Nhưng có thực sự quyết tâm hay không?
The Economist - CTV Danlambao lược dịch - Khi Rex Tillerson, người được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm vào chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ rằng Mỹ phải ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các căn cứ đã được Trung Quốc xây dựng trên các rạn san hô đang tranh chấp và các đảo ở biển Đông, nhiều giả định cho rằng ông ta chỉ nói qua loa nhằm gây ấn tượng với các dân biểu về lập trường cứng rắn của ông. Tuy nhiên, tại một cuộc họp báo vào ngày 23 tháng 1, phát ngôn viên của tân tổng thống đã tuyên bố tương tự. Đây không phải chỉ là thái độ giật thót mình của Trung Quốc khi bắt đầu tự hỏi liệu ông Trump có cố tình leo thang quân sự một cách đáng kể đối với Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo, Sean Spicer, thư ký báo chí của ông Trump, được hỏi là ông ta có đồng ý với những nhận xét của ông Tillerson. Ông trả lời: "Câu hỏi đặt ra là nếu những hòn đảo này trên thực tế thuộc vào vùng biển quốc tế và không phải là một phần của Trung Quốc, nếu vậy thì đúng, chúng tôi sẽ bảo đảm rằng chúng tôi sẽ bảo vệ vùng lãnh thổ quốc tế đang bị xâm chiếm bởi một quốc gia."
Chắc chắn là có những cơ sở vững chắc cho việc phản đối Trung Quốc đã trục xuất những lực lượng của các quốc gia láng giềng ra khỏi các đảo và đá ngầm, cũng như việc gia tăng sức mạnh hải quân, và hơn hết là việc xây dựng những đảo nhân tạo. Tháng Bảy năm ngoái, tòa án quốc tế đã kết án những "tuyên bố lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông và kết luận đây là những tuyên bố bất hợp pháp. Tòa cũng tuyên bố "đường Lưỡi Bò" của Trung Quốc bao phủ hơn 1, 500km vùng biển từ bờ biển Trung Quốc là không có tư cách pháp nhân theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển mà Trung Quốc là một bên ký kết. Tòa án cũng bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc đối với vùng lãnh hải quanh các bãi đá chỉ có thể nhìn thấy chỉ khi thủy triều thấp mà Trung Quốc đã xây dựng. Tòa quốc tế cũng chỉ trích Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines, quốc gia có 200 hải lý (370 km) vùng đặc quyền kinh tế bao gồm một số các bãi đá bị Trung Quốc tranh chấp, và là nơi mà các tàu Trung Quốc đã ngăn cản Philippines đánh cá và thăm dò dầu.
Trung Quốc tuyên bố thẳng thừng rằng sẽ không công nhận phán quyết của tòa quốc tế. Thay vào đó, kể từ sau phán quyết, Trung Quốc đã gia tăng sự hiện diện tại vùng biển nói trên. Ví dụ như Trung Quốc đã xây dựng cơ sở trú ngụ cho các máy bay chiến đấu trên một số hòn đảo, bất chấp những cam kết sẽ không quân sự hóa của mình. Vào tháng 12, hải quân Trung Quốc đã bắt giữ một công cụ không người lái dưới nước được phóng đi từ một tàu nghiên cứu của hải quân Mỹ cách Subic Bay của Philippines khoảng 50 hải lý. Trung Quốc từ lâu đã bực bội việc tuần tra hải quân (vốn hoàn toàn hợp pháp) và hoạt động giám sát của Hoa Kỳ gần bờ biển của Trung Quốc.
Có lý do chính đáng để để đứng lên chống lại hành động bành trướng của Trung Quốc. Nhưng các phương tiện truyền thông của Trung Quốc cũng đúng khi họ nói rằng một cuộc phong tỏa các hòn đảo sẽ được hiểu như là một hành động khiêu chiến. Các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực cũng không muốn một cuộc leo thang quân sự. Philippines cũng đã có chính phủ mới sau khi đưa đơn kiện đến tòa án. Tổng thống mới, ông Rodrigo Duterte đã cho biết ông sẽ dẹp phán quyết của tòa sang một một bên. Nước Úc, đồng minh quân sự thân cận nhất của Mỹ ở châu Á, đã đứng xa lập trường của chính quyền Trump. Và, trong một sự thay đổi đột ngột về đường hướng, Việt Nam, một quốc gia vốn lớn tiếng chỉ trích các tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc, gần đây cho biết sẽ giải quyết song phương các tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc - như Trung Quốc muốn.
Qua nhiều thập niên, đường lưỡi bò đã trở thành ý thức khắc sâu trong trái tim của người dân Trung Quốc. Đường lưỡi bò đã có trên bản đồ, treo trên tường của gần như tất cả lớp học, được tái bản trong tất cả hộ chiếu Trung Quốc. Đối mặt với một cuộc phong tỏa, Trung Quốc sẽ không hạ mình một cách dễ dàng.
Không rõ liệu ông Trump ủng hộ các biện pháp vốn vẫn còn mơ hồ mà Tillerson và Spicer phác thảo ra. Nhưng thật khó để giả vờ rằng không có sự thay đổi trong thái độ của chính quyền Donald Trump đối với Trung Quốc. Ông Trump đã nghiêng về Đài Loan, đã phá vỡ điều cấm kỵ đối với chính sách "một nước Trung Quốc" và dường như đã chọn một cuộc chiến thay vì tranh chấp với Trung Quốc qua lãnh vực ngoại thương. Tất cả bắt đầu cho một âm hưởng khá thù địch mặc dù hai cường quốc này vốn phụ thuộc lẫn nhau một cách sâu sắc. Tuy nhiên, nếu những tuyên bố cứng rắn về Biển Đông không được được tiếp nối bằng hành động thì sự tín nhiệm đối với Hoa Kỳ sẽ bị tổn thương.
Ông Bill Hayton, một chuyên gia về Biển Đông tại Chatham House, một think-tank ở London, cho rằng các tuyên bố cứng rắn vừa qua có một mục tiêu hẹp hơn, là ngăn chận Trung Quốc xây dựng trên bãi cạn Scarborough - một tập hợp của các rạn san hô gần Philippines, nơi mà Trung Quốc đã đuổi hải quân Philippines vào năm 2012. Một căn cứ ở đó, cộng thêm với những căn cứ khác đã được Trung Quốc xây dựng trong quần đảo Hoàng Sa ở phía tây và quần đảo Trường Sa ở phía nam, sẽ cho phép Trung Quốc thống trị vùng biển Đông. Vào năm ngoái, chính quyền Barack Obama được cho là đã cảnh báo Trung Quốc rằng Mỹ sẽ ngăn chặn bất kỳ nỗ lực xây dựng nào của Trung Quốc. Do đó, có thể cho rằng ông Tillerson chỉ đơn giản tái khẳng định chính sách đã có một cách thẳng thắn hơn.
Liệu chính sách này sẽ thành công? Có lẽ. Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã ngừng xây dựng các đảo từ vài tháng trước đây. Quan hệ mới của Trung Quốc với Philippines chống lại mọi hành động xây dựng mang tính khiêu khích trên bãi cạn Scarborough. Bên cạnh đó, chủ tịch của Trung Quốc là Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng năm 2017 sẽ là một năm của sự ổn định, do đó, ông hầu như không có khả năng đối diện một cuộc khủng hoảng ở Biển Đông. Tuy nhiên, những tuyên bố mới nổi lên của ông Trump cũng đã cho Trung Quốc một cái cớ để thực hiện những gì mà Trung Quốc đã cam kết sẽ không tiến hành và sẽ củng cố toàn diện các đảo mà Trung Quốc đã bỏ ra nhiều năm để kiến tạo.
Nguồn:
Lược dịch: