Sài Gòn
Trong bài diễn văn nhậm chức vào tháng Một 1961, Tổng thống Kennedy đã miêu tả thử thách của thập niên 1960 "...không phải lời kêu gọi cầm vũ khí, dù chúng ta cần vũ khí-không phải lời kêu gọi chiến đấu, dù chúng ta đang lâm chiến-mà lời kêu gọi gánh vác gánh nặng của cuộc đấu tranh dài tranh tối tranh sáng, hết năm này sang năm khác..."
Tôi nghĩ Việt Nam bây giờ đang thật sự hiện ra từ cảnh tranh sáng tranh tối ấy, nhưng những lời của Tổng thống Kennedy tuy nhiên quan hệ trực tiếp đến chính sách Mỹ ở đấy. Vì, ở Nam Việt người Việt và chính chúng ta đang lâm chiến thực sự. Chúng ta cầm vũ khí-nhưng chúng ta cũng gánh vác gánh nặng tế nhị hơn và cuối cùng sinh tử hơn: làm cho nhân dân Việt Nam hiểu rằng sự bình an và hạnh phúc của họ là ở chính quyền Nam Việt. Cho nên Việt Nam tiêu biểu về cả hai phương diện của cuộc đấu tranh mà Tổng thống Kennedy đã nói đến. Nhưng Việt Nam cũng độc nhất ở chỗ đây là nơi duy nhất trên thế giới ngày nay nơi người Mỹ chịu hỏa lực cộng sản.
Trung Cộng muốn biến toàn cõi Việt Nam thành nước chư hầu. Chắc chắn kẻ thù tên là "Việt Cộng", và nhiều người của Việt Cộng được tuyển mộ ở Nam Việt. Nhưng quân nhu và những kẻ chỉ đạo cuộc chiến tranh là từ Bắc Việt. Hồ Chí Minh, nhà cai trị Bắc Việt, là người ra lệnh cho Việt Cộng chiến đấu nhưng giá như ông muốn, chắc chắn ông cũng sẽ rất khó mà ngừng chiến tranh ở Nam Việt, vì Trung Cộng sẽ ra sức dùng đủ mọi cách để bắt ông phải tiếp tục đánh. Tuy nhiên ảnh hưởng của Trung Cộng đối với Bắc Việt có thể suy yếu. Ngày nào đấy Bắc Việt có thể không lệ thuộc vào Bắc Kinh như Nam Tư ngày nay không lệ thuộc vào Mạc Tư Khoa. Tuy nhiên điều ấy sẽ rất khó.
Chỉ riêng quyền lợi của Tàu không thôi cũng đủ khiến cho Việt Nam trở thành quan trọng. Nhưng có thêm những lý do khác. Về mặt địa lý, Nam Việt là nơi quan trọng nhất đối với toàn bộ vùng Đông Nam Á, trung tâm của khu vực mà phía đông bắc và phía đông giáp giới với Đài Loan và Philippines, phía nam với Indonesia và phía tây với Miến Điện. Kiểm soát được Nam Việt sẽ đặt cộng sản vào ngay chính giữa Đông Nam Á- từ đấy họ có thể tỏa ra khắp nơi.
Sông Mekong, một trong mười con sông lớn nhất thế giới, bắt nguồn từ miền núi Tây Tạng chảy vào đồng bằng phì nhiêu ở cuối miền nam Việt Nam. Đồng bằng này là vựa lương thực rất trù phú-và Châu Á còn biết bao hàng triệu người đói. Cho nên sở hữu đồng bằng này có tầm quan trọng rất lớn.
Xâm chiếm Nam Việt ngay lập tức sẽ gây ra biến động ở Cambodia và Lào, và tạo ra những hậu quả trầm trọng xa hơn về phía tây ở Thái Lan và Miến Điện. Nó sẽ làm rung chuyển Malaysia về phía nam. Chắc chắn nó sẽ đe dọa Indonesia. Rồi, nếu Indonesia không thể hay không muốn chống lại, Trung Cộng sẽ ở bên thềm cửa Úc. Cuối cùng, về phía đông, hậu quả sẽ nghiêm trọng cho Philipines và cho Đài Loan.
Vì thế, khi chúng ta nói về Đông Nam Á, chúng ta không nói về địa phương nhỏ bé nào đấy mà về khu vực dài độ 3700 km từ bắc đến nam và rộng 4800 km từ đông sang tây, với gần 240 triệu người.
Và, nếu Trung Cộng dùng Bắc Việt làm bình phong để chiếm Nam Việt thì các nước cộng sản tin so với cách của Khrushchev chính sách hiếu chiến của Tàu chứng tỏ đúng. Điều này cũng được coi là thể hiện sự bất lực hay thiếu ý chí của Hoa Kỳ trong việc ngăn cản cộng sản xâm lược.
Về dư luận Mỹ, việc mất Nam Việt, cùng với sự suy yếu của toàn bộ Thế giới Tự do ở Đông Nam Á, sẽ có hậu quả đáng ngại, và nhiều người sẽ lên tiếng đòi chúng ta khước từ trách nhiệm với thế giới-bỏ mặc thế giới- để rút lui về "Pháo đài Mỹ" của chúng ta, để sẵn sàng cho cuộc chiến tranh với hỏa tiễn điều khiển từ xa.
Mất mát lớn nhất ở đây là nhân dân Việt Nam vốn nhẫn nhục và yêu chuộng tự do. Bản chất lịch sử dân tộc họ là mối ác cảm từ ngàn xưa đến nay của họ với sự đô hộ của Tàu hay bất kỳ hình thức chủ nghĩa thực dân nào. Bỏ rơi dân tộc như thế là cú đấm thẳng và chí tử vào lòng tin của các nước tự do và không liên kết dành cho Mỹ hiện nay.
Tầm quan trọng của nơi này và nhân dân này đã được các Tổng thống Eisenhower, Kennedy và Johnson thừa nhận. Theo nghĩa cao quý nhất, tầm quan trọng ấy đã được 127 người Mỹ tử trận ở Việt Nam từ năm 1959 thừa nhận, và cũng được 82 nhân viên quân sự Mỹ khác thừa nhận, những người mà đã chết ở đấy do tai nạn, tự nhiên và bệnh liên quan đến phục vụ. Chúng ta mãi mãi mang ơn họ. Họ đã dâng hiến đời mình ở nơi mà có quan hệ rất nhiều với quyền lợi sống còn của Hoa Kỳ trước đây và hiện nay.
Trong khi ấy, chúng ta không được chán nản dễ dàng. Một vốn quý cộng sản có chính là kiên nhẫn mù quáng. Khi được bảo rằng phải mất 50 năm mới thành công họ không khiếp sợ
Trong cuộc đấu tranh liên quan rất mật thiết đến Trung Cộng không có những con đường tắt trung lập hay không trung lập nào. Vì vậy Việt Nam không phải là vấn đề mà có thể được "chuyển giao" cho hội nghị Geneva hay Liên Hiệp Quốc. Ở giai đoạn bao khó khăn và nguy hiểm này, đối với cả Việt Nam và Mỹ, không có gì thay thế vũ lực và quyết tâm dùng vũ lực, mặc dù giải pháp hoàn toàn cho vấn đề này không thể nào được đạt đến chỉ bằng phương tiện quân sự.
Vì vậy người Mỹ chúng ta phải làm tròn vai trò của mình, tiếp tục ưu việt trong những lĩnh vực chúng ta đã ưu việt. Và chúng ta phải trở nên ưu việt trong những lĩnh vực cộng sản bây giờ đang dẫn đầu chúng ta. Sự ưu việt này của họ có thể tóm tắt trong mấy từ "kiên nhẫn và kiên trì" và trong sự thật rằng họ không sao lãng khía cạnh chính trị-tâm lý của cuộc đấu tranh.
Như vợ John Adams bảo ông vào năm 1776, chúng ta nên cố gắng mỗi lần khắc phục một trở ngại, và đừng ngã lòng trước sự to lớn hay số lượng của những trở ngại ấy. Nhiều điều đã được cho là "bất khả", bà nói, mà trở nên dễ dàng cho những ai biết cách lợi dụng thời gian, cơ hội, thời cơ, và sai lầm của người khác.
Ở Liên Hiệp Quốc tôi thường nhận thấy cộng sản nghĩ họ có thể trông mong vào sự nản lòng và thiếu kiên nhẫn của Mỹ. Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Bắc Việt, nói rằng ông không cần phải vội vì ông chắc chắn Mỹ sẽ không còn quan tâm đến cuộc đấu tranh. Chúng ta phải chứng tỏ ông sai.
Chiến tranh ở Việt Nam là mối quan tâm của chúng ta. Nó không phải là cuộc chiến mà Việt Nam có thể tự mình giải quyết vì những lực lượng bên ngoài can dự rất sâu. Giá như không vì những lực lượng này, ở Việt Nam sẽ chỉ có bọn cướp và hải tặc vốn đã tồn tại từ lâu mà lực lượng địa phương có thể đương đầu. Xét tầm quan trọng quốc tế của cuộc đấu tranh, phải chăng phi lý khi Mỹ tiêu ở Việt Nam trong một năm gần bằng phí tổn đóng một hàng không mẫu hạm? Và phải chăng phi lý khi chúng ta ở lại Việt Nam bất luận trong thời gian bao lâu để chắc chắn rằng khu vực này có thể sẵn sàng đương đầu không sợ hãi với ngoại xâm?
Lịch sử thường chứng thật rằng mỗi khi Trung Hoa thống nhất, nó trở thành đế quốc. Sử ghi lại một trường hợp vào thế kỷ thứ 13, người Việt phải mất gần 40 năm mới dẹp được Mông Cổ. Nhưng bây giờ con lắc của lịch sử điểm nhịp nhanh hơn, chúng ta sẽ không mất đến 40 năm, hay 30 năm, hay 20 năm để ổn định Đông Nam Á. Có thể mất hơn một hay hai năm. Nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên thấy đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn sạch bóng lực lượng du kích cộng sản vào cuối năm 1965. Nếu chúng ta chờ cơ hội, nếu chúng ta lợi dụng cơ hội, và nếu chúng ta có chút may mắn thì Việt Nam chắc chắn sẽ ở vào tư thế không bao giờ cần phải sợ thua dù trên chiến trường hay trên bàn hội nghị.
Nếu chúng ta ở Mỹ vẫn kiên trì thì viễn cảnh tốt đẹp. Nếu chúng ta ở Mỹ thiếu kiên nhẫn và dễ chán nản thì viễn cảnh xấu đi. Lời giải một phần ở Việt Nam, nhưng một phần cũng ở Mỹ.
Henry Cabot Lodge là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Cộng Hòa (1963-1967).
Nguồn:
Trích dịch từ tạp chí Life số ra ngày 17 tháng Tư 1964, trang 38D-38F. Tựa đề tiếng Anh "How The World's Hottest Spot Looks To Me". Tựa đề tiếng Việt của người dịch.
Bản tiếng Việt: