Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sẵng (Danlambao) - Trong bài "Tập Cận Bình Phát Điên vì Donald Trump" tôi có trích: "Theo Le Monde, Bắc Kinh bắt đầu nhận ra rằng quả thực ông Trump rất bị ảnh hưởng của các học giả hay chính khách trong đảng Cộng Hòa rất có ác cảm với sự vươn lên của Trung Quốc. Một ví dụ được tờ báo Pháp nêu bật là ông Peter Navarro, cố vấn cho ông Trump về các vấn đề thương mại trong chiến dịch vận động tranh cử.” Ông Navarro 67 tuổi là giáo sư kinh tế tại đại học Irvine, California đang được Tổng Thống Trump bổ nhiệm chức vụ cố vấn trưởng hội đồng mậu dịch quốc gia thuộc Toà Bạch Ốc, theo nhà báo Eric Beech cho biết.
Ông là tác giả quyển sách “Death by China” (chết dưới tay Trung Quốc) cùng một số đầu sách về kinh tế, đầu tư, trong đó cuốn nầy dựng thành phim tài liệu diễn tả Trung Quốc là mối đe doạ cho nền kinh tế Hoa kỳ và Bắc Kinh có tham vọng trở thành cường quốc vượt trội về kinh tế và quân sự ở Châu Á.
Tổng Thống Trump đã đề cao ông Navarro như là nhà kinh tế có “viễn kiến” người có khả năng kiến tạo chánh sách mậu dịch giúp làm giảm bớt thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ và làm tăng trưởng kinh tế, đồng thời ngừng “chảy máu công việc” ra nước ngoài, ngăn chận việc đánh cắp tài sản trí tuệ.
Sự bổ nhiệm nầy được sự tán thành của một số kinh tế gia như ông Marcus Noland, kinh tế gia của viện kinh tế thế giới Peterson, ông Wilber Ross, người được ông Trump bổ nhiệm vào chức vụ Bộ Trưởng Bộ Thương Mại.
Ông Navarro đề nghị nên tiến gần với Đài Loan, kể cả việc giúp nước nầy phát triển chương trình tàu ngầm. Ông cũng đề nghị Washington đừng nhắc đến chánh sách “một nước Trung Hoa”, chúng ta không cần thiết phải chọc “con gấu trúc”.
Trong lúc vận động tranh cử, ông Trump nhấn mạnh đến việc mậu dịch và coi đó là trọng tâm của chánh sách, vì vậy ông tuyên bố hủy bỏ những hiệp ước thương mại như Hiệp Ước Mậu Dịch Tự Do Bắc Mỹ, NAFTA và Hiệp Ước Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương, TPP. Theo ông, những hiệp ước nầy chỉ làm suy yếu cơ cấu sản xuất, suy yếu khả năng tự bảo vệ cũng như bảo vệ đồng minh của Hoa Kỳ. Ông Trump nói sẽ đàm phán lại hiệp ước NAFTA với Mễ Tây Cơ và Canada vì Mỹ mất nhiều công việc làm bởi hiệp ước nầy.
Trong khi bên bờ đông Thái Bình Dương, Tổng Thống Trump cử ông Navarro làm cố vấn trưởng hội đồng mậu dịch quốc gia thuộc Toà Bạch Ốc, thì bên bờ tây Thái Bình Dương nổi lên trận giặc mồm của giới truyền thông lề phải Trung Cộng, họ lo ngại việc bổ nhiệm ông Navarro vào chức cố vấn về mậu dịch, họ coi đây là một thách thức của ông Trump.
Theo tường thuật của ký gỉa Carlos Barria, Reuters, ngày 21 tháng 12 ông Bộ Trưởng bộ Thương Mai Trung Cộng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mậu dịch Trung - Mỹ đã mang lại lợi ích chung cho cả hai quốc gia, và ông cảnh báo hành động của chánh quyền Washington có thể làm phương hại mối liên hệ của hai bên.
Họ cho rằng “người như Navarro có cái nhìn thiên lệch chống lại Trung Cộng, sự chọn lựa người lãnh đạo trong chính quyền tương lai không phải chuyện đùa”. Lời tuyên bố được đăng trong bài xã luận của tờ China Daily hôm thứ Sáu.
Tờ báo còn thêm rằng “chánh quyền tân cử phải nhớ rằng sự kết hợp về kinh tế, mậu dịch giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới hiện đang chặt chẻ hơn bao giờ hết, những hành động làm phương hại đến mối quan hệ cùng có lợi sẽ gây thiệt hại cả hai bên”. Ông nhấn mạnh rằng “sự phối hợp giữa hai quốc gia là sự lựa chọn duy nhất”.
Phát ngôn viên của bộ Thương Mại, ông Shen Danyang nói trong cuộc họp báo tại Beijing hôm thứ Sáu rằng “Mỹ sẽ tiếp tục thấy rằng cả hai bên đều được lợi trong quan hệ mậu dịch với Trung Cộng, và nên tiếp tục phương cách hợp tác sâu sắc hơn”.
Ông tiếp “bất luận sự thay đổi nào trong chánh quyền, dù là Tổng Thống, hay Bộ Trưởng Thương Mại, hoặc Viên Chức Mậu dịch, vấn đề lợi ích giữa hai nước quan trọng hơn sự khác biệt” “Mỹ phải cẩn thận, đừng lập lại lỗi lầm” ông Shen tuyên bố.
Shen lên giọng “chúng tôi chống lại ý niệm bắt người khác uống thuốc trong khi chính mình bị bịnh. Vấn đề nầy đã xảy ra trong quá khứ và có thể tái diễn trong tương lai”.
Tờ báo của đảng cộng sản Trung Cộng, tờ Nhân Dân Nhật Báo, trong phần bình luận, tuyên bố “ông Trump chọn ông Navarro không mang ý nghĩa tích cực” “Trung Quốc phải nhận diện sự thật rằng chánh quyền Trump vẫn giữ thái độ không thoả hiệp, chúng ta không nên hoang tưởng, mà phải chuẩn bị đầy đủ để đối phó với sức ép của họ”.
Tờ báo tiếp “Trung Quốc đủ sức chống lại chánh quyền Trump, Bắc Kinh sẽ quen dần với sự căng thẳng của hai nước. Nếu Washington có gan thách thức với quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc, Bắc Kinh không sợ, chúng tôi sẳn sàng, làm áp lực bắt Mỹ phải tôn trọng chúng tôi”. (Ben Blanchard và Elias Glenn tường trình).
Thắt chặt mậu dịch thường bị Tàu tìm cách trả đũa lại. Điều nầy đang xảy ra khi họ cáo buộc hảng xe General Motor của Mỹ đã độc quyền gía. Và mức phạt có thể lên đến 28.94 triệu đô la Mỹ.
Theo tờ Time ngày 14/12/16 thì chánh sách cứng rắn về mậu dịch và an ninh với Trung Cộng là ưu tiên cao nhất của chính phủ Trump. Theo ông, an ninh là nền tảng để bảo vệ quyền lợi quốc gia, làm yên lòng đồng minh, giữ vững những qui ước quốc tế mà nền thương mại toàn cầu cần đến. Mậu dịch là cổ máy làm thế giới thịnh vượng và bền vững. Quan niệm đó được mô tả trong 4 điểm then chốt sau đây:
1. Chúng ta phải nhìn thấy và xây dựng vấn đề an ninh. Phải cũng cố, làm vững mạnh; bảo vệ an ninh những đồng minh trong khu vực như Nhật, Nam Hàn, Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan, Phi Luật Tân. Họ có hiệp ước an ninh với chúng ta; Việt Nam, Mã Lai, Ấn Độ và một số khác là bạn chúng ta.
2. Vấn đề thứ hai là điện toán toàn cầu, bao gồm việc đánh cắp kỷ thuật quốc phòng, thương mại, đánh cắp thông tin tài chính.
3. Chúng ta cần nền mậu dịch hùng mạnh, mậu dịch và ngoại giao. Đó là cách tốt nhất để khuyến khích các nước tôn trọng qui ước quốc tế. Mậu dịch hùng mạnh sẽ là chìa khóa để khuyến khích Trung Cộng tôn trọng luật lệ quốc tế về biển. Có thể sẽ tái thương thuyết về TPP.
4. Mỹ sẽ bình tĩnh nhưng cứng rắn bắt (Trung Cộng) phải tuân thủ luật quốc tế về quyền tự do hàng hải trong vùng biển Hoa Nam và những vùng quan yếu ở Thái Bình Dương. Mỹ sẽ xác nhận tuân thủ công ước quốc tế về luật biển.
Tuần rồi chiếc tàu tự hành (drone) của Mỹ bị hải quân Trung Cộng đánh cắp. Bộ quốc phòng Mỹ đòi Trung cộng trao trả lại vì tàu chỉ làm việc khảo sát khoa học ở ngoài vùng chủ quyền của Trung Cộng. Hai bên thoả thuận sẽ trả và nhận. Nhưng ông Trump lại tuyên bố là “Mỹ không cần nhận lại và Trung Cộng cứ giữ nó”.
Thông thường người ăn cắp hứa trả lại vật bị cắp và người chủ chịu nhận lại thì coi như vụ việc giải quyết xong. Nhưng ông Trump nầy lại “kỳ dị”, không thèm nhận lại. Có lẽ chúng ta cũng cần hỏi tại sao? ông nầy có dụng ý gì mà không chịu nhận? Ông là doanh nhân già dặn, khôn ngoan trên thương trường, có thể ông đoán rằng khi Trung Cộng lấy chiếc tàu lên thế nào họ cũng sao chép kỹ thuật rồi thì nhận lại làm gì. Và không nhận tức là bên ăn cắp còn mang món nợ chưa thanh toán. Vì là nhà kinh doanh nên ông có thể biến món nợ nầy thành vốn để trao đổi gì trong tương lai chăng? Không ai đoán nổi ý ông muốn gì? nhưng chắc chắn ông không phải là người ăn nói, làm việc bốc đồng như một số người tưởng. Dĩ nhiên, ông có lúc cũng sai lầm.
Thế giới đang nóng lòng chờ xem vị Tổng Thống thứ 45 của Hoa Kỳ sẽ làm gì trong bốn năm tới.