, chỉ là con dân, con cháu của Tù Trưởng, của Vua nên chỉ sống bên lề đời sống chính trị. Mọi công việc liên quan sinh tử của mọi người sống chung trong xã hội, quốc gia đều do nhóm nhỏ nắm quyền chính trị quyết định, lo lắng. Nếu Tù Trưởng, Vua có tài trị quốc, có đức an dân thì dân được hưởng nhờ, bằng ngược lại người dân phải cam chịu hoặc không chịu đựng được nữa thì vùng lên lật đổ giai cấp cầm quyền, cướp chính quyền và những cuộc thay đổi chế độ đều phải sử dụng sức mạnh bạo lực nên hao tổn rất nhiều xương máu. 

Bạo loạn lật đổ là phương cách duy nhất trong thời bộ lạc, thời quân chủ, không có chọn lựa nào khác nếu muốn thay đổi chế độ! Trong thời đại đó, tài đức đều là tiêu chuẩn không thể thiếu cho người làm chính trị, nhưng người dân không được quyền lựa chọn người tài đức. Nếu không may gặp phải kẻ cầm quyền bất tài vô đức, không vừa ý vẫn không được quyền phản kháng, chống đối chỉ biết cúi đầu cam chịu .

Sang thời đại dân chủ, người dân làm chủ đất nước, làm chủ đời sống của chính mình và người dân được tham gia chính trị, làm chính trị. Thế nhưng có nhiều nước khắp nơi trên thế giới, đã lật đổ nhà nước có Vua, đánh đuổi nhà nước thực dân, thiết lập nhà nước được gọi là của dân, do dân, vì dân tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân? Trong số đó có nhà nước công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tự cho là nhà nước của dân, do dân, vì dân nhưng người dân có được hưởng quyền làm chủ đất nước, làm chủ đời sống của chính mình, có được chọn lựa người tài đức đại diện cho mình lãnh đạo, điều hành đất nước không? Chắc chắn mọi người trong chúng ta đã có câu trả lời!

Để tìm hiểu tài đức của chính trị gia và mức độ dân chủ của nước CHXHCNVN, bằng những so sánh thực tiễn khách quan, khoa học giữa hai mô hình tổ chức cai trị của dân chủ tư sản (chính trị dân chủ đa đảng) và dân chủ cộng sản (chính trị độc tài đảng trị) để chúng ta cùng kiểm nghiệm xem sao?

- Dưới thể chế dân chủ cộng sản, những cá nhân tham gia chính trị, làm chính trị, chính trị gia, đều do đảng cộng sản cơ cấu, tiến cử để dân bầu chọn trong những cuộc bầu cử được gọi là dân chủ, tự do. Chưa kể các ứng cử viên phải qua nhiều vòng hiệp thương do mặt trận tổ quốc chỉ đạo, cơ cấu và mặt trận này là con đẻ hay nói cách khác là tổ chức ngoại vi, tổ chức con của đảng cộng sản Việt Nam. 

Chỉ nêu lên vài điểm thuộc mặt nổi, cái được gọi là bầu cử tự do của nhà nước CHXHCNVN, hẳn ít người chưa hoặc không nhận ra nền dân chủ cộng sản. Dân chủ dưới thể chế này, người dân khi thấy sai trái, bất công, lạm dụng quyền hành của người thi hành công vụ, của chính trị gia phải gửi kiến nghị, phải xin phép, phải chầu chực chờ để được cho phép “xử lý” sai phạm. Cách ứng xử đó Không khác, thậm chí còn tệ hơn thời nô lệ thực dân, thời quân chủ thuở vua làm chủ đất nước, vua là cha mẹ dân.

Về tài đức, các chính trị gia của dân chủ cộng sản thì người dân sống trong nước lẫn các cá nhân sống ngoài nước, tiếp cận thông tin từ lề dân đến lề đảng và những va chạm thực tế của cuộc sống đời thường ngoài xã hội, nhận biết khá rõ. Kể về tài của chính trị gia XHCN thì tài ích nước lợi dân chưa có gì nổi bật lắm nhưng tài dối trá, bạo ác nhuốm đầy máu đồng bào, đồng loại thì khá rõ! Kể về đức của họ than ôi, còn tồi tệ hơn gấp bội phần. Những ai sống trong nước hay những “việt kiều” về nước tiếp cận những tụ điểm ăn chơi, đàng điếm từ bình dân đến cao cấp, sẽ nhận thấy đạo đức các cán bộ, các chính trị gia của dân chủ cộng sản? Chúng đốt tiền như giấy, chúng sống sa đọa trụy lạc, hưởng thụ trên thân xác, trên nỗi thống khổ của đồng bào, đồng loại mình mà dửng dưng, bình thản, lạnh lùng như người không tim óc, như loài thú hoang dại thời thượng cổ. 

- Dưới thể chế dân chủ tư sản, các cá nhân làm chính trị, chính trị gia, tham gia tuyển cử, ứng cử vào bộ máy nhà nước, vào công tác tổ chức cai trị, có nhiều nguồn gốc xuất thân khác nhau. Từ đảng viên các đảng phái chính trị chuyên nghiệp đến các cá nhân chính trị gia hoạt động độc lập, với một số thủ tục lẫn qui định khá đơn giản nhằm bảo vệ tính công bằng, trong sạch cạnh tranh trong tuyển cử tự do. Với hình thức tuyển cử này người dân dễ tiếp cận, dễ tìm hiểu năng lực của các ứng cử viên, nhất là bầu chọn được người đại diện mình tin tưởng, đúng đắn hơn so với cách đảng cử dân bầu trong chế độ dân chủ công sản .

Về tài đức, các chính trị gia dân chủ tư sản tương đối tốt hơn nhiều so với chính trị gia dân chủ cộng sản, dù chưa được tốt hoàn toàn. Nhận xét này là hoàn toàn khách quan, không thiên kiến bên nào và không hề mang tính bầy đàn hay thiên vị. Để chứng thực quan điểm nêu trên, người viết sẽ đưa ra một số luận điểm của mình.

Thứ nhất, bản tính con người cơ bản giống nhau, mọi người đều có thiện - ác, dũng cảm - nhút nhát, cao cả - thấp hèn. Cũng tham, sân, si, cũng hỉ, nộ, ái, ố tràn ngập trong lòng mỗi con người trần tục. Thế thì tại sao chính trị gia dân chủ tư sản lại tài hơn, tốt hơn chính trị gia dân chủ cộng sản? Thật ra thì con người sống bất cứ đâu, dù văn minh hay chậm tiến đều có lòng tham, xấu trong mỗi con người. 

Chính trị gia dân chủ tư sản tài hơn, vì họ luôn luôn phải cạnh tranh để tồn tại, luôn luôn vượt lên chính mình và thực sự được dân bầu chọn chứ không do cơ cấu hoặc do thân thế phe đảng. Về đạo đức họ cũng bỏ xa chính trị gia dân chủ cộng sản, vì luôn luôn bị đối thủ chính trị giám sát cùng với cử tri dòm ngó nên bắt buộc phải tuân giữ chuẩn đạo đức mà dư luận xã hội yêu cầu. Do đó, họ luôn trao dồi tài năng, tuân giữ đức độ để xứng đáng được người dân tín nhiệm bầu chọn làm đại diện, điều hành xã hội và quản trị quốc gia.

Thứ hai, làm chính trị hay muốn trở thành chính trị gia dân chủ tư sản là phải tiết dục và sống “chay tịnh” tự nguyện như một thầy tu, vì mỗi động thái của chính trị gia đều bị giám sát, nên không thể ra, vào “bia ôm, karaoke ôm, cafe ôm... câu lạc bộ dành cho người lớn” nhậu nhẹt say sưa, quậy phá... sống gái trai, mèo mở ngoài hôn nhân được, dù luật pháp các nước dân chủ tiên tiến không cấm nhưng cử tri không chấp nhận người đại diện cho họ, sống buông thả như vậy. 

Thế nên các chính trị gia dân chủ tư sản phải tự biết tiết chế để tiến đến, để đạt được mục tiêu chính trị của mình. Nếu bước ra khỏi làn ranh dư luận xã hội hoặc qui định của luật pháp, họ sẽ trả giá đắc cho hành vi của mình và sự nghiệp chính trị sẽ biến thành mây khói bởi không ai được đứng trên, đứng ngoài luật pháp. Ngoài ra chính tri gia dân chủ tư sản, khi nắm giữ quyền hành nhà nước, phải từ bỏ hoàn toàn quyền lợi, chức vụ, quyền hành ở khu vực tư nhân để tránh xung đột quyền lợi, lạm dụng quyền lực nhà nước, phục vụ quyền lợi bất chánh cho cá nhân, giòng tộc, phe nhóm.

Nói chung, khi đi sâu vào tìm hiểu sinh hoạt lẫn đời sống của chính trị gia dân chủ tư sản của thời hiện đại, người viết thật thán phục, ngưỡng mộ, bởi họ, gần như tất cả các chính trị gia chấp nhận sống giống như thầy tu, gạt bỏ nhục dục thấp hèn, từ bỏ quyền lợi cá nhân, một lòng phục vụ quốc gia, phụng sự xã hội và với tài năng phục vụ chính quyền đó, nếu làm việc ở khu vực tư nhân họ sẽ “được” nhiều hơn, kể cả danh, tiền và tự do tham dự những thú vui nhục dục của cuộc sống đời thường như các thành phần xã hội khác có thể làm được, trừ chính trị gia tự nguyện tránh.

Trở lại hình mẫu của chính trị gia dân chủ tư sản và dân chủ cộng sản, cả hai đều là những con người cụ thể như nhau, có trong tay quyền lực nhà nước như nhau, cùng mục tiêu đề cao giá tri con người và xây dựng nhà nước dân chủ của dân, vì dân, do dân.

Thế nhưng tại sao nhà nước dân chủ công sản, càng kêu gào dân chủ mở rộng, dân chủ tập trung, thực thi dân chủ trong đảng trong nhà nước trong dân thì tiếng kêu cứu gần như tuyệt vọng, ngày càng nhỏ dần, nhỏ dần rồi câm tiếng trong bất lực, chán chường? Riêng nhà nước dân chủ tư sản thì ngày càng hoàn thiện giá trị con người và thực hiện được nhà nước của dân, do dân, vì dân?

Nguyên nhân nào, hai nhà nước nhà nước “thời dân chủ” đưa đến kết quả khác nhau? Tất cả đều do mô hình tổ chức cai trị, do hệ thống tổ chức nhà nước, do thể chế chính trị sinh ra.

Qua thời gian dài thử thách, thực thi trong cai trị, mô hình nào đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ điều hướng xã hội loài người phát triển theo nhịp điệu ổn định, trật tự, điều hoà và phát huy, bảo đảm được quyền dân làm chủ đất nước, làm chủ đời sống của chính mình.

Chắc chắn mọi người đều biết và các chính trị gia trong hai thể chế dân chủ tư sản và cộng sản, với mô hình tổ chức khác nhau nên khiến cho chính trị gia dân chủ tư sản “muốn xấu cũng khó”, nhờ hệ thống tổ chức cai trị tạo điều kiện cho đảng đối lập, cho người dân giám sát quyền lực nhà nước và kiểm soát quyền hạn của chính trị gia.

Phần chính trị gia dân chủ cộng sản “muốn tốt cũng không dễ” vì không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, vì đảng lãnh đạo đứng trên, đứng ngoài luật pháp và các chính trị gia đa phần do đảng cộng sản sinh ra với bản chất “tao là luật” nên tất cả đúng -sai, tốt-xấu không theo qui luật tự nhiên, thường tình mà phát sinh từ hệ thống tổ chức cai trị, hệ thống quản lý nhà nước “bất bình thường”của chính nó nên chính trị gia cộng sản muốn tốt cũng không dễ.

1.10.2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo